Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ năm 2015 và nguồn vốn FDI

Kinh tế Ấn Độ năm 2015 và nguồn vốn FDI

Theo báo cáo về đầu tư thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Ấn Độ lần đầu tiên đã lọt vào nhóm 10 địa điểm thu hút đầu tư lớn nhất thế giới trong năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm 2014 đạt 34 tỷ USD, tăng 22% (so với 28 tỷ USD của năm 2013), chiếm 83,5% tổng FDI 41,2 tỷ USD vào khu vực Nam Á, bao gồm cả Hiệp hội các nước Nam Á vì Hợp tác khu vực (SAARC).

05:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

FDI vào Trung Quốc là 129 tỷ USD, Mỹ là 92 tỷ USD, Hong Kong là 103 tỷ USD, tiếp đến là Anh, Singapore, Brazil, Canada, Australia và Hà Lan. Báo cáo của UNCTAD dự đoán FDI vào Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 nhờ dự báo nền kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh.

Mô hình phát triển mà Ấn Độ đã áp dụng từ năm 1991 là ưu tiên tiêu thụ nội địa thay vì tập trung phục vụ xuất khẩu. Đóng góp lớn nhất cho sự chuyển đổi cơ cấu đưa Ấn Độ tăng trưởng nhanh là ngành IT tăng từ 4,8 tỷ USD năm 1997 lên 118 tỷ USD năm 2014, trong đó xuất khẩu đạt 99 tỷ USD. Sự phát triển của Ấn Độ là 7% trong suốt hai thập kỷ qua giúp GDP của Ấn Độ năm 2014 đã đạt trên 2.000 tỷ USD.

Trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 16% thời gian qua, FDI vào Ấn Độ vẫn tăng 74% trong tháng 8/2015 so với cùng kỳ năm 2014 - Thứ trưởng Bộ Công Thương Amitab Kant cho biết. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng cho những dự báo lạc quan về tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015. Tháng 4/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát động nhiều chiến dịch như "Make in India", "Skill India", "Digital India"… nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế tạo, phát triển kỹ năng và khai thác nguồn nhân lực dồi dào trong nước. Chính phủ đề ra mục tiêu tạo ra 100 triệu việc làm mới vào năm 2022.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm tài khóa 2015-2016 là khoảng 7,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7,2% và sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2017. Ấn Độ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm với tốc độ được đánh giá là nhanh nhất thế giới về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), đứng thứ 55 trong 125 nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ Ấn Độ cần phải đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực như chính sách thuế, luật lao động, cơ sở hạ tầng… Theo Financial Times thì trong nhiều năm qua, Ấn Độ đứng thứ 5 về đầu tư vốn, sau Trung Quốc, Mỹ, Anh và Mexico. Trong năm tài khóa 2014, khi mà hầu hết các thị trường thu hút FDI hàng đầu bị suy giảm thì Ấn Độ vẫn có mức tăng trưởng FDI tốt nhất (47%). Tháng 6/2015, FDI là 30 tỷ USD so với 12 tỷ USD năm 2014. Nằm trong top 10 nước thu hút FDI trong nửa đầu năm 2015 còn có Anh (16 tỷ USD), Mexico (14 tỷ USD), Indonesia (14 tỷ USD), Việt Nam (8 tỷ USD), Tây Ban Nha (7 tỷ USD), Malaysia (7 tỷ USD) và Australia (7 tỷ USD).

FDI là nguồn tài chính không phát sinh nợ cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ để tận dụng lợi thế của mức lương khá thấp, ưu đãi đầu tư, đặc biệt như miễn giảm thuế… Năm 2015, sự gia tăng dòng vốn FDI chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ.Trong cơ sở hạ tầng, dầu khí, khai thác mỏ và viễn thông đã chứng kiến dòng vốn FDI cao nhất, giúp cán cân thanh toán của Ấn Độ và giá trị của đồng rupee được ổn định. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Moody's Investors Service dự báo tăng trưởng GDP Ấn Độ là 7,5% trong năm 2016, do cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, giá lương thực thấp và cải cách chính sách tốt. Theo United Nations, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2015 và ở mức 7,7% năm 2016. Theo ông Jayant Sinha, Bộ trưởng Tài chính, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 7 - 9% và GDP bình quân đầu người sẽ đạt 4.000 - 5.000 USD trong một thập kỷ tới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Với những thách thức hiện nay của Ấn Độ, Thủ tướng Modi hiện đang ưu tiên hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm phát triển nền kinh tế theo công nghệ cao, như vậy, cần một lực lượng lao động tiên tiến cũng như hiện đại hóa xã hội - cả hai đều phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Đây là những việc quan trọng mà Thủ tướng Ấn Độ đang thực hiện.

Việc thu hút một lượng lớn FDI, Ấn Độ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động đầu tư nước ngoài như: biến động kinh tế, chính trị và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, đây là một tác nhân lớn đe dọa tới sự phát triển bền vững của quốc gia này. Vì vậy, Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút phát triển các ngành năng lượng sạch, ngành công nghiệp xanh - Ấn Độ là một trong năm thị trường năng lượng gió lớn nhất trên thế giới - và kiên quyết từ chối đối với những dự án FDI gây hại tới môi trường. Điều này chứng tỏ Ấn Độ rất lựa chọn dự án đầu tư nước ngoài và hướng phát triển kinh tế này cũng là bài học cho các nền kinh tế đang phát triển khác để xây dựng một nền kinh tế bền vững trong tương lai. Đây là quốc gia có thị trường nội địa lớn và nguồn lao động giá rẻ. Nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á này đang có nhiều cơ hội đón nhận đầu tư nước ngoài, đến cuối tháng 3/2015 đã có gần 31 tỉ USD FDI vào Ấn Độ, từ tháng 4 đến tháng 6/2015 là 9,5 tỉ USD FDI. Hiện nay, tiêu dùng của Ấn Độ là một thế mạnh khi nhu cầu các nước đều giảm. Điều này đang giúp cho ngành sản xuất tăng cao, phát triển công nghiệp và nền kinh tế Ấn Độ không phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Vì thế, Ấn Độ có nhiều lý do để lạc quan về sự phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc IMF, Bà Christine Lagarde, từng dự báo, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc. Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, hiện số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, Ấn Độ đã giành lại danh hiệu quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới từ Trung Quốc trong năm 2014, mặc dù nhu cầu vàng tại quốc gia nay vẫn giảm so với năm trước. Và Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022, hứa hẹn nguồn lao động dồi dào và lượng tiêu thụ nội địa vững chắc. Trong danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới mà trang Business Insider đưa ra dựa trên dự báo của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu đã nêu tên Ấn Độ trong số 13 nước được nhắc tới.

(Theo review.siu.edu.vn)

Nguồn:

Cùng chuyên mục