Kinh tế Ấn Độ sẽ duy trì sự vững mạnh bất chấp tăng trưởng toàn cầu bị kìm hãm
Nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ lành mạnh bất chấp những điều kiện toàn cầu đầy thách thức, theo bản Cập nhật Phát triển Ấn Độ mới nhất của Ngân hàng Thế giới: Các cơ hội thương mại của Ấn Độ trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu hàng hóa trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, Ấn Độ cần đa dạng hóa rổ hàng xuất khẩu và tận dụng các chuỗi giá trị toàn cầu.
Báo cáo Cập nhật Phát triển Ấn Độ (IDU) chỉ ra rằng, Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất và đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 8,2% trong năm tài khóa 2023/24. Tăng trưởng được thúc đẩy nhờ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và sự gia tăng đầu tư của hộ gia đình vào lĩnh vực bất động sản. Về phía cung, tăng trưởng được hỗ trợ bởi ngành sản xuất sôi động, tăng trưởng 9,9%, và hoạt động dịch vụ bền bỉ, bù đắp cho sự kém hiệu quả trong nông nghiệp. Phản ánh những xu hướng này, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị đã được cải thiện dần kể từ sau đại dịch, đặc biệt là đối với lao động nữ. Tỷ lệ thất nghiệp nữ giới ở đô thị giảm xuống 8,5% vào đầu năm tài khóa 2024/25, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thanh niên đô thị vẫn ở mức cao là 17%. Với việc thâm hụt tài khoản vãng lai thu hẹp và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài, dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục 670,1 tỷ USD vào đầu tháng 8, tương đương hơn 11 tháng nhập khẩu (theo giá trị nhập khẩu của năm tài khóa 2023/24).
Giữa bối cảnh ngoại lực khó khăn, Ngân hàng Thế giới dự báo triển vọng trung hạn của Ấn Độ sẽ vẫn tích cực. Tăng trưởng được dự báo đạt 7% trong năm tài khóa 2024/25 và tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong các năm tài khóa 2025/26 và 2026/27. Với mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ và tiếp tục củng cố tài khóa, tỷ lệ nợ công so với GDP dự kiến sẽ giảm từ 83,9% trong năm tài khóa 2023/24 xuống còn 82% vào năm tài khóa 2026/27. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 1-1,6% GDP đến năm tài khóa 2026/27.
IDU cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thương mại trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Bối cảnh thương mại toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trong những năm gần đây. Sự tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu sau đại dịch đã tạo ra cơ hội cho Ấn Độ. Báo cáo nhấn mạnh rằng Ấn Độ đã tăng cường khả năng cạnh tranh của mình thông qua Chính sách Hậu cần Quốc gia và các sáng kiến số giúp giảm chi phí thương mại. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đã gia tăng và có thể hạn chế tiềm năng đầu tư tập trung vào thương mại.
Ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ, cho biết: “Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ cùng với lạm phát giảm sẽ giúp giảm nghèo đói cùng cực. Ấn Độ có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa bằng cách khai thác tiềm năng thương mại toàn cầu. Bên cạnh CNTT, dịch vụ kinh doanh và dược phẩm, nơi Ấn Độ đã có thế mạnh, nước này có thể đa dạng hóa rổ hàng xuất khẩu bằng cách tăng xuất khẩu trong các ngành dệt may, quần áo, giày dép, cũng như các sản phẩm điện tử và công nghệ xanh.”
IDU khuyến nghị áp dụng cách tiếp cận ba hướng để đạt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa trị giá 1 nghìn tỷ USD bằng cách giảm chi phí thương mại hơn nữa, hạ thấp các rào cản thương mại và tăng cường hội nhập thương mại.
bà Nora Dihel và ông Ran Li, các nhà kinh tế cao cấp, đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Với chi phí sản xuất tăng và năng suất giảm, thị phần của Ấn Độ trong xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã giảm từ 4% năm 2018 xuống còn 3% năm 2022”. “Để tạo thêm nhiều việc làm liên quan đến thương mại, Ấn Độ có thể hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho sự đổi mới và tăng trưởng năng suất.”
Nguồn:
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024
Tạo cơ hội kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ
Kinh tế 09:00 19-07-2024