Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ: Xu thế, thách thức và triển vọng (Phần 1)

Kinh tế Ấn Độ: Xu thế, thách thức và triển vọng (Phần 1)

Ở châu Á, từ đầu thế kỷ XXI, kinh tế Ấn Độ có được sự tăng trưởng chưa từng có, thành tựu này bắt nguồn chủ yếu từ việc thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1991 và ảnh hưởng tích cực của nó mang lại. Xét từ bình diện rộng hơn, Ấn Độ đã tiếp thu đồng thời các mô hình tự do hóa, tư hữu hóa và toàn cầu hóa.

05:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ: Xu thế, thách thức và triển vọng[1]

Geethanjali Nataraj*

Dẫn nhập

Kinh nghiệm phát triển gần đây của các nền kinh tế châu Á luôn là tiêu điểm quan tâm của thế giới. Trong đó, nguyên nhân chính là, mọi người đều tin rằng, châu Á đã trở thành một “cực tăng trưởng” mới của nền kinh tế thế giới, một nguyên nhân khác chính là việc châu Á đã duy trì tốt sự kết nối về thương mại và đầu tư với thế giới. Cho dù các nền kinh tế khác đang đứng trước thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại, nhưng nền kinh tế châu Á vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Ở châu Á, từ đầu thế kỷ XXI, kinh tế Ấn Độ cũng có được sự tăng trưởng chưa từng có, thành tựu này bắt nguồn chủ yếu từ việc thực hiện cải cách kinh tế từ năm 1991 và ảnh hưởng tích cực của nó mang lại. Xét từ bình diện rộng hơn, Ấn Độ đã tiếp thu đồng thời các mô hình tự do hóa, tư hữu hóa và toàn cầu hóa. Những cải cách đó nhằm ứng phó với sự mất cân bằng thu chi xuất hiện vào năm 1990. Những biện pháp cải cách khác cũng được triển khai bao gồm: cải cách tài chính, cải cách thương mại, cải cách chính sách công nghiệp, cải cách bộ tài chính, tự do hóa thị trường trong nước, mở cửa nền kinh tế và tăng độ mở của lĩnh vực thương mại. Với hướng chủ đạo là lựa chọn xuất khẩu thay cho chính sách nhập khẩu, Ấn Độ đã tích cực tiến hành cải cách công nghiệp hóa. Đồng thời, Ấn Độ cũng thực hiện cải cách trong lĩnh vực tài chính, các biện pháp bao gồm: cho phép người kinh doanh tư nhân đầu tư vào hệ thống ngân hàng, gỡ bỏ chế độ quản lý lãi suất, dòng tiền đầu tư vào nhà ở tư nhân được cởi trói, tự do lưu động vốn giữa các khu vực v.v.., từ đó đã nâng cao được sức cạnh tranh. Trải qua lần điều chỉnh mang tính kết cấu vào năm 1991, nền kinh tế Ấn Độ đã có được sự tăng trưởng cao, tỉ lệ tăng trưởng từ năm 2005 đến năm 2008 đạt bình quân 8%. Con số tăng trưởng chủ yếu thể hiện trong lĩnh vực dịch vụ. Các ngành giao thông, logictics, thông tin, cũng như tài chính, bảo hiểm và thương nghiệp có đóng góp chính về sự tăng trưởng tốc độ cao trong lĩnh vực dịch vụ.

Hiện nay, GDP danh nghĩa của Ấn Độ xếp thứ 10 thế giới, xếp thứ ba thế giới về sức mua ngang giá (PPP). Cùng với đà tăng trưởng nhanh chóng trong 10 năm qua, Ấn Độ đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 và nền tảng kinh tế yếu kém đã khiến những nhà hoạch định chính sách Ấn Độ phát động công cuộc cải cách kinh tế mới. Các biện pháp bao gồm tự do hóa đầu tư nước ngoài, xóa bỏ hạn chế đầu tư trên nhiều lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, quỹ hưu… Ngoài ra, Ấn Độ còn cải cách các bộ luật quan trọng như: thông qua “Đề án mua bán đất đai”, “đề án khai thác khoáng sản”, “Thuế hàng hóa và dịch vụ”, “Luật thuế trực thu”…

Kinh tế Ấn Độ: Hướng đi trước đây

Những năm gần đây, Ấn Độ là nước có nền kinh tế tăng trưởng quan trọng, bám sát ngay sau Trung Quốc. Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980, tỉ lệ tăng trưởng GDP Ấn Độ đạt mức từ 3% - 4%, kinh tế tăng trưởng liên tục. Sau khi thực hiện các biện pháp cải cách thị trường năm 1991, nền kinh tế Ấn Độ đạt được sự nâng cấp. Sau khi thực hiện phương án điều chỉnh kết cấu kinh tế năm 1991, tỉ lệ tăng trưởng GDP tăng từ chỗ không quá 5% lên mức hơn 6%, và giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, tỉ lệ tăng trưởng đã tạo nên kỷ lục mới, vượt qua con số 8% (xem bảng 1). Tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cùng kỳ cũng rất mạnh mẽ. Xu hướng tăng trưởng tích lũy tài sản, cán cân thanh toán vãng lai được cải thiện cũng đã mang lại nhiều ích lợi cho sự phát triển kinh tế tốc độ cao của Ấn Độ. Năm 1991, Ấn Độ đối mặt với sự mất cân bằng cán cân thanh toán vãng lai nghiêm trọng, nhưng cùng với các biện pháp điều chỉnh, Ấn Độ đã có thể ứng phó một cách thỏa đáng với vấn đề thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Công cuộc cải cách với nền tảng là nền kinh tế mở cửa đã tạo nên một loạt các ảnh hưởng như: Ấn Độ đã có được sự tăng trưởng đa tầng về tỉ lệ trao đổi thương mại, đầu tư nước ngoài, viện trợ, tạo việc làm… Ngoài ra, vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, cải cách về lĩnh vực tài chính ở Ấn Độ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng thu chi ngân sách. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 0.14% (so với GDP) của thập niên 90 thế kỷ XX lên mức 2.14% trong giai đoạn 2005 – 2008. (xem bảng 1). Trong năm 2009, biểu hiện trong các lĩnh vực kinh tế vĩ mô như: tăng trưởng, tích lũy hay cán cân thanh toán vãng lai tương đối yếu. Ấn Độ cũng cần phải đối mặt với các thách thức về thâm hụt ngân sáng trên các lĩnh vực khác. Thâm hụt ngân sách trước khi bùng nổ khủng hoảng kinh tế toàn cầu tuy được giảm bớt, nhưng trong giai đoạn 2009 – 2012, con số này lại tăng lên. Gần đây, khi lòng tin suy giảm, sự rút lui của nguồn vốn bên ngoài lại khiến vấn đề thâm hụt ngân sách thêm nghiêm trọng, và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát nghiêm trọng.

Bảng 1: Biểu hiện của nền kinh tế Ấn Độ 

Nguồn:Chỉ số phát triển thế giới năm 2013 và thống kê tài chính quốc tế (IFS). (Xem tiếp phần 2)


Nghiên cứu viên cao cấp Observer Research Foundation, India

[1] Nguồn: http://www.chinareform.org.cn/forum/crf/78/paper/201311/t20131106_179670.htm

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Cùng chuyên mục