Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Mỹ (Phần 2)

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Mỹ (Phần 2)

2015 là năm bước ngoặt trong sự phát triển của mối quan hệ chiến lược và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ khi hai nước tổ chức kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và mong chờ kết quả trong chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Ngày nay, Việt Nam coi Mỹ là một yếu tố đảm bảo sự ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi Mỹ xem Việt Nam là một đối tác chiến lược trong khu vực.

05:46 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

2. Sự hội tụ về lợi ích trong quan hệ hợp tác chiến lược Mỹ – Việt Nam – Ấn Độ

Những nỗ lực xây dựng lòng tin cuối cùng đã dẫn đến sự bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1995. Sau thời điểm này, sự hội tụ về các lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng tăng với ưu tiên cao nhất là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế. Quan hệ giữa Hà Nội vào Washington đã được phát triển nhanh chóng thông qua việc chia sẻ và hội tụ các loại lợi ích chiến lược trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và các hành động của Mỹ hướng đến mục tiêu cân bằng cán cân quyền lực với Trung Quốc ở khu vực. Mỹ đang tìm kiếm các quốc gia đối tác để hỗ trợ cho chính sách “xoay trục sang châu Á”, trong bối cảnh Việt Nam đang cần sự hỗ trợ để chống lại các hành động quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít các nước ASEAN đang tích cực tham gia đàm phán TPP – được coi là trụ cột kinh tế của chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ. Bên cạnh những nỗ lực bền bỉ xây dựng mối quan hệ song phương, yếu tố quyết định làm cho Hà Nội và Washington xích lại gần nhau là xuất hiện các mối đe dọa an ninh chung. Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm thay đổi những tính toán chiến lược cho cả Hà Nội và Washington. Đối mặt với thách thức lớn từ Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đã sẵn sàng giảm thiểu những bất đồng về ý thức hệ để tập trung vào việc bảo vệ các lợi ích chiến lược chung. Nhằm phản đối về “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tới gần 80% diện tích Biển Đông, cũng như việc bồi đắp, cải tạo quy mô lớn các bãi đá chìm thành đảo nổi, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biên Đông, Mỹ khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp, đồng thời kịch liệt phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực để thay đổi hiện trạng. Tại “Đối thoại ShangriLa” tổ chức ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh: “Mỹ quan ngại sâu sắc về tốc độ và quy mô của hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, sự gia tăng các hoạt động quân sự, cũng như nguy cơ tiềm tàng về các tính toán sai lầm hoặc xảy ra xung đột giữa các quốc gia yêu sách về chủ quyền”. Bên cạnh việc kêu gọi chấm dứt ngay các hành động cải tạo ở Biển Đông, ông Carter nhấn mạnh Mỹ sẽ tiến hành các chuyến bay giám sát trên Biển Đông và tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Ông Carter cũng thúc giục Trung Quốc và ASEAN sớm ký kết Bộ Quy tắc ứgn xử trên Biển Đông (COC). Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, thượng nghị sỹ Mỹ John McCain tuyên bố ủng hộ việc Mỹ bán nhiều “vũ khí tự vệ” cho Việt Nam trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở Biển Đông diễn biến căng thẳng, đồng thời cho biết Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ và cam kết Washington sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường sức mạnh hải quân.

Trong khi đó, quan hệ Ấn – Mỹ đã bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi hai bên ra Tuyên bố Tầm nhìn chiến lược chung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tái khẳng định vị trí của cả hai nước. Sự ổn định ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách “Hành động phía Đông” của Chính quyền Modi – với mục tiêu tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và đối phó với các hoạt động gia tăng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – được xem là sân sau của Ân Độ. Hành động trên của Ấn Độ sẽ nhận được sự ủng hộ của cả Mỹ và Việt Nam. Về chiến lược, những thay đổi trong chính sách “Đông Á” của Mỹ sẽ hỗ trợ tích cực hco chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Quan hệ Mỹ – Việt được tăng cường sẽ tạo động lực cho quan hệ đối tác chiến lược Ấn – Việt phát triển. Bên cạnh đó, hợp tác Ấn – Mỹ ở Đông Á phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương – TBD. Việt Nam có thể trở thành một quốc gia trung tâm trong mối quan hệ hợp tác Ấn – Mỹ khi mà cả New Delhi và Washington có thể đạt được các lợi ích chiến lược của mình. Phát biểu tại Đối thoại Shangri­La và trong chuyến thăm tới New Delhi gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nói: “Mỹ đang tìm cách để bổ sung cho chính sách ‘Hành động phía Đông’ của Ấn Độ. Trong vài năm qua, tầm quan trọng của Hà Nội đã được gia tăng ở New Delhi, thông qua việc triển khai chính sách ‘Hành động phía Đông’ và sự quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng cũng như tầm quan trọng địa chiến lược của Việt Nam trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực”. Trong khi đó, Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng Ấn – Mỹ cũng được coi là nền tảng cho cam kết của Ấn Độ tham gia giải quyết các vấn đề trong khu vực. Trong bối cảnh này, sự tiếp cận của Mỹ đối với Việt Nam và chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ như là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Ấn – Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – TBD.

Vì vậy, điều quan trọng là Mỹ cần tăng cường khuôn khổ hợp tác an ninh song phương hiện có với Việt Nam và Ấn Độ để tăng cường khả năng của các quốc gia trong khu vực. Sự ủng hộ của Mỹ đối với quan hệ hợp tác an ninh Ấn – Việt, kết hợp với một thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng là các bước nhằm thể chế hóa một cấu trúc an ninh, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như đối phó với các thách thức đang nổi lên từ Trung Quốc. Các nhà quan sát và các nhà phân tích an ninh ở khu vực hy vọng sự gia tăng hội tụ về lợi ích sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gắn kết mạnh mẽ mối quan hệ Việt – Mỹ. Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ là cột mốc quan trọng và thời điểm thích hợp nhất để hai bên xem xét các kết quả đạt được trong quá khứ và thiết lập một quá trình huớng tới sự hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Washington trong tháng 7 này cũng như dự kiến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Hà Nội vào cuối năm nay sẽ đưa quan hệ hợp tác song phương Việt – Mỹ bước vào một kỷ nguyên mới của sự hợp tác thịnh vượng bền vững.

Nguồn:

Cùng chuyên mục