Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kỷ nguyên vàng của Ấn Độ vừa mới bắt đầu chứ không phải trong quá khứ xa xôi

Kỷ nguyên vàng của Ấn Độ vừa mới bắt đầu chứ không phải trong quá khứ xa xôi

05:00 24-07-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đảng Bhartiya Janata cầm quyền của Ấn Độ từ lâu đã nguỵ trang cho chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của mình với tuyên bố rằng quê hương của họ là khu vực giàu có nhất thế giới trong một thiên niên kỷ vinh quang dưới sự thống trị lịch sử của Hindu giáo.

Theo quan điểm này, cuộc chinh phục Ấn Độ bởi những kẻ xâm lược Hồi giáo vào thế kỷ 11 và bởi quân đội Anh vào thế kỷ 18 đã biến một "sone ki chidiya" - kim điểu, thành một kẻ ăn mày bị nô dịch.

Do đó, BJP đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở lại thời kỳ thịnh vượng của Hindu giáo.

Trong thời kỳ cai trị của thực dân Anh, sách giáo khoa thuộc địa có các chương về các lời chúc phúc phước lành của Raj thuộc Anh. Họ cho rằng một đất nước nghèo nàn, lạc hậu đã được nâng lên nhờ nền văn minh ưu việt của nước Anh.

Các chính trị gia Ấn Độ tỏ ra khinh bỉ các yêu sách thuộc địa và buộc tội các nhà quản lý của Anh về tội phân biệt chủng tộc và bóc lột. Nhưng lịch sử kinh tế rất mơ hồ, mang tính suy đoán nhiều hơn là thực tế. Khi đó, không nhà sử học nào có thể đưa ra những con số đáng tin cậy về những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc nội hoặc dân số của Ấn Độ qua các thời đại.

Các tính toán có uy tin về lịch sử kinh tế của các khu vực khác nhau trên thế giới phải chờ đến công trình của các học giả như nhà sử học người Anh Angus Maddison vào cuối thế kỷ 20.

BJP và các đảng khác của Ấn Độ thích trích dẫn Maddison, vì ông đã ném vào thùng rác những tuyên bố thuộc địa bị thổi phồng. Trong cuốn sách năm 2007 "Những đường nét của nền kinh tế thế giới 1-2030 sau Công nguyên: Các bài tiểu luận về lịch sử kinh tế vĩ mô", Maddison ước tính rằng, Ấn Độ chiếm 32% GDP thế giới dưới sự cai trị của Hindu giáo vào năm 1 sau Công nguyên, giảm xuống 24% dưới sự cai trị của người Hồi giáo và chỉ còn 4% vào cuối thời kỳ cai trị của thực dân Anh.

BJP đã chỉ trích đảng Quốc đại Ấn Độ, đảng đã cai trị Ấn Độ trong hầu hết thời gian kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947 cho đến khi BJP giành lại quyền lực vào năm 2014, vì đã bỏ qua những vinh quang của thời kỳ cai trị của Hindu giáo trong sách giáo khoa lịch sử. Chính phủ hiện đang sửa đổi sách giáo khoa để hạ thấp thời kỳ Hồi giáo và làm nổi bật những thành tựu của Hindu giáo.

Nhưng BJP đang chọn một cách tinh tế từ các tác phẩm của Maddison để tạo ra một câu chuyện lịch sử về một đất nước giàu có một thời giờ trở nên nghèo khó bởi những kẻ ngoại xâm. Một cái nhìn đầy đủ hơn về công việc của Maddison sẽ ít người thích thú.

Theo phân tích của Maddison, Ấn Độ chiếm 33,2% dân số thế giới vào năm 1 sau Công nguyên, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Vì con số đó cao hơn một chút so với tỷ trọng GDP của Ấn Độ, điều đó cho thấy sản lượng trên đầu người của quốc gia này thấp hơn một chút so với mức trung bình của thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Ấn Độ khi đó chỉ là 450 USD. Nước Ý dưới thời Đế chế La Mã giàu gần gấp đôi.

Theo ước tính của Maddison, GDP của Ấn Độ trì trệ ở mức 33,75 tỷ USD trong hàng thiên niên kỷ tiếp theo dưới sự cai trị của Hindu giáo. Thu nhập bình quân đầu người cũng ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 khi dân số vẫn ổn định ở mức khoảng 75 triệu người.

Xu hướng được quan sát thấy ở hầu hết các nơi trên thế giới cũng gần tồi tệ như thế. Hạn hán, bệnh tật và chiến tranh có nghĩa là chỉ sống sót thôi đã là một thách thức.

Tóm lại, thời đại của Ấn Độ dưới sự cai trị của Hindu giáo là một thời kỳ nghèo đói, kinh tế trì trệ và tỷ lệ tử vong cao. Và chẳng có gì gọi là hoàng kim.

Dưới sự cai trị của người Hồi giáo, khoảng giữa năm 1000 và 1700, GDP hàng năm của Ấn Độ gần như tăng gấp ba lần lên 90,75 tỷ USD. Tỷ lệ tử vong giảm đáng kể, cho phép dân số tăng từ 75 triệu lên 165 triệu. Điều này bù đắp đáng kể cho tăng trưởng GDP, vì vậy thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng gần một phần tư, từ 450 USD lên 550 USD.

Những xu hướng này tăng mạnh trong thời kỳ thuộc Anh. Giữa năm 1700 và 1950, GDP của Ấn Độ tăng lên 222,22 tỷ USD và dân số lên 359 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng nhẹ lên 619 USD.

Rõ ràng, những tuyên bố của thực dân Anh về việc vực dậy một Ấn Độ lạc hậu đã bị phóng đại quá mức. Như Maddison đã chỉ ra, những khoản tiền khổng lồ đã được chuyển từ Ấn Độ sang những kẻ cai trị thuộc địa. Nếu những khoản tiền này được đầu tư vào chính Ấn Độ, chúng có thể đã làm tăng sự thịnh vượng của Ấn Độ lên rất nhiều.

Tuy nhiên, Ấn Độ không trở nên nghèo hơn về thu nhập bình quân đầu người trong thời kỳ thuộc Anh như BJP cáo buộc. Tỷ trọng của Ấn Độ trong GDP thế giới giảm mạnh chủ yếu do thu nhập ở phương Tây tăng vọt sau cuộc cách mạng công nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người của Anh đã tăng từ 400 USD vào năm 1 sau Công nguyên lên 1.706 USD vào năm 1700. Nó còn tăng cao hơn nữa trong thời kỳ thuộc địa của Ấn Độ để đạt 6.939 đô la vào năm 1950.

Thu nhập sau đó tăng vọt trong thời kỳ hậu thuộc địa và đạt mức 21210 USD vào năm 2003. Rõ ràng, sự thịnh vượng của nước Anh chủ yếu là do các yếu tố bên cạnh chủ nghĩa thực dân.

Tăng trưởng kinh tế cuối cùng đã cất cánh ở Ấn Độ sau khi nước này giành được độc lập. Sau gần 2.000 năm tăng trưởng không đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 2.140 USD vào năm 2003. Tỷ lệ tử vong giảm mạnh, vì vậy dân số tăng lên 1,05 tỷ bất chấp sự phổ biến của các biện pháp tránh thai.

Kỷ nguyên vàng của Ấn Độ, nếu có thể được gọi như vậy, là ngày hôm nay, chứ không phải trong quá khứ xa xôi.

Maddison nói rằng, những ước tính của ông cho các giai đoạn trước đó là những ước tính gần đúng cần được nghiên cứu thêm. Nhưng ông được công nhận rộng rãi là một nhà sử học vĩ đại, và những ước tính về xu hướng của ông là đáng tin cậy ngay cả khi không có con số nào có thể được coi là chính xác.

Đã nhiều lần trích dẫn Maddison về sự suy giảm trong tỷ trọng GDP của Ấn Độ, nhưng BJP khó có thể phản đối những phát hiện khác ít tâng bốc hơn của ông.

Nhưng GDP không phải là tất cả. Bất chấp tình trạng nghèo đói cao, người Ấn Độ cổ đại - cũng như người Hy Lạp, Ai Cập và Ba Tư cổ đại - đã đạt được những kỳ tích về kiến trúc, văn học, triết học và toán học. Các trường đại học lớn nở rộ ở Nalanda và Taxila.

Nhưng xét về hiệu quả kinh tế, "kim điểu" là vô tung tích. BJP đã sai lầm khi tạo ra một lịch sử hư cấu về một Ấn Độ dưới thời Hindu giáo giàu có sau đó trở nên nghèo khó bởi những kẻ ngoại xâm. Điều này đã bị sử dụng với mục đích sai lệch vì mục đích chính trị.

Tác giả: Swaminathan S. Anklesaria Aiyar, nhà nghiên cứu tại Cato Institute, trụ sở ở Washington. Bài viết được đăng bằng tiếng Anh trên asia.nikkei.com

Nguồn:

Cùng chuyên mục