Liên minh Ấn Độ - Nhật Bản – Australia vì an ninh khu vực
Delhi, Tokyo và Canberra có thể xây dựng liên minh các cường quốc bậc trung đầu tiên vì khu vực trong thế giới của ông Trump.
Liên minh Ấn Độ - Nhật Bản – Australia vì an ninh khu vực
Rory Medcalf và C. Raja Mohan*
Sự hoài nghi trong kỷ nguyên đầy mơ hồ
Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động Australia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Theo thông tin rò rỉ từ cuộc điện đàm với Thủ tướng Malcolm Turnbull, ông Trump được cho là đã nổi giận và cắt ngắn cuộc điện đàm trước khi có thể bàn đến các vấn đề lớn như đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Căng thẳng xoay quanh việc liệu Mỹ có tôn trọng cam kết trước đây của chính quyền Obama về tiếp nhận 1.250 người tị nạn từ các trại giam giữ ở Australia hay không khi mà trên trang Twitter, ông Trump còn gọi đây là “thỏa thuận ngu ngốc” với hàm ý ông có thể thay đổi thỏa thuận này.
Sự hoài nghi lớn hơn đang đặt ra với tất cả đối tác an ninh của Mỹ, trong đó có Ấn Độ, về chiến lược và địa chính trị trong một kỷ nguyên mới đầy mơ hồ. Liệu các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể tiếp tục tin tưởng vào các cam kết của Washington hay tính bảo mật của các cuộc thảo luận cấp cao?
Một chuyện lớn khác là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại mang ý nghĩa cơ sở kinh tế cho sự gắn kết an ninh mới của Washington với châu Á. Động thái này nhắc nhở rằng nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tìm hướng đi giữa một Trung Quốc đầy quyết đoán và những bất ổn mới do chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Mặc dù Trump làm nổi rõ vấn đề lên, song thực ra nó có nguồn gốc cấu trúc sâu xa ở Washington.
Mỹ đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc thế nào? Washington nên đối đầu hay cắt quan hệ với Bắc Kinh? Hoặc đơn giản, Mỹ có thể từ bỏ châu Á cho Trung Quốc? Châu Á làm gì khi Mỹ dao động giữa các sự lựa chọn này?
Trò chơi đa cực ở khu vực
Giải pháp không phải là để thấy rằng Mỹ đột nhiên mất tầm nhìn về sự cân bằng chiến lược sâu sắc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay hình dung Trung Quốc như một nhân tố cốt lõi của sự ổn định khu vực và toàn cầu. Các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Australia, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore cần phải hướng theo một đường lối ổn định và dựa trên lợi ích, tránh cả sự thỏa mãn hay hoảng loạn.
Trên thực tế, một trò chơi đa cực đã được triển khai trong khu vực này trước cả thời chính quyền Trump. Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi và Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã thầm lặng xây dựng hiệu quả mối quan hệ đối tác mới về hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh, nhằm đảm bảo hai nước có thể cùng nhau định hình trật tự khu vực và không dễ dàng chấp nhận hệ quả từ sự cạnh tranh, đụng độ hay câu kết của cặp Mỹ - Trung.
Cuộc nói chuyện được cho là quan trọng nhất toàn cầu vào ngày ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đó là là giữa Thủ tướng Modi và Thủ tướng Abe, đánh dấu sự hội tụ của tầm nhìn Hành động hướng Đông của Ấn Độ và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở rộng và Tự do của Nhật Bản. Tuy nhiên, hợp tác trong khu vực để đối phó với cặp Mỹ - Trung Quốc thay đổi bất thường không hoàn toàn là song phương.
Australia từ lâu là một trong những nước lãnh đạo việc xây dựng một kiến trúc an ninh khu vực mạnh mẽ hơn. Cùng với các liên kết kinh tế và giao lưu nhân dân mạnh mẽ, quan hệ an ninh Australia - Ấn Độ đang được tăng cường, trong đó có diễn tập tác chiến chống ngầm ở vịnh Bengal năm ngoái.
Trong khi đó, quan hệ Tokyo - Canberra đang phát triển trở lại. Tại cuộc hội đàm tháng trước, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Turnbull đã đón đầu yếu tố Trump bằng Tuyên bố chung ghi nhận sự hiệp lực trong các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa hai nước và xác định Ấn Độ là một đối tác chủ chốt thứ ba.
Ngoài ra, một trong những cuộc đối thoại chiến lược mới hứa hẹn nhất những năm gần đây là cuộc gặp ba bên hàng năm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Đã đến lúc các nền dân chủ này vươn xa hơn đối thoại và xây dựng hợp tác thiết thực giúp cho ba nước và rộng hơn là khu vực chuẩn bị cho thời kỳ bất ổn.
Cách tiếp cận tam giác mới
Tất nhiên, Delhi, Tokyo và Canberra không phải là những cường quốc bậc trung duy nhất nhưng là ba vị trí tốt nhất minh chứng giá trị về cách tiếp cận tam giác mới của ngoại giao Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước này có thể xây dựng liên minh cường quốc bậc trung đầu tiên để thúc đẩy khả năng phục hồi của khu vực.
Sự tự giúp nhau có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực ưu tiên như đối thoại an ninh, trao đổi thông tin tình báo, chia sẻ dữ liệu giám sát hàng hải, xây dựng năng lực của lực lượng quốc phòng hay hải quân ở các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á hay Ấn Độ Dương. Ngoài ra, các nước này có thể chia sẻ công nghệ, xây dựng chương trình nghị sự trong các diễn đàn khu vực như EAS và các sáng kiến ngoại giao chung để gây ảnh hưởng đến các tính toán chiến lược của Trung Quốc và Mỹ.
Đây không phải là việc xây dựng một châu Á không có Mỹ hay kiềm chế Trung Quốc mà là tìm cách hạn chế sự mất ổn định khu vực do chuyển động của quan hệ Mỹ - Trung. Rõ ràng liên minh mới sẽ vẫn thiếu trọng lượng để tự cân bằng với Trung Quốc, nhưng bằng việc phát triển cơ chế riêng và tham gia chia sẻ gánh nặng an ninh châu Á, liên minh Ấn - Nhật - Australia sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ cho cả Trung Quốc và Mỹ.
Delhi, Tokyo và Canberra muốn Bắc Kinh biết rằng nước này không thể bỏ qua lợi ích chính trị và an ninh của các nước láng giềng châu Á trong việc đẩy Mỹ ra khỏi khu vực hay đàm phán không gian khu vực mới thuộc ảnh hưởng của mình. Các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn Washington phải duy trì tiếng nói mạnh mẽ trong khu vực, đồng thời thay vì dạy bảo mà hãy bắt đầu lắng nghe họ.
** GS. Rory Medcalf – Đại học Quốc gia Australia và C. Raja Mohan – Giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ, biên tập viên về các vấn đề quốc tế của The Indian Express.
Nguồn: http://baoquocte.vn/lien-minh-an-do-nhat-ban-australia-vi-an-ninh-khu-vuc-44775.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục