Liệu Ấn Độ có thể trở thành một nước lớn? (Phần 3)
Kể từ khi giành độc lập, Ấn Độ đã không phải chịu hậu quả của việc có một văn hóa chiến lược yếu kém. Những tham vọng quân sự nhỏ bé đã giúp nước này tránh khỏi hầu hết các tình huống khó xử để tập trung vào những thứ khác. Nhưng khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh, những thiếu sót chiến lược của Ấn Độ đang trở thành trở ngại. Và chúng là một trở ngại cho những giấc mơ của Ấn Độ trở thành một cường quốc thực sự trong thế kỷ XXI.
Liệu Ấn Độ có thể trở thành một nước lớn?*
John R. Schmidt**
Hổ và đại bàng
Khoản tiền mà nước này sẽ chi ở nước ngoài cũng mang theo những rủi ro. Các thỏa thuận lớn với nước ngoài dẫn đến tham nhũng. Các cuộc điều tra những cáo buộc hối lộ có thể làm chậm việc chuyên trang bị cần gấp trong nhiều năm. “Vụ bê bối” mới nhất theo kiểu này xoay quanh một đơn đặt hàng máy bay trực thăng trị giá 750 triệu USD từ công ty Finmecanica của Italia. Công ty này phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, nhưng thỏa thuận đã bị treo.
Anh, Pháp, Ixraen và trên hết là Nga (nước vẫn chiếm hơn một nửa hàng nhập khẩu quân sự của Ấn Độ), dường như sẵn sàng làm những nước hưởng lợi từ sự thả lỏng sắp tới. Mỹ cũng sẽ có được những hợp đồng lớn. Nhưng bất chấp một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính sáng kiến năm 2005 và quan hệ ấm lên sau đó, Mỹ vẫn được coi là một đối tác ít tin cậy về chính trị hơn ở Niu Đêli. Sự thiếu tin tưởng này bất nguồn một phần từ những sự cấm vận vũ khí trước đây, một phần từ sự gần gũi trước đây của Mỹ với Pakixtan, một phần từ những lo ngại của Ấn Độ về việc làm một đối tác cấp thấp trong một mối quan hệ với siêu cường vượt trội của thế giới.
Thế tiến thoái lưỡng nan về việc gần gũi với Mỹ như thế nào đặc biệt gay gắt khi liên quan đến Trung Quốc. Mỹ và Ấn Độ dường như có chung các mục đích. Không nước nào muốn Ấn Độ Dương trở thành một “vùng hồ” của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ không muốn khiến Trung Quốc nghĩ rằng nước này đang kéo bè với Mỹ. Và nước này lo ngại rằng mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi thường lộn xộn, có tầm quan trọng sống còn đến mức, trong một cuộc khủng hoảng, Mỹ sẽ gạt bỏ Ấn Độ thay vì đối đầu với Trung Quốc. Một mệnh lệnh của hải quân Ấn Độ đóng các nguồn cung cấp dầu mỏ sẽ không thể thực hiện được nếu những người bạn Mỹ của nước này nhất định phản đối nó.
Công cuộc tìm kiếm địa vị phù hợp với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Ấn Độ vẫn bấp bênh và không chắc chắn. Những vấn đề của nước này với Pakixtan không phải là dạng có thể được giải quyết được bằng quân sự. Ông Karnad lập luận rằng Ấn Độ, từ một lập trường về sức mạnh, nên xây dựng quan hệ tốt hơn với Pakixtan thông qua một số hành động đơn phương, chẳng hạn như cắt giảm quy mô các lực lượng vũ trang tập trung trên sa mạc ở Rajasthan và rút các tên lửa tâm ngăn của nước này. Tướng Ashfaq Parvez Kayani, người đứng đầu quân đội Pakixtan, đã tuyên bố chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối nguy hiểm lớn đối với đất nước ông hơn Ấn Độ. Điều đó cũng có thể mang đến một cơ hội.
Sự tự tin của Trung Quốc vào sức mạnh quân sự mới của nước này làm Ắn Độ khó chịu. Nhưng nếu một Trung Quốc hợm hĩnh trong sự phù hoa của mình đang gây khó chịu, thì một Trung Quốc gặp rắc rối về kinh tế hay rối loạn về chính trị và chạy theo dư luận bài ngoại sẽ tồi tệ hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc đã có sự bảo đảm bằng những liên minh chính thức với Mỹ, Ấn Độ không có. Nước này đang xây dựng những mối quan hệ mới với các nước láng giềng phía Đông thông qua hợp tác quân sự và các thỏa thuận thương mại. Nhưng nước này miễn cưỡng thành lập hoặc gia nhập các khuôn khổ an ninh thể chế hùng mạnh hơn.
Thay vì một tư duy chiến lược rõ ràng, Ấn Độ dao động, bị cản trở bởi sự thận trọng và tính trì trệ quan liêu của nước này. Biểu tượng của những nhược điểm này là sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong việc cải cách một cơ sở công nghiệp quốc phòng vốn lãng phí một lượng tiền khổng lồ, cung cấp cho các lực lượng vũ trang trang bị dưới tiêu chuẩn và để đất nước phụ thuộc vào người nước ngoài trong việc hiện đại hóa quân đội.
Kể từ khi giành độc lập Ấn Độ đã không phải chịu hậu quả của việc có một văn hóa chiến lược yếu kém. Những tham vọng quân sự nhỏ bé đã giúp cho nước này tránh khỏi hầu hết các tình huống khó xử và thay vào đó cho phép nước này tập trung vào những thứ khác. Nhưng khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh, những thiếu sót chiến lược của Ấn Độ đang trở thành một trở ngại. Và chúng là một trở ngại cho những giấc mơ của Ấn Độ trở thành một cường quốc thế kỷ 21 thực sự./
* Nguồn: http://www.economist.com/ Mar 30th 2013
** John R. Schmidt là một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, hiện là trợ giảng tại Trường Elliott, Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học George Washington.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024