Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Loại bỏ bất bình đẳng ở đô thị Ấn Độ

Loại bỏ bất bình đẳng ở đô thị Ấn Độ

Đại dịch COVID-19 làm lộ ra những vấn đề của các đô thị, những bất bình đẳng về căn bản ở các thành phố trong quá khứ từng là trung tâm của sự khai thác và bóc lột thuộc địa và nơi mà toàn cầu hóa tập trung của cải vào tay một số ít người.

05:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa đột ngột và nghiêm trọng đã được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Cùng với đó là hình ảnh những người nhập cư đóng góp cho nền kinh tế của thành phố đang tuyệt vọng tìm đường về nhà. Hình ảnh này là lời nhắc nhở sống động về việc người nhập cư không hòa nhập được vào cuộc sống ở đô thị. Đại dịch COVID-19 làm lộ ra những vấn đề của các đô thị, những bất bình đẳng về căn bản ở các thành phố trong quá khứ từng là trung tâm của sự khai thác và bóc lột thuộc địa và nơi mà toàn cầu hóa tập trung của cải vào tay một số ít người. Ở đây, tình hình phát triển với chủ nghĩa bảo hộ đặc trưng đã đẩy các ngành công nghiệp ra vùng ven đô, buộc hầu hết mọi người phải sống và làm việc trong những điều kiện rủi ro cao ở các khu ổ chuột. Mặc dù đa số nhóm người này luôn có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực công, nhưng tự do hóa đồng nghĩa với việc thu hẹp lại nguồn lực công vốn đã không đủ và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Sự suy thoái do đại dịch làm nảy sinh những cuộc thảo luận về tái cấu trúc, điều chỉnh lại và thậm chí là tìm nội hàm mới cho khái niệm đô thị. Tuy nhiên, phản ứng để phục hồi đại dịch thường liên quan đến những di sản trong quá khứ. Mặc dù có một số người thừa nhận về sự phân bổ không công bằng về hậu quả và gánh nặng do COVID-19 gây ra, nhưng còn đó mối nguy thực sự là sự thấu cảm mà đại dịch vừa khơi mở ra có thể bị thu hẹp lại ngay trong lúc mối đe dọa của đại dịch vẫn đang tiếp diễn, và trong tương lai sẽ là mối đe dọa ngày càng lớn. Do đó, cần nhắc nhở về những bất bình đẳng cơ bản khiến đô thị dễ bị tổn thương trong COVID-19, và nên đánh giá việc giải quyết bất bình đẳng như một phép thử cho các chính sách đang và sẽ thực hiện trong tương lai.

Với nỗ lực không ngừng để sản xuất nhiều hơn, giao thương nhiều hơn và kiếm được nhiều tiền hơn, các đô thị đã trở thành trung tâm hội tụ những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản tài chính doanh nghiệp, vượt qua ranh giới quốc gia và khu vực, và thâm nhập vào các hệ thống và thể chế được tạo trước đây vì lợi ích chung. Trong tình huống như vậy, chúng ta thấy có sự tương phản to lớn, chẳng hạn như tỷ lệ lớn các ngôi nhà bỏ trống cùng với số lượng ngày càng tăng của người vô gia cư và khu ổ chuột, hoặc sự sẵn có của tinh hoa ẩm thực thế giới cùng với số lượng lớn trẻ em và bà mẹ bị suy dinh dưỡng. Phải thừa nhận rằng, những điểm bất bình đẳng như vậy chỉ có thể nhìn thấy nếu ở phía dưới mạng lưới phân cấp toàn cầu, và cách xa đáng kể với các trung tâm đầu não của thế giới. Tuy nhiên, những điều tương phản này không bắt nguồn từ sự “nghèo nàn”, hay “lạc hậu” của đô thị, mà lại liên quan nhiều hơn đến cấu trúc và bản chất của các hệ thống và thể chế của đô thị. Một số bất bình đẳng trong hệ thống cơ bản rất khó nhận biết do nó không tạo ra sự tương phản rõ ràng, và nó cho thấy những cách thức, địa điểm và lý do tại sao đại dịch lây lan. Chúng ta sẽ cùng phân tích phản ứng của các xã hội, địa phương và chính phủ và tác động mà các phản ứng đó tạo ra đối với các nhóm người khác nhau ở các đô thị trên toàn cầu.

Những phép ẩn dụ và đô thị

Phép ẩn dụ trong những lời kêu gọi có ảnh hưởng rất quan trọng đối với cách chúng ta nhìn nhận vấn đề và xử lý vấn đề. Viết về đại dịch, Boaventura de Santos lập luận rằng, phép ẩn dụ thời chiến, ví dụ “cuộc chiến chống lại đại dịch” là không có hiệu quả; thay vào đó, cách diễn giải “sống chung với vi-rút” có thể mang lại hiệu quả hơn. Phép ẩn dụ đó kêu gọi mọi người chấp nhận vi-rút như một phần của đời sống con người, coi vi-rút như con quái vật nằm ẩn trong chúng ta và thức dậy khi con người mất cảnh giác. Tôi áp dụng quan điểm này cho phép ẩn dụ về các đô thị.

Đô thị là vũ đài của cuộc chiến kinh điển giữa con người và thiên nhiên, là nơi tập hợp của mọi loại bệnh tật, các hợp phần kinh tế, các kiểu người và các hoạt động của họ, bất chấp thời gian, địa lý và quy mô của đô thị. Đô thị cũng chứa đựng những tiềm năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của con người và trở thành một mắt xích trong mạng lưới địa điểm toàn cầu. Trong lịch sử, các đô thị bị suy tàn do dễ bị tổn thương bởi nạn đói và chiến tranh; các thành phố công nghiệp rất dễ bị dịch tả, bệnh dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa như hỏa hoạn, và đô thị phải đổi mới để đối phó với những vấn nạn này. Vi-rút, tự nhân lên trong cơ thể người, phát triển mạnh mẽ trong môi trường do con người tạo ra và lây lan dọc theo các hệ thống do con người tạo ra, tức là vi-rút tấn công vào chính những thành tựu, thành quả của loài người chúng ta. Tác giả Robert Park đã viết rằng “Nếu đô thị là một trong những mô hình sống sáng tạo vĩ đại nhất của nhân loại, thì đó cũng là nơi dễ bị tấn công”. 

Đại dịch ở Mumbai

Trong lịch sử, Mumbai là thành phố thuộc địa nổi tiếng với những điều tương phản. Thành phố được định hình bởi nhiều yếu tố: sự thay đổi toàn cầu trong nền kinh tế theo hướng tài chính hóa, đặc điểm địa lý của thành phố; mức độ độc quyền và mức độ nghèo đói cao, một trong những thị trường bất động sản có giá cao nhất trên thế giới, dẫn đến hơn một nửa dân số sống trong các khu ổ chuột, phi chính thức hóa ngành công nghiệp, và sự kết hợp của chính trị địa phương, khu vực và quốc gia tạo ra một thương hiệu chính trị mang tính cộng đồng cao cho Mumbai.

Không giống như một số chính quyền thành phố khác ở Ấn Độ, Mumbai có chính quyền thành phố mạnh về tài chính. Tuy nhiên, quyền lực chính quyền thành phố bị phân tán do nhiều thể chế chồng chéo và bị suy yếu do kiểu quản lý tập trung và kiểm soát quá mức từ trên xuống, cũng như sự cạnh tranh trong chính trị. Thành phố có khả năng tiếp cận kém và cơ cấu quản lý bị chia rẽ giữa hai nhóm công chúng: công dân chính thức và không chính thức. Nhóm công dân chính thức coi luật pháp là lá bùa bảo vệ, trong khi nhóm công dân không chính thức trông chờ vào cơ chế, chính sách. Mỗi nhóm có tác động khác nhau đối với hoạt động của thành phố. Chủ nghĩa đô thị jugaad (coi đô thị là nơi làm ăn) phủ nhận những quyền lợi không chính thức, kèm theo các tiêu chuẩn trong làm việc và sinh hoạt của họ. Tác giả Shahana Chattaraj đã lập luận trong cuốn sách Giấc mơ Thượng Hải: Tái cấu trúc đô thị tại thành phố toàn cầu hóa Mumbai rằng, Mumbai không thể hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thành phố đẳng cấp thế giới. Nền kinh tế chính trị của thành phố khiến cho bất động sản ở đây bị sốt cao kéo dài và do đó, mặc dù cung cấp nhà ở miễn phí cho cư dân khu ổ chuột, nhưng thành phố không đầu tư đầy đủ vào các dịch vụ thiết yếu, y tế và cơ sở hạ tầng mềm. Nhà nước rút tiền đầu tư vào đây đồng nghĩa với việc cắt giảm các dịch vụ phúc lợi, và chuyển sang hình thức phúc lợi dựa trên bảo hiểm và tài chính, và người nghèo đô thị không thể tiếp cận đầy đủ những phúc lợi này.

Những thực tế trên đã được biết đến và được ghi nhận rõ trong nhiều báo cáo, tuy nhiên các chính sách công trong việc chống đại dịch lại chỉ hướng tới người dân sống trong căn hộ có tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số, có không gian và tiện nghi sống đầy đủ, và có đủ số dư trong tài khoản ngân hàng.

Tình trạng phong tỏa kéo dài đã gây ra sự hoảng loạn trong giới lao động nhập cư và những người làm công nhật. Những hạn chế di chuyển dẫn đến những cuộc hành trình trở về nhà vất vả và nguy hiểm. Các biện pháp phúc lợi được khởi xướng quá muộn, quá ít và đạt được ít hiệu quả. Chính quyền địa phương phong tỏa hạn chế việc di chuyển ra khỏi nhà và ra đường; giao thông công cộng đã bị đình trệ trong thời gian dài. Giáo dục đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. Quản lý các tòa nhà trở thành cánh tay nối dài của nhà nước trong thực thi các hạn chế ra vào khu dân cư. Hệ quả tổng hợp là ngưng sinh kế của những người trong khu vực phi chính thức. Việc nhà nước và doanh nghiệp phân phối thức ăn chế biến sẵn và nơi ở tạm trên quy mô lớn đã bị cản trở bởi cơ chế phân phối kém, cơ sở hạ tầng xã hội phân bổ theo không gian không đầy đủ và thiếu không gian chăm sóc trong các khu định cư phi chính thức. Việc kiểm tra, xét nghiệm và ngăn chặn được thực thi không đồng đều do thiếu đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu và sự xa lánh của cộng đồng địa phương đối với những người tạm cư.

Các phác đồ điều trị có sự thiên vị đáng kể đối với người dân sống trong căn hộ. Do đó, tuy chính quyền nỗ lực điều chỉnh việc phân bổ giường bệnh và các cơ sở điều trị ban đầu, phát thuốc thiết yếu, cấp phương tiện chẩn đoán và ôxy, xét nghiệm và tiêm chủng, nhưng người nghèo ở đô thị không được hưởng những phúc lợi này, đến mức họ coi COVID-19 là “bệnh của người giàu”. Hệ thống đã có phản ứng hiệu quả ở khu ổ chuột Dharavi, khống chế lây nhiễm nhờ sự phối hợp mạnh mẽ giữa chính quyền bang, chính quyền thành phố, khu vực tư nhân và các nhóm của người dân. Câu hỏi đặt ra là tại sao không nhân rộng mô hình đó ra để áp dụng cho nhiều khu vực khác.

Kết luận

Mỗi cuộc khủng hoảng đều là một cơ hội để rút kinh nghiệm, nhưng nguyên nhân khủng hoảng là do đâu mới là điều quan trọng. Có nên coi đại dịch là một cuộc ‘chiến chống virus’ và cần ‘đánh đuổi’ nó, trong khi bản chất của virus là khó có thể biến mất hoàn toàn? Quan trọng là phải đặt ra những câu hỏi phù hợp, tìm hiểu rõ những bất bình đẳng mang tính hệ thống trong các thành phố và hệ thống thành phố của chúng ta, và xóa bỏ những bất bình đẳng đó. Vi-rút đã cho thấy nó luôn thay đổi và khả năng biến chủng nhanh, dễ lây nhiễm hơn, và mức độ lây nhiễm và tử vong không đồng đều là do một số điểm gây ra bất bình đẳng từ trong những hệ thống cụ thể. Chúng ta phải điều chỉnh những điều này và chọn cách sống chung với đại dịch.

Tác giả: Amita Bhide, Giáo sư và Trưởng khoa Nghiên cứu Môi trường sống, Trung tâm Sức khỏe Môi trường, Viện Khoa học Xã hội Tata, Mumbai.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/cities-need-systemic-change-to-eliminate-pandemics-of-inequalities/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục