Lý do Ấn Độ bắt đầu hệ thống xếp hạng các trường đại học của riêng mình
Khoảng hơn 15 năm trước, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cảm thấy xấu hổ vì quá ít các trường đại học của họ đứng top các trường hàng đầu thế giới. Họ đã trả lời theo phong cách không thể bắt chước kiểu Trung Quốc – bắt đầu hệ thống xếp hạng các trường đại học của riêng họ.
Sản phẩm đó hiện được biết đến phổ biến với cái tên “Bảng xếp hạng Thượng Hải” (Shanghai Ranking), nó xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới bằng việc sử dụng các thông tin công cộng. Qua nhiều năm, nó đã được phát triển thành một hệ thống xếp hạng được chú ý và thảo luận rộng rãi và đôi khi bị chỉ trích.
Khi trường Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra bảng xếp hạng của họ vào năm 2003, có 9 trường đại học của Trung Quốc lọt vào top 500. 3 viện nghiên cứu của Ấn Độ cũng xuất hiện gồm: Viện Khoa học Ấn Độ (IISc), IIT Kharagpur và IIT Delhi. Năm ngoái, bảng Xếp hạng Thượng Hải đã xếp 54 trường đại học của Trung Quốc vào top 500, trong khi Ấn Độ chỉ có một đại diện là IISc. IITs đã rơi ra khỏi bảng xếp hạng.
Chí ít trên một phương diện tham số nào đó, các học viện của Ấn Độ đã bị trượt dốc. Hiện tại, Ấn Độ đã bắt đầu mô phỏng người Trung Quốc, về phương diện nguyên tắc nếu không phải là phương pháp. Tuần trước, Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ (MHRD) đã thông báo danh sách các trường đại học hàng đầu của Ấn Độ dựa trên phương pháp xếp hạng riêng. Đây là năm thứ hai liên tiếp, nhưng là lần làm triệt để đầu tiên, bởi vì lần ra mắt đầu tiên đã quá vội vã.
Không giống như hệ thống của Trung Quốc, Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ gắn kết chặt chẽ với các trường đại học Ấn Độ, mặc dù mục đích không rõ ràng của nó là chuẩn bị cho các cơ sở nghiên cứu của Ấn Độ cạnh tranh được với những tổ chức hàng đầu thế giới trong tương lai. Ông Surendra Prasad, cựu giám đốc IIT Delhi, cựu Chủ tịch Hội đồng Kiểm định quốc gia, thành viên chủ chốt của Khung xếp hạng các tổ chức quốc gia, nói. "Chúng tôi muốn cải tiến các học viện của mình”.
IISc dẫn đầu bảng xếp hạng MHRD, tiếp theo là các IIT cũ, Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) và một số IIT mới hơn. Trong một buổi diễn thuyết vào hôm thứ Hai (10/4/2017), Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã trao giải cho lãnh đạo 10 viện nghiên cứu hàng đầu và các tổ chức hàng đầu trong từng lĩnh vực. Trong một tuyên bố bất ngờ khác, Bộ trưởng Prakash Javadekar đã gợi ý rằng, các viện nghiên cứu hàng đầu có thể nhận được nhiều tài trợ hơn.
Người đứng đầu quốc gia thường không quan tâm theo dõi các bảng xếp hạng học thuật nhưng Mukherjee là một ngoại lệ. Ông ta nói về thành tích nghèo nàn của các trường Ấn Độ trong các bảng xếp hạng quốc tế bất kỳ lúc nào có cơ hội. Ông thậm chí còn tổ chức một buổi gặp mặt một số nhà lãnh đạo IIT vào năm 2014, trong đó có cả Phil Baty, biên tập viên của Bảng Xếp hạng các trường đại học trên thế giới của tờ Times Higher Education (THE), để thảo luận về các hệ thống xếp hạng.
Cuộc gặp gỡ hằng năm này đã được mở rộng phạm vi và sự tham gia của các viện nghiên cứu. Trước khi rời khỏi nhiệm sở, cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng bày tỏ sự thất vọng vì Ấn Độ không có một viện nghiên cứu nào trong top 200 của Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới QS (QS World University Rankings). Rất nhanh chóng, các nhà chính trị khác đã nắm bắt được sự quan tâm của Tổng thống.
Bà Smriti Irani đã quan tâm đến các bảng xếp hạng trường đại học khi bà trở thành Bộ trưởng HRD. Với sự quan tâm ở cấp độ cao nhất này, đây chỉ là vấn đề về thời gian trước khi Ấn Độ phát triển hệ thống xếp hạng riêng của mình. Hội đồng IIT, cơ quan quản lý tất cả IIT, đã có bước đi đầu tiên hai năm trước khi Partha Chakrabarti, Giám đốc IIT Kharagpur, trình bày tầm quan trọng tại sao phải tiến hành xếp hạng. Một số gợi ý của ông Chakrabarti đã trở thành nền tảng của bảng xếp hạng MHRD hiện tại. Ông Chakrabarti đã lập luận rằng, Ấn Độ không thể bỏ qua các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng các viện nghiên cứu cũng không thể rời xa các nhiệm vụ trong nước.
Các viện nghiên cứu của Ấn Độ hoạt động trong bối cảnh không được ghi nhận bởi các bảng xếp hạng quốc tế, các viện nghiên cứu này phải đưa vào các tham số khác nhau. Ông đề nghị rằng, giống như Trung Quốc, Ấn Độ cần phát triển hệ thống xếp hạng riêng. Và khi phương pháp luận vững vàng, nó có thể sử dụng để so sánh các viện nghiên cứu của Ấn Độ với những tổ chức tốt nhất thế giới một cách công bằng. Hầu hết những người đứng đầu các viện và các giáo sư cao cấp luôn nhìn vào các bảng xếp hạng quốc tế với thái độ đầy nghi hoặc.
Bảng xếp hạng của QS và THE có các tiêu chí chủ quan và một số dữ liệu của họ không được công khai. Các cuộc khảo sát về uy tín nhìn chung nghiêng lệch về các trường đại học Âu Mỹ bởi vì các trường đại học ở châu Á không được nổi tiếng trên thế giới.
Bảng xếp hạng Thượng Hải đã nhấn mạnh quá mức đến những người đoạt giải Nobel, vì hầu hết các trường đại học đều không có giải Nobel vì thế họ không có điểm. Nhiều người đặt câu hỏi về khái niệm bảng xếp hạng, vì các trường đại học trên khắp thế giới rất đa dạng. Làm thế nào bạn có thể nắm bắt các thực thể đa dạng như vậy trong một con số?
Bất chấp những phản đối này, nhiều giáo sư, nhà hoạch định chính sách và thậm chí cả các chính trị gia đã để mắt tới các bảng xếp hạng. Các viện nghiên cứu quốc tế thực hiện các bảng xếp hạng bắt đầu tiếp xúc ngày càng nhiều với các viện nghiên cứu của Ấn Độ. Mặc dù các viện nghiên cứu của Ấn Độ - ngoại trừ IISc - rơi khỏi danh sách Bảng xếp hạng Thượng Hải, nhưng họ có vị trí khá ổn định trong bảng xếp hạng của QS. Một cái nhìn gần hơn cho thấy, phương pháp của họ cho biết tại sao các viện nghiên cứu của Ấn Độ không làm tốt.
Bảng xếp hạng QS sử dụng năm tiêu chí: Danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng của nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ sinh viên/giảng viên (20%), trích dẫn trên mỗi giảng viên (20%), quốc tế hóa (5%) cho mỗi giảng viên và sinh viên. Ngoại trừ trích dẫn cho mỗi giảng viên, các viện nghiên cứu của Ấn Độ sẽ chùn bước trong những tiêu chí trên.
Uy tín học thuật và uy tín của nhà tuyển dụng được đánh giá với sự trợ giúp từ các cuộc điều tra. Cơ sở dữ liệu Scopus, một cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn, cung cấp các dữ liệu trích dẫn. Các viện nghiên cứu của Ấn Độ có tiếng tăm ở nước ngoài rất hạn chế ở và do đó không thể đạt được điểm số cao trong các cuộc điều tra. Bhaskar Ramamurti, Giám đốc IIT Madras, nói: “Các IIT nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng tôi không nghĩ nhiều người có thể phân biệt được các IIT khác nhau”.
Các viện nghiên cứu của Ấn Độ không có nhiều giảng viên hoặc sinh viên quốc tế. Trong bảng xếp hạng QS năm ngoái, IISc - viện nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ - không có điểm cho danh tiếng của nhà tuyển dụng, giảng viên quốc tế hay sinh viên quốc tế. Các viện nghiên cứu Ấn Độ đang gặp khó khăn vì nhu cầu trong nước cao. Trung Quốc cũng có nhu cầu cao, nhưng tồn tại một sự khác biệt.
Ông Ben Sowter, Giám đốc QS, nói rằng: “Ở Ấn Độ, nhu cầu là một vấn đề ngày càng gia tăng, nhưng ở Trung Quốc nó là một vấn đề đang suy giảm”. Các viện nghiên cứu xuất sắc của Ấn Độ, dưới áp lực phải chấp nhận nhiều sinh viên, sẽ không thể hướng đến quốc tế trong tương lai gần. QS là viết tắt của Quacquarelli Symonds, một công ty của Anh chuyên về giáo dục và nghiên cứu ở nước ngoài.
Các viện nghiên cứu của Ấn Độ ở thế bất lợi ngay cả trong hệ thống bảng xếp hạng Thượng Hải có phương pháp ổn định và do đó thứ hạng tương đối ổn định. Không một nhà nghiên cứu người Ấn Độ làm việc ở Ấn Độ giành được giải Nobel kể từ thời CV Raman, nhưng 30% sức nặng của bảng xếp hạng là giải Nobel. Vì vậy, Ấn Độ chỉ cạnh tranh ở các thông số còn lại.
Điều này rõ ràng gây ra tranh cãi. Trung Quốc chỉ có một người đoạt giải Nobel làm việc trong nước, nhưng nước này có 54 trường đại học thuộc top 500. Sự khác biệt nằm ở các kết quả nghiên cứu giữa các trường đại học Ấn Độ và Trung Quốc. Ý đồ của họ là bảng xếp hạng Thượng Hải nghiêng về phía các giáo sư xuất sắc và các viện nghiên cứu ưu tú. Ấn Độ không có số lượng lớn nhưng nhiều thứ dường như đang được cải thiện.
Ông Xuejen Wang, Giám đốc mảng xếp hạng của Công ty tư vấn Shanghai Ranking nói: “Một số viện nghiên cứu của Ấn Độ đang nhanh chóng tiệm cận top 500”. Đó là một số IIT, JNU, Đại học Calcutta và Đại học Delhi. Đại học Giao thông Thượng Hải không công bố danh sách các trường được xếp hạng dưới 500. Bảng xếp hạng MHRD ra đời để loại bỏ những bất lợi của các viện nghiên cứu Ấn Độ trong các bảng xếp hạng quốc tế bằng cách phát triển một bộ các thông số liên quan đến tình hình Ấn Độ. Đây cũng là một cuộc huy động nhằm buộc các tổ chức Ấn Độ phải thu thập và lập tài liệu về chính họ. Vì những dữ liệu này được công khai nên không cần nghi ngờ về tính khách quan của nó.
Ông TA Abinandan, người đứng đầu Bộ phận Kỹ thuật khoa học vật liệu của IISc cho biết: “Chúng tôi thấy việc sưu tập dữ liệu này là một công việc hữu ích. Chúng tôi không biết nhiều về chính mình”.
Khi ủy ban đầu tiên bắt đầu tranh luận về việc thiết lập Khuôn khổ xếp hạng các viện nghiên cứu quốc gia (NIRF), bà Smriti Irani đã nói rõ rằng, sinh viên là những người có liên quan quan trọng nhất trong việc này. Ủy ban đề nghị một tập hợp các tham số cần được đánh giá, phần lớn dựa trên các tiêu chí khách quan. Vì các trường đại học là một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục Ấn Độ, nên NIRF đã xây dựng một hệ thống xếp hạng riêng cho các trường đại học.
NIRF tìm kiếm một môi trường học tập tốt, văn hóa nghiên cứu tốt, ảnh hưởng của sinh viên tốt nghiệp, tính bao trùm xã hội, và cuối cùng là danh tiếng trong công chúng, đồng nghiệp và người sử dụng lao động. Tiêu chuẩn cuối cùng không phải là khối lượng quá lớn.
Ba nguồn được sử dụng tác động đến việc nghiên cứu gồm: Cơ sở dữ liệu mạng lưới khoa học, cơ sở dữ liệu Scopus và Chỉ số trích dẫn Ấn Độ. Hai nguồn đầu tiên là cơ sở dữ liệu quốc tế, trong khi nguồn thứ ba là cơ sở dữ liệu của Ấn Độ. Các trường đại học và cao đẳng đã có phản ứng tốt, bởi vì NIRF đã có 3.139 lượt xin phép. Chỉ có một vài cơ sở y tế, viện nghiên cứu pháp luật và kiến trúc tham gia.
Dữ liệu của năm nay phong phú hơn năm đầu tiên, vì thế nó cho phép các nhà hoạch định chính sách hoặc công chúng rút ra một số kết luận, đặc biệt khi so sánh với các bảng xếp hạng quốc tế. Trong bảng xếp hạng năm nay, các viện nghiên cứu nhỏ bị đẩy ra khỏi bảng xếp hạng khi NIRF đưa ra điểm số cho quy mô của các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, có ít cạnh tranh ở những viện nghiên cứu tốt nhất Ấn Độ.
Có sự thay đổi nhỏ về thứ tự, nhưng top 10 viện nghiên cứu hàng đầu Ấn Độ đều giống nhau trong bảng xếp hạng của QS và Ấn Độ. Tỷ lệ giữa giáo sư/sinh viên ở nhiều viện nghiên cứu rất thấp, một số nơi là một giáo sư/hơn 50 sinh viên. 100 viện nghiên cứu hàng đầu chiếm 89% số lượng nghiên cứu. Những nghiên cứu về văn hóa không có nền tảng lâu dài, nhưng mọi thứ đang được cải thiện.
Ông Prasad cho biết: “Việc nghiên cứu rộng lớn hơn chúng tôi nghĩ”. Điều này đặc biệt đúng với những nghiên cứu về kỹ thuật, với sự đóng góp đáng kể từ Viện Công nghệ Quốc gia (NIT) và các trường đại học công lập. Bảng xếp hạng cho thấy, các trường đại học tư thục cũng đã cải thiện các tiêu chuẩn, đặc biệt là trong nghiên cứu. Amrita Vishwa Vidyapeetham, có trụ sở tại Coimbatore, được xếp hạng 16 trong số tất cả các viện nghiên cứu, đứng trước IIM Ahmedabad, Đại học Pune và Đại học Hồi giáo Aligarh. Các trường đại học tư thục đã bắt đầu xếp hạng một cách nghiêm túc, và đã tham gia với các tổ chức xếp hạng quốc tế trong thời gian gần đây. Trong thập kỷ tiếp theo, họ có thể cạnh tranh nghiêm túc với các viện nghiên cứu công lập tốt nhất của Ấn Độ.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: http://economictimes.indiatimes.com/news/industry/services/education/this-is-why-india-started-its-own-university-ranking-system/articleshow/58155300.cms
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục