Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mặt trời lên trong mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản

Mặt trời lên trong mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản

Trái với suy đoán của nhiều người, Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Yoshihide Suga hóa ra là người kế nhiệm thực sự của người tiền nhiệm Shinzo Abe trên mặt trận chính sách đối ngoại. Chuyến thăm của ông tới Mỹ vừa qua đã thiết lập chương trình nghị sự cho sự tham gia rộng lớn hơn của Tokyo vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các ưu tiên đang phát triển của Nhật Bản.

05:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tập trung vào vấn đề Trung Quốc

Ngay từ đầu, rõ ràng là mấu chốt của các cuộc thảo luận trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, Joe Biden và ông Suga xoay quanh vấn đề Trung Quốc. Tokyo và Washington đã đi sâu vào các cam kết về quan hệ đối tác an ninh chung do nhu cầu giải quyết vấn đề Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như ở eo biển Đài Loan. Cả hai bên đều khẳng định liên minh Mỹ-Nhật có vai trò trọng tâm trong việc đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Đông Á, và cam kết cùng đứng về một phe để đối trọng với Trung Quốc trong những vấn đề then chốt của khu vực như quần đảo Senkaku và Đài Loan đang tranh chấp. Nhận thức được xung đột đã thay đổi về bản chất, cả hai nước đều thừa nhận tầm quan trọng của việc mở rộng hoạt động răn đe Trung Quốc thông qua hợp tác về an ninh mạng và công nghệ vũ trụ.

Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến tham vọng của Trung Quốc trong việc thống trị sự phát triển của các công nghệ thời đại mới như 5G và điện toán lượng tử. Gần đây, Trung Quốc cam kết đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD vào các công nghệ mới nổi. Washington và Tokyo đã cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng cách đưa ra bản công bố Quan hệ đối tác về năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi, gọi tắt là CoRe (https://bit.ly/3eN6DlT). Hai đồng minh đã dành hàng tỷ USD tài trợ cho việc triển khai mạng 5G an toàn, cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước đang phát triển và hứa hẹn hợp tác để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật số toàn cầu. Cả hai bên cũng cho thấy ý định tiếp tục chính sách thời Trump để gây áp lực lên Trung Quốc nhằm cải cách các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang bị coi là “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, vấn đề vượt quá năng lực giải quyết và làm méo mó sự hỗ trợ công nghiệp bằng các hoạt động thương mại” (https://bit.ly/2Sbb81H).

Tokyo và Washington chia sẻ chung nhiều giá trị. Cả hai cường quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm nhìn của họ về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tôn trọng pháp quyền, tự do hàng hải, các chuẩn mực dân chủ và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ (https://bit.ly/2Rfcp7n), cả hai nước đã bày tỏ tiếp tục ủng hộ nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản. Có khả năng Thủ tướng Nhật Bản có kế hoạch thăm Ấn Độ ngay khi tình hình cho phép sau đại dịch COVID-19. Cách Nhật Bản ứng xử với Mỹ có thể coi là khuôn mẫu cho những gì Nhật Bản sẽ ứng xử với Ấn Độ.

 

Khuôn mẫu trong ứng xử của Nhật Bản với Ấn Độ

Đầu tiên, chúng ta có thể mong đợi hai nước duy trì chính sách an ninh cân bằng chống lại Trung Quốc, chính sách này đã bắt đầu từ cam kết của hai Thủ tướng Narendra Modi và Shinzo Abe vào năm 2014. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ, ông Suga bày tỏ lo ngại về các hành động “đơn phương” của Trung Quốc trên Biển Đông (Việt Nam) và Biển Hoa Đông, Tân Cương và Hồng Kông. Điều quan trọng là, các cuộc đụng độ của Ấn Độ với Trung Quốc ở thung lũng Galwan đã khiến dư luận ủng hộ chính sách đối đầu với Trung Quốc.

Chỉ trong một thập kỷ, New Delhi và Tokyo đã mở rộng các mối quan hệ cấp cao giữa các cấp bộ trưởng và các quan chức, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung và ký kết các hiệp ước quân sự, như hiệp định hậu cần Hiệp định Mua lại và Dịch vụ Chéo (ACSA). Hơn nữa, các cuộc họp ở các cấp sẽ không thể thực hiện được nếu New Delhi và Tokyo không ủng hộ quan điểm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và tiếp tục sẵn sàng làm việc với Bộ tứ, vốn đang nhanh chóng nổi lên như một trụ cột trung tâm trong các chiến lược an ninh của cả hai quốc gia. Hai bên đã lên kế hoạch cho một cuộc họp Modi-Suga, cùng với các cuộc họp Bộ trưởng 2 + 2, nhằm xác định tình trạng của mối quan hệ an ninh đồng thời thúc đẩy sự hợp tác vẫn còn ở giai đoạn sơ khai về công nghệ quốc phòng và xuất khẩu.

 

Quan hệ đối tác công nghệ

Thứ hai, hai cường quốc sẽ tìm cách mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng và công nghệ mới. Trong những năm dưới thời ông Shinzo Abe, New Delhi và Tokyo đã cùng nhau hợp tác nghiên cứu và đổi mới kỹ thuật số để vận hành hàng loạt công nghệ từ AI và 5G đến Internet vạn vật và nghiên cứu không gian. Cũng như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật, ông Suga và ông Modi có thể tìm cách tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu và mở rộng tài trợ cho nghiên cứu do Trung Quốc tăng cường đầu tư vào những công nghệ nói trên. Vẫn chưa rõ liệu ông Suga có cố gắng khuấy động vấn đề gây bất đồng là việc Ấn Độ khăng khăng muốn bản địa hóa dữ liệu và miễn cưỡng gia nhập các thỏa thuận an ninh mạng toàn cầu như Công ước Budapest hay không.

Thứ ba, quan hệ kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng có thể sẽ là những nội dung quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của New Delhi và Tokyo. Trong khi Nhật Bản đã đầu tư khoảng 34 tỷ USD vào nền kinh tế Ấn Độ trong suốt hai thập kỷ qua, Nhật Bản chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Ấn Độ (https://bit.ly/3xENISD) và khối lượng thương mại giữa hai nước chỉ bằng một phần năm giá trị của thương mại song phương Ấn Độ-Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh Modi-Suga có thể sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các sáng kiến ​​sản xuất quan trọng như “Sản xuất tại Ấn Độ” và Các thị trấn công nghiệp Nhật Bản. Hơn nữa, Ấn Độ sẽ quan tâm đến việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vào các dự án kết nối quan trọng mang tính chiến lược hiện đang được triển khai ở Đông Bắc Ấn Độ và các đảo Andaman và Nicobar.

 

Triển vọng của quốc gia thứ ba

Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh Suga-Modi chắc chắn sẽ dành nhiều sự quan tâm để phát triển chiến lược chung hướng tới các quốc gia thứ ba và các tổ chức đa phương chủ chốt. Trong những năm qua, New Delhi và Tokyo đã hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở Iran và châu Phi, cung cấp viện trợ quan trọng cho Myanmar và Sri Lanka, đồng thời xây dựng chính sách tiếp cận chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tạo thế cân bằng với những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những khu vực này. Tuy nhiên, không giống như các hội nghị thượng đỉnh trước đây, đã đến lúc Ấn Độ và Nhật Bản cần xem xét kỹ lưỡng các báo cáo cho thấy rằng, các dự án cơ sở hạ tầng chung ở châu Phi và Iran đã bị đình trệ với chi phí phụ trội lên đáng kể. Tokyo cũng có thể sẽ tiếp tục kêu gọi Ấn Độ suy nghĩ lại để tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Năm 2006, Shinzo Abe viết trong cuốn sách Utsukushii Kuni E (Hướng tới một đất nước tươi đẹp), bày tỏ hy vọng rằng: “sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong 10 năm nữa, quan hệ Nhật-Ấn vượt qua quan hệ Nhật-Mỹ và Nhật-Trung”. Cho đến nay, New Delhi có mọi lý do để tin rằng, Yoshihide Suga của Nhật Bản sẵn sàng biến giấc mơ đó thành hiện thực.

Tác giả: Giáo sư Harsh V Pant, Giám đốc Nghiên cứu và Trưởng Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF), New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/the-rising-sun-in-india-japan-relations/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục