Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mikhail Gorbachev qua đời ở tuổi 91

Mikhail Gorbachev qua đời ở tuổi 91

Gorbachev là tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô, và trên thực tế là nguyên thủ quốc gia cuối cùng từ năm 1985 đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ông được biết đến với nỗ lực cải cách đất nước trên quy mô lớn, được gọi là "perestroika", và xoa dịu căng thẳng quốc tế với phương Tây trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh.

10:00 31-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hôm thứ Ba (30/8), Bệnh viện Lâm sàng Trung ương ở Moscow cho biết, Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã qua đời ở tuổi 91.

Cựu tổng thống của Liên Xô đã bước sang tuổi 91 vào tháng 3 này. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào liên quan đến tình trạng sức khỏe của chính trị gia này trước khi qua đời.

Đầu mùa hè năm nay, những tin đồn về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ bị suy giảm nghiêm trọng đã xuất hiện, tuy nhiên, điều này đã bị đại diện của Quỹ Gorbachev bác bỏ. Cũng có thông tin cho rằng, vào tháng 10 năm 2021, ông đã bị cách ly trong bệnh viện do đại dịch coronavirus.

Thời kỳ lãnh đạo của ông được đánh dấu bằng một số sự kiện quan trọng nhất về mặt địa chính trị: Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan và sự sụp đổ của bản thân nhà nước Liên Xô.

Một số coi ông là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, những người khác coi ông là một nhà cải cách, và một số thậm chí coi ông là một kẻ phản bội và "đặc vụ" của CIA.

Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, Gorbachev nói rằng, ông phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho tất cả những gì đã xảy ra với đất nước trong thời gian cầm quyền của mình. Ông tuyên bố rằng ông đã chiến đấu vì sự bảo vệ Liên bang Xô Viết "đến viên đạn cuối cùng", nhưng luôn gọi nguyên tắc "không đổ máu" là cương lĩnh chính của mình. Ông được cho là đã đề cập đến cương lĩnh này khi từ chối ngăn chặn âm mưu đảo chính tháng 8 năm 1991 bằng vũ lực.

Người bình thường trở thành lãnh đạo của siêu cường quốc

Với xuất thân gia đình là nông dân, Gorbachev sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931. Năm 1955, ông tốt nghiệp khoa luật của Đại học Tổng hợp Moscow. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm vào Văn phòng Công tố khu vực Stavropol ở miền nam nước Nga và gần như ngay lập tức được chuyển sang công việc chính trị tại Komsomol (Đoàn thanh niên).

Gorbachev bắt đầu sự nghiệp trong đảng vào năm 1962. Từ năm 1970 đến năm 1978, ông giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản của Ủy ban khu vực Stavropol. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1971 đến năm 1991, và từ năm 1980 đến năm 1991, ông là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương.

Trong Ban chấp hành Trung ương, ban đầu ông giám sát ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhưng ngay sau đó bắt đầu có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong các quyết định của BCH Trung ương.

Tháng 3 năm 1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, và được bầu lại vào tháng 7 năm 1990 tại Đại hội lần thứ 28 của đảng.

Perestroika (Cải cách) & Sự sụp đổ của Liên Xô

Trong nhiệm kỳ của mình, theo sáng kiến của chính Gorbachev, một nỗ lực quy mô lớn đã được thực hiện nhằm cải cách hệ thống xã hội ở Liên Xô, được gọi là "perestroika". Mục tiêu chính của perestroika là cải tiến toàn diện hệ thống xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là phát triển dân chủ, tự do ngôn luận, mở rộng quyền của các tập thể lao động và các tổ chức công, cũng như tăng cường luật pháp và trật tự.

Đặc biệt, chính sách được tuyên bố của Gorbachev là glasnost (minh bạch tối đa trong hoạt động của các tổ chức nhà nước và tự do thông tin) đã dẫn đến việc thông qua đạo luật về báo chí bãi bỏ kiểm duyệt của nhà nước vào năm 1990. Ông cũng đưa viện sĩ Andrei Sakharov trở về sau cuộc sống lưu vong chính trị. Quá trình trao trả quyền công dân của Liên Xô cho những người bất đồng chính kiến bị tước đoạt và lưu vong bắt đầu. Một chiến dịch rộng rãi cũng đã được phát động để phục hồi cho các nạn nhân bị đàn áp chính trị.

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, do hậu quả của sự biến động và không thống nhất trong việc thực hiện các cải cách toàn diện, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc, tình hình Liên Xô trở nên xấu đi trong tất cả các lĩnh vực.

Mặc dù thực tế là vào năm 1990, một cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên Xô như một quốc gia thống nhất đã được tổ chức trong nước và phần lớn dân số đã bỏ phiếu cho việc đó, các cuộc "biều tình về chủ quyền" đã bắt đầu, với tư cách là Xô Viết tối cao của các nước cộng hòa Liên minh, các nước lần lượt đưa ra các quyết định về quyền tự quyết của chủ quyền, điều này trên thực tế có nghĩa là tách rời khỏi Liên Xô.

Năm 1991, Gorbachev đã cố gắng thúc đẩy dự thảo Hiệp ước Liên minh mới cùng với các nhà lãnh đạo của 10 nước cộng hòa thuộc Liên Xô vì mục tiêu bảo tồn đất nước. Tuy nhiên, một ngày trước khi ký kết dự kiến tại Moscow, vào ngày 19 tháng 8 năm 1991, các thành viên của nội các Gorbachev, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, đã cố gắng nắm quyền và tuyên bố thành lập Ủy ban Nhà nước về Tình trạng Khẩn cấp (GKChP).

Họ yêu cầu tổng thống, người đang đi nghỉ ở Crimea, ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước hoặc tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Gennady Yanaev. Sau cuộc đảo chính thất bại vào ngày 21 tháng 8 năm 1991, Gorbachev trở lại ghế tổng thống, nhưng vị trí của ông đã bị suy yếu đáng kể, khi đối thủ của ông, tổng thống tương lai đầu tiên của Nga, Boris Yeltsin, đã tăng cường được sức nặng chính trị.

Ngày 24 tháng 8 năm 1991, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương và rút khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU).

Lịch sử của nhà nước Xô Viết kết thúc trên thực tế vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, một vài ngày trước sinh nhật lần thứ 69 của nó, sau khi các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine và Belarus ký kết các thỏa thuận Belovezhskaya về việc giải thể Liên bang Xô Viết, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô.

Đoạt giải Nobel Hòa bình

Vì những nỗ lực của ông nhằm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với phương Tây và đặc biệt là với Mỹ sau cuộc khủng hoảng sâu sắc vào đầu những năm 80, các hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như Hiệp ước START, và vai trò của ông trong việc thống nhất nước Đức, năm 1990 Gorbachev được trao giải Nobel Hòa bình vì "vai trò hàng đầu của ông trong tiến trình hòa bình, mà tiến trình này là đặc điểm quan trọng cấu thành nên cộng đồng quốc tế hiện nay."

Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại không chỉ liên quan đến phẩm chất cá nhân của tân Tổng bí thư. Vào thời điểm đó, Liên Xô đang sa lầy trong cuộc chiến Afghanistan, và áp lực của tổ hợp công nghiệp-quân sự đối với ngân sách của đất nước ngày càng lớn vì cuộc chạy đua vũ trang.

"Tư duy mới" do Gorbachev đề xuất ngụ ý rằng "quyền lực và vũ khí sẽ phải nghiêm túc nhường chỗ cho vai trò là đòn bẩy chính của nền chính trị thế giới." Lúc đầu, lời hùng biện này có vẻ không tưởng đối với một số người, và đề xuất loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vào năm 2000 được coi là một mưu đồ tuyên truyền.

Nhưng Gorbachev luôn nhắc lại cam kết phá hủy tất cả các kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Có thể, theo các nhà phân tích chính trị, thảm kịch tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 đã chứng minh cho nhà lãnh đạo mới của Liên Xô về sức công phá của năng lượng nguyên tử.

Gorbachev gọi việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, kết thúc Chiến tranh Lạnh và bắt đầu giải trừ hạt nhân là kết quả của chính sách đối ngoại của perestroika.

Một trong những mục tiêu của Liên Xô vào thời điểm đó là bắt đầu thay đổi và "mở cửa với thế giới."

Sau khi nghỉ hưu, Gorbachev chuyển sang làm công việc nhân đạo, thường xuyên bình luận về các sự kiện chính trị và ủng hộ việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang nhân danh gìn giữ hòa bình toàn cầu.

Ngoài ra, rất lâu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cựu tổng thống Liên Xô đã chỉ trích "chủ nghĩa hiếu thắng" của Mỹ, quốc gia tuyên bố mình là người chiến thắng trong chiến tranh Lạnh. Ông chắc chắn rằng nước Mỹ cần một perestroika của riêng mình.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục