Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Myanmar

Mối quan hệ Ấn Độ - Myanmar

05:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cuộc tấn công ngày 13 tháng 11 năm 2021 vào lực lượng Assam Rifles thuộc quân đội Ấn Độ của hai nhóm nổi dậy ở bang Manipur - Quân đội Giải phóng Nhân dân và Mặt trận Nhân dân Manipur Naga - ở quận Churachandpur của Manipur có khả năng gây bất ổn thêm cho vùng Đông Bắc Ấn Độ. Những nhóm này có liên kết với các nhóm nổi dậy trong khu vực với Myanmar. Do đó, Ấn Độ phải xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề này.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự Myanmar vào tháng 2 năm 2021, Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy các giá trị dân chủ và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong mối quan hệ với Myanmar. Hành động ngoại giao khéo léo của Ấn Độ có thể được coi là cách hành xử trong tình thế tiến thoái lưỡng nan - nhưng New Delhi đã để ngỏ lựa chọn can dự với quân đội Myanmar (Tatmadaw).

Sau cuộc đảo chính, Ấn Độ đã kêu gọi khôi phục nền dân chủ của Myanmar. Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại về việc bà Aung San Suu Kyi bị tòa án Myanmar kết án 2 năm tù vào ngày 6 tháng 12 năm 2021.

Nhưng đồng thời, Ấn Độ đã tránh chỉ trích gay gắt chính quyền quân sự. New Delhi thậm chí còn tham dự một cuộc diễu hành quân sự của Myanmar vào ngày 27 tháng 3 năm 2021 để đánh dấu Ngày Tatmadaw. Vào tháng 6 năm 2021, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm phản đối quân đội Myanmar và yêu cầu nước này tôn trọng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020.

Ấn Độ có một số lý do để thận trọng trong tình hình này. Thứ nhất, quân đội Myanmar là tổ chức vững chắc trước nhiều diễn biến chính trị mặc dù tiến trình dân chủ ở Myanmar đã được khởi xướng từ một thập kỷ trước. Kết quả của quá trình lập hiến được quân đội hậu thuẫn vào năm 2008, 25% số ghế trong quốc hội địa phương và quốc gia của Myanmar được dành cho các quan chức quân đội. Vì vậy, khi Ấn Độ mở rộng cam kết với Myanmar trong thập kỷ qua, lực lượng quân đội Myanmar, Tatmadaw, đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính phủ và nhóm có quyền ra quyết định.

Thứ hai, Ấn Độ coi Tatmadaw có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc nổi dậy xuyên biên giới ở vùng Đông Bắc, đây là vấn đề dai dẳng kể từ khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947. Myanmar có chung đường biên giới dài 1600 km với 4 bang của Ấn Độ - Arunachal Pradesh, Nagaland, Manipur và Mizoram. Đường biên giới mềm và quan hệ họ hàng xuyên quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho quân nổi dậy lập căn cứ ở Myanmar để trốn tránh lực lượng an ninh Ấn Độ.

Để đối phó với mối đe dọa này, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã phối hợp với Tatmadaw tiến hành các hoạt động chống lại các nhóm nổi dậy trong ba thập kỷ qua. Ấn Độ đã thực hiện cuộc tấn công năm 2015 vào các căn cứ của quân nổi dậy Naga bên trong Myanmar, và quân đội Ấn Độ và Myanmar phối hợp tấn công chống lại một số quân nổi dậy vào năm 2019.

Các hoạt động liên tục của cả hai nước đã giữ cho hòa bình và ổn định tương đối ở vùng Đông Bắc của Ấn Độ trong thập kỷ qua. Cũng trong giai đoạn này, cơ sở hạ tầng trong khu vực đã phát triển nhanh chóng, tập trung vào các dự án kết nối. Những nỗ lực này đã đạt được thành công cùng với các sáng kiến ​​của chính phủ như Đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan và Dự án Giao thông Vận tải Đa phương thức Kaladan kết hợp giữa đường bộ và đường thủy. Các dự án kết nối này nhằm mục đích thúc đẩy thúc đẩy kinh tế giữa Ấn Độ và Myanmar, tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.

Thứ ba, Ấn Độ và Myanmar có quan điểm tương đồng về Trung Quốc. Sự tham gia ngày càng tăng của Ấn Độ với Myanmar là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực giáp Ấn Độ. Myanmar ủng hộ Ấn Độ như một biện pháp đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với quân nổi dậy ở Ấn Độ và Myanmar cũng là mối quan tâm chung của hai nước.

Trung Quốc đã hỗ trợ các nhóm nổi dậy của Ấn Độ bằng cách cung cấp nơi trú ẩn an toàn và vũ khí cho họ. Tương tự, Trung Quốc cung cấp hỗ trợ cho quân nổi dậy ở các bang Kachin, Shan và Rakhine ở Myanmar, nơi các nhóm này đóng vai trò trung gian của Trung Quốc trong việc cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy Ấn Độ. Vụ tấn công gần đây ở Manipur nêu bật vai trò của Trung Quốc trong việc gây bất ổn cho Ấn Độ.

Tatmadaw có lợi ích riêng trong việc tiếp tục hợp tác chống nổi dậy với New Delhi. Ấn Độ có thông tin cho thấy rằng, Tatmadaw đang sử dụng các nhóm phiến quân Manipuri - Mặt trận Giải phóng Quốc gia Thống nhất và Quân Giải phóng Nhân dân - để tấn công những người tị nạn sau đảo chính đang chạy trốn khỏi Myanmar. Đổi lại việc giúp Ấn Độ chống lại các nhóm nổi dậy, Tatmadaw mong đợi Ấn Độ hỗ trợ trong các chiến dịch chống lại Quân đội Arakan, một nhóm nổi dậy có trụ sở tại bang Rakhine của Myanmar.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể buộc phải phớt lờ ý định của Tatmadaw do lo ngại về an ninh ở Đông Bắc nước này. Điều quan trọng đối với Ấn Độ là ngăn chặn khu vực này rơi vào cuộc nổi dậy lớn khác. Myanmar cũng đang dần nghiêng về phía Trung Quốc do sự cô lập quốc tế, một sự liên kết mà Ấn Độ cần lưu tâm. Nhưng với những lựa chọn hạn chế của Ấn Độ trong việc ngăn chặn tình hình an ninh đang xấu đi ở vùng đông bắc, nước này cần sự giúp đỡ của Tatmadaw để mang lại sự ổn định cho khu vực và biên giới Ấn Độ - Myanmar.

Hợp tác quốc phòng là nền tảng của mối quan hệ Ấn Độ - Myanmar. Nó đã buộc Ấn Độ phải đối phó với chính phủ Myanmar thời đó, với việc Tướng Myanmar Min Aung Hlaing tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ trong các chuyến thăm của ông vào năm 2017 và 2019, và Myanmar bàn giao 22 quân nổi dậy cho Ấn Độ vào năm 2020. Gần đây, vào ngày 15 tháng 12 năm 2021, Myanmar trục xuất năm quân nổi dậy Manipuri thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân về cho Ấn Độ. Quân Giải phóng Nhân dân là một trong hai nhóm thực hiện cuộc tấn công vào đoàn xe của lực lượng Assam Rifles vào ngày 13 tháng 11 năm 2021.

Mặc dù sự hợp tác giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Tướng Min Aung Hlaing đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố các mối quan hệ này, Ấn Độ nên cảnh giác trước cuộc tấn công ở Manipur và tiếp tục phối hợp với Tatmadaw. Một mối quan hệ như vậy là cần thiết để Ấn Độ giải quyết những lo ngại sắp xảy ra về an ninh và đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar.

Tác giả: Niranjan Marjani, một nhà nghiên cứu độc lập và cây viết bình luận làm việc tại Vadodara (trước đây là Baroda), Ấn Độ.

Chú thích ảnh: Tác phẩm nghệ thuật gốm sứ "Chủ nghĩa bá quyền" - Hegemony - trưng bày tại khuôn viên khu công sở Indian Habitat Center, New Delhi, Ấn Độ, tháng 8/2019 (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.indepthnews.net/index.php/the-world/south-asia/4963-india-s-marriage-of-convenience-with-myanmar

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục