Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ chiến lược giữa Philippines với Ấn Độ

Mối quan hệ chiến lược giữa Philippines với Ấn Độ

Chuyến thăm của Tổng thống Philippines Duterte đến Ấn Độ đã nhấn mạnh mối quan hệ song phương lâu đời với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn.

05:27 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chester Cabalza*

Hiệp ước Hợp tác hữu nghị có tuổi đời 61 năm được ký tại Manili vào ngày 11/7/1952 giữa Ấn Độ và Philippines, đã được Tổng thống Duterte nhắc lại khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN tại New Delhi do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tổ chức. Tổng thống Duterte và Thủ tướng N. Modi đã trao đổi quan điểm kinh tế và chính trị, bao gồm cuộc thảo luận về khả năng hợp tác quân sự. Quan hệ quốc phòng của hai quốc gia hàng hải này được đánh dấu bởi các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân và tàu tuần tra bờ biển Ấn Độ tới Philippines kể từ năm 1998 và sau đó vào năm 2017 theo các điều khoản của Hiệp định Hợp tác quốc phòng Philippines - Ấn Độ năm 2006.

Là  đồng minh tự nhiên - ủng hộ tích cực cho dân chủ và nói tiếng Anh với những kinh nghiệm chung về chủ nghĩa thực dân phương Tây - Ấn Độ đã ủng hộ lập trường của Philippines trên một số vấn đề quốc tế, bao gồm: thương mại thế giới, lao động, và thậm chí năm 2004, Ấn Độ đã ủng hộ Philippines trở thành một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2005 - 2006, lúc đó Ấn Độ rút khỏi danh sách ứng cử viên để ủng hộ Philippines. Năm 2011, Philippines cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong hơn một thập kỷ, Philippines và Ấn Độ đã liên tục đàm phán song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế, kỹ thuật, khoa học và kỹ thuật. Với sự tăng trưởng chóng mặt về kỹ thuật số và toàn cầu hóa, cả hai quốc gia đều nổi lên trong các lĩnh vực tiên phong về dịch vụ trong ngành công nghiệp gia công.

Mối quan hệ mới đã củng cố gần 40 hiệp định song phương và biên bản ghi nhớ, cùng với một vài chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hàng đầu và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường thương mại và quan hệ văn hoá. Trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với địa chính trị bất ổn và chiến lược thiếu rõ ràng, thế phòng thủ mở rộng của New Delhi và thành công về kinh tế có thể tạo dựng triển vọng về sự cân bằng quyền lực trong khu vực.

Sau phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện ở Biển Đông do Philippines đưa ra nhằm chống lại Trung Quốc, Ấn Độ đã sử dụng ảnh hưởng của mình ở các nước láng giềng châu Á để thúc đẩy giải quyết một cách hòa bình những khác biệt trên biển. Là một cường quốc hải quân, Ấn Độ có trách nhiệm đạo đức để thúc đẩy tự do hàng hải như một lợi ích toàn cầu, và khẳng định rằng, không có quốc gia độc quyền lũng đoạn trên biển. Ấn Độ hy vọng rằng, các khẳng định về luật biển và luật quốc tế sẽ chiếm thế chủ đạo trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực trong thế giới đa cực đang không ngừng thay đổi.

Cả hải quân và không quân Ấn Độ và Philippines sẽ hợp tác bảo vệ an ninh trên biển. Với sự biến động về bối cảnh an ninh khu vực, Philippines nên học hỏi Ấn Độ về tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khi vẫn theo đuổi các cấu trúc an ninh ổn định. Lực lượng vũ trang của Philippines nên nâng cao năng lực con người, tổ chức và thông tin; xây dựng văn hoá tác chiến liên hợp, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc an toàn và tích hợp để thể chế hoá các hệ thống hỗ trợ hậu cần tổng hợp, và phát triển lực lượng chính quy và dự bị chuyên nghiệp. Các chuyên gia có năng lực và tích cực cần phải là những người đi đầu lắng nghe phản hồi và xây dựng các học thuyết về hàng hải thích hợp cho lực lượng dự bị hải quân phản ứng nhanh; và họ nên xây dựng lực lượng tương tự như thế trong quân đội.

Trong khi đó, viện trợ tài chính của Ấn Độ và hợp tác chống khủng bố ngày càng tăng trong cuộc bao vây Marawi ở Mindanao đã cho thấy một quyết tâm lớn của người anh em châu Á để ngăn chặn khủng bố trong khu vực. Philippines cũng có thể học hỏi từ Ấn Độ về giải pháp hòa bình cho xung đột vũ trang. Sau cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Trung - Ấn gây ra cuộc chiến tranh năm 1962, vấn đề biên giới gai góc trở nên ổn định vào năm 1996 nhờ vào một thỏa thuận giải quyết các mối đe dọa an ninh khu vực.

Công nghệ quốc phòng của Ấn Độ được đánh giá tiên tiến hơn nhiều so với Philippines. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Ấn Độ đã sử dụng phần mềm máy tính để tối ưu hóa sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, các máy bay hạt nhân, tàu chiến và chương trình không gian quân sự tích cực của Ấn Độ. Chuyến thăm chiến lược của Tổng thống Duterte tới New Delhi sẽ đánh giá khả năng tham gia hợp tác phòng vệ mới. Cả hai nước đều có thể có lợi từ sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ hàng không vũ trụ bao gồm viễn thông, truyền hình, dịch vụ khí tượng, cảnh báo thiên tai và vệ tinh. Trong ngắn hạn, với năng lực trong ngành hàng không và hải quân của Ấn Độ, nước này có thể giúp Philippines nghiên cứu quốc phòng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt liên quan đến thiết kế và sửa chữa tàu hải quân, giúp Manila duy trì ổn định trên biển và chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.

Philippines và Ấn Độ nên cùng nhau phối hợp trên nhiều mặt trận. Dựa vào sự tự tin và tiềm năng của mỗi nước, họ phải tiếp tục hỗ trợ và học hỏi những ưu điểm của mỗi bên trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng quốc phòng, phát triển công nghiệp, thuê ngoài quy trình kinh doanh (BOP), khoa học đời sống, nghiên cứu công nghệ, giáo dục đại học, nông nghiệp, y học, đặc biệt vì cả hai nước là các quốc gia dân chủ ở châu Á cùng chia sẻ những giá trị tương tự.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://thediplomat.com/2018/01/the-philippines-strategic-relationship-with-india/


* TS Chester Cabalza là chuyên gia phân tích an ninh

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục