Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Một vài bài học kinh nghiệm lịch sử của Ấn Độ trên con đường hiện đại hóa (Phần 1)

Một vài bài học kinh nghiệm lịch sử của Ấn Độ trên con đường hiện đại hóa (Phần 1)

Đối với Ấn Độ, hiện đại hóa không có nghĩa là Tây phương hóa. Sau khi giành độc lập năm 1947, qua một thời kỳ khá dài bị đế quốc Anh thống trị, Ấn Độ tất nhiên muốn mở rộng cửa, đón nhận đủ mọi ảnh hưởng tốt lành từ các phương khác đến, trong đó có phương Tây, nhưng phương Tây không phải là duy nhất. Chứng cớ là, cũng vào năm 1947, năm độc lập đầu tiên của Ấn Độ, ở Dehli đã tổ chức hội nghị về các mối liên hệ Á châu (Asian relations Conference).

05:32 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Một vài bài học kinh nghiệm lịch sử của Ấn Độ trên con đường hiện đại hóa

Minh Chi*

Kết hợp giữ gìn truyền thống với hiện đại hóa

Đối với Ấn Độ, hiện đại hóa không có nghĩa là Tây phương hóa. Sau khi giành độc lập năm 1947, qua một thời kỳ khá dài bị đế quốc Anh thống trị, Ấn Độ tất nhiên muốn mở rộng cửa, đón nhận đủ mọi ảnh hưởng tốt lành từ các phương khác đến, trong đó có phương Tây, nhưng phương Tây không phải là duy nhất. Chứng cớ là, cũng vào năm 1947, năm độc lập đầu tiên của Ấn Độ, ở Dehli đã tổ chức hội nghị về các mối liên hệ Á châu (Asian relations Conference).

Sau ngày độc lập, Ấn Độ hướng đầu tiên về châu Á, muốn gắn bó với châu Á, lấy một châu Á thống nhất để –dù rằng không đối chọi –thì cũng giữ thế cân bằng với sức mạnh của chủ nghĩa bá quyền Châu Âu, bảo vệ nền độc lập và tự do vừa mới giành lại được, đề cao tư thế của phương Đông đối diện với phương Tây.

Hiện đại hóa không phải là đồng nhất với công nghiệp hóa, tuy rằng nhiều học giả phương Tây quan niệm như vậy, tuy rằng công nghiệp hóa là một bộ phận quan trọng của hiện đại hóa.

Chứng cớ là, từ sau ngày giành được độc lập, các chính phủ Ấn Độ đều nhất quán coi trọng sự phát triển và cải tạo nông thôn và nông nghiệp. Chính sự coi trọng nhất quán đó đã dẫn tới cuộc “Cách mạng xanh” lịch sử, nổi tiếng khắp thế giới. Một chương trình cải tạo nông thôn rộng lớn, mang tên “Chương trình phát triển cộng đồng” được triển khai ít lâu sau khi Ấn Độ trở thành một nước cộng hòa độc lập vào năm 1947.

Về chương trình phát triển cộng đồng tại nông thôn Ấn Độ

Các làng xã Ấn Độ đã tồn tại từ thời rất xa xưa, từ rất lâu trước khi Ấn Độ trở thành một thực thể văn hóa và chính trị thống nhất. Làng xã Ấn Độ là một thiết chế văn hóa –xã hội có một lịch sử lâu dài hàng mấy nghìn năm, và hiện nay thiết chế đó vẫn ảnh hưởng sâu đậm tới cung cách ứng xử hàng ngày của người dân Ấn Độ, mà gần 80% còn sống tại nông thôn.

Trong chương trình phát triển cộng đồng, có tư tưởng cơ bản của Gandhi khẳng định phát triển nông thôn và nông nghiệp phải là nền tảng của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Ấn Độ. Gandhi cương quyết chống lại mô hình chủ nghĩa tư bản phương Tây. Ông không tin rằng cạnh tranh có thể là động cơ của tiến bộ được. Ông nhấn mạnh giá trị của sự hợp tác và nhấn mạnh giá trị của mọi chương trình phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa đều phải lấy con người làm trung tâm. Phát triển kinh tế, xã hội hay văn hóa trước hết phải là phát triển con người, con người sống tự do và hạnh phúc, con người phát triển toàn diện. Mọi tiến bộ kinh tế, chính trị, công nghệ đều phải là phương tiện, chỉ là phương tiện của sự tiến bộ của con người, tạo thuận lợi cho con người tiến bộ về mọi mặt, chứ con người không phải là phương tiện, là công cụ của bất cứ một kế hoạch phát triển kinh tế hay chính trị nào. Con người phải là ông chủ thật sự của mọi sáng tạo, kể cả máy móc, mọi thiết chế xã hội-chính trị hay kinh tế…

Đơn vị cơ sở của kế hoạch hóa nông thôn là những khối làng xã bao gồm từ 100 đến 800 làng, tập hợp từ 10 đến 25 vạn dân số có những lợi ích chung nhất định. Lúc bấy giờ –những năm tháng đầu của việc thực thi kế hoạch hóa nông thôn tại Ấn Độ –người ta cũng chưa nhận thức được rõ ràng, minh bạch khái niệm khối làng, nhưng người ta đã biết những mối quan hệ không gian và xã hội-kinh tế có ảnh hưởng lớn tới thái độ và cung cách ứng xử của dân chúng. Đồng thời, người ta cũng nhận thấy phải có sự tham gia tích cực, trực tiếp của dân chúng địa phương vào việc dự thảo kế hoạch, thì bản thân kế hoạch mới có thể được thực hiện tốt đẹp. Nói một cách khác, phải kết hợp cả hai chiều kế hoạch hóa từ trên xuống và kế hoạch hóa từ dưới lên.

Chương trình phát triển cộng đồng, mặc dù được soi sáng bằng những tư tưởng cơ bản rất đúng đắn của Gandhi, nhưng không phải được thực hiện một cách dễ dàng, suông sẻ. Hai lý do chủ yếu là các cơ quan thực hiện ở các cấp không đủ trình độ và nhiệt tình để đảm bảo sự thực hiện tốt chương trình, nhất là khi xảy ra trường hợp mâu thuẫn và đụng chạm tới quyền lợi của bản thân họ. Các nghị sĩ Quốc hội cũng như các cơ quan lập pháp tại các bang đều dè dặt không muốn trao quyền rộng rãi cho các cấp cơ sở. Một số chính trị gia và quan chức cao cấp còn say mê với mô hình phát triển theo kiểu phương Tây, cho nên cũng không hoan nghênh những tư tưởng cơ bản của Chương trình phát triển cộng đồng, và đã hợp sức lại để gây trở ngại cho sự thực hiện chương trình này.

Dù phải vượt qua những khó khăn và trở ngại đó, Ấn Độ vẫn có thể tự hào là người đầu tiên thuộc thế giới thứ ba, ngay từ những năm 1950, đã đề ra được và thực thi một kế hoạch phát triển nói chung và phát triển nông thôn nói riêng, khác với mô hình phát triển của phương Tây, hoặc là do các kế hoạch gia phương Tây đề xuất.

Theo tôi, vấn đề phát triển nông thôn và nông nghiệp tại Ấn Độ còn có nhiều ẩn số mà chúng ta chưa nắm được, tuy rằng thành tích ghi nhận sau ba thập kỷ thực hiện không phải là nhỏ. Ở đoạn trên, tôi có nói đến cuộc “Cách mạng xanh” nổi tiếng. Những năm gần đây, người ta bắt đầu nói tới cuộc “Cách mạng trắng” với sự phát triển của đàn trâu sữa, đàn bò sữa, có thể cung cấp đầy đủ sữa cho nhân dân.

Có thể dẫn chứng một vài ẩn số về mặt xã hội. Thí dụ, các báo Ấn Độ than phiền về sự bãi bỏ thiết chế gram panchavat, cũng như hội đồng làng xã bên ta. Trước đây, hội đồng làng xã đó quản lý mọi công việc của làng xã. Bây giờ nó được thay bằng một cơ quan dân cử, bất lực vì không có quyền hành thực sự vì không có vật tư và tài chính trong tay. Cơ quan dân cử này không có quỹ riêng, nó cũng không dám bắt nông dân đóng thuế, và nông dân cũng không sẵn sàng đóng thuế cho nó.

Một ẩn số thứ hai của tình hình nông thôn tại Ấn Độ ở sự kiện thanh niên nông thôn bỏ làng hàng loạt vào các thành phố để tìm công ăn việc làm và một đời sống tốt đẹp hơn. Nếu chương trình phát triển có được những thành tựu thật sự xuất sắc, và đời sống của nông dân được cải thiện nhiều, thì chắc là không có những làn sóng di dân hàng loạt như vậy vào các thành thị v.v…

Một ẩn số nữa của chương trình phát triển nông thôn Ấn Độ là số phận của nhiều bộ lạc thổ dân sống rải rác tại các vùng hẻo lánh và rừng rú. Cuộc sống của những bộ lạc này bị ảnh hưởng nhiều của việc thực hiện kế hoạch phát triển nói chung cũng như kế hoạch phát triển nông thôn và nông nghiệp nói riêng. Những bộ lạc đó có những trình độ phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa khác biệt nhau. Có những bộ lạc sống bằng nguồn sống chính là hái lượm và săn bắn, có những bộ lạc làm rẫy du canh, lại có những bộ lạc có những nghề thủ công như dệt vải, đan rổ rá, có chăn nuôi và cả nông nghiệp định canh nữa. Giáo sư Ấn Độ P. K. Misra, trong bản thuyết trình Differencial response to change –A case study of economy society and change among five tribal groups in Southern zone, (Phản ứng khác nhau trước sự thay đổi. Chuyên khảo về kinh tế, xã hội và thay đổi trong 5 bộ lạc vùng phía Nam) đọc tại một cuộc hội thảo khoa học về chủ đề “Kinh tế bộ lạc” họp từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 02 năm 1977, đã phân tích một cách sáng tỏ những ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội và văn hóa, do việc thực hiện chương trình phát triển cộng đồng đã đem lại cho dân chúng những bộ lạc sống ở miền Nam Ấn Độ. Cụ thể là bộ lạc Jenu Kuruvans sống bằng săn bắn và hái lượm, bộ lạc Banha Kuruvans, một bộ lạc sống bằng thủ công nghiệp, bộ lạc Muhu Kuruvans làm nông nghiệp du canh và săn bắn, bộ lạc Panvans là nông nô đi cày thuê, và bộ lạc Kuruchia là nông dân định canh.

Tác giả cho biết, có sự phân hóa giai cấp trong bộ lạc Jenu Kuruvans vốn sống bằng săn bắn, hái lượm, giờ đây chuyển sang làm nông nghiệp định canh. Bộ lạc này trước đây không có người giàu, người nghèo. Còn bây giờ, những người biết làm nông nghiệp định canh trở nên giàu có, chiếm hầu hết đất đai tốt trong vùng; còn những dân bộ lạc, vụng tay hơn, không biết thích ứng với thời thế đổi mới thì trở nên rất nghèo túng và phải đi làm thuê vất vả cho người giàu mới tạm sống được.

Địa bàn của bộ lạc Mullukuruvans bị các đồn điền cà phê và chè chiếm hết. Người dân trong bộ lạc trở thành phu đồn điền và sống bằng đồng lương. Họ không còn có thể săn bắn như trước nữa. Kinh tế tiền tệ và hàng hóa thay thế nền kinh tế săn bắn cố hữu của họ. Tiền tệ và hàng hóa tạo ra một mô hình văn hóa, rất xa lạ với nền văn hóa săn bắn truyền thống, khiến cho người dân trong bộ lạc Mullukuruvans sống như những người lạc lõng, mất gốc.

Nói chung lại, các chương trình phát triển nhằm đưa các dân bộ tộc nguyên thủy của Ấn Độ vào quỹ đạo hiện đại hóa tuy có thực hiện được một số việc như định canh, định cư, nâng cao trình độ học hành, đảm bảo nơi ăn, chốn ở tử tế cho họ, thế nhưng cũng gây ra một số hậu quả xã hội bất ngờ cho họ, như phân hóa giai cấp, đạo đức xã hội suy đồi, tình hình đất đai của dân bộ lạc bị chiếm dần, và rơi vào tay những người ngoài bộ lạc, chủ yếu là người nhập cư, tháo vát và năng nổ hơn.

Xin bàn thêm một vấn đề mà nước nào, dân tộc nào trên con đường phát triển, cũng đều rất quan tâm tức là vấn đề kết hợp giữ gìn truyền thống với hiện đại hóa. Truyền thống và hiện đại hóa là một quá tình liên tục, hay là một cuộc cách mạng, một sự đột biến, một ngắt quãng. Ở đây, tư tưởng chỉ đạo vẫn là của Gandhi khi ông phát biểu “Tôi không muốn căn nhà của tôi bị bao bọc bốn phía bởi tường kín, và các cửa sổ của nhà tôi đóng chặt. Tôi muốn cho nền văn hóa của tất cả các nước được thổi qua, và lưu chuyển trong nhà tôi với mức tự do tối đa, nhưng tôi quyết không để cho bất cứ trào lưu văn hóa nào lôi kéo. Tôn giáo của tôi không phải là tôn giáo của nhà tù. Ở đây có chỗ đứng cho mọi sinh vật do Thượng đế sáng tạo ra, dù cho hèn kém nhất, nhưng lại không có chỗ đứng cho thái độ kiêu căng ngạo mạn, bắt nguồn từ chủng tộc, tôn giáo và màu da”.

Điều đó tức là, một thái độ phóng khoáng và khai sáng, đón chào mọi trào lưu văn hóa ngoại lai, dù là từ phương Tây đến cùng với hiện đại hóa, nhưng người Ấn Độ vẫn tự hào với những giá trị truyền thống của nền văn hóa của mình.

Trong cuốn Modernity And tradition: Political development in India (Hiện đại và truyền thống: sự phát triển chính trị ở Ấn Độ), tác giả L. I. Rudolph thừa nhận rằng: “Xã hội Ấn Độ có thể tiếp thu hoàn toàn mọi hình thức quản lý và công nghiệp hiện đại, nhưng vẫn giữ vững truyền thống trong những nguyên lý cơ bản của nó cũng như trong các mô hình ứng xử. Vì vậy, không được nhận thức hiện đại và truyền thống như là hai cực đối lập nhau”

Một công trình sư giám đốc xí nghiệp hiện đại ở Ấn Độ, ban ngày có thể điều khiển xí nghiệp mình với tất cả kiến thức và tư thế của một giám đốc xí nghiệp hiện đại, và về mặt này, họ không thua kém những người bạn đồng sự phương Tây một chút nào hết; nhưng tối đến, anh ta có thể một cách rất thoải mái trút bộ y phục Châu Âu của anh ta, khoát vào mình bộ áo dài truyền thống và đi cầu nguyện ở chùa hay ở đền.

Tất nhiên, đối với người Ấn Độ, hiện đại hóa không phải là phương Tây hóa. Sự hiện đại hóa ở phương Tây có những khía cạnh phi nhân bản, phi đạo đức, tự hủy diệt, không xứng đáng với loài người chúng ta. Ấy thế mà một số những khía cạnh ghê tởm đó lại được các công cụ truyền thông của phương Tây quảng bá ầm ĩ, và như một làn sóng đen tràn ngập các nước thuộc thế giới thứ ba. Tất nhiên, xã hội Ấn Độ không thể chấp nhận những khía cạnh đó của hiện đại hóa kiểu phương Tây. Có thể tiếp thu chăng của một mô hình hiện đại hóa kiểu phương Tây là một vài yếu tố như một  thái độ tiếp cận khoa học đối với cuộc sống, một số nét giàu tính nhân bản trong cung cách ứng xử và quan hệ xã hội. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn:

Cùng chuyên mục