Một vài bài học kinh nghiệm lịch sử của Ấn Độ trên con đường hiện đại hóa (Phần 2)
Đối với Ấn Độ, hiện đại hóa không có nghĩa là Tây phương hóa. Sau khi giành độc lập năm 1947, qua một thời kỳ khá dài bị đế quốc Anh thống trị, Ấn Độ tất nhiên muốn mở rộng cửa, đón nhận đủ mọi ảnh hưởng tốt lành từ các phương khác đến, trong đó có phương Tây, nhưng phương Tây không phải là duy nhất. Chứng cớ là, cũng vào năm 1947, năm độc lập đầu tiên của Ấn Độ, ở Dehli đã tổ chức hội nghị về các mối liên hệ Á châu (Asian relations Conference).
Một vài bài học kinh nghiệm lịch sử của Ấn Độ trên con đường hiện đại hóa
Minh Chi*
Một số học giả phương Tây trung thực không phải là không thấy điều đó. Thí dụ, C. E. Black, trong cuốn The dynamics of modernization: a study in comparative history (Động thái hiện đại hóa: Một công trình nghiên cứu về lịch sử học so sánh, NXB Harper and Row, 1966) phải thừa nhận rằng “quá trình hiện đại hóa kéo theo với nó những tai họa lớn nhất mà nhân loại có thể biết được. Và sau khi con người đã hoàn thành được những vũ khí tân tiến, có thể tiêu diệt toàn nhân loại, thì những vấn đề mà hiện đại hóa đặt ra cũng lớn lao không kém những khả năng mà nó cung cấp” (Sách đã dẫn, trang 2).
Với hiện đại hóa, kiến thức của con người có thể được mở rộng. Thế nhưng, những giá trị và thiết chế không thay đổi theo kịp. Những giá trị truyền thống bị đào thải quá sớm, trong khi những giá trị mới chưa kịp thành hình. Cơ sở đạo đức của cuộc sống bị phá hoại tan tành, và con người “hiện đại” lao theo những nhu cầu và mục đích trước mắt thường là tạm thời và vật chất. Con người có thể trở thành kẻ thù của chính bản thân mình.
Người Ấn Độ bảo vệ những giá trị văn hóa cổ truyền của họ
Người Ấn Độ đã thấy rõ là họ không thể đi theo một cách mù quáng con đường hiện đại hóa của phương Tây. Người Ấn Độ đọc lại lịch sử vinh quang của dân tộc mình, tự hào xứng đáng về những thành tựu tinh thần, vật chất và nghệ thuật của quá khứ, từ đó họ rút ra những giá trị tinh thần, mà họ thấy rất xứng đáng được duy trì và phát triển, bởi vì đó là những giá trị có tính người và tính xã hội cao cả, đẹp đẽ, những giá trị có tầm cỡ thế giới, mà Ấn Độ muốn cống hiến cho kho tàng văn hóa của nhân loại.
Giáo sư Ấn Độ Prem Kirpal[1] từ việc nghiên cứu kho tàng và di sản văn hóa của Ấn Độ, đã rút ra ba giá trị cơ bản say đây, mà Ấn Độ có thể cống hiến cho thế giới và nhân loại: đó là tính bao dung (tolerance), tình thương người và loài vật và thái độ xả, bình thản (détachement et sérénité).
Kirpal giải thích sự lựa chọn của mình như sau:“Tính bao dung đối với người Ấn Độ là cả một nếp sống nảy sinh từ một quá trình dài lâu, trong đó, trên đất nước Ấn Độ có sự tiếp xúc và tổng hợp hòa bình liên tục của nhiều dòng tư tưởng và tính ngưỡng khác nhau. Tình thương (bao quát cả người và loài vật) được người Ấn Độ xưa nay đánh giá như một đức tính cá nhân tốt đẹp. Và cuối cùng, thái độ hỉ xả (détaché), được biểu trưng bằng màu da cam trên lá quốc kỳ Ấn Độ, và cũng được biểu hiện bằng thái độ bình thản, thanh thoát của người Ấn Độ trước mọi thăng trầm của cuộc đời. Một thái độ như vậy có thể bắt nguồn từ niềm tin (không minh bạch lắm), rằng có một cuộc sống cao cả hơn cả cuộc sống bình nhật và những việc làm thường ngày của mỗi người, rằng có một thế giới tốt đẹp hơn, thường hằng hơn thế giới hiện tượng trong đó mọi người đang sống. Và từ nhận thức này, lại nảy sinh ra một nổ lực đạo đức thường xuyên của con người, thường xuyên rèn luyện, tu tập để tự hoàn thiện, để trở thành một bậc Thánh giữa thế gian này, cũng như trong các kiếp sống về sau. Đó là cái mà nhiều tác giả gọi là nhân sinh quan huyền bí (The mystic outlook) của người Ấn Độ [Xem P. Muker Ji: Sociology of Indian culture –Xã hội học của văn hóa Ấn Độ. NXB Rawat, Ấn Độ].
Theo tác giả, bản sắc văn hóa dân tộc Ấn Độ được cô đọng lại trong ba đặc tính đó. Cũng thông qua ba đặc tính đó mà Ấn Độ muốn truyền bá ảnh hưởng của mình đến các nước khác, các dân tộc khác.
Di sản văn hóa quý báu còn được tiếp thêm sức mạnh bởi hai nhân vật hàng đầu của Ấn Độ, tức là Gandhi và Nehru. Gandhi là vị lãnh tụ đã quyết định tính độc đáo của phong trào giải phóng Ấn Độ, một cuộc đấu tranh trên bình diện hệ tư tưởng với những vũ khí đặc biệt như bất bạo động, bất hợp tác, và sức mạnh tâm linh. Và Javaharia Nehru, một lãnh tụ trẻ hơn, sôi nổi hơn, không giống Gandhi về các mục tiêu và hệ tư tưởng, thế nhưng, cả hai vị chiến sĩ lỗi lạc đó của nền độc lập và tự do của Ấn Độ đều tin tưởng sâu sắc rằng phương pháp, phương tiện cũng quan trọng không kém mục tiêu, và như vậy đã nâng phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ lên một trình độ đạo đức, ít thấy ở các dân tộc khác.
Tóm lại, bộ mặt văn hóa của Ấn Độ hiện đại có ba cội nguồn: thứ nhất là, sứ mệnh tinh thần của Ấn Độ xuất phát từ quá khứ lịch sử của mình, sứ mệnh truyền bá ba đặc tính: bao dung, tình thương, và thái độ hỉ xả, bình thản; thứ hai là, nguyên tắc bất bạo động của Gandhi, như là một sức mạnh tinh thần lớn, và là phương tiện để giải quyết mọi cuộc xung đột; và cuối cùng là, tầm nhìn rộng lớn của Nehru, đầy nhiệt tình và niềm tin ở một cuộc sống mới sẽ đến với nhân dân Ấn Độ sau ngày giải phóng, một cuộc sống lấy dân chủ và khoa học làm nền tảng, một cuộc sống tự do, hạnh phúc và có nhân phẩm. Nhân dân Ấn Độ tin ở khả năng và sứ mệnh của mình sẽ đóng góp xứng đáng cho chủ nghĩa nhân bản vị lai của thế giới, thông qua đó, tập hợp toàn nhân loại trên cơ sở một niềm tin, một nhận thức đúng đắn về số phận của con người, về mô hình mới, cơ chế mới, tổ chức lại xã hội loài người. Ấn Độ sẽ đóng vai trò nhất định trong một tổng hợp mới của những tư tưởng và quan điểm xưa nay vốn khác biệt và đối nghịch, một sự tổng hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa khoa học và tôn giáo, giữa cá nhân và xã hội, giữa cuộc sống nội tâm của con người và những nhiệm vụ và trọng trách xã hội của nó.
Từ ba đặc tính cơ bản nói trên của truyền thống văn hóa Ấn Độ, và từ thực tiễn thực thi các chính sách văn hóa, từ khi Ấn Độ giành được độc lập cho đến nay, có thể rút ra một số hệ quả, giúp cho sự trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và các nước không ngừng phát triển
1/ Một cảm xúc nhạy bén đối với văn hóa và mọi giá trị văn hóa.
2/ Một khả năng và nhiệt tình lớn tiếp thu mọi ảnh hưởng văn hóa từ nước ngoài, đồng thời cũng rất sẵn sàng trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc mình cho các dân tộc khác.
3/ Quán triệt và thực hành triệt để chính sách bao dung đối với mọi trào lưu văn hóa. Không bài ngoại.
4/ Tôn trọng thật sự mọi tư trào văn hóa khác mình. Không có thái độ hẹp hòi, tự xem mình là trung tâm, là tài giỏi hơn các nước khác, dân tộc khác.
5/ Tự mình bắt rễ sâu vào nền văn hóa của dân tộc mình, và trên cơ sở đó, thêm tin tưởng để tiến hành trao đổi với các nền văn hóa khác, nghiên cứu tìm hiểu các lối sống khác, thông qua những thực nghiệm nghiêm túc, theo chiều sâu.
6/ Sức mạnh truyền thống có khả năng cung cấp những giá trị cơ bản, một chỗ dựa vững chắc trong thế ổn định, cũng như trong khi có biến động.
7/ Tự điều chỉnh theo sự biến động và thích ứng với những lực lượng và điều kiện mới cũng là cần thiết để tái tạo và làm phong phú thêm những truyền thống vẫn còn sức sống và tạo thuận lợi cho việc tiếp thu những giá trị mới.
8/ Cho phép tồn tại các quan điểm và ý kiến khác biệt: hệ quả của chính sách bao dung của toàn cảnh một nước có nhiều truyền thống văn hóa phong phú khác biệt nhau.
9/ Niềm tin ở tự do và nhân quyền.
10/ Quan niệm lạc quan về con người và bản chất con người, nhờ đó mà có thể nhìn đời với niềm tin và hy vọng.
11/ Phát triển chủ nghĩa nhân bản và các giá trị nhân bản, khắc phục sự hạn chế của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa địa phương hẹp hòi.
12/ Cuối cùng, đời sống văn hóa được quan niệm như là một lực lượng ổn định, tạo thế cân bằng cho một thế giới bên ngoài, đầy bất an và nguy hiểm.
Người Ấn Độ tin rằng những giá trị văn hóa liệt kê trên có khả năng đóng góp vào sự nghiệp hiện đại và giữ vững truyền thống của các nước, sự nghiệp trao đổi văn hóa giữa các nước và dân tộc với nhau.
[1] Prem Kirpal: Valeurs culturelles, dialogues entre les cultures et cooperation internationales (Giá trị văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa và hợp tác quốc tế) –UNESCO.
*ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024