Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Năm 2014: Chính sách đối ngoại của Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới

Năm 2014: Chính sách đối ngoại của Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới

Điều quan trọng là Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã nổi bật lên trong nhận thức chiến lược toàn cầu.

05:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được nâng lên tầm cao mới và đáng hoan nghênh vào giữa năm 2014, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi. Các khuynh hướng chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có bước nhảy vọt và lấy lại đà phát triển sau một thập niên tê liệt. Điều quan trọng là Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã đột ngột nổi lên trong nhận thức chiến lược toàn cầu. Trong vòng 6 tháng, Ấn Độ đã tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu từ Nga, Trung Quốc, Mỹ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi đã có các chuyến thăm thành công tới Nhật Bản, Mỹ và Australia. 

Các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá rằng, Ấn Độ dưới thời ông Modi, sẽ tạo nên sự quyết đoán và năng động hơn trong chính sách kinh tế và đối ngoại. Các nước lớn thường đánh giá chính sách ngoại giao tiềm năng của một nước dựa trên hai yếu tố: thứ nhất, về lãnh đạo chính trị của nước đó, trong đó sự năng động, quyết đoán về chính sách là nhân tố quan trọng nhất; yếu tố thứ hai là, sự ủng hộ chính trị trong trong nước, cùng với sự tin tưởng của người dân về khả năng nhà lãnh đạo sẽ đưa họ tới một tương lai tươi sáng. Cả hai yếu tố này ông Modi đều ghi điểm cao, thậm chí ngay cả trước khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ. 

Ấn Độ đã có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, song việc theo đuổi mối quan hệ này không có đà phát triển trong thập niên qua. Điều này kết hợp với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đã khiến các nước lớn thiếu quan tâm thích đáng tới Ấn Độ. Tuy nhiên, từ khi chính phủ mới lên cầm quyền, Ấn Độ đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại. Đánh giá các sáng kiến chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi trong những tháng qua (kể từ khi lên cầm quyền ngày 26/5/2014), cần xoay quanh ba mục tiêu chính, gồm (1) nâng quan hệ chiến lược với các nước lớn lên mức cao hơn và do đó tạo điều kiện cho Ấn Độ nổi lên thành “người chơi toàn cầu chủ chốt”, củng cố sự thừa nhận Ấn Độ như một thế lực khu vực. (2) Tái sắp xếp bàn cờ khu vực Nam Á, củng cố vai trò có ảnh hưởng bao trùm tại khu vực. (3) Nhờ có sức bật của kinh tế, các nước lớn đã tăng đầu tư vào Ấn Độ, đồng thời khuyến khích các nước láng giềng hợp tác kinh tế với Ấn Độ vì lợi ích chung về cả an ninh và kinh tế. 

Những lực đẩy mạnh mẽ trong chính sách ngoại giao của Thủ tướng Modi trong nửa cuối năm 2014 đã khiến Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia điều chỉnh ưu tiên ngoại giao của họ với Ấn Độ. Trong 6 tháng qua, Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) từ các nước lớn vào Ấn Độ đã tăng lên và hiện Ấn Độ có tầm quan trọng trong những tính toán chiến lược của họ. 

Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Modi là các nước láng giềng liền kề tại Nam Á, thể hiện qua việc ông mời tất cả lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) tới tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5/2014. Đây là hành động chưa có tiền lệ của bất kỳ Thủ tướng nào tại Ấn Độ và thực tế tất cả lãnh đạo khu vực, kể cả Pakistan, đều hưởng ứng tích cực. Điều này thể hiện vị thế của Ấn Độ trong khu vực. Đà quan hệ với láng giềng tiếp tục được duy trì qua các chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Bhutan và Nepal, cũng như chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ tới Bangladesh. 

Cuối năm 2014, quan hệ của Ấn Độ với các nước thành viên SAARC được củng cố, trừ Pakistan. Nếu Thủ tướng Modi có thể duy trì được đà này thì cuối cùng Pakistan sẽ không thể đứng một mình, buộc phải thừa nhận Ấn Độ như một thế lực nổi trội trong khu vực và phải điều chỉnh chính sách của họ đối với Ấn Độ. Về lĩnh vực kinh tế, sau hơn 6 tháng Thủ tướng Modi lên nắm quyền, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã có sự bứt phá. Nhiều tổ chức toàn cầu dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đang trên đà đi lên. 

Thành công về chính sách đối ngoại của Ấn Độ còn phải trải qua cuộc sát hạch cam go xem liệu New Delhi có thể thành công trong việc thúc ép các đối thủ quân sự lớn, như Trung Quốc, Pakistan thay đổi chiến lược, từ đối đầu quân sự sang cùng tồn tại hòa bình hay không. Có thể nhận thấy kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, Trung Quốc đã tỏ thái độ muốn cộng tác với Ấn Độ. Nếu Trung Quốc tiếp tục xu hướng quan hệ này, thì có thể Pakistan cũng buộc phải thay đổi thái độ thù địch với Ấn Độ. 

Ấn Độ trong năm qua cũng thu được thành công đáng kể trong việc mở rộng ảnh hưởng chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thủ tướng Modi đã bật tín hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng Ấn Độ đã sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định tại châu Á và khu vực Ấn Độ Dương.

 

(Theo http://www.southasiaanalysis.org/)

Nguồn:

Cùng chuyên mục