Ngành đá quý và kim hoàn Ấn Độ (Phần 2)
Ngành đá quý và kim hoàn Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang[1]
Xuất khẩu
U.A.E, Mỹ, Nga, Singapore, Hồng Kông, Mỹ La tinh và Trung Quốc là những thị trường chính nhập khẩu loại hàng này từ Ấn Độ. Trong số đó, Mỹ Hồng Kông và U.A.E. chiếm tỷ trọng 75%. Trị giá xuất khẩu sản phẩm đá quý và kim hoàn tăng từ 15,66 tỷ USD năm 2004/2005 lên 35,51 tỷ USD năm 2016/17, tăng 8,83% so với năm 2015/2016. Từ tháng 4 - 12/2017, xuất khẩu đạt 24,89 tỷ USD.
Xuất khẩu đá quý và kim hoàn của Ấn Độ
Nguồn: Hội đồng xúc tiến xuất khẩu đá quý và kim hoàn Ấn Độ (GJEPC)
Ấn Độ xuất khẩu 93% kim cương đã cắt và đánh bóng. Xuất khẩu mặt hàng này chiếm tỷ trọng 75% sản lượng toàn thế giới, nghĩa là Ấn Độ chiếm 12 trong số cứ 14 lượng kim cương đã cắt hoặc đánh bóng được bán trên thị trường thế giới. Trị giá kim cương đã cắt và đánh bóng xuất khẩu tăng từ 11,16 tỷ USD năm 2004/05 lên 22,78 tỷ USD năm 2016/2017, mức tăng 6,13% một năm. Từ tháng 4 – 12/2017, trị giá xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD.
Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đồ kim hoàn vàng đến 160 nước và vùng lãnh thổ. Trị giá xuất khẩu tăng từ 5,687 tỷ USD năm 2007/2008 lên 8,722 tỷ USD năm 2016/2017. Từ tháng 4 – 12/2017, xuất khẩu đồ kim hoàn vàng đạt 7,06 tỷ USD và nhập khẩu 207,5 triệu USD. Đồ kim hoàng vàng tinh xảo và chế tác bằng máy chủ yếu nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á.
Nhập khẩu
Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn đá quý và mỹ nghệ kim hoàn. Tổng trị giá nhập khẩu tăng từ 11,63 tỷ USD năm 2004/05 lên 28,85 tỷ USD năm 2016/2017, với mức tăng bình quân 7,84%. Từ tháng 4 – 12/2017, trị giá nhập khẩu đạt 23,17 tỷ USD.
Nhập khẩu đá quý và kim hoàn của Ấn Độ
Nguồn: Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và kim hoàn Ấn Độ (GJEPC)
Khoảng 50% hàng kim hoàn xuất khẩu dưới dạng các bộ đồ vàng mộc hoặc dây chuyền được chế tác tại Mumbai, Kolkata và các thành phố thuộc phía Nam và được xuất chủ yếu sang U.A.E, Singapore và Hồng Kông. 30% dưới dạng kim hoàn đính kim cương sản xuất tại Mumbai xuất sang Mỹ, U.A.E và Hồng Kông. Phần 20% còn lại dưới dạng kim hoàn đá quý và bán quý sản xuất tại các bang miền Tây như Rajasthan và Gujarat xuất sang U.A.E và Vương quốc Anh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2017 tăng từ mức 167,54 triệu USD vào tháng 3/2008 lên 1,046 tỷ USD vào tháng 9/2017. Chính phủ cho phép FDI được cấp phép tự động (automatic route).
Ngoài ra, một số công ty nước ngoài cũng thực hiện đầu tư gián tiếp (FII) trong việc mua cổ phần, mua lại các công ty của Ấn Độ. Highdell Investment Ltd. (Mauritius) đầu tư 193,18 triệu USD vào Kalyan Jewllers Private India Ltd. Internet Fund III Pte Ltd Singapore đầu tư 29,81 triệu USD vào Caratlane Trading Pvt Ltd. (Đảo Síp) đầu tư 20,26 triệu USD vào Firestar International Pvt Ltd. Forocom Worldwide Investment Ltd. (Mauritius) đầu tư 17,11 triệu USD vào Firestar International Pvt Ltd. Viện xếp hạng và nghiên cứu kim cương quốc tế đầu tư 5 triệu USD để mở rộng cơ sở kiểm định kim cương nhân tạo tai Surat.
Chính sách phát triển
Nhằm tận dụng những lợi thế và nâng cao vai trò của ngành đá quý và mỹ nghệ kim hoàn, Chính phủ Ấn Độ đương nhiệm của Thủ tướng Narendra Modi đã khuyến khích ngành hàng này phát triển, đưa đất nước trở thành một trung tâm lớn của thế giới về chế tác, tiêu thụ và kinh doanh.
Mức thuế mới dịch vụ và hàng hóa (GST) với ngành này đã được áp dụng từ tháng 7/2017 là một thuận lợi cho sự phát triển, kích thích người tiêu dùng trong nước, thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài. Theo đó, mức 3% GST áp dụng cho vàng, kim hoàn vàng, kim hoàn bạc và kim cương chế tác và 0,25% cho kim cương thô.
Trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2017/2018, Chính phủ Ấn Độ dự kiến cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng khác 10% so với dự toán của năm trước đây. Đồng thời cắt giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ thành lập Trung tâm Giao dịch kim hoàn và đá quý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, có tiếng nói nhất định trong việc định hướng giá nguyên liệu và thành phẩm.
Tháng 11/2015, Chính phủ Ấn Độ cho phép các cá nhân, tổ chức và công ty ký gửi vàng vào ngân hàng có hưởng lãi. Việc ký gửi được thực hiện theo kỳ hạn 1 - 3 năm, 5 - 7 năm và 12 - 15 năm với các lãi suất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tương ứng. Trái phiếu bằng vàng cũng được phát hành nhằm tận dụng các nguồn lực rất lớn từ người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Đã thành lập Công viên kim hoàn (Jewellery Park) với chi phí 7,8 triệu USD, chuyên phục vụ cho các xưởng và người lao động thủ công với những ưu đãi tối đa về giá dịch vụ thuê, cơ sở hạ tầng như là một phần của chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển./.
[1] Nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024