Nghiên cứu sâu về Cách mạng Xanh của Ấn Độ (Phần 1)
Sau khi giành được độc lập, Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu quan trọng là hiện đại hóa nông nghiệp. Trải qua cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất, hiện đại hóa nông nghiệp Ấn Độ đã giành được thành tựu khá lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề: dân số tăng trưởng quá nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng giảm, mâu thuẫn đất giảm người tăng khiến cho vấn đề an toàn lương thực ngày càng bộc lộ rõ nét. Do đó, tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp của cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất chỉ là rất yếu ớt; quan trọng hơn là vấn đề nông dân nghèo đói nghiêm trọng đã trở thành trở ngại lớn nhất kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vương Tuấn Chu*
Từ khi giành được độc lập đến nay, nông nghiệp Ấn Độ đã có được bước phát triển rất lớn, giành được thành tựu khả quan. Nhưng so với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ, tiềm lực và ưu thế của ngành nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Nông nghiệp Ấn Độ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thấp nhất của nền kinh tế quốc dân, trong cải cách kinh tế coi thị trường hóa là khuynh hướng chủ đạo thì ngành nông nghiệp vẫn là một nhân tố lạc hậu, chưa phải là một lực lượng thúc đẩy. Những năm gần đây, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một lần nữa trở thành vấn đề nóng trong các giới của Ấn Độ, những nhân sĩ nổi tiếng trong giới quan chức và học thuật đều nhất trí cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu vĩ mô “Ấn Độ trỗi dậy” thì trước tiên cần phải giải quyết vấn đề tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2004, Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee đã chính thức đề xuất khẩu hiệu “Cách mạng Xanh lần thứ hai”[1]. Ngày 16 tháng 10 năm 2005, người được coi là cha đẻ của Cách mạng Xanh là nhà nông nghiệp nổi tiếng M. S. Swaminathan, trong Hội thảo lần thứ nhất đã tuyên bố: “Tình hình nông nghiệp thật sự rất tệ, nếu chúng ta không cải thiện ngành nông nghiệp thì toàn bộ nền kinh tế nước nhà sẽ phải chịu hiểm họa”[2]. Ông kêu gọi nông thôn thực hiện cách mạng điện tử hóa, làm minh bạch giá cả nông sản, thúc đẩy mở rộng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, tiến hành “cách mạng” đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp trong quá trình đa dạng hóa nông nghiệp. Trong bài trả lời phỏng vấn của Nhật báo phố Wall, Tổng thống Ấn Độ Manmohan Singn đã nói: “Chúng tôi cần cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai, sử dụng các tiến bộ của kỹ thuật sinh học hiện đại và các kỹ thuật mới khác để làm cho nông nghiệp Ấn Độ bước vào một thời kỳ phát triển mới”[3].
1. Thứ nhất, vấn đề dân số Ấn Độ tăng trưởng quá nhanh, diện tích trồng trọt canh tác lại ngày càng giảm tạo ra mâu thuẫn đất giảm người tăng, làm cho vấn đề an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề cấp bách
Từ khi thực hiện Cách mạng Xanh đến nay, sản xuất nông nghiệp Ấn Độ đã giành được những thành quả khiến cho người ta cảm thấy hài lòng, sản lượng lương thực từ hơn 50.000.000 tấn tăng lên đến 212.000.000 tấn, về cơ bản, Ấn Độ đảm bảo thực hiện tự cấp và có một phần để xuất khẩu. Nhưng theo con số thống kê do Chính phủ Ấn Độ công bố, cho đến ngày 01 tháng 03 năm 2001, tổng dân số Ấn Độ đạt đến con số 1,027 tỷ, chiếm 16% dân số toàn thế giới, mỗi năm lại tăng 15.500.000 người. Tỷ lệ tăng trưởng lương thực bình quân 1,7% đã thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng dân số 1,9%. Đến năm 2050, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua cả Trung Quốc, đạt đến con số 1,53 tỷ, trở thành nước có dân số lớn nhất thế giới. Đến lúc đó, sản lượng lương thực Ấn Độ tiêu tốn mỗi ngày sẽ rất khủng khiếp, nếu tính mỗi người mỗi ngày 500g, thì một ngày Ấn Độ tiêu thụ hết 1,53 triệu tấn. Lượng nhu cầu lương thực sẽ từ 200 triệu tấn hiện nay tăng lên 300 triệu tấn, còn diện tích đất canh tác đến năm 2020 sẽ giảm từ 170 triệu héc ta xuống còn 100 triệu héc ta[4]. Bao nhiêu năm sau Ấn Độ rất có khả năng từ nước xuất khẩu lương thực trở thành nước phải nhập khẩu lương thực. Ấn Độ là nước sớm nhất trong số những nước đang phát triển nhận thức được và thực hiện khống chế tăng trưởng dân số. Tư liệu dân số của Ngân hàng Thế giới đã chứng minh rằng, “Ấn Độ là quốc gia duy nhất bắt đầu khống chế dân số từ thập niên 50 của thế kỷ XX (1952)”[5]. Chính phủ Ấn Độ cũng luôn cho rằng, “muốn giảm nghèo đói thì cần phải khống chế dân số, nếu không tất cả kế hoạch xóa đói giảm nghèo đều khó có thể thực hiện được”. Nhà kinh tế học của Ấn Độ, trong khi nghiên cứu về mâu thuẫn giữa phát triển nông nghiệp và lương thực, dân số, đã viện dẫn những lo lắng của các chuyên gia nông nghiệp đối với vấn đề lương thực tương lai: “Các giống cao sản, Cách mạng Xanh, hoàn toàn không phải là phương pháp tối ưu và tối hậu để giải quyết vấn đề dân tố tăng nhanh gây ra lương thực cung không đủ cầu, nó chỉ tạo cho thế giới một khoảng thời gian tạm nghỉ để khống chế tăng trưởng dân số. Nếu trong khoảng thời gian ngắn này mà vẫn chưa khống chế hữu hiệu việc dân số tăng trưởng quá nhanh, vậy thì chúng ta sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ dân số, lúc đó muốn giải quyết vấn đề cung ứng lương thực thì đến một cuộc Cách mạng Xanh đầy cống hiến cũng không thể nào có tác dụng, không thể giải quyết được vấn đề nữa”[6]. Do tăng trưởng dân số dẫn đến mở rộng nhu cầu lương thực và thực phẩm, thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt chủ yếu đến từ áp lực dân số, Ấn Độ vừa là quốc gia đông dân số vừa là quốc gia nông nghiệp lớn, người dân làm nông nghiệp chiếm đến 80% dân số, ngành nông nghiệp cung cấp cơ hội việc làm cho hơn 2/3 nguồn lực lao động[7], vì vậy, bảo đảm cung cấp lương thực và thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ.
2. Tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp của cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất còn yếu
Cuộc Cách mạng Xanh của Ấn Độ đã có cống hiến rất lớn trong việc giải quyết vấn đề lương thực, nhưng các giống tốt mà cuộc Cách mạng Xanh nuôi dưỡng cần phải có các điều kiện thâm canh và nước giàu chất dinh dưỡng thì mới có thể giành được năng suất cao, tức là cần phải đầu tư nhiều cơ sở vật chất và nguồn năng lượng như nước, phân, thuốc,…. Ngoài không nhấn mạnh cơ giới hóa ra thì nông nghiệp cũng đem lại các vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu đa dạng sinh học,… không kém gì so với dầu lửa. Mô hình Cách mạng Xanh này cũng gặp phải một loạt vấn đề khi phát triển mở rộng trên diện tích lớn. Không có đủ điều kiện vốn và kỹ thuật để bảo vệ nguồn vốn tái sinh, lại thiếu khả năng cần thiết để lấy nguyên liệu và thực phẩm từ các nước khác bổ sung cho những thiếu thốn của nước mình, Ấn Độ không gánh nổi cái giá phải trả do các vấn đề sinh thái, môi trường và xã hội đem lại. Gia tăng đất canh tác, trồng trọt hai vụ, và mở rộng các giống tốt là ba phương pháp quan trọng nhất trong cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất, từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã du nhập, trồng và mở rộng các giống lúa cao sản, sử dụng máy nông nghiệp, phân hóa học, thuốc trừ cỏ và các kỹ thuật thủy lợi tưới tiêu,… trên quy mô lớn ở khu vực phía Tây nơi có điều kiện đất trồng khá tốt như bang Punjab, bang Haryana và bang phía Bắc,…. Do sử dụng quá liều lượng phân hóa học và thuốc nông nghiệp, sử dụng quá mức đất đai và nguồn nước ngầm trong thời gian dài dẫn đến sức chịu đựng của nguồn vốn đất canh tác không ngừng gia tăng và làm cho môi trường ngày càng xấu đi. Sản lượng của các khu vực sản xuất lương thực như Punjab, Haryana bắt đầu ngừng trệ, đất đai bị xói mòn và sa mạc hóa nghiêm trọng, xuất hiện vấn đề sinh thái, tiềm lực tăng sản lượng lương thực bị yếu đi trầm trọng. Việc làm thế nào trên cơ sở phát triển bền vững, nâng cao được năng suất sản xuất lương thực ở các khu vực sản xuất lương thực và sử dụng kỹ thuật tiên tiến để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các khu vực khô hạn, bán khô hạn khác đã trở thành vấn đề quan trọng mà nông nghiệp Ấn Độ phải đối mặt. Cách mạng Xanh lần thứ nhất cũng đã làm nảy sinh một số tác dụng phụ trên phương diện phân phối thu nhập. Tuy thu nhập bình quân của tiểu nông và tá điền trong thời kỳ gia tăng sản lượng nông nghiệp có tăng, nhưng mức độ tăng còn thấp hơn nhiều so với mức tăng thu nhập của chủ đất và chủ nông trường lớn, tức là thu nhập bình quân tương đối giảm, khoảng cách thu nhập bị kéo xa. Đồng thời, điều này cũng dẫn đến khoảng cách thu nhập giữa các vùng cũng càng ngày càng lớn, ở các khu vực đất đai, khí hậu, nhiệt độ và vị trí địa lý thích hợp với việc trồng các giống cao sản thì bình quân thu nhập của nông dân khá cao, còn bình quân thu nhập của nông dân ở các khu vực khác lại rất thấp. Sự phân hóa giàu nghèo ở khu vực nông thôn Ấn Độ rất nghiêm trọng. Theo thống kê, 10% hộ nông dân nghèo nhất chỉ chiếm 0,1% của cải khu vực nông thôn, còn 10% hộ nông dân giàu nhất lại chiếm đến hơn 50% tài sản nông thôn[8].
*Khoa Lịch sử văn hóa và Du lịch, Học viện BaoJi, Trung Quốc
[1] Saby Ganguly, From the Bengal Famine to the Green Revolution, http://www.indisonestop.com/Green-revolution.htm.
[2] Tôn Bồi Quân, Nông nghiệp Ấn Độ trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Cách mạng Xanh [J]. Tài chính Trung Quốc, 2006, (9).
[3] Phỏng vấn Manmohan Singh [N], Nhật báo Phố Wall, 22/09/2004.
[4] Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam kêu gọi tiến hành cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai [N], Tân Hoa Xã: Tân Đức Lý, 08/01/2004.
[5] Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Phát triển thế giới năm 1984 [Z].
[6] J. S. Wupaier, Vấn đề kinh tế Ấn Độ [M], 1982:58.
[7] Ân Vĩnh Lâm, Kinh tế Ấn Độ từ sau khi giành độc lập [M]. Côn Minh: Nhà Xuất bản Đại học Vân Nam, 2001: 40.
[8] Mã Gia Lực, Ấn Độ: Một cường quốc đang trỗi dậy [M], Thiên Tân: Nhà Xuất bản Nhân dân Thiên Tân, 2002:18.
Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục