Nghiên cứu sâu về Cách mạng Xanh của Ấn Độ (Phần 2)
Sau khi giành được độc lập, Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu quan trọng là hiện đại hóa nông nghiệp. Trải qua cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất, hiện đại hóa nông nghiệp Ấn Độ đã giành được thành tựu khá lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề: dân số tăng trưởng quá nhanh, diện tích đất canh tác ngày càng giảm, mâu thuẫn đất giảm người tăng khiến cho vấn đề an toàn lương thực ngày càng bộc lộ rõ nét. Do đó, tác dụng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp của cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất chỉ là rất yếu ớt; quan trọng hơn là vấn đề nông dân nghèo đói nghiêm trọng đã trở thành trở ngại lớn nhất kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
3. Vấn đề nghèo khó nghiêm trọng của nông dân Ấn Độ đã trở thành trở ngại lớn nhất ngăn cản tốc độ tăng trưởng kinh tế
Xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, thực hiện bình đẳng là ý nghĩa của sự nghiệp hiện đại hóa. Mười mấy năm trở lại đây, để cải thiện tình trạng các khu vực lạc hậu, giải quyết nghèo đói nông thôn, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện kế hoạch khai thác tổng hợp khu vực nông thôn để giúp các khu vực lạc hậu giải quyết khó khăn[1]. Kế hoạch này được bắt đầu từ năm 1978-1979. Đầu tiên, Chính phủ Ấn Độ lựa chọn 2300 xã khu, đến tháng 10 năm 1980 đã mở rộng phát triển thành 5011 xã khu. Đối tượng thực hiện kế hoạch này đều là những người thuộc mức nghèo khó trở xuống, tức là theo tính toán giá cả năm 1979-1980, thu nhập hàng năm của một hộ gia đình 5 khẩu thấp hơn 3500 rupi, sau này mức nghèo đói được nâng cao lên thành 6400 rupi[2]. Căn cứ vào kế hoạch của nhà xã hội học Ấn Độ - Montek Singh Ahluwalia, tỷ trọng nhân khẩu nghèo khu vực nông thôn năm 1970-1971 là 47,5%, trong vòng 10 năm giảm nghèo, đến năm 1983-1984 vẫn còn 33,3%, số lượng tuyệt đối người nghèo nông thôn là 138 triệu. Theo thống kê của Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ, tỷ lệ nhân khẩu nghèo khu vực nông thôn Ấn Độ từ 51,2% niên khóa 1978-1979 đã giảm xuống 40,4% niên khóa 1983-1984, và số lượng thực tế nhân khẩu nghèo đói năm 1983 là 222 triệu người[3]. Báo cáo Phát triển con người của Liên Hợp Quốc đã xác định mỗi người mỗi năm sinh hoạt phí được tính toán dựa vào giá cả thực lực sức mua thấp hơn 1 USD, trong năm 1989-1994, Ấn Độ có 53% dân số sinh hoạt dưới mức nghèo khó. Căn cứ vào thống kê của Báo cáo Phát triển của Ngân hàng Thế giới, số dân nghèo khó của Ấn Độ năm 1996 chiếm 43%, lượng hấp thụ protein bình quân đầu người không bằng ½ của các quốc gia phát triển, khoảng 25-40% dân số dinh dưỡng không đủ[4]. Ngoài ra, căn cứ vào kết quả khảo sát của đoàn khảo cải cách pháp quy thể chế chính sách Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đối với Ấn Độ năm 1997, bình quân nhiệt lượng mà người Ấn Độ hấp thụ hàng ngày là 2400 kilo calo (kcal), nông dân vẫn coi lương thực phụ (hoa màu) là thức ăn chính, nhiệt lượng hấp thụ của nó thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, hiện tượng thiếu thốn này tương đối phổ biến[5]. Thu nhập hàng năm của nông dân Ấn Độ không được bằng 1/5 của cư dân thành thị, mà 80% thu nhập đó phải dùng cho chi tiêu gia đình. Nông dân thiếu thuốc và bảo hiểm xã hội, cho đến nay, vẫn có hơn 5 triệu gia đình sử dụng nước sông và nước ao hồ, uống nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Chính phủ đã đặt ra rất nhiều kế hoạch xóa đói giảm nghèo, kế hoạch tạo việc làm cho nông thôn,… nhưng tất cả đều không thể loại bỏ căn bản sự nghèo đói khó khăn của nông dân. Sức mua của nông dân giảm và chi phí tiêu dùng không sôi động, điều này đã trở thành trở ngại lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế tốc độ cao của Ấn Độ. Để loại bỏ được sự nghèo đói của nông thôn và thúc đẩy công ăn việc làm, Ấn Độ vẫn phải thực thi các loại kế hoạch như “trợ giúp dựa vào công nghiệp”,… xây dựng đường xá cho nông thôn, công trình tưới tiêu mô hình nhỏ, trường học, … cho nông thôn, quy định giá cả các tư liệu sản xuất nông nghiệp như máy móc cơ giới nông nghiệp, phân hóa học, giống,…, cung cấp với giá thấp hoặc miễn phí các kỹ thuật nông nghiệp thực dụng mới nhất cho người nông dân, giúp đỡ nông dân làm giàu. Có chính phủ địa phương còn cho nông dân nghèo vay dùng để mua vật tư sản xuất như máy gặt, xe ba bánh,… để khuyến khích người dân tự mưu sinh.
Hạt nhân của cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai là dốc toàn lực để du nhập các kỹ thuật sản xuất và kỹ thuật tiên tiến khác để hiện đại hóa nông nghiệp, đồng thời, đầu tư một lượng lớn nguồn vốn để phục hồi hệ thống nghiên cứu nông nghiệp của Ấn Độ, đẩy mạnh nghiên cứu và mở rộng khoa học nông nghiệp; đầu tư vốn cho các trường đại học và viện sở nghiên cứu nông nghiệp, tiến hành những nghiên cứu đề tài mới mang đặc sắc Ấn Độ, như công trình di truyền sinh vật, thuốc nông nghiệp năng suất cao không độc, ứng dụng và cải tạo các giống cây trồng mới,….; Du nhập các khoa học và kỹ thuật quản lý nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài, hợp tác với các cơ quan khoa học nông nghiệp nước ngoài, đẩy nhanh kỹ thuật sinh vật và các kỹ thuật tiên tiến khác trong ứng dụng vào nông nghiệp; tiến hành cải tạo và tu sửa hệ thống tưới tiêu thủy lợi quy mô lớn trên toàn Ấn Độ, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên nước, thực hiện kế hoạch khai thác các vùng đất ven sông và đất hoang, mục đích là nhanh chóng nâng cao sản lượng lương thực; kiện toàn cơ chế thu mua thị trường thương phẩm nông nghiệp, đả thông các cầu nối trong vận hành thị trường; thanh toán các khoản cần có của người nông dân một cách công bằng và có lợi, làm cho quá trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người nông dân có được tỷ lệ bồi ứng cao nhất, đồng thời, khi giá cả thị trường quốc tế bị giảm sút thì có thể bảo hộ nhập khẩu đầy đủ cho người nông dân, tiếp tục định ra và thực hiện các điều khoản có lợi cho nông nghiệp và giao dịch nông nghiệp; sắp xếp hợp lý nguồn lao động dư thừa của nông thôn, bảo đảm các quyền hợp pháp của người nông dân; trợ giúp cho ngành gia công sản phẩm nông nghiệp, để tận dụng được nguồn lao động nông thôn dư thừa, trợ giúp cho các ngành sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp, nhà ở nông thôn, điện khí hóa nông thôn,…; tăng cường tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, thực thi các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch hiệu quả hơn, tăng cường kiểm soát dân số một cách khoa học hơn, khiến cho vấn đề tăng trưởng dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế của Ấn Độ tiến vào một giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn. Có thể thấy, cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai của Ấn Độ là một chiến lược phát triển tổng hợp nông nghiệp hệ thống, nó chú trọng tới tất cả các khâu sản xuất, lưu thông và thị trường của nông nghiệp, và còn chú trọng hơn tới sự phát triển hài hòa giữa xã hội, môi trường sinh thái và văn hóa nông thôn, và cuối cùng phải giải quyết vấn đề tam nông và thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững.
Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
[1] Vương Hiểu Đan, Tình trạng nông dân nghèo khổ của Ấn Độ và nỗ lực của chính phủ [J], Châu Á - Thái Bình Dương đương đại.
[2] Đàm Tinh Vinh, Phân tích khó khăn trong vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước lớn [J], Vấn đề Kinh tế nông nghiệp, 2001 (4).
[3] Lâm Thành Tiết, Đường lối phát triển hiện đại hóa Ấn Độ [M], Bắc Kinh: Nhà Xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2001: 219.
[4] Tôn Sĩ Hải, Cát Duy Quân, Liệt quốc chí: Ấn Độ [M], Bắc Kinh: Nhà xuất bản Văn hiến khoa học, 2003:280.
[5] Đoàn khảo sát sửa đổi pháp quy chính sách Bộ Nông nghiệp, Gợi mở về chính sách kiểm soát và bảo hộ nông nghiệp của Ấn Độ đối với Trung Quốc (J), Tư liệu photocopy cho Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Kinh tế nông nghiệp, 1997, (7).
(Theo Economic Research Guide, No.15,2012)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục