Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhận diện chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền Mỹ (Phần 1)

Nhận diện chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền Mỹ (Phần 1)

Chính sách châu Á mới - chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump tuy chưa chính thức được công bố nhưng đang rõ dần một số thành tố quan trọng. Việc nhận diện đúng chính sách này và tìm ra những biện pháp điều chỉnh thích ứng đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, phân tích chiến lược trên thế giới hiện nay.

05:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bùi Đức Khánh*

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng ngày 10-11-2017, Tổng thống Mỹ D.Trump đã nhiều lần nhắc tới và nhấn mạnh về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ trước đó cùng những phát biểu của Tổng thống D.Trump trong chuyến công du châu Á này cho thấy, Mỹ sẽ can dự sâu hơn và toàn diện hơn vào Ấn Độ - Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực, nhưng theo một góc nhìn lớn hơn cùng cách làm cũng mới hơn các chính quyền tiền nhiệm. 

Khái niệm cũ, cách tiếp cận mới

Tháng 8-2007, phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã đưa ra tầm nhìn táo bạo về một khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hay nói cách khác là một “châu Á rộng hơn”, bao gồm cả Mỹ và Australia. Mạng lưới này được kỳ vọng sẽ “cởi mở và minh bạch, cho phép người dân, vốn, hàng hóa và tri thức dễ dàng lưu thông trong một khuôn khổ tự do và thịnh vượng cùng với vành đai bên ngoài lục địa Á - Âu”(1). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ước mơ của ông S. Abe về một “châu Á rộng lớn hơn”, với sự hội tụ của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chưa thể trở thành hiện thực. Tháng 12-2012, khi trở lại cương vị Thủ tướng sau những chao đảo của chính trường Nhật Bản, ông S. Abe ngay lập tức thúc đẩy phát triển “Tứ giác an ninh dân chủ châu Á”(2) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia, mà các nhà chiến lược Mỹ - Nhật Bản gọi đó là nền tảng cho một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng. 

Thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thực tế cũng đã được nhắc đến ngày càng nhiều trong giới ngoại giao và học thuật ở khu vực từ đầu thập niên này. Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia khi đó là Marty Natalegawa và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập đến ý tưởng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, còn Australia cũng đã sử dụng khái niệm đó trong Sách trắng quốc phòng của mình. Việc Tổng thống Mỹ D.Trump dùng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay vì thuật ngữ quen thuộc là “châu Á - Thái Bình Dương” trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á vào tháng 11-2017 đã khiến giới phân tích và dư luận chung quan tâm, suy đoán rằng, đây có thể là một nét mới trong chính sách châu Á của Mỹ. Như vậy là, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không phải mới được đưa ra, nhưng có thể nói là đã được “hồi sinh” sau một thập niên gần như bị quên lãng. 

Vậy thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” có những nét khác như thế nào so với thuật ngữ “châu Á - Thái Bình Dương”? Về mặt lý thuyết, việc đổi thuật ngữ “châu Á - Thái Bình Dương” được cho là bởi cụm từ có cách tiếp cận không còn đúng nữa khi tư duy tách biệt hai khu vực Nam Á và Đông Á. Nếu như “châu Á - Thái Bình Dương” ngày càng được cho là chỉ tập trung vào các khu vực quanh bán đảo Triều Tiên hay phía Nam của Trung Quốc, thì cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” bao gồm các nước ven biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia và New Zealand và lấy hai đại dương làm trung tâm. Từ “Ấn Độ” (Indo) trong thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không phải nhằm chỉ Ấn Độ, mà là Ấn Độ Dương. Một quan chức của Nhà Trắng khi thông tin vắn tắt cho báo giới về chuyến thăm dài ngày của Tổng thống D.Trump đến châu Á hồi tháng 11-2017, đã nêu rõ: “Chúng ta nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương bởi vì cụm từ này nêu hết được tầm quan trọng của việc Ấn Độ vươn lên trong khu vực” (3). Theo quan chức này, Ấn Độ sẽ được coi là một cường quốc khu vực chứ không chỉ là một đất nước rộng lớn nhưng lẻ loi. Còn cố vấn về châu Á cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ ra rằng, thuật ngữ này “nâng cao vai trò của Ấn Độ và đưa những nước có ý tưởng tương đồng xích lại gần nhau” (4). 

Quan niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” như một không gian địa - chính trị cố kết, đã dần dần có được sức hút trong những năm gần đây bởi sự trỗi dậy của Ấn Độ, cùng mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc hơn giữa nước này với Mỹ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với nó. Chính quyền của Tổng thống D.Trump đã biến ý tưởng về một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, được trình bày rõ ràng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, thành nét mới thể hiện tầm nhìn đối với chính sách châu Á của Mỹ. Ấn Độ - Thái Bình Dương với tư cách là một không gian địa - chính trị và còn là dấu mốc của việc Ấn Độ bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh đang hình thành tại một khu vực rộng lớn kéo dài từ bờ Đông châu Phi đến Tây Thái Bình Dương, đồng thời được cho là cởi mở hơn trước khi xúc tiến những thỏa thuận cộng tác vì an ninh khu vực trong cơ chế bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. 

Với cách tiếp cận mới này, “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ có tác động lớn đến cục diện của khu vực rộng lớn này nói riêng và quốc tế nói chung. Các nhà phân tích cho rằng, đầu tiên chính sách này sẽ kêu gọi giữ vững trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đặc biệt là trong các tranh chấp trên biển. Bên cạnh đó, nó sẽ góp phần thúc đẩy tự do thương mại, bằng cách tự do hóa các thiết chế thương mại khu vực và ủng hộ tự do hàng hải. Còn “tứ giác an ninh dân chủ châu Á” gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, sẽ đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm an ninh cho khu vực nói chung và các quốc gia nhỏ tại Đông Nam Á và Đông Á nói riêng.

Một sân chơi mới đang hình thành

Tổng thống Mỹ D.Trump đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong những tuyên bố của mình nhằm quy tụ những nước có chung cách nghĩ và tầm nhìn cùng hướng tới việc đặt ra và duy trì các nguyên tắc về tương hỗ cũng như về kinh tế lẫn an ninh quân sự. Nói cách khác, Mỹ đang tạo ra một sân chơi mới rộng lớn hơn khu vực “châu Á - Thái Bình Dương” trước đây. Một chính sách cho khu vực được xác định lại phạm vi này giúp ông D.Trump vừa không phải chịu tiếng kế thừa ý tưởng của người tiền nhiệm, lại vừa mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ ở khu vực. 

Về quân sự và an ninh, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn đã được Mỹ hợp nhất khi chỉ thành lập một bộ chỉ huy quân đội duy nhất cho cả hai vùng châu lục và đại dương. Mỹ không chỉ tạo ra sân chơi mới mà còn có “cuộc chơi” chính trị quyền lực thế giới mới. Tại sân chơi này, Mỹ dễ dàng tập hợp được lực lượng, liên kết đồng minh và đối tác để đối phó hay cạnh tranh, thậm chí kiềm chế Trung Quốc khi cần thiết. Tổng thống D.Trump hình dung ra một thế giới bao gồm các quốc gia mạnh mẽ và độc lập, tự chủ, tuân thủ các nguyên tắc chung và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp. Ông D.Trump nêu rõ: “Chúng ta sẽ được ban phước với một thế giới có các quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền và độc lập, phát triển trong hòa bình và thương mại với các quốc gia khác”(5). 

Cùng với việc nhìn lại lịch sử và tập trung vào sự năng động của châu Á, tầm nhìn xoáy sâu vào một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” cho thấy, Mỹ mong muốn làm đối tác đối với những quốc gia mạnh mẽ, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”. Để giải tỏa quan ngại của khu vực về sự quyết đoán của một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Chúng tôi biết lợi ích của Mỹ khi có các đối tác phát triển, thịnh vượng và độc lập ở khắp khu vực này”(6); đồng thời cho rằng “mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được” và rằng “từ ngày hôm nay trở đi chúng ta sẽ cạnh tranh trên một cơ sở công bằng và bình đẳng”. Ông D.Trump khẳng định, nước Mỹ sẽ không đứng yên khi các nước khác đưa ra các chính sách bán phá giá, trợ giá, thao túng tiền tệ và công nghiệp bóc lột. Nước Mỹ “sẽ không thờ ơ trước hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ” hay “im lặng khi các công ty Mỹ trở thành mục tiêu tấn công tấn công kinh tế bởi các tác nhân có liên quan đến một số nhà nước”. Ngoài ra, Tổng thống D.Trump còn nhấn mạnh: “Nếu tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành sự thật thì chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả cuộc chơi đều phải theo luật lệ, vốn hiện tại không như vậy” (7). Cùng với việc thúc đẩy các thể chế tài chính quốc tế hướng nỗ lực tới đầu tư kết cấu hạ tầng chất lượng cao nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Tổng thống D.Trump còn có ý định “đưa ra những phương án thay thế cho các sáng kiến do nhà nước điều hướng, vốn mang nhiều sợi dây ràng buộc”.

Có thể nói, sứ mệnh mà Tổng thống D.Trump đặt ra khi tạo sân chơi Ấn Độ - Thái Bình Dương là phải bảo toàn quyền lực của Mỹ trong lúc đầu tư tìm kiếm những khả năng mới cho phép nền kinh tế số một thế giới duy trì ảnh hưởng chiến lược trên toàn bộ khu vực rộng lớn và năng động này. (Xem tiếp phần 2)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh​

Nguồn:

Cùng chuyên mục