Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhận diện chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền Mỹ (Phần 2)

Nhận diện chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền Mỹ (Phần 2)

Chính sách châu Á mới - chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump tuy chưa chính thức được công bố nhưng đang rõ dần một số thành tố quan trọng. Việc nhận diện đúng chính sách này và tìm ra những biện pháp điều chỉnh thích ứng đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, phân tích chiến lược trên thế giới hiện nay.

05:26 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Bùi Đức Khánh*

Một hình thức tập hợp lực lượng mới tại khu vực

Việc sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump và các đồng minh tại khu vực, theo giới phân tích, đã làm hé lộ những thay đổi tiềm ẩn trong cục diện an ninh khu vực. Điều này được thể hiện trong tuyên bố sau cuộc họp bốn bên gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản được tổ chức lần đầu tiên tại Manila (Philipine) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 (ngày 12-11-2017). Tuyên bố nêu rõ, bốn nước nhất trí thành lập một lực lượng chung để tuần tra và phát huy tầm ảnh hưởng trên các vùng nước từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, bao gồm ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời cam kết bảo đảm gìn giữ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do cởi mở”, “tôn trọng luật pháp quốc tế” và “trật tự dựa trên các quy định”(8). Tuyên bố này được giới phân tích cho là phản ánh những nghi ngại của “bộ tứ” về sự trỗi dậy với tốc độ đáng ngạc nhiên của Trung Quốc cả trong kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Với việc nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay cho “châu Á - Thái Bình Dương”, Tổng thống Mỹ D.Trump đã hé lộ phần trong chính sách đối ngoại với châu Á của Mỹ theo hướng “cân bằng cứng”. Mặt khác, điều đó còn thể hiện cam kết về sự hiện diện của Mỹ - cả trên bình diện ngoại giao và quân sự ở khu vực - đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ. Thêm vào đó, các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines... cũng có thể hưởng lợi từ quan hệ hợp tác đa phương do Mỹ dẫn dắt tại châu Á. Điều này không chỉ phản ánh hình thức tập hợp lực lượng mới, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng về địa - chính trị hàng hải trong một thế giới hội nhập. 

Trong không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương, bốn nước có ý tưởng phối hợp trên các lĩnh vực có liên quan như tập trận chung, hợp tác an ninh, xây dựng cấu trúc an ninh khu vực lấy Nhật Bản là điểm tựa ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây, Ô-xtrây-lia ở phía Nam, do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Giới phân tích nhận định, một khi cấu trúc an ninh khu vực này được hình thành, sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc thúc đẩy và chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ có sự cạnh tranh với nhau, cuộc đọ sức chiến lược trên biển - đất liền truyền thống sẽ diễn ra ở ngã tư đường của châu Á - châu Đại Dương - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Những tác động của chính sách châu Á mới

Khuôn khổ “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” có thể coi là chính sách mới của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump đối với châu Á. Vì chưa được chính thức công bố, nên việc nghiên cứu nhận diện chiều hướng chính sách và phương hướng triển khai, cách thức tập hợp lực lượng của nó là rất quan trọng. 

Trước hết cần thấy rằng, chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương khác với chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống B. Obama. Chính sách tái cân bằng của ông B. Obama tập trung nhiều vào ASEAN, Đông Nam Á thông qua cơ chế đa quốc gia, còn chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Chính quyền mới của Mỹ không tập trung vào Đông Nam Á mà tập trung nhiều vào tăng cường quan hệ nhóm “bộ tứ”. Ở một góc độ nhất định, hai chính sách này đều xoay quanh Đông Nam Á, hợp tác giữa các nước đồng minh của Mỹ, nhưng không qua ASEAN. Đây chính là sự khác biệt trong cách tiếp cận Đông Nam Á của Tổng thống D.Trump và cựu Tổng thống B. Obama.

Những kết quả nghiên cứu cho thấy chiều hướng triển khai chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ dựa trên ba trụ cột: Một là, chia sẻ sự thịnh vượng: nghĩa là Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển thịnh vượng hơn. Hai là, duy trì trật tự khu vực trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế, điều đó có nghĩa, Mỹ sẽ đề cập nhiều hơn đến khía cạnh luật pháp, pháp lý cho hòa bình, ổn định tại khu vực. Ba là, Mỹ sẽ tạo ra một tập hợp lực lượng mới, mà theo Mỹ, là để bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực, trong đó sẽ hướng tới ASEAN.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam có một vị trí rất quan trọng. Chính vì vậy, cần theo dõi sát sao chiều hướng và sự triển khai chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ để có thể đánh giá đầy đủ về những thay đổi và tác động của những thay đổi này, từ đó có những đối sách kịp thời, phù hợp.

(1) Diệu Hương “Tổng thống Mỹ D.Trump và tầm nhìn “Ấn Độ - Thái Bình Dương” ngày 11-11-2017 http://vov.vn/Print.aspx?id=694038

(2) Phan Quân “Thăng trầm của “tứ giác an ninh ”, ngày 27-11-2017, http://baoquocte.vn/thang-tram-tu-giac-an-ninh-61348.html

(3) Vĩnh Đông: “Hé lộ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ”, ngày 21-11-2017, http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/He-lo-chinh-sach-An-Do-Thai-Binh-Duong-cua-My-467309/

(4) Vĩnh Đông: “Hé lộ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ”, ngày 21-11-2017: Tài liệu đã dẫn

(5) Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng: “Phát biểu của Tổng thống D.Trump tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC”, http://vn.usembassy.gov/vi/10112017-trump-ceo-summit/ ngày 10-11-2017

(6) Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng: “Phát biểu của Tổng thống D.Trump tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC”: Tài liệu đã dẫn

(7) Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng: “Phát biểu của Tổng thống D.Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC”: Tài liệu đã dẫn

(8) http://soha.vn/dieu-tq-so-nhat-bo-tu-an-do-duong-thai-binh-duong-la-vien-gach-dau-tien-cua-nato-chau-a-20171125171200509.htm, ngày 25-11-2017

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục