Nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Ấn Độ- Bhutan
Vòng 24 của cuộc đàm phán biên giới Trung Quốc- Bhutan diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2016 đã đưa một số khía cạnh địa chính trị của Nam Á thành tâm điểm. Mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Trung Quốc với Pakistan, và gần đây hơn là Nepal, đã luôn khiến Ấn Độ quan ngại trong nhiều năm qua. Có vẻ như hiện giờ quốc gia này đang mở rộng sự hiện diện của mình trong dãy Himalaya thông qua những đàm phán với một quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ: Bhutan.
Nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Ấn Độ- Bhutan
Udisha Saklani
Cecilia Tortajada *
Gần đây có bằng chứng đáng kể về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Nam Á. Vào tháng 8 năm 2015, Trung Quốc đã ký một loạt hiệp ước song phương với Nepal, sau khi Ấn Độ lên tiếng phản đối hiến pháp mới của Nepal và tạm thời chặn việc vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu của Ấn Độ đến Nepal.
Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã bất đồng về những vùng đất tranh chấp trên cao nguyên Doklam ở phía đông, và các thung lũng Jakarlung và Pasamlung ở phía tây bắc Bhutan, hai quốc gia này đang tiến gần hơn tới một giải pháp cho 470 km biên giới tranh chấp của họ (các cuộc đàm phán biên giới đã được tổ chức hàng năm kể từ năm 1984). Ấn Độ đang đặc biệt lưu tâm tới những ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Bhutan bắt nguồn từ việc Trung Quốc chiếm Tây Tạng vào năm 1951, tiếp theo đó là việc công bố các bản đồ Trung Quốc yêu sách các vùng lãnh thổ đáng kể ở miền trung và tây bắc Bhutan. Điều này dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Bhutan cùng với một lệnh cấm thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc. Năm 1996, Trung Quốc đã đề nghị trao đổi một yêu sách đối với vùng lãnh thổ rộng lớn tại các thung lũng Pasamlung và Jakarlung ở miền Trung Bhutan lấy một phần diện tích đất tương đối nhỏ hơn ở lãnh thổ phía tây bắc của Bhutan trong thung lũng Chumbi. Thung lũng Chumbi giáp Tây Tạng và nằm gần với Hành lang Siliguri, một trong những vùng lãnh thổ chiến lược và nhạy cảm nhất của Ấn Độ.
Thời gian trôi qua, Ấn Độ và Bhutan đã cùng hưởng lợi từ quan hệ láng giềng bền vững dựa trên năng lượng, thương mại, đầu tư và trao đổi văn hóa. Ấn Độ đã đóng một vai trò chủ đạo trong sự phát triển kinh tế của Bhutan, giúp tài trợ cho Kế hoạch Năm năm Lần thứ nhất của quốc gia này năm 1961. Bhutan, đổi lại, đã ngày càng giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ của Ấn Độ nhờ việc bán thặng dư công suất thủy điện của mình, lĩnh vực được hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật bởi Ấn Độ. Một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ này là nỗ lực của Ấn Độ nhằm ngăn cản Trung Quốc đàm phán một thỏa thuận trao đổi lãnh thổ vốn sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Ấn Độ. Các báo cáo về sự xâm lấn hung hăng và liên tục của Trung Quốc tại khu vực Ladakh của Ấn Độ diễn ra thường xuyên, cũng như mối quan tâm dai dẳng của Trung Quốc đối với thung lũng Chumbi, đã tạo nên một sự hối thúc mạnh mẽ khiến Ấn Độ tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán biên giới Bhutan.
Cho tới năm 2007, Ấn Độ vẫn giữ ảnh hưởng đáng kể lên chính sách ngoại giao của Bhutan nhờ Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ- Bhutan được ký vào năm 1949. Khi Bhutan chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang dân chủ lập hiến năm 2008, Hiệp ước Hữu nghị đã được đàm phán lại để trao quyền tự chủ lớn hơn cho Bhutan trong chính sách đối ngoại và những khoản mua sắm quân sự của mình. Tuy nhiên những khoản đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật của Ấn Độ và thỏa thuận thương mại tự do Ấn Độ- Bhutan đồng nghĩa với việc Ấn Độ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của Bhutan.
Thủy điện ở Bhutan, được Ấn Độ hỗ trợ, cho đến nay là nguồn năng lượng chủ yếu của quốc gia này cho việc sử dụng trong nước và tiêu thụ công nghiệp địa phương, đồng thời là mặt hàng xuất khẩu và nguồn doanh thu chủ chốt trong hai thập niên qua. Lĩnh vực này dẫn dắt nền kinh tế và đóng góp gần 25% GDP và khoảng 40% tổng thu nhập quốc gia. Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý phát triển 10.000 MW thủy điện ở Bhutan để xuất khẩu thặng dư năng lượng sang Ấn Độ cho tới năm 2020. Hiện tại có khả năng chỉ còn 3.000 MW sẽ được phát triển cho tới năm 2020. Tuy nhiên, những tác động của thủy điện đối với phát triển khu vực, theo một thỏa thuận Ấn Độ- Bhutan được ký vào năm 2014 về phát triển thủy điện lâu dài, đã có tác động rất tích cực đối với cả hai quốc gia.
Tuy nhiên, dù Ấn Độ nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-Bhutan, không có gì đảm bảo rằng vị trí này là vĩnh viễn. Vị thế của Bhutan như một quốc gia nhỏ không có biển nằm giữa hai gã khổng lồ chủ chốt ở Châu Á tạo nên nhu cầu cấp thiết phải duy trì mối quan hệ hòa bình với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt được chỗ đứng vững chắc ở Bhutan và làm dấy lên khả năng rất thực tế của việc phát triển quan hệ chính trị với người láng giềng nhỏ bé, nhưng cực kỳ quan trọng của mình.
Trong năm 2012, Trung Quốc và Bhutan lần đầu tiên thể hiện khả năng thiết lập các mối quan hệ ngoại giao toàn diện sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Bhutan Jigme Thinley và Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị Rio+20 tại Brazil, điều mà Ấn Độ không hề hay biết. Chính phủ Ấn Độ đã phản ứng rất quyết liệt trước bước phát triển này, dẫn đến việc thu hồi các khoản trợ cấp xăng dầu của Ấn Độ đối với Bhutan ngay trước cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Phản ứng này của Ấn Độ đã được nhiều nhà chiến lược chính trị xem như một thông điệp dứt khoát tới Bhutan.
Quan hệ của Ấn Độ và Bhutan vẫn bắt rễ vững chắc nhờ những lợi ích về mặt lịch sử, văn hóa, và quan trọng nhất là kinh tế chung kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên những thực tế địa chính trị phức tạp hiện nay có nghĩa rằng không còn có thể dễ dàng dự đoán hướng phát triển chính trị ở bất cứ đâu trên thế giới. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc và sự hấp dẫn ngày càng tăng về mặt kinh tế của sáng kiến Một vành đai, một con đường (One Belt One Road) có thể sẽ có những tác động đáng kể đến bối cảnh địa chính trị của khu vực.
Nguồn: Udisha Saklani & Cecilia Tortajada, “The China factor in India–Bhutan relations”, East Asia Forum, 15/10/2016. www.nghiencuuquocte.org
* Udisha Saklani là một nhà nghiên cứu chính sách độc lập cộng tác với Viện Chính sách về nước, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore. Cecilia Tortajada là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách về nước và là Tổng biên tập Tạp chí Quốc tế về Phát triển Tài nguyên nước.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục