Nhật Bản và Ấn Độ nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật tại Biển Đông
Vấn đề Biển Đông thời gian gần đây tiếp tục được nhiều quốc gia dành sự quan tâm. Trong đó, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đặc biệt thể hiện ý chí và quyết tâm cao trong việc thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tăng cường hợp tác trong nỗ lực chung của quốc tế
Trong cuộc hội đàm vừa qua giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, vấn đề Biển Đông đã tiếp tục là một trong những chủ đề nghị sự quan trọng. Trong Tuyên bố chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh việc cùng có lợi ích chung về an ninh của tài sản hàng hải, tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Trong đó, cả hai thủ tướng cùng chia sẻ những mối lo ngại liên quan tới những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Cùng với đó, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế ở khu vực.
Với tư cách là hai cường quốc hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Ấn Độ tiếp tục khẳng định quyết tâm đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Đây là nền tảng, động lực thúc đẩy hợp tác, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải nhằm giải quyết các vấn đề gây cản trở đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ trên các vùng biển đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Bên cạnh việc tái nhấn mạnh lập trường coi trọng UNCLOS, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ tiếp tục kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia không tham gia vào các cuộc đàm phán này.
Đặc biệt, hai thủ tướng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của đất nước mình đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khu vực cũng như hoàn toàn ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực này, hai thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác song phương và đa phương giữa các nước cùng chí hướng trong khu vực, bao gồm hợp tác 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Cũng theo tuyên bố của hai thủ tướng, Ấn Độ và Nhật Bản có nhiều khả năng hợp tác hơn trong nỗ lực triển khai Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Chính phủ Ấn Độ đưa ra năm 2019 và Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Chính phủ Nhật Bản đưa ra.
Bình luận về ý chí chung của Nhật Bản và Ấn Độ, giới quan sát chính trị quốc tế cho biết, hai nước đã ký tuyên bố chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng vào năm 2015, tầm nhìn 2025. Ở thời điểm đó, ông Kishida là Ngoại trưởng Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập các nền tảng của Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu Ấn Độ - Nhật Bản.
Trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Nhật Bản và Ấn Độ luôn đề cao các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời đề cao nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp; ủng hộ chế độ thương mại tự do toàn cầu và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không.
Gắn kết quốc tế để củng cố sức mạnh
Nhiều năm qua, Nhật Bản và Ấn Độ đều cho thấy những cam kết làm việc vì hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến năm 2025 theo định hướng của những nguyên tắc này. Trong thời gian tới, giới chuyên gia nhận định, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác hàng hải mạnh mẽ hơn, xây dựng mạng lưới sâu rộng hơn với các bên liên quan khác nhằm tận dụng các thỏa thuận hậu cần và chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời tăng cường khả năng tương tác giữa hải quân các nước trong khu vực.
Cũng theo giới quan sát, Ấn Độ và Nhật Bản còn có cơ hội đóng vai trò như cầu nối để kết nối sâu hơn giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với châu Âu. Cùng với đó, hai nước sẽ cần thiết phải phối hợp chặt chẽ hơn và trao đổi hiệu quả, song phương và với các đối tác, để giải quyết những thách thức đang tồn tại và mới nổi trong các lĩnh vực an ninh, ổn định và phát triển bền vững.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia Hun Sen ngay sau chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định và an ninh “trên tinh thần tương tự” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm có thể đối mặt với mọi thách thức thức tại khu vực. Cả hai thủ tướng cùng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thúc giục các nước liên quan tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, cũng như cam kết thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh.
Theo giới chuyên gia chính trị châu Á, kể từ khi nhậm chức vào tháng 10-2021, tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio liên tục cho thấy quyết tâm đối với Biển Đông. Quan điểm về vấn đề Biển Đông của ông Kishida xuyên suốt kể từ khi nhậm chức là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ DOC, sớm hoàn tất hiệu quả, thực chất và có hiệu lực pháp lý.
Đối với Ấn Độ, giới phân tích chính trị, an ninh khu vực cho rằng, Ấn Độ đang cần thiết phải đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông. Nổi bật trong đó, Tiến sĩ Lakhvinder Singh - Giám đốc về nghiên cứu an ninh và hòa bình tại Viện châu Á ở Seoul, Hàn Quốc cho rằng, quy mô diễn biến phức tạp ở Biển Đông có thể gia tăng trong tương lai khiến các nỗ lực quốc tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các nước tại khu vực cần thiết phải tạo dựng những chiến lược riêng để củng cố chiến lược chung là duy trì hòa bình và an ninh khu vực.
Trong đó, Ấn Độ có những lợi ích nhất định tại Biển Đông sẽ gặp nhiều tác động nếu khu vực này diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ấn Độ với tiềm lực là một cường quốc thế giới sẽ phải là một trong những “lá cờ đầu” trong nỗ lực xây dựng cơ chế an ninh tập thể mới của khu vực. Theo đánh giá của giới phân tích, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là Ấn Độ đang cho thấy quyết tâm cao trong việc thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, bao gồm UNCLOS. Đây là yếu tố then chốt tạo ra những kỳ vọng, cũng như nhận được sự ủng hộ lớn tại khu vực.
Thanh Trúc
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục