Những thách thức trong chiến lược cải thiện phúc lợi cộng đồng ở Ấn Độ
Cần có cách tiếp cận toàn diện trong việc nâng cao nhận thức về quyền và khuyến khích sự tham gia và tự lực của cộng đồng để cải thiện sức khỏe người dân ở Ấn Độ.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng của Ấn Độ. Các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người dân. Ấn Độ vẫn chịu gánh nặng bệnh tật, với tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm lâu dài và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng nhanh, như bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh về đường hô hấp. Các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét và HIV/AIDS tiếp tục là những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực dân số nghèo. Các chỉ số sức khỏe bà mẹ và trẻ em tiếp tục ở mức đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh cao, nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.
Theo Thống kê Y tế Thế giới 2021, tuổi thọ trung bình ở Ấn Độ là 70,8 tuổi. Theo Khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia (2019-2021), tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (IMR) ở Ấn Độ là 35 trên 1.000 ca sinh từ năm, thấp hơn 15% so với con số trong năm 2015-2016. IMR kém cho thấy các yếu tố xã hội cơ bản quyết định, chẳng hạn như suy dinh dưỡng (35,5% thấp còi) và 19% gầy còm (cân nặng thấp so với chiều cao) ở trẻ em dưới 5 tuổi. Vị trí của Ấn Độ trên bảng chỉ số đói nghèo toàn cầu đã giảm từ vị trí thứ 94 (trong số 116 quốc gia) vào năm 2020 xuống vị trí thứ 101 vào năm 2021. Báo cáo Thống kê Ung thư năm 2020 chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dự kiến ở nam giới ở Ấn Độ là 94,1 trên 100.000 người và tỷ lệ này ở phụ nữ là 103,6 trên 100.000 người. Trong giai đoạn 2010-2019, các trường hợp ung thư đã tăng với tốc độ hàng năm là 1-1,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường vẫn giữ nguyên từ năm 2015 đến 2019; ước tính rằng 12% nam giới và 11% phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ước tính đã tăng từ 23% vào năm 2019 lên 30% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ béo phì lần lượt là 22,9% ở nam và 24% nữ.
Mặc dù có những thay đổi đáng kể trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của Ấn Độ trong thập kỷ trước năm 2019, nhưng các bệnh không lây nhiễm (NCD) vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các nguyên nhân này. Ấn Độ đã trải qua sự thay đổi dịch tễ học, gánh nặng bệnh tật đối với các bệnh không lây nhiễm tăng từ 30% lên 55% tổng gánh nặng bệnh tật, và từ 37% lên 61% số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra từ năm 1990 đến 2016. Để nâng cao nhận thức về các rủi ro liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ đã triển khai “Chương trình quốc gia phòng chống ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch và đột quỵ” và thành lập các đơn vị sàng lọc tại các trung tâm y tế ban đầu trên cả nước. Hơn nữa, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng Kế hoạch hành động toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu giảm 25% BKLN vào năm 2025.
Điều cần thiết là phải đánh giá mức độ phổ biến của sự chênh lệch về sức khỏe theo giới tính, tình trạng kinh tế xã hội, đẳng cấp và các yếu tố xã hội có tính quyết định để hiểu tình hình sức khỏe dân số ở Ấn Độ. Đặc biệt, khoảng cách giới, vẫn thiếu thông tin về trẻ em gái vị thành niên, mặc dù có sẵn dữ liệu đáng tin cậy từ khảo sát sức khỏe quốc gia (NFHS) và Hệ thống đăng ký mẫu (SRS). Ấn Độ vẫn thiếu hụt dữ liệu liên quan đến giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng của các hình thức phân biệt đối xử, bị gạt ra bên lề do tôn giáo, dân tộc hoặc khuyết tật.
Nhiều sáng kiến và chính sách liên quan đến sức khỏe được đưa ra để giải quyết các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe ở Ấn Độ. Chẳng hạn, sứ mệnh làm sạch Ấn Độ (Swachch Bharat) đã góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh tiêu chảy ở trẻ em, cải thiện sự an toàn và hạnh phúc của phụ nữ, đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm ô nhiễm nước và thực phẩm. Chương trình Pradhan Mantri Jan Arogya Yojana nhằm mục đích giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo và dễ bị tổn thương (những người dưới mức nghèo khổ) và chương trình Pradhan Mantri Ujjwala Yojana nhằm mục đích cung cấp nhiên liệu sạch để nấu ăn, đặc biệt là cho các bộ phận dân cư nghèo đói, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và tử vong. Các sáng kiến khác, chẳng hạn như Pradhan Mantri Kisan Samman Nidhi (chương trình hỗ trợ thu nhập) giúp cải thiện an ninh lương thực và sinh kế của nông dân quy mô nhỏ và cận biên, cũng như các kế hoạch và chương trình thủy lợi, như thẻ y tế đất, bảo hiểm mùa màng, v.v… Dữ liệu cũng cho thấy mối tương quan mạnh mẽ và tích cực giữa giáo dục, tăng trưởng và sức khỏe của trẻ em. Chính phủ cũng đã giới thiệu các chương trình dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, như chương trình dịch vụ phát triển trẻ em, tích hợp ngay từ khi chúng được sinh ra để cải thiện sự phát triển nhận thức, dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ. Chương trình Beti Bachao, Beti Padhao là một sáng kiến quan trọng khác nhằm ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi, để đảm bảo sự sống, bảo vệ và trao quyền cho trẻ em gái, điều này có thể tác động tích cực đến sức khỏe của các em.
Sáng kiến Y tế Toàn cầu do WHO đưa ra năm 1995 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình y tế trong trường học trong việc cải thiện đáng kể kết quả sức khỏe. Ấn Độ có dân số vị thành niên lớn nhất thế giới, 253 triệu người trong độ tuổi từ 10 đến 19, và việc trao quyền cho nhóm dân số này góp phần vào sự phát triển của đất nước. Năm 2014, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình đã khởi động chương trình Rashtriya Kishor Swasthya Karyakram nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của nhóm dân số này thông qua phương pháp nâng cao sức khỏe. Chính sách Giáo dục Mới 2020 tập trung vào chương trình giảng dạy toàn diện của trường bao gồm thể thao và thể dục thông qua việc kết hợp hoạt động thể chất vào phương pháp sư phạm. Sáng kiến ngày không mang cặp sách để khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, bao gồm yoga, sức khỏe và hạnh phúc, câu lạc bộ thể thao, v.v. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và thực phẩm cho trẻ em, các bữa ăn giữa ngày được phục vụ thông qua Chương trình bữa ăn giữa ngày (PM POSHAN) trong các trường của nhà nước hoặc được nhà nước hỗ trợ.
Các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe (SDH) đang được giải quyết trong chính sách và sáng kiến hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống và mầm bệnh mới đang gia tăng. Thiếu công bằng y tế, giáo dục và nhận thức về sức khỏe kém đã dẫn đến kết quả sức khỏe và phúc lợi xã hội kém. Các chương trình cần được tập trung hơn ở giai đoạn xây dựng và thực hiện chính sách để cải thiện các yếu tố xã hội ảnh hưởng tới sức khỏe. Một cách tiếp cận toàn diện sẽ giúp duy trì hệ thống y tế, nâng cao nhận thức về quyền, khuyến khích sự tham gia và tự lực của cộng đồng, củng cố cấu trúc chính trị địa phương và các sáng kiến cơ sở.
Tác giả: Tiến sĩ Shoba Suri, nghiên cứu viên cao cấp lĩnh vực sáng kiến sức khỏe, ORF
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/population-health-in-india/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024