Những vấn đề Ấn Độ cần quan tâm trong luật biên giới mới của Trung Quốc
Vào ngày 23 tháng 10 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã thông qua Luật Biên giới trên bộ, gồm các điều khoản về bảo vệ biên giới và hoạt động tại các vùng biên giới.
Trung Quốc hiện có đường biên giới trên đất liền dài 22.000 km với 14 quốc gia, trong đó có Nga, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Bhutan, Myanmar, Nepal, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác.
Luật biên giới mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Luật có 7 chương và 62 điều, về những chủ đề chính sau:
a. Phân định và khảo sát biên giới trên bộ
Luật mới quy định rằng CHND Trung Hoa sẽ thiết lập các mốc ranh giới tại tất cả các biên giới trên bộ để đánh dấu biên giới rõ ràng. Loại hình điểm đánh dấu sẽ được quyết định theo thỏa thuận với quốc gia láng giềng có liên quan.
b. Quản lý, bảo vệ khu vực biên giới
Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc được giao trách nhiệm duy trì an ninh dọc tuyến biên giới. Trách nhiệm này bao gồm việc hợp tác với chính quyền địa phương trong việc chống vượt biên bất hợp pháp.
Luật này cấm bất kỳ bên nào tham gia vào bất kỳ hoạt động nào ở khu vực biên giới có thể “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với các nước láng giềng”, trong đó bao gồm việc xây dựng bất kỳ tòa nhà kiên cố nào bởi bất kỳ ai mà không có sự cho phép của cơ quan có liên quan. Ngay cả công dân và các tổ chức địa phương cũng có nhiệm vụ bảo vệ và phòng vệ tại các cơ sở hạ tầng biên giới, duy trì an ninh và ổn định của biên giới và hợp tác với các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc trong việc duy trì an ninh biên giới.
Về sự phát triển của khu vực biên giới, luật nêu rõ rằng CHND Trung Hoa sẽ tăng cường giáo dục và tuyên truyền nhằm “củng cố ý thức cộng đồng của người dân Trung Quốc, phát huy tinh thần Trung Quốc, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tăng cường ý thức của công dân về đất nước và an ninh tổ quốc, và xây dựng ngôi nhà tinh thần chung cho dân tộc Trung Quốc” đối với người dân vùng biên giới. Để có hiệu lực này, luật bắt buộc phải cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ở vùng biên giới, hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Cuối cùng, luật quy định biên giới được phong tỏa trong trường hợp xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang, các sự cố đe dọa an ninh của cư dân biên giới như tai nạn sinh học và hóa học, thiên tai và sự cố sức khỏe cộng đồng.
c. Hợp tác quốc tế với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan đến biên giới
Trong vấn đề mối quan hệ với các quốc gia có chung biên giới, luật quy định rằng, quan hệ của CHND Trung Hoa với các quốc gia này phải dựa trên các nguyên tắc “bình đẳng và cùng có lợi”. Hơn nữa, luật quy định các điều khoản về việc thành lập các ủy ban chung, cả dân sự và quân sự, với các quốc gia nói trên để đàm phán về quản lý biên giới trên bộ và giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới.
Luật cũng quy định rằng CHND Trung Hoa phải tuân thủ các hiệp ước về biên giới trên bộ mà nước này đã ký kết với các nước và tất cả các vấn đề về biên giới sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.
Một vài ngày sau khi thông qua luật, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố cho biết “Chúng tôi quan ngại về việc Trung Quốc đơn phương đưa ra một đạo luật có thể có ảnh hưởng đến các thỏa thuận song phương hiện có về quản lý biên giới cũng như về vấn đề ranh giới lãnh thổ. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, Trung Quốc sẽ tránh áp dụng luật này để thực hiện những hành động có thể đơn phương gây thay đổi tình hình ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc” và “việc thông qua luật mới này không mang lại bất kỳ tính hợp pháp nào cho cái gọi là Hiệp định ranh giới Trung Quốc – Pakistan năm 1963.” Cần lưu ý rằng, Ấn Độ và Bhutan là hai quốc gia duy nhất đã hoàn thành mọi thỏa thuận biên giới với Trung Quốc.
Một số bên đã tuyên bố rằng, việc Ấn Độ lên án luật mới là một phản ứng thái quá vì bản thân luật này không gây tranh cãi. Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa đã làm rõ thêm rằng, CHND Trung Hoa sẽ tuân thủ các hiệp ước về ranh giới trên bộ hiện có mà nước này đã ký kết. Cần lưu ý rằng, chính sách quản lý biên giới có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác bên cạnh yếu tố mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ. Sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Trung Quốc lo ngại các phần tử Hồi giáo cực đoan tràn vào khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR) để gây mất ổn định khu vực. Một mối quan tâm khác của CHND Trung Hoa là sẽ tăng cường biên giới trên bộ với Myanmar và Việt Nam do tình hình vượt biên trái phép có thể góp phần làm gia tăng các trường hợp COVID-19.
Tuy nhiên, lo ngại của chính phủ Ấn Độ là chính đáng do Trung Quốc luôn có động thái hung hăng. Vào năm 2020, Trung Quốc đã đưa một số lượng lớn quân vào để khẳng định các tuyên bố chủ quyền tại Thung lũng Galwan, Demchok, Depsnag và Hồ Pangong ở Ladakh và dọc theo biên giới Sikkim-Tây Tạng. Cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đều chịu nhiều thương vong trong cuộc xung đột. Trước đó vào năm 2017, Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ ở Doklam, một khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.
Điều đáng quan tâm hơn nữa về luật biên giới mới là thời gian và ngôn ngữ được sử dụng trong luật. Luật được đưa ra trong bối cảnh quân sự bất ổn kéo dài 18 tháng dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh và thất bại của vòng đàm phán quân sự lần thứ 13 giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà cả hai nước đều đổ lỗi cho nhau.
Luật mới tuyên bố rằng, biên giới của Trung Quốc là “thiêng liêng và bất khả xâm phạm” và PLA được giao trách nhiệm bảo vệ những biên giới này. Cách dùng ngôn ngữ như vậy có thể đóng vai trò như rào cản trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, vì PLA có thể từ chối nhượng bộ tại những vùng họ đơn phương thực hiện hành động gọi là “tuyên bố chủ quyền” tại những vùng như Arunachal Pradesh và Ladakh. Cũng có khả năng CHND Trung Hoa hạn chế dòng nước ở sông Brahmaputra hoặc sông Yarlung Zangbo chảy từ Trung Quốc vào Ấn Độ khi luật mới này tuyên bố Trung Quốc thực hiện “các biện pháp bảo vệ sự ổn định của các dòng sông và hồ xuyên biên giới”. Trung Quốc có thể viện dẫn điều khoản này trong trường hợp các dự án thủy điện có thể gây ra thảm họa sinh thái ở Ấn Độ và gọi đây là hành động hợp pháp theo luật Trung Quốc.
Cuối cùng, luật kêu gọi tăng cường ổn định nơi cư trú cho người dân và cải thiện cơ sở hạ tầng dọc khu vực biên giới. Trung Quốc trước đây đã sử dụng chiến lược đưa dân cư “dân sự” đến định cư dọc theo phần tranh chấp của tuyến LAC, trên cơ sở đó tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp tại vùng biên. Luật mới có thể làm gia tăng các trường hợp như vậy và gây ra thêm các vấn đề giữa hai nước.
Kết luận, trên thực tế, luật biên giới mới không thay đổi nhiều động lực của quan hệ Trung-Ấn. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tỏ ra hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc trước đây đã áp dụng nhiều biện pháp làm leo thang vấn đề biên giới với Ấn Độ để tăng cường tuyên bố chủ quyền của họ trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, như xây dựng đường gần biên giới, sử dụng dân thường làm lá chắn, và việc quân PLA vượt qua tuyến LAC vào lãnh thổ Ấn Độ nhiều lần.
Bản thân luật không phải là mối quan tâm chính mà các hành động của chính phủ và quân đội Trung Quốc trong quá khứ đã là bằng chứng cho việc họ có thể làm trái luật hoặc có thể thiết lập chương trình nghị sự riêng. Cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, Gautam Bambawale, đã phân tích, hành động này là hợp pháp hóa hành động của quân đội Trung Quốc, và Ấn Độ cần lưu ý cả luật và hành động trên thực tế từ phía Trung Quốc. Do đó, phản ứng của Ấn Độ đối với việc Trung Quốc thông qua luật biên giới có thể là mối quan tâm hàng đầu nhưng trong vài năm tới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/chinas-new-border-law/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục