Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 1)

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 1)

Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.

05:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS. Vũ Trọng Dung*

Trong các nền văn hoá của nhân loại, tôn giáo luôn có một vị trí rất quan trọng. Tôn giáo là một trong những yếu tố đầu tiên và cơ bản trong việc hình thành, bảo tồn và phát huy những giá trị đạo đức của con người. Đối với Ấn Độ, tôn giáo càng có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, mà ngay cả trên lĩnh vực văn hóa vật chất.

Đất nước Ấn Độ có một vị thế địa lý rất đặc biệt. Đó là lưng dựa vào dãy Hymalaya hùng vĩ nhất thế giới, mặt nhìn ra biển Ấn Độ Dương mênh mông, có hai con sông lớn là Ấn Hà và Hằng Hà như hai dòng sữa tươi nuôi một bình nguyên bao la và cũng là cái nôi của nền văn minh nông nghiệp định cư vào thời cổ đại. Chính ở chốn địa linh nhân kiệt đó nhiều vĩ nhân ra đời như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Mahatma Gandhi, hiền triết Jiddu Krishnamurti, thi hào Rabindranath Tagore… và các tôn giáo, trường phái triết học lớn và lâu đời nhất thế giới được hình thành. Ấn Độ là một đất nước của các tôn giáo khác nhau được đặc trưng bởi sự thực hành tôn giáo khác nhau và niềm tin. Vùng đất thiêng liêng của Ấn Độ đã cho ra đời nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo, đạo Sikh, Jaina giáo và Phật giáo. Ngoài ra, đất nước Ấn Độ còn là nơi phát triển mạnh mẽ các tôn giáo lớn của phương Tây như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Sinh thời, Đại thi hào Tagore đã ca ngợi tôn giáo nơi đất nước của ông như sau: Khi anh cất lên tiếng gọi thì Họ đến/ Ấn Độ giáo và Phật giáo, Kỳ Na giáo và đạo Sikh/ Đạo Parsi, Hồi giáo và Thiên Chúa/ Đông và Tây gặp nhau/ Thể xác đồng nhất với tình yêu nơi linh thiêng của anh/ Chiến thắng thuộc về kẻ tạo ra tâm hồn nhân loại/ Chiến thắng thuộc về kẻ kiến tạo định mệnh của Ấn Độ.

Tôn giáo ở Ấn Độ được đặc trưng bởi sự đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo. Trong suốt lịch sử của Ấn Độ, tôn giáo đã là một phần quan trọng trong nền văn hóa của đất nước. Những tôn giáo này tạo thành một nhóm và được gọi là tôn giáo phương Đông. Người dân Ấn Độ có một niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo, vì họ tin rằng: niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo giúp họ thêm ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của họ. Các tôn giáo ở đây không chỉ giới hạn cho những niềm tin, mà còn bao gồm đạo đức, nghi thức, nghi lễ, triết lý cuộc sống và nhiều hơn thế nữa.

1. Các tôn giáo bản địa Ấn Độ

1.1. Ấn Độ giáo (hay Hindu giáo)

Phần lớn dân số Ấn Độ thực hành Ấn Độ giáo là tôn giáo cổ xưa nhất trong cả nước. Theo điều tra dân số năm 2011, khoảng 80% người dân Ấn Độ thực hành Ấn Độ giáo[1]. Trong lịch sử, Ấn Độ giáo đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị và văn hóa tinh thần của hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Hàng loạt những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất ở Ấn Độ và Đông Nam Á như Kônarắc, Kharuiahô, Mahabalipuram, Ăngco Vát, Lôrô Jônggrang, các tháp Chăm... và nhiều tác phẩm văn học lớn của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata... đều ra đời trên nền tảng của Ấn Độ giáo.

Khác với các tôn giáo khác, Đạo Hindu là một tôn giáo không có người sáng lập, không có giáo chủ, giáo điều mà chỉ là sự tổng hợp các hệ thống tôn giáo - tín ngưỡng - triết học. Hệ thống tôn giáo - tín ngưỡng - triết học đó của Đạo Hinđu được hình thành và hoàn thiện dần theo suốt chiều dài lịch sử của Ấn Độ.

Lịch sử Ấn Độ giáo có ba giai đoạn lớn: Giai đoạn Vệ đà, giai đoạn Bàlamôn và giai đoạn Ấn Độ giáo:

(1) Giai đoạn Vệ đà kéo dài từ khoảng năm 1800 đến năm 500 tr.CN và gắn liền với sự xâm nhập của người Arian vào Ấn Độ. Vào thời gian này, một trong những bộ kinh cốt yếu nhất của Ấn Độ giáo đã ra đời: Kinh Vệ Đà - Bộ kinh tôn giáo cổ xưa nhất của nhân loại. Giáo lý cơ bản của giai đoạn Vệ đà là ý niệm cho rằng, con người thường xuyên có mối quan hệ với các Thần linh và có sự hoà đồng với Vũ trụ. Do đó, chỉ có cúng tế, kêu cầu thì con người mới được các thần linh phù hộ trong mọi công việc. Song hành các buổi cầu nguyện là những cuộc hiến tế lớn. Những đồ hiến tế như thịt động vật, bơ, sữa, rượu được dâng lên các Thần linh bằng cách đốt trên giàn lửa.

(2) Giai đoạn Bàlamôn giáo

Việc cúng tế các Thần linh có vai trò quan trọng, nên dần dần đội ngũ các thày cúng tế trở nên đông đảo và biến thành tầng lớp có uy tín và quyền lực nhất trong xã hội Ấn Độ. Từ đây đẳng cấp tăng lữ Bàlamôn ra đời. Các tăng lữ Bàlamôn không chỉ phụ trách các việc cúng lễ, mà còn tìm cách chú giải và diễn giải các bộ Kinh Vệ đà. Từ đó, bộ Thánh điển Brahmana của Đạo Hinđu xuất hiện. Vì thế mà giai đoạn thứ hai của Ấn Độ giáo được gọi là giai đoạn Bàlamôn giáo. Đến giai đoạn này, thuyết về bốn giai đoạn của cuộc đời một con người được gọi là Ashrama của Ấn Độ giáo đã hình thành. Theo thuyết Ashrama, mỗi con người đều lần lượt trải qua các giai đoạn: đồ đệ Bàlamôn, chủ gia đình, ẩn sĩ và đạo sĩ khất thực. Như vậy, tới giai đoạn Bàlamôn giáo, ba yếu tố cốt lõi của Ấn Độ giáo là Dharma (Đạo), Varna (Đẳng cấp) và Ashrama (các giai đoạn cuộc đời) đã được hình thành.

(3) Giai đoạn Ấn Độ giáo hay Hindu giáo

Giai đoạn cuối cùng và dài nhất này (kéo dài từ những Thế kỷ đầu tr.CN tới tận ngày nay) được gọi là Ấn Độ giáo hay Hindu giáo. Trong giai đoạn Hindu, các vị Thần đã được trừu tượng hoá thành những biểu tượng: các vị Thần tượng trưng cho những hiện tượng thiên nhiên chính họ đã được quy tụ lại thành ba vị Thần, chủ thể của một hình tượng tam vị nhất thể (Trimurti). Ba vị Thần chủ thể đó là: Brahma, Vishnu và Shiva, đại diện cho ba lực lượng phổ biến của Vũ trụ: Sáng tạo, Bảo tồn và Phá hoại. Để dễ dàng hoà nhập vào đông đảo dân chúng, ở giai đoạn này, nhiều lễ thức của Ấn Độ giáo đã được đơn giản hoá. Giờ đây, các công việc như hiến tế súc vật tốn kém được thay thế bằng thờ cúng các ảnh tượng; bên cạnh các đền thờ lớn, đã xuất hiện các đền thờ nhỏ của từng gia đình; thuyết sùng tín (Bhắc ti) chủ trương chỉ cần có lòng thành là có thể giao cảm được với Thần linh đã ra đời. Đến thế kỷ XIX và XX một số nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ như Ram Môhanroy, Ram Krishna, Vivơka nanđa, Ôrôbinđô... đã làm cuộc cách tân lớn đối với Ấn Độ giáo. Cuộc cách tân này không chỉ phục hồi những giá trị đích thực ban đầu của Đạo Hinđu, mà còn loại trừ những yếu tố lạc hậu và thái quá ra khỏi tư tưởng của Đạo này.

Chính nhờ khả năng thích ứng với những đổi thay của lịch sử, mà Ấn Độ giáo luôn luôn là tôn giáo chính, lớn nhất của người Ấn và có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp dân cư Ấn Độ từ ngàn xưa tới nay.

1.2. Phật giáo

Phật giáo được coi là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới phổ biến nhất. Phật giáo được thành lập bởi lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Gautama, trong thế kỷ thứ 5 hoặc thế kỷ thứ 6 tr.CN. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), người khai sáng ra Phật giáo, sinh vào năm 624 tr.CN tại thành Phố Lâm Tỳ Ni (Lumbini) mà ngày nay là nước Nepal, phía bắc Ấn Độ. Ngài nguyên là Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhartha) của dòng họ Cồ Đàm (Gautama) thuộc nước Ca Tỳ La Vệ (Capilavastu). Phụ vương của Thái Tử là Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và mẫu hậu là Hoàng Hậu Maya. Năm 16 tuổi, Thái Tử kết hôn với Công Chúa Da Du Đà La (Yasodhara). Năm 29 tuổi, Thái Tử vào Hy Mã Lạp Sơn để xuất gia tầm đạo tìm con đường giải thoát khổ đau cho mình và chúng sinh.

Các giáo lý căn bản của Đức Phật có thể được tóm lược trong Tam Tạng - ba bộ sưu tập: Vinaya-pitaka (bộ sưu tập kỷ luật), Kinh Tạng (tập hợp các bài giảng), và Abhidharma-pitaka (bộ sưu tập của A Tỳ Đạt Ma hay siêu hình học). Các chủ đề chính hoặc mục đích của những giảng dạy là, tương ứng, sự phát triển trong ba môn học cao kỷ luật, tập trung và trí siêu việt, trong khi chức năng của họ là để khắc phục tam độc: tham, sân, si.

Trong Phật giáo có chứa đựng nhiều những giá trị văn hoá, đạo đức. Những giá trị này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hoá của mỗi quốc gia dân tộc nơi mà nó đứng chân. Nội dung giáo nghĩa Phật giáo có thể tóm lược trong 4 điểm chính: Vô Thường (Anitya), Khổ (Duhkha), Không (Sunya), và Vô Ngã (Anatma), thường được gọi là Bốn Pháp Ấn. Bốn giáo nghĩa này có mặt trong tất cả hệ thống giáo lý của các trường phái, bộ phái Phật giáo từ Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, đến Đại Thừa và ngay cả Kim Cang Thừa của Phật giáo Tây Tạng. Vô thường là bản chất của mọi hiện tượng tâm lý và vật lý. Không một hiện tượng nào trên thế gian này thoát khỏi sự chi phối của vòng sinh, trụ, dị và diệt. Chính vì các hiện tượng chung quanh chúng ta đều vô thường nên làm cho đời sống của con người trở nên đau khổ. Khổ không chỉ vì sinh, già, bệnh, chết; mà còn khổ vì mọi thứ đều tuột khỏi tầm tay kiểm soát của con người, ngay cả chính sinh mệnh của chúng ta nữa. Mọi hiện tượng đều vô thường và khổ não như thế nói lên một sự thật rất căn bản là tất cả mọi sự tồn tại đều là giả, không thật, là Không ngay tự bản chất, tức là Tánh Không. Khi các hiện tượng đều là Không trong tự tánh thì cũng đồng nghĩa là chúng không hề có tự ngã, chúng chỉ hiện hữu do các duyên hòa hợp mà thôi. Vì vô ngã, nên Phật giáo không chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế với ý nghĩa là đấng sáng tạo vũ trụ.

Trên bình diện nhân sinh quan, Phật giáo cho rằng, con người và mọi chúng sinh có thể tự mình giác ngộ ra chân lý và giải thoát mọi khổ đau ở đời, bằng con đường tu tập để chuyển hóa nghiệp lực, bởi vì nghiệp lực là do chính con người tạo ra và cũng phải do chính con người chấm dứt nó. Điều cần lưu ý là trong giáo thuyết về nghiệp, Phật giáo không hề chủ trương có một thứ linh hồn hay bất cứ hiện tượng gì tồn tại trong ý nghĩa có một tự ngã. Kinh Pháp Cú viết: “Không có lửa nào như lửa tham, không có ngục tù nào như lòng sân. Không có lưới nào như vô minh. Không có dòng sông nào như ái dục”[2]. Vì tham ái, con người sinh ra chấp thủ, tức mong ước, là cố chiếm lấy làm sở hữu cho riêng mình những vật hay điều mình thích làm phát sinh cái ngã. Chính vì vậy mà con người tự làm khổ cho mình. Trong Phật giáo, trách nhiệm của mỗi người với những hành vi thiện ác của thân, tâm mình rất được đề cao. Đức Phật dạy rằng: “Làm dữ ở nơi ta mà ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”[3]. (Xem tiếp phần 2)


[1] Điều tra dân số của Ấn Độ: Tôn Giáo PCA. www.censusindia.gov.in. Chính phủ Ấn Độ ngày 11 tháng 7 năm 2016.

[2] Thích Minh Châu (dịch) Kinh Pháp Cú, Thành hội PG TPHCM 1996, trang 23

[3] Thích Thiện Siêu (dịch), Kinh Pháp cú, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành 1993, trang 43


* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I

Nguồn:

Cùng chuyên mục