Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 2)

Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 2)

Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.

05:55 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS. Vũ Trọng Dung*

Dựa vào nội dung giáo nghĩa và lịch sử phát triển, người ta phân Phật giáo ra làm 3 truyền thống: Nguyên Thủy, Tiểu Thừa Bộ Phái và Đại Thừa:

(1) Nguyên Thủy Phật giáo là thời kỳ đức Phật còn tại thế hàng đệ tử Phật nương oai đức và lời dạy trực tiếp của đức Phật làm kim chỉ nam cho sự tu tập, thời kỳ này nội dung giáo nghĩa của Phật vẫn còn ở dạng thức truyền khẩu, nghĩa là học thuộc lòng chứ chưa viết thành văn tự.

(2) Tiểu Thừa Bộ Phái là thời kỳ sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm với sự giải thích dị biệt về giới luật và giáo nghĩa đưa tới sự phân chia làm nhiều bộ phái - có ít nhất trên 20 bộ phái được biết tới - trong thời kỳ này, những lời dạy của đức Phật đã được kết tập và viết thành văn tự trong 4 bộ Nikaya hay 5 bộ Kinh A Hàm mà sau này được dịch sang Hán văn.

(3) Phật giáo Đại Thừa bắt đầu với phong trào vận động để đưa đạo Phật phổ cập vào xã hội với bộ phái Đại Chúng Bộ thuộc thành phần đại đa số và cấp tiến. Tuy nhiên, Phật giáo Đại Thừa được khởi phát rõ rệt vào khoảng 600 năm sau Phật nhập diệt từ đầu công nguyên nhờ cuộc vận động của chư Bồ Tát Mã Minh (Asvaghosa), Long Thọ (Nagarjuna), Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) với sự xuất hiện của Kinh Điển Đại Thừa và các bộ Luận xiển dương Đại Thừa như các bộ Kinh Bát Nhã, Pháp Hoa, Duy Ma Cật, v.v…, và các bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín, Trung Luận, Đại Trí Độ Luận, Duy Thức…

Vào thời đại Vua A Dục (Asoka - 272 - 236 tr. CN), nhờ sự hỗ trợ tích cực của vị hoàng đế sùng mộ Phật Pháp này nhiều phái đoàn hoằng pháp đã được cử đi truyền bá Phật giáo tại nhiều nơi trên thế giới qua đường thủy, trong đó có Tích Lan (Sri Lanka), Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Việt Nam, v.v.... Đường truyền giáo này về sau lịch sử gọi là Nam Truyền Phật giáo. Ngược lại, Phật giáo Đại Thừa đã được truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ ở phía Bắc đến các nước Afghanistan, Tây Tạng, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, v.v… vào đầu Công nguyên. Đường truyền giáo này được gọi là Bắc Truyền Phật giáo.

Sau khi Đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, trong khoảng thời gian 500 năm đầu, đa số các Tỳ kheo còn giữ nguyên hạnh khất thực đầu đà theo tinh thần Phật dạy. Nhưng sang 500 năm thứ hai, Phật giáo Đại thừa phát triển rất mạnh, trong đó có những vị nổi danh như các vị Bồ tát Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân… Và cũng từ đó, Phật giáo bắt đầu mở rộng về hướng Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, với nét đặc trưng là Phật giáo bản địa đã kết hợp với nền văn hóa truyền thống của các dân tộc mà tạo thành sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Đại thừa.

Trong khi đó, Phật giáo gốc ở Ấn Độ lại nảy sinh tình trạng tranh chấp giữa Phật giáo và Bà La Môn giáo, sau cùng dẫn đến sự chỉ trích giữa Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Điều sai lầm này của giới Phật giáo Ấn Độ cho thấy ý nghĩa giải thoát trong đạo Phật đã bị lu mờ và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quần chúng Ấn Độ mất tín tâm, khiến họ quay về đạo gốc của họ là Bà La Môn giáo đặt nền tảng trên sự cầu nguyện. Có thể nói kể từ đó, Phật giáo Ấn Độ suy yếu dần, cho đến khi các đạo quân của Hồi giáo tràn vào xâm chiếm Ấn Độ và tàn phá các thánh tích Phật giáo, sát hại các Tăng sĩ Phật giáo.

Đến thế kỷ XIII, đã xảy ra sự việc đúng với điều Đức Phật dạy trong kinh điển rằng sau khi Phật nhập diệt, có những nơi mà tên Tam bảo còn không được nghe đến, biết đến. Thật vậy, ở Ấn Độ, người dân Ấn Độ hoàn toàn không biết gì về Phật giáo, trong khi Phật giáo Đại thừa lại phát triển rất mạnh ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phật giáo tại Ấn Độ đã trải qua nhiều thăng trầm tùy thuộc vào các triều đại chính trị có hậu thuẫn hay tiêu diệt Phật giáo, dĩ nhiên, trong đó không thể bỏ qua yếu tố then chốt là sự hưng thịnh hay suy đồi của nội lực Phật giáo mà hàng ngũ Tăng Ni và cư sĩ Phật tử đóng vai trò chủ đạo. Nhưng phải đợi đến một biến cố lịch sử mà qua đó Phật giáo tại Ấn Độ đã hầu như bị tiêu diệt hẳn, đó là cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào Ấn Độ ở thế kỷ thứ 12 sau công nguyên, với chính sách tiêu diệt Phật giáo tận gốc bằng việc bắt buộc tu sĩ hoàn tục hay giết hại hàng chục ngàn Tăng Ni, những người không chịu bỏ đạo, đốt phá tất cả chùa chiền, kinh sách Phật giáo. Nhưng, nhờ trước đó, Phật giáo đã được truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ đến các quốc gia lân bang, cho nên, Phật giáo đã được phát triển sâu rộng tại nhiều nước ở châu Á.

Ngày nay, tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới có thể đạt tới con số trên một tỷ rưỡi người, và Phật giáo là một trong những tôn giáo phát triển mạnh nhất tại các nước Âu, Mỹ.

1.3. Kỳ Na giáo

Trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, tư tưởng Bàlamôn được xem là tư tưởng chủ đạo của toàn xã hội; và với hệ thống giai cấp, Bà-la-môn giáo được xem là tôn giáo chính thống. Nhưng đến thời Phật, hoặc sớm hơn trước đó, nội bộ Bàlamôn giáo xảy ra nhiều biến cố xung đột, tranh chấp lẫn nhau, đời sống của các giáo sĩ xa hoa trụy lạc, phẩm hạnh xuống cấp; thêm vào đó, giai cấp Sát-đế-lợi bắt đầu đứng lên như là một thế lực chủ đạo trong xã hội. Trong bối cảnh như vậy, đã khiến cho rất nhiều giáo phái mới "phi chính thống" ra đời. Kỳ Na giáo là một trong số những giáo phái mới "phi chính thống" trỗi dậy có sức ảnh hưởng khá lớn đối với Ấn Độ đương thời.

Gọi là giáo phái mới, tất nhiên, nó phải đưa ra những chủ trương, quan điểm tương phản với Bà-la-môn như là những tiêu chí để phân biệt với cái gọi là chính thống. Theo đó, điểm khác nhau cơ bản nhất giữa Kỳ Na giáo và Bàlamôn giáo đó là Kỳ Na giáo triệt để phủ định thẩm quyền tuyệt đối của thánh điển Vệ-đà và hoàn toàn chống lại chế độ giai cấp do Bàlamôn giáo đặt ra. Họ cho rằng, mê tín một cách mù quáng thần quyền và thiên khải vĩnh viễn sẽ không bao giờ đạt tới hạnh phúc thật sự. Và, chủ trương sát hại sinh vật để tế tự của Bàlamôn, theo giáo nghĩa của Kỳ Na giáo, đó là việc làm vô nghĩa, chỉ càng làm cho con người thêm đau khổ, chúng sanh thêm ai oán, điêu linh.

Kỳ Na giáo cũng giống như Ấn Độ giáo vốn không do một vị giáo chủ, bậc giác ngộ độc nhất nào khai sang, mà do sự đóng góp của nhiều đời những nhà lãnh đạo, một phần vì lịch sử cổ đại Ấn Độ không được ghi chép đầy đủ do đặc tính của dân tộc này không xem trọng việc ghi chép sử. Người ta chỉ biết là theo những gì còn lưu truyền thì vào thế kỷ thứ 9 tr.CN có một vị đạo sĩ tên là Parshvanatha là một trong số các vị có công phát triển Kỳ Na giáo.

Đến thế kỷ thứ 6 lại xuất hiện một nhân vật lịch sử uy tín nổi bật khác cũng có công rất lớn trong việc phát dương Kỳ Na giáo là Vardhamana Mahavira - vị thánh thứ 24 của Kỳ Na giáo. Mahavira đã hệ thống hóa giáo nghĩa Kỳ Na giáo, thành lập tăng đoàn và đưa ra chủ trương tu tập khổ hạnh và đạt mục tiêu giác ngộ. Các đệ tử của Mahavira đã tôn xưng ngài là Jina, có nghĩa là “người chiến thắng” và những đệ tử sau này đã dùng danh hiệu này để đặt tên cho chính họ là Jain, là người đi theo đấng Jina. Chữ Jain dùng để gọi tên cho Kỳ Na giáo bắt đầu xuất hiện từ đó.

Thế kỷ thứ 3 tr.CN, vào thời đại đế quốc Kharavela, Kỳ Na giáo đã bắt đầu phát triển rộng tại miền Nam Ấn Độ, khi mà vị lãnh đạo của cộng đồng tăng lữ Kỳ Na giáo là Badrabadu từ Bihar đến Karnataka. Nhưng phải đợi tới vị lãnh đạo thứ 23 là Parshavanatha thì sử liệu mới ghi. Tuy nhiên, sự truyền thừa có tính lịch sử và liên tục về sau này thì phải đợi tới thời vị lãnh đạo Rishabhdeva. Hoàng đế Chandragupta Maurya lúc tuổi già đã từ bỏ ngôi vua và gia nhập vào tăng đoàn Kỳ Na giáo. Hoàng đế Chandragupta là đệ tử của vị lãnh đạo Bhadrabahu. Triều đại Chandragupta Maurya cai trị Ấn Độ từ năm 321 tới 185 tr.CN. Cháu nội của Hoàng đế Ashoka là Samrat Samprati là người rất sùng mộ Kỳ Na giáo. Giống như Hoàng đế Ashoka đã từng gửi nhiều phái đoàn hoằng pháp ra nước ngoài truyền bá Phật giáo, Samprati cũng cử nhiều nhà truyền đạo tới Hy Lạp, Trung Đông để truyền bá Kỳ Na giáo. Samprati cũng đã xây cất 125,000 ngôi chùa tháp Kỳ Na giáo khắp lãnh thổ Ấn Độ mà một số ngôi chùa vẫn còn đến thời đại này.

Kỳ Na giáo chủ trương bất bạo động đối với tất cả chúng sinh. Triết lý Kỳ Na giáo tập trung vào việc nỗ lực thực nghiệm tự thân để chuyển tâm hồn đến sự tỉnh thức và giải thoát. Bất cứ người nào tự chế được tâm thoát khỏi những kẻ thù tham lam, sân hận thì đạt tới cảnh giới tối thượng gọi là jina tức là vị chinh phục hay chiến thắng.

Kỳ Na giáo không tin vào đấng sáng tạo và bảo hộ vũ trụ vạn vật. Đối với Kỳ Na giáo vũ trụ luôn luôn thay đổi theo luật tự nhiên và tin rằng có nhiều đời sống của nhiều loại chúng sanh khác, hữu tình và vô tình, trong và ngoài trái đất này. Kỳ Na giáo cho rằng sân si và tham dục là kẻ thù độc hại của con người. Nguyên lý bất bạo động dùng để giảm trừ nghiệp lực của tham sân si là thế lực hạn chế khả tính giải thoát của tâm con người. Kỳ Na giáo cũng nhấn mạnh đến sự bình đẳng của tất cả chúng sinh, cổ vũ đời sống không xâm hại đối với tất cả muôn loài, dù là nhỏ hay lớn. Để thực hành đời sống bất hại đến mọi loài, tín đồ Kỳ Na giáo ăn chay trường, nhưng không được chặt hay nhổ rễ cây vì sẽ làm hại các sinh vật nhỏ sống dưới đó. Kỳ Na giáo cũng không cho tín đồ ăn sau khi mặt trời lặn.

Về phương diện giáo lý, Kỳ Na giáo chủ trương Nghiệp vật chất và luân hồi, cho rằng, con người do sự trói buộc của Nghiệp vật chất từ ba nghiệp thân, miệng, ý gây ra mà không ngừng chịu khổ luân hồi, không giải thoát được. Để thoát khỏi nỗi khổ luân hồi do nghiệp gây ra, đạt đến cảnh giới giải thoát vĩnh viễn, Kỳ Na giáo dạy con người xuất gia tu hành, xả bỏ dục vọng, tuân thủ năm giới và khổ hạnh nghiêm khắc. Song, Kỳ Na giáo không nghiêng về giải thoát hiện đời mà đặt kì vọng giải thoát ở đời sau, cho rằng: “Thân thể sau khi chết, linh hồn giải thoát sẽ phát huy tính chất thăng hoa vốn có của nó, thăng tiến hướng thượng, thoát ly thế giới, đạt tới phi thế giới tồn lưu trong tuyệt đỉnh thế giới.... Một khi đạt đến phi thế giới, linh hồn sẽ hiện ra bổn tính, mà đạt được an lạc tuyệt đối, giải thoát chơn chánh”[1]. (Xem tiếp phần 3)


[1] Kogen Mizuno trước tác, Hứa Dương Chủ dịch Ấn Độ đích Phật giáo, NXB Pháp Nhĩ, Đài Bắc, Dân quốc thứ 87, trang 37 - 38


* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I

Nguồn:

Cùng chuyên mục