Nội dung, giá trị của hệ thống tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ (Phần 4)
Ấn Độ là một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh Ấn - Hằng, từ 3000 năm trước CN tồn tại và bồi đắp theo dòng lịch sử, to cao sừng sững như dãy núi Hymalaya hùng vĩ với ngọn Meru thần thánh được gọi là cột trụ trời, là cõi trời tỏa chiếu ánh hào quang lấp lánh, rực sáng cả vùng trời phương Đông. Cũng chính từ cột trụ trời ấy mà Ấn Độ huyền bí, nền văn hóa Ấn Độ huyền bí đi vào cõi tâm linh, và chính Ấn Độ chứ không phải nơi nào khác dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đó là kết tinh sâu thẳm mọi giá trị của văn hóa Ấn Độ, và chừng nào đó, của văn hóa phương Đông.
PGS, TS. Vũ Trọng Dung*
2. Tôn giáo ngoại lai ở Ấn Độ
2.1. Hồi giáo
Hồi giáo là nhất thần giáo, là tôn giáo cũng từ tổ phụ Abraham nhưng dựa trên Kinh Quran, mà tín đồ Hồi giáo tin là lời mặc khải của Thượng Đế cho Giáo Chủ Muhammad - sinh năm 570 tại Thành Phố Mecca của nước Ả Rập Saudi, Trung Đông, và mất năm 632 sau Công nguyên.
Hồi giáo tin rằng, Thượng Đế là độc nhất và Hồi giáo giữ được thông điệp nguyên thủy dù những thiên khải cũng từng bị đổi thay một phần nào đó qua thời gian, nhưng Kinh Quran thì được xem như là lời mặc khải tối hậu từ Thượng Đế. Những thực hành của tín đồ Hồi giáo gồm có cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay trong thời gian mùa lễ Ramadan, giúp đỡ người nghèo, và hành hương vùng Thánh Địa Mecca ít nhất một lần trong đời.
Theo phúc trình từ cơ quan nghiên cứu PBS của Hoa Kỳ, vào năm 2009, trên thế giới có khoảng từ 1,2 tỷ tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo, hay khoảng 20% của 6,8 tỷ dân số mặt đất, với 60% ở châu Á, 20% ở Trung Đông và Bắc Mỹ.
Tại Ấn Độ hiện có khoảng 150 triệu tín đồ Hồi giáo. Chính vì có dân số Hồi giáo đông như vậy nên, Ấn Độ là nước có tín đồ Hồi giáo đông hạng thứ hai trên thế giới, sau Nam Dương (Indonesia).
Hồi giáo đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên theo đường buôn bán của các thương gia Ả Rập gốc tín đồ Hồi giáo vào Bờ Biển Malabar. Mãi cho đến thế kỷ thứ XII, Hồi giáo mới truyền bá tới miền Bắc Ấn Độ và cũng kể từ đó thâm nhập vào văn hóa và tôn giáo của Ấn. Đền thờ Hồi giáo đầu tiên được xây dựng tại Ấn Độ vào năm 629 sau công nguyên, tại Kodungallur, Kerala, lúc Giáo chủ Muhammad còn sống.
Từ thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ thứ XIII, Hồi giáo dựa vào thế quyền trong và ngoài nước đã thực hiện nhiều cuộc phá hoại chùa chiền, tàn sát tu sĩ, trấn áp tín đồ của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Trong số cơ sở Phật giáo bị Hồi giáo phá hoại có Đại Tu Viện và cũng là Đại Học đầu tiên và lớn nhất của Phật giáo là Nalanda, nơi mà Ngài Huyền Trang vào thời Nhà Đường của Trung Quốc đã có dịp đến học hỏi trong thời gian 5 năm (631-636), trong chuyến hành hương tham bái và nghiên cứu Kinh Điển Phật tại Ấn Độ từ năm 627 tới 641 sau công nguyên. Sau thế kỷ thứ 13, Phật giáo tại Ấn Độ đã bị mai một hoàn toàn cho đến gần đây mới bắt đầu hồi phục lại phần nào. Trong thời kỳ xâm nhập vào Ấn Độ, Hồi giáo đã thực hiện phương pháp cải đạo rất tàn ác. Đó là bắt người Ấn phải chọn lựa 1 trong 3 cách: theo Hồi giáo, bị giết chết, hay bị đóng thuế nặng nề. Công cuộc cải đạo chính thức bắt đầu có hệ thống vào thế kỷ thứ VIII khi mà đoàn quân Ả Rập xâm lăng miền Bắc Ấn và lãnh thổ thuộc Pakistan ngày nay. Điểm đặc biệt là hầu hết những người cải đạo theo Hồi giáo đều là thành phần giai cấp nghèo khổ của xã hội Ấn Độ. Ngoài ra cũng có người cải đạo theo Hồi giáo thuộc các gia tộc vua chúa, trong đó có các vị vua thuộc Ấn Độ giáo.
Nói chung, Hồi giáo ở Ấn Độ cũng có 2 giáo phái chính như Hồi giáo trên khắp thế giới, đó là phái Sunni và phái Shia và luôn luôn có sự căng thẳng, xung đột giữa 2 giáo phái này. Mỗi giáo phái đều có nhiều hệ phái khác nhau. Vào đầu thế kỷ XX, một số tổ chức Hồi giáo cải cách thâm nhập vào Ấn Độ và muốn áp dụng triết lý Hồi giáo vào thế giới hiện đại. Những tổ chức này muốn bãi bỏ tục lệ đa thê và cổ võ nền giáo dục cho nữ giới.
2.2. Thiên Chúa giáo Ấn Độ
Thiên Chúa giáo là tôn giáo lớn thứ ba tại Ấn Độ, với gần 25 triệu tín đồ, chiếm 3% tổng dân số. Có thể nói, Thiên Chúa giáo có một quan hệ đặc biệt với Ấn Độ mà ngoại trừ các tôn giáo được khai sáng tại Ấn Độ không một tôn giáo nào bên ngoài có được, kể cả Hồi giáo là tôn giáo được truyền vào đây lâu đời. Lý do Thiên Chúa giáo có mối quan hệ đặc biệt với Ấn Độ là vì chính Chúa Jesus - từ năm 12 đến 30 tuổi - đã từng đến Ấn Độ để học đạo [phần nhiều là học Đạo Phật] rồi trở về Do Thái để khai sáng Thiên Chúa giáo. Chưa hết, sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá nhưng được cứu sống, Ngài đã trở lại Ấn Độ sống thời gian còn lại của cuộc đời và từ trần ở đó.
Về mặt sử liệu hiện có, thì Thiên Chúa giáo được truyền tới Ấn Độ vào năm 52 sau công nguyên do một trong những tông đồ của Chúa Jesus là Thánh Thomas lần đầu tiên đến Kodungallur tại Kerala để thành lập cộng đoàn Thiên Chúa giáo cho người Do Thái di dân sống ở đây. Như thế, sự có mặt của Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ cũng đồng thời với sự có mặt đầu tiên của Thiên Chúa giáo trên thế giới. Đây cũng là điểm đặc biệt của Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ. Kiến trúc nhà thờ có mặt xưa nhất trên thế giới mà được xây dựng bởi Thánh Thomas vào năm 57 sau công nguyên có tên là Thiruvithamcode Arappally hay Thomaiyar Kovil tại Quận Kanyakumari của Tamil Nadu, Ấn Độ. Ngôi nhà thờ này hiện đã trở thành trung tâm hành hương quốc tế có tên St. Thomas.
Đa phần Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ thuộc Công Giáo La Mã. Vào năm 1320, vị sứ thần đầu tiên của đức Giáo Hoàng Công Giáo La Mã, và cũng là người Âu Châu đầu tiên đến Ấn Độ là Hồng Y Jordanus Catalani, người Pháp thuộc giòng tu Dominican. Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đầu tiên đến Ấn Độ là những tông đồ của thời đại mới cùng đi với nhà thám hiểm Vasco da Gama. Họ đến Kappad gần Kozhikode vào ngày 20 tháng 5 năm 1498. Cùng đi với đoàn thám hiểm thứ 2 của Bồ Đào Nha gồm 13 chiếc tàu, có 18 linh mục, dưới quyền điểu khiển của Thuyền Trưởng Pedro Alvares Cabral, đến Ấn Độ vào ngày 26 tháng 11 năm 1500 và thiết lập phái bộ truyền giáo Bồ Đào Nha đầu tiên tại Ấn Độ cũng vào năm này. Ngày nay, Thiên Chúa giáo điều hành hàng ngàn cơ sở bất vụ lợi trong lãnh vực giáo dục và xã hội tại khắp đất nước Ấn Độ.
Phái bộ truyền giáo Tin Lành đầu tiên đến Ấn Độ là hai mục sư Lutheran từ Đức Bartholomaus Ziegenbalg và Heinrich Pluetschau vào năm 1705. Họ chuyển dịch Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng địa phương Tamil và sau đó dịch sang tiếng Hindustani. Trong thế kỷ thứ XIX, nhiều nhà truyền giáo Tin Lành thuộc giáo hội Baptist Mỹ đã đến miền Đông Bắc Ấn Độ. Nhiều Giáo Hội lớn của Tin Lành có mặt tại Ấn Độ như Church of South India (CSI), Church of North India (CNI), Presbyterian Church of India, Baptist, Lutheran, v.v…
Sự có mặt lâu đời của Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ đã giúp cho tôn giáo này có những đóng góp tích cực vào xã hội Ấn qua nhiều lãnh vực mà đặc biệt là văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Dương Ninh (2010), Giáo trình lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Lương Ninh (chủ biên) (2002), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb. Văn hoá-thông tin, Hà Nội.
4. A. L. Basham, The Wonder That Was India: A Survey of the Culture of the Indian Subcontinent Before the Coming of the Muslims, London: Sidgwick and Jackson, 1954.
- Max Weber, The Religion of India: The Sociology of Hinduism and Buddhism, Trans. Hans H. Gerth & Don Martindale, New Delhi, Munshiram Manoharlal, 2007.
- Padmanabh S. Jaini, The Jaina Path of Purification, Delhi: Motilal Banarsidass, 1990.
- Rajeswari Chatterjee, Lifescapes of India: Religions, Customs, and Laws of India, Nevada: University of Nevada, 2003.
- Sinclair Stevenson, The Religious Quest of India: The Heart of Jainism, Bombay, 1915.
* Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực I
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục