Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nồng ấm trên đất nước sông Hằng

Nồng ấm trên đất nước sông Hằng

Trong trái tim có nhau, những ánh mắt hướng về nhau trìu mến, ấm áp tình hữu nghị, đó là cảm nhận sâu sắc của những học viên tham gia lớp báo chí và truyền thông dành riêng cho Việt Nam lần đầu tiên do Chính phủ Ấn Độ tổ chức cuối tháng 3 vừa qua - khi tiếp xúc với nhiều người dân nước bạn.

08:29 16-04-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TÌNH NGƯỜI ẤN ĐỘ DÀNH CHO VIỆT NAM
Đối đáp thân tình, tất cả chúng tôi đều bày tỏ bằng hành động thực tế để có thêm nhiều sự hiện diện văn hóa hai chiều với mong muốn bồi đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Đất nước Ấn Độ vô cùng rộng lớn. Nhiều người Ấn Độ mà chúng tôi gặp đã trao cho chúng tôi những tình cảm cũng rộng lớn như thế. Sự thân thiện, tình hữu nghị, tình người đáng quý khiến chuyến hành trình đến đất nước hơn 1 tỷ dân lần đầu của chúng tôi trở nên ấm áp như trên quê hương Việt Nam.

Ấm lòng lần đầu đến đất nước sông Hằng

Sau chuyến đi vất vả vì đặt vé muộn, phải quá cảnh qua nhiều sân bay, lại bay vào nửa đêm và lệch múi giờ nên chúng tôi khá mệt mỏi. 5 giờ 30 phút sáng, cách sân bay Kolkata khoảng nửa giờ hạ cánh, Ấn Độ trong mắt tôi là nhập nhoạng ánh đèn điện bên dưới như sao đêm xếp thành hình những chữ Phạn bí ẩn, mênh mông không điểm dừng.

Xuống đến sân bay lại vội vàng tìm cửa quá cảnh đi thành phố Hyderabad (thủ phủ bang Telangana), một số người trong đoàn chúng tôi dường như không buồn nói chuyện. Thế nhưng nghi lễ đốt lửa, điểm dấu trên trán và đeo vòng hoa đón khách cùng nụ cười thân thiện của các bạn Ấn Độ khi chúng tôi đặt chân đến Viện Phát triển nguồn nhân lực Tiến sĩ Marri Channa Reddy vào đầu giờ chiều dường như đã tiếp thêm năng lượng khiến mọi người tỉnh táo trở lại, tươi cười đáp lễ.

Các thành viên tham gia đoàn của chúng tôi đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương của Việt Nam. Người làm biên tập viên, người làm công tác dịch thuật, người là phóng viên, phát thanh viên... nhưng có điểm chung là đều lần đầu đến Ấn Độ. Ai cũng đầy bỡ ngỡ. Thông tin hầu như không nhiều. Thế nhưng chúng tôi nhận được sự quan tâm chu đáo từ phía bạn. Trước ngày lên đường, biết chúng tôi sẽ lưu lại tại Viện Phát triển nguồn nhân lực Tiến sĩ Marri Channa Reddy, phía bạn đã thông tin về điều kiện ăn ở, học tập tại đây.

Ngày khai giảng, Tiến sĩ Madhavi Ravulapati, Giám đốc khóa học thân tình hỏi thăm chúng tôi có cảm thấy thoải mái không, có ăn được đồ ăn kiểu Ấn không. Trong cả quãng thời gian chúng tôi ở lại viện, các đầu bếp cũng liên tục tìm cách điều chỉnh sao cho chúng tôi đều có thể thưởng thức được ẩm thực Ấn Độ. Khi quan tâm, người ta sẽ dành cho nhau thật nhiều điều tốt đẹp và ăn uống chỉ là một trong những cử chỉ thân thiện mà phía bạn dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã cảm nhận Hyderabad gần gũi với quê nhà đúng như những gì Tiến sĩ Madhavi Ravulapati mong muốn.

Ở Ấn Độ, chúng tôi được đến nhiều nơi để trải nghiệm văn hóa và cuộc sống trên đất bạn. Dù cảm nhận của mỗi người một khác. Có người thấy Ấn Độ ở vẻ tao nhã và huyền bí của con người hay sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết. Có người lại cảm nhận ở đây sự đa dạng và hợp lưu của các nền văn hóa; sự vĩ đại của sông Hằng và các công trình kỳ vĩ...

Nhưng một điều thú vị mà tất cả chúng tôi đều cảm nhận được là tình cảm người dân nước bạn dành cho Việt Nam vô cùng trân quý. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, nhiều người Ấn Độ trên đường phố đến xin chụp ảnh để lưu lại làm kỷ niệm. Ở pháo đài Warangal, tôi được anh cảnh sát tên Y.Chiranjeevi hướng dẫn và chụp cho những bức ảnh đẹp, độc đáo khiến tôi nhớ mãi. Nhà báo Hoàng Thị Hường, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ một phát hiện thú vị: “Khi biết là người Việt Nam, người Ấn Độ ở bất cứ đâu khi chúng tôi đi qua đều sẵn sàng cho mình bế con của họ. Điều này không dễ gặp, vì nhiều phụ huynh rất cẩn thận, dè chừng với người lạ khi bế con họ”.

Lớp học của tình hữu nghị

Trọng tâm chuyến đi của chúng tôi là lớp học về báo chí và truyền thông. Phía Ấn Độ đã thiết kế một chương trình học dày đặc, bài bản và chi tiết, từ báo in tới báo nói, báo hình, báo điện tử. Các bài giảng có đủ thông tin về xu hướng mới nhất trong báo chí và quan hệ công chúng; thông tin sai lệch và kiểm chứng dữ liệu; khủng hoảng truyền thông và quan hệ công chúng; tầm quan trọng của hội tụ truyền thông trong lĩnh vực báo chí; thách thức đối với báo in trong thời đại ngày nay; vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc tạo lập truyền thông số; tầm quan trọng của mạng xã hội trong công tác điều hành của chính phủ ngày nay... Đây đều là những vấn đề thiết thân đối với mỗi nhà báo.

Ở Việt Nam, các nhà báo đều ít nhiều va chạm những nội dung này. Nhưng dưới hệ quy chiếu với nước bạn, để so sánh, chúng tôi càng nhận ra tầm quan trọng của vấn đề cũng như sự tương đồng của hai nền báo chí. Suốt quá trình học, sự nhiệt tình chỉ dạy của các thầy, cô giáo giúp chúng tôi thấm thía hơn điều mà Tiến sĩ Shashank Goel, Tổng giám đốc Viện Phát triển nguồn nhân lực Tiến sĩ Marri Channa Reddy kiêm Thư ký Chính phủ tại bang Telangana đã nói với chúng tôi trong lễ khai giảng. Đúng vậy, báo chí thể hiện tiếng nói của người dân, có tác động quan trọng trong việc ổn định xã hội dân chủ.

Vì thế, vai trò của các nhà báo là hết sức quan trọng. Các cơ quan báo chí truyền thống như báo in, đài phát thanh và truyền hình cung cấp cho độc giả, khán giả thông tin đầy đủ về những vấn đề xã hội, trao quyền cho người dân đóng góp vào sự thay đổi tích cực và phát triển toàn diện của đất nước. Ngày nay, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội như: Facebook, X (trước đây là Twitter), Instagram, YouTube, LinkedIn... đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong truyền thông. Đây thực sự là một cuộc cách mạng, được thúc đẩy bởi các công cụ và kỹ thuật mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo.

Các thầy, cô giáo cũng phân tích rõ hơn với chúng tôi rằng, đi kèm với sự tiến bộ là những thách thức lớn, trong đó có sự gia tăng của tin giả, làm lung lay niềm tin của công chúng với báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, nhà báo không chỉ là người đưa tin mà phải duy trì các nguyên tắc về tính chính xác, sự công bằng khách quan và đạo đức báo chí, vì lợi ích cộng đồng... Những bài học ấy giúp chúng tôi hiểu hơn về trách nhiệm của mình và càng thấm thía hơn về mong muốn xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.

Điều này đã được nhà báo Kiều Thị Thoan Thu, Báo Kinh tế và Đô thị nói giúp nỗi lòng của chúng tôi trong buổi bế giảng với thầy, cô giáo người Ấn Độ. “Khoảng thời gian học tập, lưu trú tại đây sẽ là chuyến đi đáng nhớ trong đời của tất cả chúng tôi. Những nhà báo Việt Nam hiểu rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Ấn Độ rất có ý nghĩa và chúng tôi mong muốn góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Một lần nữa, cảm ơn các bạn rất nhiều vì sự đón tiếp nồng hậu. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà báo Việt Nam nhận được những điều tuyệt vời từ các bạn như chúng tôi có được ngày hôm nay”, chị Kiều Thị Thoan Thu phát biểu.

LAN TỎA HÌNH ẢNH VIỆT NAM TRÊN ĐẤT BẠN
Ấn Độ đã dành cho chúng tôi những tình cảm thật nồng hậu, ấm áp. Đáp lại những thịnh tình từ phía bạn, các nhà báo Việt Nam trong nỗ lực của họ cũng mong muốn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam luôn đẹp trong mắt các bạn Ấn Độ.

Mang đến Ấn Độ những hình ảnh đẹp của Việt Nam

Ngày chuẩn bị cho chuyến đi, phía Ấn Độ thông báo sẽ không có buổi gặp mặt chính thức nên chúng tôi không cần chuẩn bị trang phục cầu kỳ. Thế nhưng, không ai bảo ai, trong va li của các thành viên nữ đều mang theo chiếc áo dài. Ngày khai giảng, chúng tôi thống nhất các thành viên nữ mặc áo dài để thể hiện sự trân trọng, đáp lại những thịnh tình phía bạn đã dành cho. Quả thật, tà áo quê hương mang lại cho chúng tôi rất nhiều tự tin. Từ ký túc xá tới lớp học, mọi con mắt đều đổ dồn về những tà áo thướt tha. Lớp học hôm đó như bừng sáng, cả trong khuôn thước đi đứng, nói năng và cả trong những nụ cười chúng tôi trao cho nhau. “Khi đến Ấn Độ, tôi thấy mình thật nhỏ bé nhưng lúc mặc áo dài truyền thống, cảm giác cả quê hương đang tiếp thêm sức mạnh khiến tôi cảm nhận rõ hơn niềm tự hào đất nước. Ở đây, khi làm bất cứ điều gì, giao tiếp hay biểu hiện, tôi đều nghĩ rằng tôi không chỉ hành động vì cá nhân hay một cơ quan báo chí của riêng mình mà đang mang sứ mệnh đại diện cho đất nước mình”, nhà báo Kiều Thị Thoan Thu, Báo Kinh tế và Đô thị bày tỏ.

Trên chuyến hành trình từ thành phố đến những vùng quê, đi qua nhiều địa danh trên đất nước bạn như: Zaheerabad, Hyderabad, Andhra Pradesh..., chúng tôi tặng bạn những bức tranh sơn mài hoặc tranh gạo về phong cảnh Việt Nam. Tại các điểm đến của đoàn, khá nhiều bạn trẻ bày tỏ thích thú vì nhận được món quà mang dấu ấn Việt Nam. “Dù thời gian chuẩn bị cho chuyến đi chỉ vài ngày với vô số thủ tục nhưng đây là tấm lòng, là tình cảm của Việt Nam muốn dành cho các bạn Ấn Độ. Chúng tôi mong rằng các bạn sẽ nhớ mãi hình ảnh của Việt Nam” trở thành câu cửa miệng mỗi khi trao tặng các bạn món quà chúng tôi mang đi từ Việt Nam bên cạnh những lỉnh kỉnh đồ đạc, tư trang.

Ngày bế giảng, dù thời gian không nhiều nhưng đoàn chúng tôi quyết định dành cho phía bạn một bất ngờ. Nhà báo Đặng Anh Tuấn, Báo Tuổi trẻ và nhóm thực hiện đã ghi lại toàn bộ quá trình đoàn đến Ấn Độ, đi qua các điểm đến trên đất bạn và làm thành một video ngắn. Toàn bộ thành viên nữ trong đoàn cùng mặc trang phục truyền thống Việt Nam và Ấn Độ “trình diễn thời trang” với đủ sắc màu cùng một điệu nhảy Ấn Độ mới được tập luyện. Lời “cảm ơn”, “thank you” và “namaste” đều bắt nguồn từ trái tim. Dù không thuần thục nhưng có lẽ cách thể hiện của chúng tôi đủ để phía bạn hiểu được những tâm tình muốn gửi gắm. 

Màn trình diễn có sự kết hợp hài hòa văn hóa hai nước làm tôi nhớ về bài “Xin chào Việt Nam” được múa bằng điệu Bharatanatyam, một điệu múa miền Nam Ấn Độ do các bạn thực hiện để chào đón chúng tôi ngày khai giảng. Điệu múa sử dụng biểu cảm gương mặt cùng nhịp điệu nhưng đủ để chúng tôi hiểu rằng bạn muốn thể hiện lòng hiếu khách và bày tỏ những hiểu biết nhất định về con người Việt Nam thân thiện, hiền hòa. Chương trình biểu diễn thời trang của chúng tôi cũng vậy, không có ngôn từ cất lên nhưng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể đủ giúp chúng tôi hiểu rằng hai nền văn hóa đang hướng về nhau và cùng vì tình bạn tươi đẹp.

Những cuộc gặp để lại đôi mắt in hình có nhau

Không chỉ muốn lưu lại những hình ảnh đẹp, chúng tôi còn muốn để lại cả những ấn tượng đẹp với bạn bè Ấn Độ. Ai cũng hiểu mình chính là “đại sứ nhỏ bé” mang hình ảnh đất nước trên vai. Rõ nét nhất có lẽ là nhà báo Kiều Thị Thoan Thu, người được chúng tôi gọi đùa là “Bộ trưởng Ngoại giao”. Trong khóa học, chị hoạt động rất năng nổ, chịu khó trao đổi với thầy cô và đội ngũ nhân viên trong trường hay những vị khách Ấn Độ thân thiện hỏi chuyện trên đường. Ngay sau ngày khai giảng, đã có một cô bé Ấn Độ bẽn lẽn đi theo chị. Rishita (tên cô bé) nhút nhát nhưng có thể ngồi cả ngày bên cạnh “mẹ Thu”. Bé Rishita có bố là lái xe, mẹ là lao công ở trường. Ngày chúng tôi rời trường chuyển lên Delhi, mẹ bé Rishita-chị Kalamma đã gọi video cho Thoan Thu vì nói rằng "con gái em nhớ chị lắm!". 

Tiến sĩ Suresh Kumar Kondoju, Trung tâm Luật và Hành chính công (Viện Phát triển nguồn nhân lực TS Marri Channa Reddy) là một trong những người đồng hành với chúng tôi nhiều nhất trên đất Ấn Độ. Ngoài thời gian ở trường, hầu như thầy đi cùng chúng tôi đến gần hết các địa điểm. Thời gian ngồi ô tô là lúc chúng tôi tranh thủ giao lưu và trao đổi với thầy về cuộc sống và sở thích của người dân hai nước. Thỉnh thoảng thầy còn gọi điện thoại để chúng tôi nói chuyện với vợ thầy. Có lẽ vì yêu quý Việt Nam mà có lần thầy còn gọi video cho cả em vợ cũng là giáo viên đúng vào buổi giảng bài. 

Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thầy dạy múa Prithviraj Ramaswamy, nghệ sĩ của Sở Ngôn ngữ và Văn hóa Bang Telangana nói rằng, chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên ông gặp. “Tôi chưa từng đến Việt Nam. Tất cả những gì tôi biết là những bài học lịch sử rằng người Việt rất mạnh mẽ, dân tộc các bạn có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc. Phụ nữ Việt Nam rất tốt và là những người luôn hướng về gia đình. Khi tôi gặp các bạn, tôi rất ấn tượng. Các bạn đều thông minh, đều có nhiều niềm đam mê. Tôi nghĩ rằng các bạn mang những nét văn hóa của đất nước mình nên tôi muốn đến để tìm hiểu. Là một nghệ sĩ, tôi không những muốn đến để tìm hiểu nền văn hóa của các bạn mà còn muốn sống một thời gian ở Việt Nam”, thầy Prithviraj Ramaswamy chia sẻ.

Có thể nói, khóa học đã góp phần giúp chúng tôi hiểu hơn về tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, về đất nước và con người Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi nói với thế giới về hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới, thân thiện, là điểm đến an toàn đối với du khách và nhà đầu tư quốc tế. Nhớ về Ấn Độ, chúng tôi vẫn thường nhớ tới cái lắc đầu đầy đặc trưng cùng câu nói "Oke la" (mọi thứ đều tốt) của anh Sharathkumar Moutam, nhân viên công nghệ thông tin của Viện Phát triển nguồn nhân lực TS Marri Channa Reddy mỗi khi chụp xong cho chúng tôi một tấm ảnh ưng ý. Chuyến đi đã khép lại nhưng bao ấn tượng và tình cảm giữa những người bạn thì còn mãi. Chúng tôi sẽ có người quay lại Ấn Độ và sẽ có nhiều người bạn Ấn Độ đến với đất nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục góp thêm sự hiểu biết, tin cậy để tình hữu nghị hai nước, nhân dân hai nước mãi phát triển, trường tồn.

Ghi chép của Minh Nhã

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục