Nước Nhật khổng lồ đã tỉnh giấc: Sự thay đổi chiến lược quốc phòng quan trọng nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến
Lịch sử đang xoay chuyển nhanh trong những ngày này. Cơn địa chấn mới nhất chính là thông báo hôm thứ Sáu của Nhật Bản về chiến lược và chi tiêu quốc phòng mới. Đây là một thay đổi mang tầm vóc lịch sử, và Thủ tướng Fumio Kishida xứng đáng được ca ngợi, vì chấp nhận mọi rủi ro chính trị, để cảnh báo đất nước về các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên, cũng như phương cách ngăn chặn các hiểm họa này.
Tokyo cho biết, nước này sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP nền kinh tế vào năm 2027, gấp đôi so với mức 1% hiện nay. Các tài liệu chiến lược kèm theo thật chính xác khi nhận thức thời điểm hiện tại là “môi trường an ninh phức tạp và khắc nghiệt nhất” kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Chiến lược đề cập rõ ràng đến “thách thức” từ Bắc Kinh. Hồi tưởng lại sự kiện 5 tên lửa Trung Quốc đã bắn và rơi xuống vùng biển Nhật vào tháng 8; Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa tầm xa bay qua các đảo Nhật. Tokyo đã khẳng đinh: họ phải chuẩn bị đương đầu với trường hợp tệ hại nhất.
Đáng chú ý là, chiến lược kêu gọi mua tên lửa tầm xa hơn có thể tấn công các bãi phóng và tàu của đối phương, bao gồm cả việc mua sắm khoảng 500 tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất. Với khả năng này, Nhật sẽ buộc những nước đối địch phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công một quốc gia láng giềng có chủ quyền.
Điều đáng hoan nghênh là, sự tập trung vào tình trạng bị đe dọa của chuỗi đảo ở Đông Á, từ miền nam Nhật Bản đến Đài Loan. Chiến lược mới xác định việc Trung Quốc đang tăng cường “các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan”, và tình trạng“cân bằng quân sự tổng thể giữa Trung Quốc và Đài Loan” đang chuyển dịch nhanh chóng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Số phận của Đài Loan có ý nghĩa rất lớn đối với khả năng tự vệ của Nhật Bản, đặc biệt là các đảo ngoại vi.
Trong nhiều báo cáo đã hứa hẹn sẽ mua thêm tàu hải quân và máy bay chiến đấu, cũng như đầu tư nhiều hơn nữa vào không gian mạng. Tất cả những nỗ lực này bổ sung cho các nỗ lực tái vũ trang của Mỹ, với ưu tiên tăng cường số lượng tàu ngầm tấn công, mở rộng tầm hoạt động của Hải quân, chế tạo thêm các loại vũ khí tầm xa, và bố trí các vũ khí này ở khu vực Thái Bình Dương. Bắt đầu sẽ là khôi phục và đồn trú các máy bay chiến đầu thường trực của Mỹ tại Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa.
Có thể đoán trước là Bắc Kinh sẽ cực lực phản đối, mạnh mẽ chống lại chiến lược mới của Nhật Bản. Nhưng chính Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng quân sự ở khu vực. Trung Quốc đã không chịu kiềm chế các vụ phóng tên lửa khiêu khích và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Các quốc gia trong vùng vô cùng lo ngại trước các động thái gây hấn của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông, các cuộc giao tranh biên giới với Ấn Độ, chèn ép Australia và các nước khác, và đặc biệt là đe dọa việc tấn công Đài Loan. Là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản có thừa khả năng để phòng vệ chống lại sự lấn lướt quá độ của Trung Quốc.
Chiến lược mới là một cuộc cách mạng trong nền chính trị nội địa của Nhật Bản. Về cơ bản, nó đã vượt qua giới hạn của hiến pháp hòa bình thời hậu chiến. Chiến lược đã được xây dựng dựa trên viễn kiến của cố Thủ tướng Shinzo Abe, cổ súy Nhật phải thay đổi đường hướng ôn hòa cố hữu , để chuyển sang xây dựng một quân đội hùng mạnh. Theo nhận định của Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, một sự thay đổi chính trị tầm mức này thường phải mất cả thập kỷ để hoàn thành. Nhưng tâm thức quần chúng Nhật đã thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine và sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Chiến lược mới buộc chặt Nhật Bản vào liên minh của Mỹ. Tokyo là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Một Nhật Bản mạnh mẽ về quân sự sẽ tăng cường khả năng chế ngự, phòng thủ ở Thái Bình Dương.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục