Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? (Phần 1)

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? (Phần 1)

Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Đây có vẻ là một câu hỏi lạ lùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên nếu như thị phần khu vực IT toàn cầu của Ấn Độ tiếp tục giảm xuống, những hạn chế về Luật Lao động của Ấn Độ không được cải cách, nguồn nhân công dồi dào không được tận dụng thì đây là câu hỏi hoàn toàn hợp lý.

05:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất?

GS  John R. Schmidt*

Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Đây có vẻ là một câu hỏi lạ lùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mà nước này đã trải qua kể từ khi tự do hóa nền kinh tế của mình năm 1991. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ được nhiều người coi là câu chuyện thành công kinh tế toàn cầu lớn nhất của 1/4 thế kỷ qua, với tỷ lệ tăng trưởng thường từ 5 đến 10%. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của nước này gần đây đã giảm xuống thấp hơn 5% một phần do sự đi xuống kinh tế toàn cầu, chiến thắng vang dội của đảng BJP (Đảng Bharatiya Janata, tức Đảng Nhân dân Ấn Độ) ủng hộ kinh doanh mạnh mẽ trong cuộc bầu cử mùa Xuân năm 2014, đã thuyết phục nhiều người rằng tăng trưởng sẽ lại bắt đầu đi lên trong tương lai gần.

Tuy nhiên, so với Trung Quốc và các nước (và vùng lãnh thổ) phát triển muộn thành công như Hàn Quốc và Đài Loan, phép màu kinh tế Ấn Độ gần như hoàn toàn không bình thường. Trung Quốc và các nước khác đã xây dựng sự thành công của họ dựa trên công nghiệp hóa nhanh chóng, tận dụng lao động tương đối rẻ để xây dựng các nhà máy sản xuất những thứ mà người phương Tây giàu có muốn mua. Tăng trưởng theo cách sử dụng nhiều lao động này đã mang lại công ăn việc làm có lợi cho hơn 100 triệu người chỉ riêng ở Trung Quốc, và sản sinh ra một nền kinh tế dịch vụ khổng lồ, sử dụng thêm hàng chục triệu lao động nữa, để phục vụ cho những nhu cầu của họ. Kết quả trực tiếp là, đại đa số dân số ở các nước này đã thoát khỏi đói nghèo. Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành các nền kinh tế phát triển, trong khi Trung Quốc đã phát triển thành một “thế lực” kinh tế toàn cầu có thể sẽ sớm đứng đầu thế giới.

Ngược lại, Ấn Độ đã đi một con đường khác. Khu vực công nghệ thông tin (IT) đã gần như dẫn dắt hoàn toàn tăng trưởng của Ấn Độ, thể hiện qua các nhà phát triển phần mềm và các tổng đài máy tính sử dụng tương đối ít lao động. Mặc dù khu vực IT đã sản sinh ra một nền kinh tế dịch vụ lớn của riêng mình để phục vụ cho nhu cầu của những thiểu số may mắn này, đại đa số dân nông thôn – và những người dân sống trong ổ chuột ở thành thị – vẫn chìm trong nghèo đói, gần như chưa được sự hào phóng này chạm đến. Lý do chính cho tình trạng này là sự tồn tại của các luật lao động mang tính hạn chế ngăn cản các công ty Ấn Độ cho nghỉ việc hoặc sa thải người lao động để đối phó với những điều kiện thị trường thay đổi. Điều này đã ngăn cản các doanh nhân Ấn Độ và các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng rót tiền của họ vào việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công quy mô lớn.

Trừ khi những luật này bằng cách nào đó có thể bị xóa bỏ, khó có thể thấy rõ Ấn Độ sẽ thành công trong việc đưa đa số người dân của mình ra khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, vì những lý do liên quan đến cả lịch sử lẫn ý thức hệ, không có làn sóng ủng hộ để thay đổi những luật này ở Ấn Độ. Như chúng ta sẽ thấy, dẫn đầu sự phản đối điều đó là những người hẳn đồng cảm nhất với nỗi khổ của người nghèo. Nó bao gồm cánh tả chính trị truyền thống cũng như các đảng chính trị đẳng cấp thấp hơn vốn đã nổi lên nhanh chóng trong vành đai Hindu trong 3 thập kỷ qua và là những người có ý định đại diện cho lợi ích của người nghèo truyền thống trong xã hội Ấn Độ.

Do hệ thống chính trị Ấn Độ ngày càng tan vỡ kể từ giữa những năm 1980, được phản ánh trong sự nổi lên của các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn này cùng với các đảng khu vực nhỏ được tổ chức theo lối ngôn ngữ-sắc tộc, các lực lượng này đã có quyền phủ quyết hiệu quả đối với cải cách luật lao động. Hai đảng quốc gia lớn chính, Quốc đại và BJP, đã không thể chỉ huy đa số cử tri Ấn Độ bằng khả năng của chính mình, và đã buộc phải dựa vào sự ủng hộ liên minh từ các đảng nhỏ hơn này, những đảng có cách làm chính trị là lấy hoạt động chính trị quốc gia làm con tin cho những lợi ích riêng thiển cận của mình. Điều này không chỉ phủ bóng đen lên những triển vọng cải thiện số phận của người nghèo Ấn Độ, mà còn đặt ra những câu hỏi về cách Ấn Độ có thể quản lý được như thế nào trong tương lai, đặc biệt nếu các lực ly tâm tạo điều kiện nổi lên cho các đảng này tiếp tục mạnh thêm.

Chiến thắng kinh ngạc của BJP trong cuộc bầu cử mùa Xuân năm 2014 – trong đó đảng này còn làm được tốt hơn dự kiến và giành được đa số ghế tuyệt đối trong Lok Sabha, hạ viện của Quốc hội Ấn Độ – đã làm suy yếu một cách mạnh mẽ xu hướng này và mở ra một thế giới những khả năng hoàn toàn mới. Trung thành với truyền thống ủng hộ kinh doanh của mình, BJP đấu tranh cho cải cách luật lao động trong khoảng thời gian nắm quyền trước đây (1998-2004) nhưng đã từ bỏ nó trước sự phản đối mạnh mẽ của các đảng cánh tả và thuộc đẳng cấp thấp hơn. Mặc dù vấn đề này không đóng vai trò gì trong chiến dịch bầu cử mới đây, câu hỏi chính hiện giờ là liệu Modi có quyết định tận dụng đa số không thể bị bác bỏ của mình trong Lok Sabha để làm hồi sinh nó. Quyết định của ông sẽ xác định liệu đại đa số người dân của ông, những người đã bị phép màu kinh tế Ấn Độ phớt lờ, sẽ có thể chia sẻ thành quả của việc tiếp tục lại nó trong tương lai thấy trước hay sẽ vẫn từ bên ngoài đứng nhìn vào.

Tỷ lệ tăng trưởng Hindu

Trong 40 năm tồn tại đầu tiên của mình, Ấn Độ là một đất nước kiệt quệ về kinh tế. Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước mới, là một người vô cùng ngưỡng mộ kế hoạch hóa tập trung kiểu Xôviết, tin rằng các nền kinh tế tư bản vốn mang tính bóc lột với một vài người tham lam trở nên giàu có trước sự thiệt thòi của người dân thường. Sau khi trưởng thành dưới sự chỉ dạy của những người thầy thực dân Anh, ông chắc chắn và quyết tâm đưa Ấn Độ tự mình đi lên, không phụ thuộc vào người nước ngoài. Đối với Nehru, điều này có nghĩa là xây dựng một nền kinh tế dựa trên thay thế nhập khẩu, trong đó sự chú trọng sẽ là vào sản xuất ở trong nước nhiều hàng hóa và dịch vụ nhất có thể. Ông không khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng vì lý do này. Các hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp bị điều tiết chặt chẽ bởi cái được biết đến là “License Raj” – một hệ thống phức tạp các giấy phép và thủ tục quan liêu đủ loại khác cần có để khai trương các doanh nghiệp ở Ấn Độ. Và mặc dù Chính phủ Ấn Độ không đảm bảo công ăn việc làm cho các công dân của mình, Đạo luật Tranh chấp Công nghiệp (IDA) năm 1947 đã khiến các chủ lao động gần như không thể sa thải bất kỳ ai thực tế đã kiếm được một công việc.

Kết quả là một nền kinh tế hết sức không hiệu quả chỉ mang đến hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, trung bình xấp xỉ 3,5 % mỗi năm, điều sau này được biết đến một cách nhạo báng là “tỷ lệ tăng trưởng Hindu”. Do ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội Thế giới thứ ba đối với sự tưởng tượng của người Ấn Độ, tình hình này có thể đã tồn tại vô hạn định. Nhưng có một sai lầm chết người trong việc tìm cách tổ chức một nền kinh tế như của Ấn Độ xung quanh thay thế nhập khẩu: Ấn Độ, một cách mỉa mai, vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu. Bên cạnh thực phẩm, thứ thường xuyên thiếu thốn, nước này buộc phải nhập khẩu vật liệu thô như như dầu lửa để cung cấp cho hoạt động kinh tế. Nhưng vì chính sách kinh tế được chuyên tâm hướng sang sản xuất cho thị trường trong nước thay vì xuất khẩu, Ấn Độ gặp khó khăn lớn trong việc thu về ngoại tệ cần thiết để trả cho hàng hóa nhập khẩu của mình. Điều này đã buộc Ấn Độ phải đi vay tiền, điều theo thời gian khiến nước này càng ngập sâu hơn trong nợ.

Bất chấp một số sự tự do hóa khiêm tốn nào đó trong những năm 1980, điều làm tăng tỷ lệ tăng trưởng trong thời gian ngắn, tình hình không mấy vui vẻ này cuối cùng đã lên đến cực điểm trong cú sốc năm 1991, khi những sự thiếu hụt bắt nguồn từ Chiến tranh vùng Vịnh đã khiến giá dầu tăng vọt. Ấn Độ đơn thuần là không có dự trữ ngoại tệ cần thiết để trả cho giá cả cao hơn, trong khi đồng thời tiếp tục phải trả lãi cho khoản nợ khổng lồ và ngày càng tăng của mình.

“Phép màu kinh tế” của Ấn Độ

Phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra, chính phủ của đảng Quốc đại nắm quyền ở thời điểm đó cảm thấy buộc phải tìm kiếm một khoản cho vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Như một phần của sự trao đổi, Ấn Độ đã đồng ý tự do hóa nền kinh tế của mình bằng cách mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài và loại bỏ những đòi hỏi phiền hà nhất của License Raj. Tác động của nó vừa đột ngột vừa to lớn. Nền kinh tế đã bắt đầu tăng tốc, và trong vòng 3 năm đã tăng trưởng với tỷ lệ trên 6% mỗi năm, cuối cùng đạt hơn 9% vào giữa thập kỷ trước, tỷ lệ nước này vẫn duy trì cho tới gần đây. Ấn Độ đã bắt đầu được đề cập theo cùng một cách với Trung Quốc như là một trong hai nền kinh tế phát triển muộn thành công nhất thế giới và, theo một số đánh giá, là một siêu cường tiềm tàng trong tương lai. Nhưng có một sự khác biệt lớn.

Ở một đất nước có 1,2 tỷ dân, có thể so sánh được về quy mô dân số với Trung Quốc, Ấn Độ có chưa đến 10 triệu người làm việc trong các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều nhân công. Ngược lại, số người Trung Quốc làm việc trong các công ty như vậy là hơn 100 triệu. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sau cuộc tự do hóa năm 1991 không được dẫn dắt bởi ngành chế tạo, mà gần như hoàn toàn bằng tăng trưởng trong khu vực IT. Không bị trói buộc bởi License Raj, các nhà chế tạo máy tính và phát triển phần mềm phương Tây bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp phần mềm máy tính Ấn Độ. Họ tận dụng một nguồn lớn các kỹ sư phần mềm nói tiếng Anh tay nghề cao, những người được trả lương chỉ bằng một phần nhỏ so với các đồng nghiệp phương Tây. Họ sẵn có với số lượng lớn nhờ điều người ta cho là sự đổi mới kinh tế tích cực duy nhất mà Nehru đã thực hiện: thành lập 5 Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), vốn bắt đầu cho ra những kỹ sư lành nghề trong những năm 1950. Nhiều người trong số họ bán thất nghiệp trong những thập kỷ dài của tốc độ tăng trưởng Hindu và rốt cuộc ra nước ngoài để bán những kỹ năng của mình (chỉ riêng Mỹ đã có hơn 25 nghìn người di cư đến). Nhưng các sinh viên IIT tốt nghiệp ở lại đã sẵn sàng và chờ đến khi nền kinh tế cuối cùng mở cửa thực sự năm 1991. 

Tuy nhiên, chúng ta đang không nói về rất nhiều người. Số người Ấn Độ làm việc trong khu vực IT chưa bao giờ nhiều hơn 1 triệu. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp ở Trung Quốc, những nỗ lực của họ đã tạo ra một hiệu ứng gợn sóng bên trong toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ, với các công ty bán lẻ và dịch vụ khác xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu IT mới nổi này. Điều này đã thành công trong việc đưa hàng chục triệu người ra khỏi nghèo đói. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ước tính 25% dân số Ấn Độ hiện nay có địa vị trung lưu. 

Nhưng thành tích này cần phải được nhìn nhận theo đúng hoàn cảnh. 80% những người Ấn Độ được ADB coi là thuộc tầng lớp trung lưu nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất của tầng lớp này, kiếm được chỉ từ 2 đến 4 USD mỗi ngày. Nó không hơn quá nhiều so với mức 1,25 USD một ngày mà Ngân hàng Thế giới dùng làm tiêu chuẩn để xác định những người đang sống trong nghèo đói. Theo tiêu chí này, gần 1/3 dân số Ấn Độ (32,7%) hiện nay có thể được coi là nghèo. Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng thêm 36,1% nữa chỉ kiếm được từ 1,25 đến 2 USD một ngày. Điều này có nghĩa là 68,8% dân số Ấn Độ, tức xấp xỉ 800 triệu người, sống nhờ chưa đến 2 USD một ngày. Cộng thêm các số liệu về tầng lớp trung lưu của ADB đã dẫn ở trên, có thể thấy hơn 1 tỷ người Ấn Độ, tức trên 90% dân số, tiếp tục sống nhờ chưa đến 4 USD một ngày.

Hãy so sánh điều này với Trung Quốc, nơi chỉ 11,8% dân số (so với 32,7% ở Ấn Độ) kiếm được chưa đến 1,25 USD một ngày, chỉ 27,2% (so với 68,8%) kiếm được dưới 2 USD một ngày, và 58% (so với hơn 90%) kiếm được ít hơn 4 USD một ngày. Mặc dù Trung Quốc khó có thể là một nền kinh tế phát triển, nước này khá hơn Ấn Độ nhiều. Điều này cũng được phản ánh trong các mức Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trên đầu người của họ. GNP trên đầu người hiện tại của Trung Quốc là hơn 6.000 USD. Mức GNP của Ấn Độ là tương đối nghèo nàn, 1.489 USD, chỉ nhiều hơn 200 USD/năm đôi chút so với Pakistan, nước láng giềng yếu kém về kinh tế ở phía Tây. Điểm cốt yếu là mặc dù Ấn Độ đã đạt được tăng trưởng đáng kể từ khi nước này tự do hóa nền kinh tế của mình năm 1991, và rõ ràng đã đưa hàng chục triệu người Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói, nước này vẫn chưa tới gần tới mức bắt kịp thành tựu của Trung Quốc. Điều này không đáng ngạc nhiên trong bối cảnh những nỗ lực của chưa đến 1 triệu người lao động IT lành nghề đã dẫn dắt tăng trưởng của Ấn Độ, thay vì hơn 100 triệu công nhân nhà máy đã đưa Trung Quốc đi lên trên bậc thang kinh tế. (Xem tiếp phần 2)

*Giáo sư tại Washington Quarterly, Đại học The George Washington, Hoa Kỳ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục