Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? (Phần 3)

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? (Phần 3)

Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Đây có vẻ là một câu hỏi lạ lùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên nếu như thị phần khu vực IT toàn cầu của Ấn Độ tiếp tục giảm xuống, những hạn chế về Luật Lao động của Ấn Độ không được cải cách, nguồn nhân công dồi dào không được tận dụng thì đây là câu hỏi hoàn toàn hợp lý.

05:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Phải chăng Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất?

GS  John R. Schmidt*

Cho tới cuộc bầu cử năm 2014, sự phản đối của Mặt trận Cánh tả và đảng phái thuộc đẳng cấp thấp hơn đối với cải cách luật lao động đã chứng tỏ là có sắp đặt. Trong những thời kỳ tương ứng nắm quyền của mình, cả đảng Quốc đại lẫn BJP đều không sẵn sàng mạo hiểm với quyền lực của họ bằng cách biến cải cách luật lao động thành một vấn đề chủ yếu. Mặc dù cựu Thủ tướng Manmohan Singh định kỳ phát biểu ủng hộ cải cách, với tư cách là một đảng dựa trên sự bảo trợ với những nguồn gốc cả xã hội chủ nghĩa lẫn Gandhi, đảng Quốc đại đã luôn cảm thấy thoải mái hơn khi dựa vào trợ cấp và các kế hoạch phúc lợi xã hội tạo việc làm (như đề xuất trả công cho các nông dân đang khó khăn để đào mương) để giải quyết nỗi khổ của người nghèo Ấn Độ. Ngược lại, BJP từ lâu đã tự quảng cáo mình là đảng thiên kinh doanh, và Chính quyền Vajpayee nắm quyền từ năm 1998 đến 2004 đã ủng hộ cải cách luật lao động. Nhưng do sự phụ thuộc của chính đảng này vào sự ủng hộ của đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn để duy trì đa số trong quốc hội vào lúc đó, BJP đã không tìm cách thúc đẩy vấn đề này. Ngay cả trong chiến dịch bầu cử năm 2014, đảng này đã không đủ can đảm đưa ra vấn đề này. Nó gần như không được đề cập trong cương lĩnh tranh cử của BJP, mà chỉ hứa hẹn “tập hợp tất cả các bên tham gia để xem xét lại các luật Lao động của chúng ta vốn đã lỗi thời, phức tạp và thậm chí là mâu thuẫn”.

Vấn đề cơ bản mà cả đảng Quốc đại lẫn BJP đã phải đối mặt trong việc suy tính cải cách luật lao động là không đảng nào có khả năng tự mình chỉ huy đa số trong Lok Sabha. Trước năm 2014, đảng cuối cùng làm vậy là đảng Quốc đại, đã giành chiến thắng áp đảo cuộc bầu cử năm 1984 được tổ chức sau vụ ám sát Indira Gandhi. Những năm sau đó đã chứng kiến cán cân quyền lực ở cấp quốc gia chuyển từ tay họ sang các đảng khu vực nhỏ hơn nhiều, một số trong đó, như chúng ta đã thấy, được tổ chức xung quanh các bản sắc của đẳng cấp thấp và chủ yếu nằm trong vành đai Hindu. Các đảng khu vực khác nằm rải rác trên khắp đất nước có thành phần sắc tộc-ngôn ngữ và liên kết với cộng đồng chiếm đa số ở các bang cụ thể, đặc biệt là ở miền Nam. Cùng với Mặt trận Cánh tả, các đảng khu vực này đã thực sự điều khiển đa số cử tri trong các cuộc bầu cử Lok Sabha năm 2004 và 2009.

Giờ đây, nhờ cuộc bầu cử Lok Sabha năm 2014, mọi thứ đã thay đổi. BJP nổi lên từ cuộc bầu cử này với một đa số tuyệt đối, giành được 282 trong tổng số 543 ghế. Mặt khác, đảng Quốc đại thất bại đã chỉ giành được 44 ghế, số ghế thấp nhất từ trước đến nay của họ. Mặc dù BJP được mong đợi sẽ chiến thắng, không ai đoán trước được mức độ to lớn của chiến thắng này, điều ít nhất trong lúc này dường như đã thay đổi hoàn toàn sự tan vỡ từ lâu của hoạt động chính trị Ấn Độ. Người ta cũng không tô vẽ thực tế rằng năm 2014 cho thấy cử tri Ấn Độ đã bác bỏ đảng Quốc đại một cách đầy quyết đoán. Trong nhiệm kỳ 5 năm nắm quyền gần đây nhất, đảng này đã chịu hàng loạt vụ bê bối tham nhũng chính trị đáng xấu hổ, trong khi thời kỳ nắm quyền của đảng này trùng với sự đi xuống gần đây của nền kinh tế Ấn Độ. Đảng này ngày càng nổi lên trong sự tưởng tượng của người dân là một con tàu không bánh lái hoàn toàn thiếu động lực. Điều này được phản ánh bởi thành tích của Rahul Gandhi, người thừa kế triều đại chính trị Nehru-Gandhi, người đã đi đầu chiến dịch bầu cử của đảng Quốc đại trong khi cho thấy rất ít lòng khao khát, và thậm chí còn ít năng khiếu hơn, đối với vũ đài chính trị. 

Trong khi đó, BJP được lãnh đạo bởi một Narendra Modi gây tranh cãi nhưng đầy uy tín, người mà sự năng động cá nhân và sự lạc quan chính trị “có thể làm được” của ông tương phản mạnh mẽ với đối thủ cạnh tranh thiếu trách nhiệm trẻ tuổi của mình. Biết rõ rằng mình bị coi là một người cực đoan trong một đảng mà các bậc tiền bối theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Hindu của chính nó đã vay mượn rất nhiều từ chủ nghĩa phát xít Italy, ông đã hướng mạnh mẽ sang trung tâm chính trị trong chiến dịch tranh cử và hứa hẹn đại diện cho lợi ích của tất cả người Ấn Độ, người Hindu cũng như người Hồi giáo. Ông cũng đã giới hạn mình vào những điều chung chung về kinh tế, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng việc làm bằng cách đầu tư vào những cải thiện cơ sở hạ tầng rất cần thiết và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong một trong rất ít cam kết cụ thể của mình, cương lĩnh của đảng này tái khẳng định lời hứa hẹn của BJP hủy bỏ hoặc ít nhất điều chỉnh một quyết định do chính phủ của đảng Quốc đại thất bại đưa ra để cho phép các nhà bán lẻ đa thương hiệu nước ngoài như Walmart thâm nhập thị trường Ấn Độ. Cam kết này nhằm bảo vệ các chủ cửa hàng gia đình quy mô nhỏ, những người hiện đang chi phối thị trường bán lẻ ở Ấn Độ và là chỗ dựa chính của làng quê Ấn Độ được lãng mạn hóa bởi rất nhiều người Hindu thuộc đẳng cấp cao, vốn cấu thành nòng cốt ủng hộ BJP. 

Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất?

Vậy hãy quay trở lại câu hỏi: liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Câu trả lời là còn tùy. Trong 5 năm tới, nó phụ thuộc cụ thể hơn vào việc Chính quyền BJP mới sẽ quyết định làm gì. Mặc dù Ấn Độ hiện đang chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới từ năm 2013 đã khẳng định rằng “do nhân khẩu thuận lợi, tri thức giáo dục tăng lên và tốc độ tích lũy vốn cao”, tăng trưởng của Ấn Độ có thể một lần nữa vượt quá 8%/năm. Nhưng câu hỏi chính ở đây là liệu bất kỳ tăng trưởng tương lai nào trong nền kinh tế Ấn Độ có đem lại công ăn việc làm và thúc đẩy những tiêu chuẩn sống nâng cao cho 1 tỷ người Ấn Độ vẫn đang sống nhờ vào chưa đến 4 USD một ngày không.

Một bài viết của tờ Economist phát hành cùng lúc với báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng từ năm 2005 đến 2010 không chứng kiến việc làm ở Ấn Độ gia tăng thực sự. Tuy nhiên đây là trong một thời kỳ khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 9%. Một khi suy thoái toàn cầu diễn ra, khu vực IT có thể đưa đất nước qua một sự gia tăng tăng trưởng kinh tế khác. Nhưng nó sẽ tốt như thế nào nếu nó chỉ phục vụ những người có của trong xã hội Ấn Độ vốn giàu có hơn nhiều, trong khi để hơn 2/3 người dân Ấn Độ sống dưới 2 USD một ngày? Và ngay cả tại đây cũng có lý do để lo ngại. Với đồng lương IT trong nước đang tăng lên và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước như Philippines, khu vực IT của Ấn Độ đã mất 10% thị phần toàn cầu trong 5 năm qua.

Không thể hoặc không sẵn sàng theo đuổi cải cách luật lao động, chính phủ bị đánh bại của đảng Quốc đại đã tìm cách giảm nhẹ gánh nặng nghèo đói bằng cách thiết lập Đạo luật Đảm bảo Việc làm Nông thôn Quốc gia (NREGA). Lần đầu được thông qua năm 2005, đây là một chương trình liên quan đến các hoạt động tạo việc làm đảm bảo 100 giờ làm việc có trả lương mỗi năm cho các gia đình nông thôn tình nguyện tham gia chương trình. Nhưng nó chưa bao giờ phổ biến ở những bang như Uttar Pradesh nơi nó có thể có hiệu quả nhất, và rất dễ bị tham nhũng, như các nhà quản lý địa phương đã chứng tỏ là thích nghi rất tốt với việc xén bớt tiền từ trên xuống. Năm 2013, chính phủ đã tiếp tục với Dự luật An ninh Lương thực Quốc gia, nhằm mục tiêu cung cấp ngũ cốc trợ cấp cho 2/3 dân số Ấn Độ, một tỷ lệ trùng hợp với tỷ lệ dân số sống nhờ dưới 2 USD một ngày. Chương trình này cũng rất dễ bị tham nhũng, và giống như NREGA bòn rút đáng kể ngân khố công. Cả hai chương trình tiêu biểu cho một sự thừa nhận ngầm của chính quyền đảng Quốc đại rằng phép màu kinh tế Ấn Độ đã không cải thiện cuộc sống của đa số người nghèo nông thôn và đô thị. Đó là những nỗ lực để cải thiện tác động của nghèo đói, không phải là đưa người dân ra khỏi nghèo đói.

Tình hình này còn có thể tồn tại bao lâu nữa vẫn là một câu hỏi mở. Phần lớn miền Đông Ấn Độ, kéo dài từ Bihar ở phía Bắc đến Andhra Pradesh ở phía Nam, đã trở thành nạn nhân của cuộc nổi dậy Maoít đang diễn ra được biết đến là cuộc nổi dậy Naxalite, nòng cốt của họ, được tuyển mộ từ những người nghèo nông thôn bất mãn, ước tính lên đến 20.000 chiến binh vũ trang và thêm 50.000 người ủng hộ nữa. Nó giống như là một mối phiền toái hơn là một mối đe dọa sắp xảy ra đối với nhà nước, mặc dù Manmohan Singh từng nhắc đến nó như là “thách thức an ninh trong nước lớn nhất” mà Ấn Độ từng phải đối mặt. Không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào Naxalite có thể phát triển thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều và đe dọa hơn, nhưng không thể loại trừ khả năng này nếu người giàu tiếp tục giàu hơn trong khi những lợi ích của tăng trưởng kinh tế không đến được với những người thực sự cần nó.

Trong bối cảnh này, chính phủ mới của đảng BJP đã lên nắm quyền. Với đa số tuyệt đối của mình trong Lok Sabha, đảng này đang có một vị trí chưa từng có tiền lệ để thực hiện thay đổi căn bản. Cụ thể hơn, đó là chính phủ đầu tiên kể từ khi nền kinh tế được tự do hóa năm 1991 có vị trí thực tế để theo đuổi cải cách luật lao động nghiêm túc. Điều này không phải để nói rằng sẽ không có sự chống đối. Các công đoàn sẽ bãi công và Mặt trận Cánh tả và các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn sẽ lên tiếng mạnh mẽ, nhưng lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ, các lực lượng này không có sức mạnh trong Lok Sabha để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Ngay dù chính phủ mới đã báo hiệu rằng họ dự định tôn trọng lời hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử của mình là bắt đầu thảo luận cải cách luật lao động với các bên liên quan của Ấn Độ, đương nhiên có thể, và một số người sẽ nói là có khả năng, Narendra Modi sẽ quyết định không đi theo con đường này. Ngay dù ông có các phiếu bầu, ông và các đồng sự cao cấp trong BJP có thể quyết định cải cách lao động sẽ tạo ra quá nhiều sự phản đối trong xã hội. Bất kể đảng Quốc đại có thể nghĩ gì về những giá trị của vấn đề này, gần như chắc chắn đảng này sẽ về phe phản đối trong một nỗ lực nhằm quay trở lại cuộc chơi chính trị. Sự kháng cự cũng có thể tồn tại bên trong chính BJP do tác động đã nhận thấy của cải cách luật lao động đối với làng quê Ấn Độ truyền thống. Do đó, BJP có thể quyết định trung thành với khuôn khổ khiêm tốn hơn nhiều được đặt ra trong bản cương lĩnh tranh cử của mình, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nới lỏng hơn nữa các hạn chế với đầu tư nước ngoài (ngoại trừ trong khu vực bán lẻ đa thương hiệu) và thúc đẩy du lịch. Đây là đường lối dường như ông đã theo đuổi trong cuộc gặp của ông với các giám đốc điều hành kinh doanh nổi bật ở New York vào ngày 30/9/2014 trong chuyến thăm chính thức Mỹ. Trong khi điều này có thể giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và thậm chí có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho một số người, khó để thấy làm thế nào nó có thể tạo được tiến triển đáng kể trong bộ phận người dân Ấn Độ sống nhờ dưới 4 USD một ngày, và chắc chắn là không đối với hàng trăm triệu người tiếp tục sống nhờ vào số tiền ít hơn nhiều.

Vì chiến thắng lớn của BJP trong cuộc bầu cử năm 2014 có thể chứng tỏ là một điều khác thường trong sự tan vỡ lâu dài của hoạt động chính trị Ấn Độ, chính phủ hiện tại có thể tiêu biểu cho cơ hội tốt nhất cuối cùng mà Ấn Độ sẽ từng có để ban hành cải cách luật lao động và theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công. Nếu không nắm được khoảnh khắc này, thì Ấn Độ rất có thể đã đạt tới điểm cao nhất. Nước này thậm chí có thể đánh mất lợi thế theo thời gian, nếu thị phần khu vực IT toàn cầu của Ấn Độ tiếp tục giảm xuống. Ấn Độ sẽ chỉ còn là một nhà nước kinh tế hai cấp, gồm một giới tinh hoa đặc quyền tương đối nhỏ được giáo dục bằng tiếng Anh, chỉ huy một số lượng lớn người nghèo nông thôn và thành thị. 

Mặt khác, nếu Ấn Độ thực sự thành công trong việc chấm dứt những luật lao động mang tính hạn chế của mình trong khi đi những bước hợp lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và vận tải của mình, thì chắc chắn sẽ chẳng có gì là giới hạn cả. Với lực lượng lao động chưa được khai thác hay năng suất chưa cao lên đến hàng trăm triệu, những người mà sức lao động của họ có thể được mua rất rẻ tính theo giá toàn cầu, Ấn Độ có khả năng thay thế Trung Quốc là nền kinh tế đang phát triển muộn năng động nhất thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng sánh ngang bằng.

(Theo http://twq.elliott.gwu.edu/; nghiencuubiendong.vn)

*Giáo sư tại Washington Quarterly, Đại học The George Washington, Hoa Kỳ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục