Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 1)

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 1)

Với tư cách là một quốc gia ôm ấp hoài bão lớn lao, một cường quốc khu vực trỗi dậy mạnh mẽ, chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời mới không những là sự thể hiện sinh động về mong muốn cường quốc và truyền thống tư tưởng chiến lược biển của quốc gia này, còn là chất tăng trưởng của tình hình thực tế Ấn Độ Dương, thể hiện truyền thống rõ ràng và nét đặc sắc của sự biến đổi.

05:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới[1]

Chu Đức Tinh, Bạch Tuấn*

Với tư cách là một quốc gia ôm ấp hoài bão lớn lao, một cường quốc khu vực trỗi dậy mạnh mẽ, chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời mới không những là sự thể hiện sinh động về mong muốn cường quốc và truyền thống tư tưởng chiến lược biển của quốc gia này, còn là chất tăng trưởng của tình hình thực tế Ấn Độ Dương, thể hiện truyền thống rõ ràng và nét đặc sắc của sự biến đổi. Về bản chất mà nói, chiến lược an ninh biển Ấn Độ trong thời kỳ mới đặc biệt nổi bật quyết tâm chiến lược tích cực chủ động tạo dựng nên tình hình ở Ấn Độ Dương, chứ không ứng phó một cách bị động và tạo dựng một cách bị động. Chính vì như thế, trong chiến lược an ninh biển của nước này, Ấn Độ một mặt gắn sức mạnh trên biển bao gồm lực lượng hải quân sứ mệnh đặc thù, mặt khác cũng nhấn mạnh đến việc vận dụng tổng hợp các biện pháp chính trị, ngoại giao và quân sự, nhằm kỳ vọng đạt được hiệu quả chiến lược tốt nhất.

Với tư cách là quốc gia có truyền thống biển lâu đời, lại chịu sự nô dịch bởi quyền lực biển của phương Tây, việc Ấn Độ xem trọng biển là điều không cần phải nghi ngờ. Tuyền thống biển và văn hóa chiến lược biển của Ấn Độ được đặt nền tảng chiến lược sau khi nước này giành độc lập, nhằm tạo nên quan điểm cơ bản về hoạt động trên biển Ấn Độ Dương. Hơn nữa, sự thay đổi về môi trường chiến lược biển và thực lực bản thân nước này trong những thời kỳ khác nhau cũng là nhân tố quyết định của việc hình thành ý thức biển, phát triển, xây dựng và thực thi chiến lược an ninh biển của Ấn Độ. Vì thế, lịch sử là điểm tựa để ý giải chiến lược an ninh biển của Ấn Độ, cùng với quá trình biến động  của môi trường chiến lược và thực lực quốc gia không ngừng biến đổi. Từ thời chiến tranh Lạnh đến nay, đặc biệt là từ sau thế kỷ mới, cùng với sự phát triển phồn thịnh của thương mại biển và sự tăng tốc chóng mặt của dầu mỏ trong khu vực, cũng như việc triển khai hành động quân sự chống khủng bố của cộng đồng quốc tế, vùng biển Ấn Độ Dương cổ xưa này một lần nữa thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Trong bối cảnh lớn đó, Ấn Độ đã tập trung chiến lược vào Ấn Độ Dương, thậm chí bắt đầu vươn tay ra các vùng biển rộng lớn hơn, từ đó đưa ra chiến lược an ninh biển với màu sắc thay đổi to lớn, trọng tâm lấy Ấn Độ Dương làm phương hướng trọng điểm cho sự mở rộng quân sự mới, với nền tảng là lực lượng hải quân hùng mạnh, cân bằng, thông qua phương thức chính trị, ngoại giao, quân sự, ra sức hình thành nên cục diện khống chế Ấn Độ Dương, từ đó hướng tầm ảnh hưởng phát xạ ra khu vực lân cận Ấn Độ Dương. Thay đổi to lớn nhất của chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới chính là chuyển từ thế tạo dựng bị động trong quá khứ sang thế tạo dựng chủ động trong thời kỳ mới, cho nên điều này sẽ quyết định phương hướng phát triển, quy mô và sự vận dụng của hải quân Ấn Độ trong thời gian dài, từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình Ấn Độ Dương và khu vực lân cận.

1. Quan niệm về quyền lực biển chủ nghĩa hiện thực – Logic nội tại về nhận thức an ninh biển của Ấn Độ

Thayer Mahan – người đặt nền tảng cho lý luận quyền lực biển hiện đại từng dự đoán rằng: “Ai nắm được Ấn Độ Dương sẽ khống chế được châu Á. Ấn Độ Dương là chìa khóa của “bảy đại dương”. Thế kỷ XXI sẽ quyết định vận mệnh thế giới ở Ấn Độ Dương” về lời dự đoán này của Mahan. Mặc dù mọi người vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng đối với Ấn Độ mà nói, đây chính là một mệnh đề hằng đúng, bởi vì điều này hoàn toàn phù hợp với logic nhất quán của nước này về an ninh biển, bởi vì bất luận là logic lịch sử, địa lý, phát triển hay quyền lực, Ấn Độ đều có đầy đủ lý do tin rằng: An ninh, phồn vinh và sự vĩ đại tương lai của Ấn Độ đều dựa vào Ấn Độ Dương.

a. Logic lịch sử của Ấn Độ về an ninh biển

Ý thức an ninh biển của Ấn Độ là sản phẩm của sự kết hợp giữa truyền thống biển lâu đời và di sản chiến lược của sự thống trị thực dân, chứ không phải là chuyện mới sau khi Ấn Độ giành được độc lập. Do nguyên nhân lịch sử, thái độ của nước này đối với Ấn Độ Dương chủ yếu theo đuổi sự cân bằng giữa hai thứ quan niệm hoàn toàn trái ngược là tự do hàng hải và khống chế trên biển, tức Ấn Độ một mặt mượn danh nghĩa tự do hàng hải để phản đổi sự tồn tại của các thế lực cường quốc bên ngoài ở Ấn Độ Dương, mặt khác lại tích cực phát triển lực lượng trên biển của bản thân, với mong muốn biến Ấn Độ Dương trở thành “biển của Ấn Độ”. Trong đó, quan niệm khống chế biển được sâu sắc hóa hơn do chịu sự ảnh hưởng của di sản chiến lược thống trị thực dân bởi châu Âu.

Nhìn từ góc độ lịch sử, khi Bồ Đào Nha bắt đầu từng bước xâm nhập vào Ấn Độ Dương từ đường biển, vương triều đế quốc Mogul ở lục địa Nam Á lại kiên trì giữ trên đất liền, mà chưa bao giờ suy nghĩ đến việc xây dựng hải quân để thể hiện sức mạnh vĩ đại của họ, cho nên họ không hề nhận thấy được tầm quan trọng của biển. Vương triều Mogul tập trung toàn bộ tài nguyên để củng cố biên cương trên đất liền, trải thảm cho người châu Âu thống trị biển cả. Điều này chính là sai lầm chiến lược to lớn. Về điều này, cựu ngoại trưởng Ấn Độ Jaswant Singh trong cuốn sách “Quốc phòng Ấn Độ” đã kiểm điểm lại rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về sai lầm trong quá trình kế hoạch chiến lược, ví dụ như sai lầm chủ yếu trong thế kỷ XVII và XVIII, đó chính là sự đánh giá thiếu chính xác về địa vị quan trọng của Ấn Độ Dương và tuyến hàng hải đi qua vùng biển này. Sai lầm này đã dẫn đến việc các quốc gia phương Tây đặt chân lên bờ biển Ấn Độ, ban đầu là tiến hành thương mai, sau đó bắt đầu xâm lược.” Chủ tịch Qũy Ấn Độ Dương C. Uday Bhaskar cũng cho rằng, trong đại bộ phận thời kỳ lịch sử, Ấn Độ là “kẻ mù biển” (Maritime-blind).

Nguyên Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Prakash Karat lại càng cho rằng, nhiều năm nay, Ấn Độ tự lừa dối chính bản thân rằng họ là một quốc gia lục địa, mà không quan tâm đến sự hưng vong và lịch sử hải dương mạnh mẽ của Ấn Độ vào khoảng thời gian trước thế kỷ XIII.

Trong thực tế, về logic lịch sử an ninh biển của Ấn Độ mà nói, những kẻ thực dân đến từ châu Âu không chỉ mang đến khái niệm “lãnh hải”, mà còn phá vỡ truyền thống biển cố hữu của Ấn Độ một cách triệt để, đồng thời tái xây dựng ý thức biển của Ấn Độ bằng tư tưởng hải quyền theo kiểu châu Âu, trong đó đặc biệt là Đô đốc người Bồ Đào Nha Albuquerque về tư tưởng khống chế yếu điểm chiến lược Ấn Độ Dương và tư tưởng bá quyền trên biển của nước Anh, điều này ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm đối với ý thức biển hiện đại của Ấn Độ. Vì thế, tư duy biển Ấn Độ dưới ảnh hưởng của thực tiễn đại dương lâu nay và sự thống trị của thực dân phương Tây, có thể tổng kết thành một thứ quan niệm hải quyền theo chủ nghĩa hiện thực dưới truyền thống Ấn Độ, suy cho cùng, đối với thái độ mâu thuẫn của Ấn Độ với Ấn Độ Dương đều được thể hiện trong chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong các thời kỳ khác nhau.

b. Logic địa lý của Ấn Độ về an ninh biển

Ấn Độ Dương là đại dương duy nhất trên thế giới lấy tên của một quốc gia ven bờ để đặt tên. Vì thế, nhắc đến cấu tạo địa lý của Ấn Độ Dương thì không thể không nhắc đến Ấn Độ, cũng như ưu thế địa lý “trời ban tặng” trong khu vực cho quốc gia này. Trong khu vực Ấn Độ Dương, với tư cách là một cường quốc biển hầu như bao hàm cả tiểu lục địa Nam Á, Ấn Độ có đường bờ biển dài 7516.6 km (bao gồm 1762 km đường bờ biển quần đảo Andaman và Nicobar và 132 km đường bờ biển của quần đảo Lakshadweep) với vùng đặc quyền kinh tế rộng 2 triệu cây số vuông. Cho nên so với diện tích lục địa tương đối kín, môi trường an ninh trên biển của Ấn Độ phức tạp hơn nhiều. Cha đẻ về hải quyền của Ấn Độ K.M Panikkar từng chỉ ra rằng: “Ấn Độ Dương khác với Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đặc điểm chủ yếu của nó không nằm ở hai bên, mà nằm dưới đại lục Ấn Độ, đất nước này vươn xa hàng nghìn dặm ra phía đại dương, đến tận mũi Comorin. Chính vị trí địa lý này của Ấn Độ đã làm thay đổi tính chất của Ấn Độ Dương”. Từ góc nhìn lục địa truyền thống, Ấn Độ ở vào trạng thái cô lập rõ ràng, dãy núi Hymalaya phía Bắc đã cắt đứt mối liên hệ với phần còn lại của châu Á, còn Ấn Độ Dương ở phía Nam đã hình thành nên tấm bình phong không thể vượt qua. Nhưng nhìn từ góc độ hải quyền, Ấn Độ lại nằm ở vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương với phía Đông là vịnh Bengal và phía Tây là biển Ả rập, vì thế nó nằm ở vị trí trung tâm của tuyến hàng hải mậu dịch nối liền châu Âu với vùng Viễn Đông. Với tư cách là kết quả của sự lựa chọn tự nhiên, Ấn Độ tất nhiên đóng vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương. Nói cách khác, vùng biển rộng lớn của Ấn Độ và vị trí địa lý nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương có tầm quan trọng về chính trị và kinh tế đặc biệt.

Hoàn cảnh địa lý đã cột chặt Ấn Độ với Ấn Độ Dương, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự hình thành truyền thống chiến lược biển của Ấn Độ. Hơn nữa, điều quan trọng hơn vị trí địa lý chính là thái độ và phương thức tư duy trong việc quy nạp chiến lược Ấn Độ một cách có ý thức và vô ý thức từ vị trí địa lý. Năm 1958, trên một con tàu, Thủ tướng Nehru đã phát biểu rằng: “Từ trên con thuyền này, tôi nhìn thấy Ấn Độ, suy nghĩ về đất nước này và vị trí địa lý của nó. Ba mặt giáp biển, bốn bề núi cao. Trong thực tế, có thể nói rằng, đất nước chúng ta đang ở giữa con sóng của đại dương. Trong hoàn cảnh đó, tôi suy ngẫm về mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng ta và đại dương… Bất luận là ai khống chế Ấn Độ Dương, đầu tiên sẽ dẫn đến việc thương mại trên biển của Ấn Độ sẽ bị người khác chi phối, hai là, nền độc lập của Ấn Độ sẽ không được đảm bảo”. Vì thế, theo các nhà nghiên cứu hải quyền của Ấn Độ, nếu Ấn Độ Dương không còn là vùng biển được bảo vệ, vậy thì sự an toàn của Ấn Độ hiển nhiên cực kỳ đáng lo ngại. Nếu Ấn Độ không tự mình suy tính sâu sắc, thi hành chính sách biển một cách hữu hiệu, địa vị của nước này trên thế giới sẽ không tránh được việc dựa dẫm vào người khác. Kết quả sẽ là: “Ai khống chế được Ấn Độ Dương, sự tự do của Ấn Độ sẽ chỉ có thể nghe theo người đó”. (Xem tiếp phần 2)


[1] Diễn đàn Kinh tế -  Chính trị thế giới, 7.2011(4)

*GS, TS Chu Đức Tinh, ; TS Bạch Tuấn: Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Nam Kinh.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
ThS Phùng Thanh Hà

Nguồn:

Cùng chuyên mục