Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 2)

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 2)

Với tư cách là một quốc gia ôm ấp hoài bão lớn lao, một cường quốc khu vực trỗi dậy mạnh mẽ, chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời mới không những là sự thể hiện sinh động về mong muốn cường quốc và truyền thống tư tưởng chiến lược biển của quốc gia này, còn là chất tăng trưởng của tình hình thực tế Ấn Độ Dương, thể hiện truyền thống rõ ràng và nét đặc sắc của sự biến đổi.

05:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới

Chu Đức Tinh, Bạch Tuấn*

c. Logic phát triển của Ấn Độ về an ninh biển

Trong các đại dương trên thế giới, Ấn Độ Dương đã cung cấp tuyến đường biển nhanh nhất, kinh tế nhất nối liền giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cũng là chìa khóa cho an ninh năng lượng toàn cầu. Theo thống kê, Ấn Độ Dương có lượng vận tải hàng đóng thùng chiếm ½ toàn cầu, gần 1/3 lượng hàng rời toàn cầu, điều quan trọng hơn là, 70% lượng dầu mỏ toàn cầu được vận chuyển từ Trung Đông đi ngang qua Ấn Độ Dương để đến khu vực Thái Bình Dương, tuyến đường này bao gồm tuyến hàng hải chở dầu quan trọng nhất thế giới của vịnh Aden và vịnh Oman, cũng như các điểm chiến lược ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu như eo biển Bab-el-Mandeb, eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Ngoài ra, các tàu chở hàng và chở dầu đi từ vùng Trung Đông ngang qua kênh đào Suez hoặc vòng qua mũi Hảo Vọng để đến châu Âu cũng vô cùng tấp nập, hơn 35% lượng dầu nhập khẩu của Tây Âu đến từ khu vực Trung Đông. Có thể thấy rằng, Ấn Độ Dương và vị trí chiến lược then chốt của nó đã cấu thành nên một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới, bất luận là các quốc gia phương Đông hay phương Tây thì Ấn Độ Dương đều đã trở thành “tuyến đường sống còn trên biển”.

Chắc chắn rằng, Ấn Độ có lợi ích kinh tế to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là thương mại trên biển vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Ấn Độ lại càng được chú ý. Dưới con mắt của Ấn Độ, “con đường hình vòng cung trên biển nối liền từ vịnh Ba Tư ngang qua eo biển Malacca đến biển Nhật Bản tương đương với một “con đường tơ lụa trên biển”… Thương mại của tuyến đường này đạt đến con số 180 tỉ USD”. Không chỉ như thế, cùng với đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, Ấn Độ đã trở thành quốc gia có nhu cầu năng lượng lớn thứ tư thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong nhu cầu về năng lượng của nước này, dầu mỏ chiếm 33%, trong đó 65% từ nguồn nhập khẩu, hơn nữa 90% trong số đó đến từ khu vực vịnh Ba Tư. Ngoài ra, thuyền bè chở khí hóa lỏng thiên nhiên không ngừng vận chuyển về Ấn Độ từ khu vực biển Nam châu Phi. Về phương diện than đá, việc nhập khẩu từ Mozambique đã không thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, Ấn Độ đã bắt đầu nhập than từ các nước Nam Phi, Indonesia, Australia và các nước Ấn Độ Dương khác. Bởi vậy, việc lợi dụng và đảm bảo sự thông suốt cho tuyến đường biển Ấn Độ Dương vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng của Ấn Độ. Một số chuyên gia an ninh Ấn Độ thậm chí cho rằng, trong 25 năm tới, an ninh năng lượng sẽ trở thành vấn đề then chốt của chiến lược hạt nhân Ấn Độ. Hơn nữa họ thật sự tin rằng, Ấn Độ phải chuẩn bị tốt cho cuộc chiến tranh để giải quyết vấn đề năng lượng. Chính logic phát triển này đã nhấn mạnh một cách toàn diện quan niệm an ninh biển của Ấn Độ.

d. Logic quyền lực của Ấn Độ về an ninh biển

Như học giả Ấn Độ R.N. Misra từng nói: “Nếu không có nghiên cứu xác đáng về góc độ trên biển, bất kỳ nghiên cứu nghiêm túc nào về vấn đề an ninh Ấn Độ đều không hoàn chỉnh”. Panikkar cũng từng chỉ ra rằng: “Tương lai vĩ đại của Ấn Độ nằm ở đại dương”. Bởi vì “Ấn Độ Dương, đối với nước khác mà nói, chẳng qua chỉ là một trong rất nhiều khu vực biển quan trọng, nhưng đối với Ấn Độ mà nói, nó lại là khu vực biển quan trọng duy nhất. Sinh mệnh của Ấn Độ tập trung ở đây, tương lai của nó cũng dựa vào việc đảm bảo sự tự do trên khu vực biển này. Trừ phi Ấn Độ Dương được hưởng sự tự do, trừ phi hai bờ Ấn Độ được đảm bảo, nếu không, bất kỳ sự chấn hưng công nghiệp, phát triển thương nghiệp hay ổn định chính trị nào đều là vô nghĩa… Biển chi phối chiến lược toàn cục đối với quốc phòng của Ấn Độ”.

Sau Chiến tranh Lạnh, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của thế giới đối với năng lượng khu vực Trung Đông, an ninh năng lượng và vấn đề an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương đã trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới. Kết quả, Ấn Độ Dương trở thành “trung tâm của sự đấu đá quyền lực giữa các cường quốc thế kỷ XXI”. Về điều này, trong “Học thuyết biển Ấn Độ” được nước này công bố năm 2004 nhấn mạnh rằng: “Môi trường an ninh khu vực xung quanh Ấn Độ Dương không thể khiến mọi người hài lòng. Trong phạm vi từ biển Ả rập đến vịnh Bengal, các sức mạnh trong và ngoài khu vực luôn không ngừng tăng lên, hơn nữa sự mở rộng của đạn đạo và vũ khí sát thương trên quy mô lớn trong khu vực Ấn Độ Dương, sự lan tràn của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, sự ủng hộ về mặt vật chất và nguyên tắc đối với chủ nghĩa khủng bố, tất cả đều gây  uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh trên biển Ấn Độ Dương. Sau chiến tranh Afghanistan và Iraq, sự tồn tại của Mỹ lẫn các nước phương Tây và sức mạnh hải quân không ngừng tăng lên của các nước này đã khiến cho uy hiếp đến từ bờ biển phía Tây Ấn Độ không ngừng tăng lên, điều này tạo nên ảnh hưởng sâu sắc với tình thế an ninh toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương”. Kết quả là sự tồn tại và vận dụng sức mạnh trên Ấn Độ Dương của các cường quốc tiếp tục trở thành trọng điểm quan tâm của Ấn Độ.

Trong thực tế, sau cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan lần thứ 3 năm 1971, cùng với sự giảm thiểu rõ rệt về uy hiếp trên bộ, Ấn Độ bắt đầu theo đuổi giấc mơ cường quốc trên biển. Cựu thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi sau khi lên nắm quyền không lâu đã tuyên bố thẳng thắn rằng: “Ấn Độ trên nền tảng khống chế năm eo biển lân cận, từ đó khống chế khu vực rộng lớn từ Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương”. Tháng 11 năm 2003, thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Vajpayee đã chỉ ra: “Môi trường an ninh của Ấn Độ từ eo biển Ba Tư, ngang qua Ấn Độ Dương kéo dài đến tận eo biển Malacca, bao gồm Trung Á và Afghanistan ở Tây Bắc, Trung Quốc và Đông Nam Á ở Đông Bắc. Tư tưởng chiến lược của Ấn Độ cũng phải mở rộng đến những khu vực này”. Cựu thủ tướng Ấn Manmohan Singh cũng chỉ ra rằng: “Liên tục tăng uy thế quốc tế khiến Ấn Độ có lợi ích chiến lược ở một khu vực rộng lớn từ vịnh Ba Tư đến eo biển Malacca”. Hiển nhiên, suy nghĩ về an ninh biển của Ấn Độ còn bao gồm logic chính trị quyền lực nước lớn rõ rệt, ở một mức độ nhất định, nó đã vượt qua sự kêu gọi an ninh đơn thuần, mà có màu sắc tranh quyền rõ ràng, tức tập trung vào địa vị chủ đạo ở Ấn Độ Dương.

2. Khống chế và phong tỏa trên biển - niềm tin chiến lược biển của Ấn Độ trong thế giới Ấn Độ Dương

Trong cấu tạo địa chính trị khu vực Nam Á, bao gồm Ấn Độ Dương rộng lớn nhưng luôn dễ bị mọi người xem nhẹ, tuy nhiên tầm quan trọng địa chính trị lại không hề kém so với đất liền. George Thomson từng chỉ ra rằng: “Đường bờ biển của tiểu lục địa Ấn Độ là con đường hàng hải dài nhất thế giới, nó dài giống như đường biên giới của lục địa Ấn Độ, nhưng dễ bị tập kích”. Để bảo đảm an ninh tự thân, đồng thời cũng vì theo đuổi quyền lực, dựa trên đặc trưng địa chính trị và mức độ uy hiếp trên biển Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã từng bước hình thành nên niềm tin chiến lược biển tương ứng với thực lực của họ, đó chính là hành động song song giữa khống chế và kháng cự trên biển.

2.1 Đặc trưng địa chính trị chủ yếu của Ấn Độ Dương

Những năm gần đây, cùng với việc triển khai hoạt động bảo vệ hàng hải ở vùng biển Somalia của cộng đồng quốc tế, Ấn Độ Dương một lần nữa trở thành tiêu điểm chú ý của giới chiến lược quốc tế, nhận thức Ấn Độ Dương với tư cách là một trong những khu vực hạt nhân chiến lược địa chính trị đã được nhấn mạnh hơn một mức. Tuy nhiên, trong các đại dương, Ấn Độ Dương có cấu tạo địa lý khác biệt rõ rệt với những đại dương khác, đồng thời thể hiện những đặc trưng quan trọng sau:

Một là, Ấn Độ Dương là một vùng biển bị các lục địa vây xung quanh. Trong các đại dương trên thế giới, sự hình thành nên địa vị đặc biệt của Ấn Độ Dương là do đại dương này bị đất liền bao quanh từ ba hướng, khiến nó “bán cách ly” với các đại dương khác. Phía Nam của châu Á trở thành xương sống, đại lục châu Phi trở thành bức tường phía Tây, còn Myanmar, Malaysia và các chuỗi đảo bảo vệ phía Đông. Trong vòng cung “bán bao vây” này, bán đảo Ấn Độ kéo dài hàng ngàn km đã chia tách Ấn Độ Dương thành hai nửa đông tây, tức vịnh Bengal ở phía Đông và biển Ả rập ở phía Tây. So với các đại dương khác, đặc điểm này rất nổi bật. Cho nên, về mặt địa lý, mặc dù diện tích của Ấn Độ Dương rất rộng lớn, nguồn nước và hướng gió đều mang tính hải dương, nhưng tuyệt đại bộ phận của nó lại mang nét đặc trưng đại dương bị lục địa bao quanh.

Hai là, chiến lược tập trung tại vành đai vòng cung phía Bắc Ấn Độ Dương. Trong các đại dương trên thế giới, với tư cách là trung gian địa lý, đặc điểm nổi bật nhất của Ấn Độ Dương là tách rời các nước về địa lý chứ không phải là liên hệ, kết quả khiến cho vùng biển rộng lớn này bao hàm khu vực chiến lược khác nhau, đồng thời dẫn đến các lợi ích chiến lược quốc tế chủ yếu đều tập trung ở khu vực eo biển phía Bắc Ấn Độ Dương và khu vực Đông Bắc eo biển Malacca. Trong thực tế, nếu nói mọi người quan tâm đến địa vị chiến lược của Ấn Độ Dương, tức cũng chỉ đến vành đai rộng lớn kéo dài từ phía Bắc biển Đỏ đến eo biển Malacca. Một cách tự nhiên, tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương của các cường quốc chủ yếu có mối liên hệ chặt chẽ với đặc điểm khu vực này. Không chỉ như thế, vòng cung từ phía Bắc Ấn Độ Dương, bờ biển dọc biển Đỏ, xuyên qua bán đảo Ả rập, vịnh Ba Tư, cao nguyên Iraq, tiểu lục địa Nam Á, bán đảo Trung Nam và bán đảo Malai kéo dài đến eo biển Malacca, đối với tư cách cấu thành quốc gia mà nói, hầu như bao hàm toàn bộ thế giới Islam (cho dù Ấn Độ với tư cách là một quốc gia thế tục cũng có số dân theo đạo Hồi chiếm 11.4% dân số), cho nên đây vẫn là “vòng cung Islam”. Kết quả là sự hội tụ chiến lược của vòng cung Bắc Ấn Độ Dương được tăng cường hóa, điều này càng trở nên rõ ràng sau sự kiện 11.9.

Ba là, hiện tượng “quốc gia thất bại” ven biển phổ biến, hơn nữa đổ xô hướng vào lĩnh vực biển. Sau chiến tranh Lạnh, không ít các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương đã có đặc trưng “quốc gia thất bại”: các nhân tố bất ổn như mức sống nghèo khổ và dự trữ ngoại hối có hạn, thiếu sự quản trị tốt, truyền thống phi dân chủ, nhân khẩu tăng mạnh và khoảng cách giàu nghèo nới rộng hơn kết hợp lại cùng nhau, thêm vào đó là sự kìm hãm chặt chẽ của hệ thống quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của một số quốc gia khu vực ven biển Ấn Độ Dương, kết quả có không ít quốc gia trở thành “quốc gia thất bại” hoặc đang trở thành “quốc gia thất bại”. Không chỉ như thế, sự mất ổn định của các quốc gia Tây Á và Afghanistan ở Trung Á và “quốc gia thất bại” đã “lan tràn” đến lĩnh vực biển; phần lớn các phong trào ly khai và tương lai của các tiến trình liên quan vẫn tồn tại tính bất ổn nhất định, khiến môi trường biển vốn bất ổn của khu vực Ấn Độ Dương càng thêm trầm trọng. Từ cuối năm 2008, cướp biển Somalia và các sự kiện cướp biển ở vùng biển Đỏ, eo biển Bab-el-Mandeb và eo biển Malacca và tấn công khủng bố đều được chứng minh rõ ràng: Trong tương lai có thể dự kiến, chủ nghĩa khủng bố biển vẫn là tiêu điểm an ninh chủ yếu của cộng đồng quốc tế.

Bốn là, bốn điểm mấu chốt chiến lược địa chính trị đã quyết định việc Ấn Độ Dương khó lòng bị một cường quốc đơn nhất độc chiếm. Chính vì đặc trưng lục địa vây quanh, kết quả khiến cho bốn cửa ngõ tiến vào Ấn Độ Dương từ bốn hướng Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc  đều mang giá trị chiến lược rất lớn. Bốn cửa ngõ này lần lượt là: Hai cửa ngõ to lớn ở phía Nam Australia và mũi Hảo Vọng, Nam Phi, tuyến đường nối liền giữa Mandeb – Biển Đỏ - Suez, cũng như vùng nước giữa các đảo thuộc Tây Nam Indonesia và Australia (bao gồm eo biển Malacca và Sunda). Bốn cửa ngõ chiến lược nêu trên đã cấu thành nên trụ cột chiến lược địa lý quan trọng nhất của khu vực Ấn Độ Dương. Nói cách khác, khống chế được bốn cửa ngõ ra vào Ấn Độ Dương này thì có thể sẽ không chế được cả khu vực Ấn Độ Dương. Trong lịch sử, nước Anh chính vì có địa vị ưu thế chiến lược ở bốn khu vực này nên luôn biến Ấn Độ Dương trở thành “ao nhà”. Hiển nhiên, trong thời kỳ mới, do không một quốc gia nào có thể có được năng lực chiến lược và thời cơ chiến lược như đế quốc Anh trong lịch sử có thể nắm trong tay bốn trụ cột chiến lược trên ở Ấn Độ Dương, vì thế không thể tái hiện được cục diện một cường quốc đơn nhất độc chiếm Ấn Độ Dương. (Xem tiếp phần 3)

GS, TS Chu Đức Tinh, ; TS Bạch Tuấn: Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Nam Kinh.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
ThS Phùng Thanh Hà

Nguồn:

Cùng chuyên mục