Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 3)
Với tư cách là một quốc gia ôm ấp hoài bão lớn lao, một cường quốc khu vực trỗi dậy mạnh mẽ, chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời mới không những là sự thể hiện sinh động về mong muốn cường quốc và truyền thống tư tưởng chiến lược biển của quốc gia này, còn là chất tăng trưởng của tình hình thực tế Ấn Độ Dương, thể hiện truyền thống rõ ràng và nét đặc sắc của sự biến đổi.
Phân tích Chiến lược An ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới
Chu Đức Tinh, Bạch Tuấn*
2.2 Thực hiện sự uy hiếp và khống chế biển – Niềm tin chiến lược cơ bản của Ấn Độ
Dựa vào đặc tính địa lý dễ thấy của Ấn Độ Dương, đặc biệt dựa trên tình hình chiến lược khu vực, sự theo đuổi lợi ích chiến lược tự thân và việc sử dụng thực lực trên biển để thực hiện lợi ích chiến lược được tăng cường rõ ràng. Trong thời kỳ mới, Ấn Độ đã đưa ra hai niềm tin chiến lược quan trọng là “khống chế: và “phong tỏa” trên biển, tức đây là một thứ quan niệm an ninh trên biển thể hiện truyền thống tư tưởng địa chính trị “Mạn Đà La” của Ấn Độ, hay còn có thể gọi là “chiến lược kiềm tỏa” . Sự “kiềm tỏa” này với trung tâm là tiểu lục địa Ấn Độ, dựa trên những sự uy hiếp khác nhau để kéo dài ba khu chiến lược hình bán nguyệt đồng tâm, đồng thời phân trục Mumbai – Trincomalee – đảo Cocos thành hai bộ phận là phía Đông và phía Tây, cụ thể như sau:
- Khu vực khống chế hoàn toàn - khu vực biển trong 500km từ bờ biển (Zone of positive control)
- Khu vực khống chế trung bình - vùng biển từ 500-1000 km (Zone of medium control)
- Khu vực khống chế mềm - bao gồm tất cả các bộ phận còn lại của Ấn Độ Dương (Zone of soft control)
Một cách tự nhiên, khu vực mà Ấn Độ quan tâm nhất chính là khu vực gần nhất, tức khu vực khống chế hoàn toàn. Trong đó, điểm quan trọng nhất chính là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Để đảm bảo an ninh cho vùng biển này, Ấn Độ phải khống chế hoàn toàn khu vực này, có nghĩa là phải có được năng lực có thể khống chế trên không lẫn dưới nước.
Trong khu vực chiến lược thứ hai, tức khu vực khống chế trung bình, phát triển năng lực phong tỏa được cho là biện pháp phòng ngự hữu hiệu. Bởi vì xuất phát từ mục đích bảo vệ cơ sở kinh tế cốt lõi, nên Ấn Độ không thể khiến cho lực lượng trên biển của đối phương tiếp cận khu vực khống chế hoàn toàn. Nói cách khác, việc chiến đấu với lực lượng kẻ thù phải được tiến hành trong khu vực cách bờ biển từ 500 đến 1000 km. Điều này yêu cầu khu vực khống chế trung bình không được cho kẻ thù cơ hội nhìn thấy điểm ưu thế. Vì thế, các hàng không mẫu hạm có thể đóng vai trò then chốt để phòng vệ khu vực này.
Vùng biển ngoài 1000km cấu thành khu vực khống chế mềm của Ấn Độ. Bất kỳ cường quốc ngoài khu vực nào xâm nhập quy mô lớn vào khu vực này đều bị xem là ẩn họa đối với an ninh Ấn Độ. Nếu an ninh khu vực này không được đảm bảo thì Ấn Độ sẽ đối mặt với khả năng chịu cưỡng chế về mặt ngoại giao. Vì thế, nước này không chỉ cần giám sát các hoạt động hải quân các nước lớn ở vòng ngoài, mà còn phải có năng lực uy hiếp nhất định. Như thế tàu ngầm hạt nhân sẽ trở thành nhu cầu bức thiết, bởi vì tuy chỉ một hai chiếc tàu ngầm hạt nhân không có tác dụng lớn trong việc thay đổi tình thế chiến lược ở Ấn Độ Dương, nhưng vì tàu ngầm loại này có tốc độ nhanh, ẩn mình và thời gian dưới nước lâu, nên có thể cung cấp năng lực uy hiếp hữu hạn.
Đối với Ấn Độ mà nói, “khống chế” biển chủ yếu đối với các quốc gia vừa và nhỏ xung quanh Ấn Độ Dương; còn “phong tỏa” nhằm vào các sức mạnh trên biển của các cường quốc bên ngoài can thiệp, tức trong tình huống không có điều kiện thực hiện sự khống chế, sẽ áp dụng biện pháp uy hiếp để cân bằng, thậm chí ngăn chặn các cường quốc ngoài khu vực. Nguyên Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ S. N Kohli từng chỉ ra: “Chúng ta phát hiện ra rằng, nhiệm vụ chủ yếu của chức trách Hải quân trong thời bình chính là uy hiếp. Hướng ra Ấn Độ Dương, thực hiện sự uy hiếp và khống chế trên biển chính là chiến lược biển của hải quân Ấn Độ”. Đương nhiên, Hải quân Ấn Độ cũng nhận thức được rằng, không thể kỳ vọng hải quân nước này sẽ chiến thắng áp lực của các siêu cường. Mặc dù như thế, nhưng vẫn có thể hiện cho sự can dự phải trả một cái giá đắt hơn, toàn bộ hàm nghĩa của sự uy hiếp chính nằm ở đó. Về cơ bản, Hải quân Ấn Độ luôn tìm cách đóng vai trò khống chế trên biển (khi đối mặt với Pakistan) và đóng vai trò phong tỏa để tìm kiếm sự cân bằng (khi đối mặt với các cường quốc ngoài khu vực). Vì thế, Ấn Độ không chỉ tập trung xây dựng năng lực và sức mạnh hải quân, mà còn nhấn mạnh đến thực lực phi quân sự, thông qua nhiều hình thức hợp tác như ngoại giao, tăng cường quốc phòng, đề xướng cơ chế hợp tác an ninh biển mang tính khu vực, để bảo vệ an ninh biển của họ, đồng thời mưu cầu đạt được quyền chủ đạo về các sự vụ trên biển.
3. Nội hàm cốt lõi của chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới
Từ sau khi “Chiến lược Quân sự trên biển giai đoạn 1989-2014 của Ấn Độ” được ban bố vào năm 1988 đưa ra quan điểm chiến lược về khống chế, chỉ định vùng biển thực thi việc khống chế từ xa và phong tỏa từ xa đối với khu vực biển rộng lớn hơn đến nay, Ấn Độ đã ban bố các văn kiện quan trọng như “Học thuyết biển Ấn Độ” năm 2004, “Tự do sử dụng biển: Chiến lược quân sự trên biển của Ấn Độ” năm 2007, phác thảo một cách toàn diện bức tranh chiến lược an ninh biển của Ấn Độ trong thời kỳ mới, đặc biệt là các phương diện về chiến lược quân sự trên biển, cung cấp chỗ dựa chính sách mạnh mẽ cho việc tìm hiểu một cách toàn diện nội hàm cốt lõi và quá trình tư duy chiến lược an ninh trên biển của nước này.
3.1 Nhận thức về uy hiếp an ninh trên biển
Như đã nói ở phần trước, do nguyên nhân lịch sử, địa lý, phát triển và quyền lực…, dựa trên nhận thức về mặt uy hiếp an ninh biển, Ấn Độ đã áp dụng “Góc nhìn xuyên Ấn Độ Dương”. Về phương diện này, ngoại trưởng Ấn Độ lúc đó là Jaswant Singh trong chuyến thăm Mỹ 2001 đã có lời phát biểu mang tính đại diện. Ông đã chỉ ra rằng: “Từ trước đến nay, người Ấn Độ đều không biết diện tích thật sự của họ. Có bao nhiêu người biết được Indonesia cách đảo cực nam của Ấn Độ chỉ 65 dặm Anh?... Hay như ai biết rằng, đồng tiền pháp định của Kuwait trước năm 1938 là đồng Rupee? Vì thế, khi chúng ta nói về Indonesia hay vịnh Ba Tư, chính vì lợi ích và phạm vi ảnh hưởng của chúng ta đã đạt đến đó”. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, đối với Ấn Độ mà nói, bất kỳ sự việc gì xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương đều được cho là có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến an ninh nước này, cho nên nó đều vô cùng quan trọng. Năm 2004, Ấn Độ ban bố “Học thuyết biển Ấn Độ” cho rằng, nhân tố ảnh hưởng đến môi trường an ninh trên biển của nước này bao gồm: (1) Phía Tây, khu vực sản xuất dầu vùng Vịnh tồn tại khả năng bùng nổ nguy cơ năng lượng toàn cầu; (2) Phía Đông, kinh tế các nước ASEAN tăng trưởng liên tục, cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này ngày càng tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến môi trường an ninh trên biển khu vực Ấn Độ Dương; (3) Phía Nam, tuyệt đại các nước đang phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương đều đang ở đây, có thể trở thành nơi chủ yếu để các lực lượng bên ngoài can thiệp; (4) Do sự liên quan của các vùng biển mang tính then chốt như khu vực Ấn Độ Dương, nên Ấn Độ phải là tiêu điểm tập trung của vành đai vòng cung chiến lược châu Á.
3.2 Phân chia lợi ích trên biển
Do khu vực hành động của Hải quân Ấn Độ vô cùng rộng lớn, nước này nhận thức được rằng, cần phải phân chia khu vực lợi ích cốt lõi trên biển và khu vực lợi ích thứ yếu. Cái gọi là khu vực lợi ích cốt lõi của Ấn Độ bao gồm: (1) Biển Ả rập và Vịnh Bengal, chủ yếu bao gồm khu vực đặc quyền kinh tế, các đảo và các đảo kéo dài của Ấn Độ; (2) Các yếu điểm chiến lược vào ra Ấn Độ Dương, chủ yếu bao gồm eo biển Malacca, eo biển Hormuz, eo biển Bab-el-Mandeb và mũi Hảo Vọng; (3) Các đảo quốc trên Ấn Độ Dương; (4) Vịnh Ba Tư với tư cách là nguồn cung dầu chủ yếu cho Ấn Độ; (5) Tuyến đường vận chuyển quốc tế trên biển chủ yếu đi ngang qua Ấn Độ Dương.
Khu vực lợi ích thứ yếu của Ấn Độ bao gồm: (1) Khu vực Nam Ấn Độ Dương; (2) Biển Đỏ; (3) Biển Đông (Việt Nam); (4) Khu vực Đông Thái Bình Dương. Trong điều kiện nguồn tài nguyên hiện có, chiến lược an ninh biển của Ấn Độ hiện nay chỉ quan tâm đến khu vực lợi ích cốt lõi. Chỉ có sự liên hệ trực tiếp giữa khu vực lợi ích thứ yếu và khu vực lợi ích chủ yếu, hoặc ảnh hưởng của khu vực thứ yếu đối với việc bố trí sức mạnh trên biển trong tương lai, khu vực lợi ích thứ yếu cần phải được quan tâm. (Xem tiếp phần 4)
* GS, TS Chu Đức Tinh, ; TS Bạch Tuấn: Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Nam Kinh.
Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
ThS Phùng Thanh Hà
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục