Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó (Phần 1)

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó (Phần 1)

Những năm gần đây, Ấn Độ tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, phương thức chủ yếu bao gồm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế và giao lưu quân sự. Nguyên nhân của sự tăng cường hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và các nước châu Á - Thái Bình Dương rất phức tạp, tức có suy nghĩ về mặt chiến lược kinh tế, nhưng đồng thời cũng có sự sắp xếp chiến lược về mặt địa chính trị. Nhìn từ phương diện ngắn hạn, mối hợp tác chiến lược Ấn Độ và các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể mang ý nghĩa thay đổi sâu sắc cục diện chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

05:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phân tích sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó

Yang Siling*

Việc Ấn Độ tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn và Việt Nam, về mặt khách quan mà nói, nguyên nhân của hành động này phức tạp, vừa mang ý nghĩa chiến lược kinh tế, đồng thời là sự sắp đặt chiến lược địa chính trị. Từ ngắn hạn thì sự hợp tác chiến lược này có thể tạo nên những ảnh hưởng đối với quan hệ Ấn - Trung, nhưng ảnh hưởng ở bình diện sâu hơn chính là khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng hình thành xu thế phát triển nhiều tam giác quan hệ chiến lược.

I. Phương thức tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ 

1. Xây dựng và làm sâu sắc hóa phương thức hợp tác chiến lược châu Á - Thái Bình Dương

Kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, trải qua nhiều năm khổ tâm cố gắng, Ấn Độ đã xây dựng và đang làm sâu sắc hơn mối hợp tác quan hệ chiến lược với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn và Việt Nam. Chính phủ Obama đã kế thừa chính sách thời kỳ Bush biểu hiện muốn nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn. Obama tuyên bố rằng, quan hệ Mỹ - Ấn là một trong những mối quan hệ then chốt nhất của thế kỷ XXI. Ông biểu thị, Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy, nước Mỹ hoan nghênh và cổ vũ Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì sự ổn định, hòa bình và phồn vinh ở châu Á, giữ vai trò then chốt về phương diện ứng phó các thách thức toàn cầu.[1] Từ 1-4/6/2010, tại Washington, Mỹ và Ấn Độ tiến hành cuộc đối thoại chiến lược lần thứ nhất, hai nước ra tuyên bố chung về việc xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu”. Việc làm sâu sắc hóa mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Nga cũng được hai bên rất xem trọng. Ngày 12/3/2010, Thủ tướng Nga Putin trong chuyến viếng thăm Ấn Độ đã công khai bày tỏ: “Trong lĩnh vực hạt nhân, chúng tôi đang cùng Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.” Từ ngày 21-22/12/2010, Tổng thống Nga đương nhiệm Medvedev viếng thăm Ấn Độ, đồng thời tổ chức Hội nghị cao cấp thường niên lần thứ 10 trong khuôn khổ đối tác chiến lược song phương Nga - Ấn. Hai bên cho rằng, trải quan 10 năm phát triển, quan hệ hai nước đã nâng lên “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt”. Thủ tướng Ấn Độ, Singh đã bốn lần viếng thăm chính thức đến Nhật Bản, đây là tỉ lệ viếng thăm vô cùng cao. Hai nước này đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước từ “quan hệ đối tác toàn cầu” lên thành “quan hệ đối tác toàn cầu chiến lược”. Hàn Quốc cũng nhận được sự xem trọng cao độ từ Ấn Độ. Ngày 25/1/2010, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã viếng thăm Ấn Độ, hai bên quyết định nâng cấp quan hệ hợp tác lâu dài lên thành “quan hệ đối tác chiến lược”. Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam càng là tiêu điểm quan tâm của thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là Ấn Độ kiên trì ký kết hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi Biển Đông bất chấp những phản đối của Trung Quốc. Năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã chính thức tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Từ ngày 4-6/7/2007, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã viếng thăm Ấn Độ, hai bên đã ký kết “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược” mang ý nghĩa cột mốc. Ngày 11/10/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Ấn Độ, ông không chỉ cùng Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh “quan hệ hai nước là nhân tố quan trọng cho sự hòa bình và ổn định của khu vực”, mà còn nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông”. Hiển nhiên, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã có được bước phát triển thực chất.

2. Làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương

Những năm gần đây, sự phát triển của việc nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương được Ấn Độ tích cực thúc đẩy đã đạt được thành công khiến thế giới chú ý, nước này đã ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước Nhật, Hàn và ASEAN[2]. Ngày 13/8/2009, Ấn Độ và ASEAN chính thức ký kết Hiệp định khu vực mậu dịch tự do. Tháng 6/2010, Ấn Độ và ASEAN khởi đồng vòng đám phán thương mại dịch vụ Khu vực mậu dịch tự do. Ngày 2/3/2011, Bộ trưởng công thương Ấn Độ Sharma bày tỏ, Ấn Độ và ASEAN sẽ ký kết CEPA vào cuối năm 2011. Nhưng hai bên vẫn còn tranh cãi về các lĩnh vực phải mở cửa, nên CEPA vẫn chưa ký kết đúng kỳ hạn. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ khu vực mậu dịch tự do được ký kết với ASEAN, Ấn Độ còn ký kết Hiệp định FTA với Singapore từ năm 2004, trong đó xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 27000 mặt hàng. Ngoài ra, Ấn Độ và Thái Lan còn tích cực ký kết hiệp tự do thương mại. Bộ trưởng Công thương nước này bày tỏ, Ấn Độ nỗ lực đạt được hiệp định này vào cuối năm 2011, hiệp định này sẽ khiến thuonwg mại hai nước tăng gấp đôi vào năm 2014[3]. Từ ngày 24-26/1/2012, Thủ tướng Thái Lan Yingluk thăm chính thức Ấn Độ, hai nước đã ký kết hiệp định khung về đàm phán mậu dịch tự do thương mại, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012[4]. Hợp tác khu vực mậu dịch tự do giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng đạt được bước tiến dài, năm 2008 Ấn Độ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các nước Hàn Quốc và Nhật Bản là đối tác trọng điểm trong việc phát triển khu vực mậu dịch tự do của Ấn Độ. Ngày 7/8/2009, Ấn Độ và Hàn Quốc ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện. Ngày 6/11/2009, Hàn Quốc phê chuẩn hiệp định này. Ngày 16/2/2011, Ấn Độ và Nhật Bản ký kết hiếp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện.

3. Tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương

Một là, Ấn Độ ký kết các hiệp định hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực này. Từ sau thế kỷ XXI, cùng với sự chuyển biến về chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ, ngoại giao an ninh Mỹ - Ấn đã bước vào thời kỳ mới. Tháng 6/2005, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết “Hiệp định khung về hợp tác quốc phòng 10 năm”. Từ năm 2009 – 2011, Thủ tướng và Tổng thống hai nước Ấn Nga đã viếng thăm lẫn nhau, trong đó tháng 12/2009, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong chuyến viếng thăm Nga đã ký kết sáu hiệp định hợp tác về các lĩnh vực quân sự và hạt nhân. Ngày 4/10/2011, tại Moscow, Ấn Nga đã tổ chức Hội nghị đánh giá về quan hệ quốc phòng thường niên, hai bên bày tỏ mong muốn “áp dụng mọi hành động cần thiết để tăng cường mở rộng hợp tác song phương trên nền tảng cùng có lợi”, trong hiệp định được Chính phủ hai nước ký kết sau Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban hợp tác kỹ thuật quân sự, hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ quốc phòng, và nỗ lực thúc đẩy trên các phương diện nhằm “làm sâu sắc hơn quan hệ về phát triển kỹ thuật quốc phòng, hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và hợp tác sản xuất các sản phẩm quân dụng.” Năm 2008, trong chuyến viếng thăm Nhật Bản lần thứ hai, Thủ tướng Singh đã ký kết “Tuyên bố chung về đảm bảo an ninh Nhật Ấn” với Nhật Bản, điều này đã đánh dấu việc hai nước này thiết lập quan hệ đồng minh về quân sự. Tháng 5/2003, Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Tuyên bố khung về hợp tác toàn diện, trong đó nhấn mạnh sẽ từng bước mở rộng hợp tác trên lĩnh vực an ninh và quốc phồng. Năm 2007, Ấn Độ và Việt Nam trong “Tuyên bố chung về quan hệ hợp tác đối tác chiến lược” thì hợp tác về quân sự và an ninh là trọng điểm. Hai bên bày tỏ sẽ tăng cường hợp tác trên các phương diện mua sắm trang bị, các hạng mục hợp tác, huấn luyện và trao đổi tin tức tình báo.

Hai là, về hợp tác kỹ thuật và mua sắm trang bị quân sự. Ngày 18/11/2009, trợ lý Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quân sự Nam Á của Quốc hội Mỹ là Rogers Blake tuyên bố, Mỹ sẽ cung cấp hợp đồng quân sự trị giá 18 tỉ USD với Ấn Độ. Tháng 1/2010, Bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm Mỹ là Gates kêu gọi Mỹ Ấn tiến hành các hợp tác quân sự mật thiết hơn, ông bày tỏ sẽ nới lỏng các quy định xuất khẩu với Ấn Độ nhằm cung cấp diễn đàn chia sẻ về kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Đồng thời, Mỹ và Ấn còn tiến hành đàm phán về hợp tác quân sự khác nhằm mở ra các hợp tác mật thiết hơn về quân sự giữa hai nước. Ngày 26/1/2011, Mỹ tuyên bố xóa bỏ “danh sách đen” về việc xuất khẩu các thiết bị quân sự sang Ấn Độ, trong bao gồm tổ chức nghiên cứu hàng không vũ trụ Ấn Độ và các tổ chức nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ phụ trách nghiên cứu vũ khí. Chính phủ Mỹ thậm chí chuẩn bị bước tiến “chào đón và ủng hộ” Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của bốn tổ chức kiểm soát xuất khẩu, trong đó bao gồm các nước cung ứng hạt nhân. Tháng 2/2011, Bộ trưởng thương mại Mỹ Gary Locke thăm Ấn Độ, dẫn theo người đứng đầu của 24 tập đoàn Mỹ, bao gồm các doanh nghiệp về công nghiệp quốc phòng như Boeing, Locke Martin và Westinghouse Electric. Lượng vũ khí Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chiếm đến 30% tổng số nhập khẩu. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu các loại tên lửa đối không hành trình ngắn như S-300, Pechoras và OSA-AK. Năm 2001, Nga hứa sẽ giúp đỡ Ấn Độ xây dựng hệ thống phòng không đạn đạo, đồng thời cung cấp hệ thống phòng không S-300V và S-300PMU. Ngày 15/12/2011, Thủ tướng Ấn Singh thăm Moscow, đã ký kết nhiều hiệp định về quốc phòng và năng lượng nguyên tử với Nga. Theo hiệp định mới ký kết này, Nga sẽ bán cho Ấn Độ 42 máy bay Su-30MKI (mỗi chiếc trị giá 80 triệu USD), ngoài ra Ấn Độ còn sản xuất chiến đấu cơ Su-30MKI nội địa, đồng thời sử dụng các thiết bị điện tử được sản xuất trong nước. Trước đó, nước này đã ký kết nhiều hợp đồng với Nga về việc mau 230 chiếc chiến đấu cơ Su-30MKI, phía Nga đã hứa sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất các loại máy bay này. Ngoài ra, hai nước còn xác định sẽ chuyển giao Hàng không mẫu hạm Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ. Sau khi ký kết hiệp định, Medvedev đã tuyên bố: “Chúng tôi và Ấn Độ đã đạt được sự hợp tác chưa từng có trên lĩnh vực kỹ thuật quân sự”[5]. Tóm lại, hợp tác quân sự Nga Ấn không ngừng được sâu sắc hóa, vượt qua mối quan hệ giữa bên mua và bên bán, bước vào giai đoạn cùng nghiên cứu phát triển. Về hợp tác trên các lĩnh vực không gian, vũ khi nguyên tử và kỹ thuật vệ tinh, hai nước đã kết hợp chặt chẽ giữa thiết bị quân sự và ninh của Ấn Độ và ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. (Còn tiếp)


*Chủ nghiệm Phòng nghiên cứu Chính sách và pháp luật, Viện Nghiên cứu Nam Á, Viện Khoa học xã hội Vân Nam, Trung Quốc

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Nam Á, Trung Quốc, 2012(1)

[1]Jiang Guopeng, Zhao Yi: "Mỹ Ấn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược"; Xinhuanet, 25/11/2009. http://news.xinhuanet.com/world/2009-11/25/content_12533596.htm

[2]Nhìn từ quá trình phát triển của sự nhất thế hóakinh tế khu vực có thể thấy rằng, tuy khái niệm khu vực mậu dịch tự do ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhưng cho đến nay vẫn chưa xuất hiện tập đoàn mậu dịch tự do tuyệt đối, tự do hóa chỉ thể hiện là một xu thế phát triển ưu tiên thương mại. Vì thế, ngoại trừ việc chú thích đặc biệt, khái niệm khu vực tự do thương mại được nhắc đến trong bài viết bao gồm các sự bố trí ưu tiên thương mại nằm ngoài đồng minh thuế quan. Hình thức khu vực tự do mậu dịch về nghĩa rộng chủ yếu bao gồm các tổ chức như:   PTA, FTA, CECAEPA/CEPA, CERCEP… Nếu phân biệt theo nghĩa hẹp, khu vực mâu dịch tự do giữa Ấn Độ và ASEAN thuộc về hình thức FTA, khu vực mậu dịch tự do giữa Ấn Độ và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore thuộc về phạm trù EPA/CEPA.

[3] "Ấn Độ và Thái Lan sẽ hoàn tất đàm phán Khu thương mại tự do vào cuối năm", 8/4/2011. http://fta.mofcom.gov.cn/article/fzdongtai/201104/5834_1.html

[4]Zhang Shuo: "Thái Lan, Ấn Độ ký kết Hiệp định thương mại tự do trong năm nay", 31/1/2012. http://www.cacs.gov.cn/news/indexnewshow.aspx?articleId=93948

[5] Zhang Le: "Nga sẽ trang bị tàu sân bay mới cho Ấn Độ trong một năm"; Xinjing News,18/12/2011。

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Bình luận của bạn

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục