Phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại đối thoại Shangri La 2018 (Phần 2)
Thưa các bạn,
Trở lại khu vực của chúng ta, sự gắn kết ngày càng tăng của Ấn Độ đi kèm với sự hợp tác kinh tế và quốc phòng sâu sắc hơn. Chúng tôi có nhiều hiệp định thương mại ở khu vực này hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Chúng tôi có các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (Comprehensive Economic Partnership Agreements) với Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chúng tôi có các Hiệp định Thương mại tự do (Free Trade Agreements) với ASEAN và Thái Lan. Và, chúng tôi hiện nay tham gia tích cực vào việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Tôi vừa mới thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Indonesia, hàng xóm của Ấn Độ ở khoảng cách gần 90 hải lý, và không phải cách xa 90 hải lý.
Người bạn của tôi, Tổng thống Widodo và tôi đã nâng cấp quan hệ Ấn Độ - Indonesia lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong số các lợi ích chung khác, chúng tôi có tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên đường từ Indonesia, tôi đã dừng lại một thời gian ngắn ở Malaysia để gặp một trong những nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất của ASEAN, Thủ tướng Mahathir.
Thưa các bạn,
Lực lượng vũ trang Ấn Độ, đặc biệt là Hải quân của chúng tôi, đang xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì hòa bình và an ninh, cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Họ đào tạo, diễn tập và thực hiện các sứ mệnh thiện chí xuyên khu vực. Ví dụ, với Singapore, chúng tôi có diễn tập hải quân không gián đoạn dài nhất, hiện nay đang ở năm thứ 25.
Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu một cuộc diễn tập ba bên với Singapore và chúng tôi hi vọng mở rộng với các quốc gia ASEAN khác. Chúng tôi làm việc với các đối tác như Việt Nam để xây dựng năng lực cho nhau. Ấn Độ tiến hành Diễn tập Malabar với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhiều đối tác khu vực tham gia cuộc Diễn tập của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, và tham gia Diễn tập hải quân RIMPAC ở Thái Bình Dương.
Chúng tôi tích cực trong Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại các tàu ở châu Á - ngay trong thành phố này.
Thưa các quý vị khán giả thượng khách, ở trong nước, sứ mệnh chính của chúng tôi là biến Ấn Độ thành một nước Ấn Độ Mới vào năm 2022, khi nền Độc lập Ấn Độ sẽ được 75 năm tuổi trẻ.
Chúng tôi sẽ duy trì tăng trưởng từ 7.5 đến 8% mỗi năm. Khi nền kinh tế của chúng tôi tăng trưởng, hội nhập khu vực và toàn cầu của chúng tôi sẽ tăng lên. Một quốc gia với trên 800 triệu thanh niên biết rằng tương lai của họ sẽ được đảm bảo không chỉ bằng quy mô của nền kinh tế Ấn Độ mà còn bởi độ sâu của sự gắn kết toàn cầu. Hơn bất cứ nơi nào khác, mối quan hệ của chúng tôi sẽ sâu sắc hơn và sự hiện diện của chúng tôi sẽ tăng lên trong khu vực. Nhưng, tương lai mà chúng tôi tìm cách xây dựng cần một nền tảng ổn định của hòa bình. Và, điều này chưa có gì chắc chắn.
Có những dịch chuyển trong quyền lực toàn cầu, sự thay đổi trong đặc tính của nền kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn hàng ngày trong công nghệ. Nền tảng của trật tự toàn cầu dường như rung chuyển. Và, tương lai có vẻ ít chắc chắn hơn. Đối với tất cả sự tiến bộ của chúng ta, chúng ta sống bên bờ vực của sự không chắc chắn, của những câu hỏi chưa có lời đáp và những tranh chấp chưa được giải quyết; các cuộc đấu tranh và những tuyên bố; những tầm nhìn va chạm và những mô hình cạnh tranh.
Chúng tôi thấy sự bất an về nhau và sự tăng chi tiêu cho quân sự; sự xáo trộn bên trong biến thành sự căng thẳng bên ngoài; và những đường đứt gãy trong thương mại và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Trên tất cả, chúng tôi thấy sự áp đảo của quyền lực hơn là sự trông cậy vào những chuẩn mực quốc tế. Giữa tất cả những điều này, có những thách thức chạm vào tất cả chúng ta, bao gồm mối đe dọa không hồi kết của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Đây là một thế giới của những vận may và thất bại phụ thuộc lẫn nhau. Và, không quốc gia nào có thể tự định hình và tự bảo vệ mình.
Đó là một thế giới đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên những chia rẽ và cạnh tranh để làm việc cùng nhau. Liệu điều đó có thể không?
Vâng. Điều đó là có thể. Tôi xem ASEAN như là một hình mẫu và nguồn cảm hứng. ASEAN đại diện cho mức độ đa dạng nhất về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, quản trị và thịnh vượng của bất kỳ tổ chức nhóm nào trên thế giới.
Nó được hình thành khi Đông Nam Á là tiền tuyến của cuộc cạnh tranh toàn cầu, sân khấu của một cuộc chiến tranh tàn khốc và một khu vực của những quốc gia không chắc chắn. Tuy nhiên, hôm nay, ASEAN đã thống nhất mười quốc gia đằng sau một mục đích chung. Sự thống nhất của ASEAN là thiết yếu cho một tương lai ổn định của khu vực này.
Và, mỗi chúng ta phải ủng hộ (ASEAN), không làm suy yếu (ASEAN). Tôi đã tham dự bốn Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tôi tin rằng ASEAN có thể gắn kết một khu vực rộng lớn hơn. Bằng nhiều cách, ASEAN đã dẫn dắt quá trình này. Khi làm như vậy, nó đã đặt nền móng cho Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) - hai sáng kiến quan trọng của ASEAN - bao trùm khu vực địa lý này.
Thưa các bạn,
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực tự nhiên. Đó là nơi của rất nhiều cơ hội và thách thức toàn cầu. Mỗi ngày trôi qua, tôi càng tin rằng, định mệnh của những người sống trong khu vực như chúng ta được liên kết với nhau. Hôm nay, chúng ta được kêu gọi để vượt lên trên những chia rẽ và cạnh tranh để làm việc cùng nhau.
Mười quốc gia của Đông Nam Á kết nối hai đại dương trong cả ý nghĩa về địa lý và văn minh. Do đó, tính bao trùm, tính mở và sự trung tâm của ASEAN nằm ở trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới. Ấn Độ không xem Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một chiến lược hay như một câu lạc bộ của những thành viên giới hạn.
Cũng không phải là một nhóm tập hợp để tìm cách thống trị. Và chúng tôi hoàn toàn không xem đó là nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. Một định nghĩa về địa lý như vậy không thể nào tồn tại. Do đó, tầm nhìn của Ấn Độ về Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một tầm nhìn tích cực. Và, tầm nhìn đó có nhiều khía cạnh.
Một là,
Nó đại diện cho một khu vực tự do, mở, bao trùm, bao gồm tất cả chúng ta trong một sự nghiệp chung vì sự tiến bộ và thịnh vượng. Nó bao gồm tất cả các quốc gia trong vùng địa lý này cũng như các quốc gia khác bên ngoài khu vực có lợi ích trong đó.
Hai là,
Đông Nam Á là trung tâm của nó. Và, ASEAN đã đang và sẽ là trung tâm của nó trong tương lai. Đó là tầm nhìn sẽ luôn hướng dẫn Ấn Độ, bởi vì chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác cho một kiến trúc vì hòa bình và an ninh trong khu vực này.
Ba là,
Chúng tôi tin rằng sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta yêu cầu chúng ta tiến triển, thông qua đối thoại, một trật tự dựa trên các quy tắc chung cho khu vực. Và, nó phải áp dụng như nhau cho tất cả các cá nhân cũng như toàn cầu. Một trật tự như thế phải tin vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, bất chấp kích cỡ (lãnh thổ) và sức mạnh. Những quy tắc và chuẩn mực này nên được dựa trên sự đồng thuận của tất cả chứ không phải dựa trên sức mạnh của một số ít. Điều này phải dựa trên niềm tin vào đối thoại và không dựa vào vũ lực. Điều đó cũng có nghĩa là khi các quốc gia đưa ra các cam kết quốc tế thì phải thực hiện chúng. Đây là nền móng của niềm tin của Ấn Độ trong chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực; và của sự cam kết nguyên tắc của chúng tôi đối với quyền lực của luật pháp. (Xem tiếp phần 3)
Nguồn: http://viisas.vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/Pages/diem-nhan.aspx?ItemID=560
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục