Phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại đối thoại Shangri La 2018 (Phần 3)
Bốn,
Chúng ta đều phải có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế đối với việc sử dụng không gian chung trên biển và trên không, điều sẽ đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và sự giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Khi tất cả chúng ta đều thống nhất tuân theo quy tắc đó, các tuyến đường biển của chúng ta sẽ là những con đường dẫn đến sự thịnh vượng và hành lang hòa bình. Chúng ta cũng sẽ có thể cùng nhau ngăn chặn tội ác hàng hải, bảo tồn sinh thái biển, bảo vệ chống lại thiên tai và phát triển thịnh vượng từ nền kinh tế xanh.
Năm,
Khu vực này, và tất cả chúng ta, đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Ẩm thực Ấn Độ là một trong những ví dụ tốt nhất về những lợi ích này! Nhưng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng lên - trong hàng hóa và dịch vụ. Các giải pháp không thể được tìm thấy phía sau những bức tường bảo hộ, mà phải trong sự chấp nhận thay đổi. Những gì chúng tôi tìm kiếm là một sân chơi bình đẳng cho tất cả. Ấn Độ ủng hộ chế độ thương mại quốc tế mở và ổn định. Chúng tôi cũng ủng hộ môi trường thương mại dựa trên quy tắc, mở, cân bằng và ổn định ở Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giúp tất cả các quốc gia được nâng lên trên dòng thủy triều của thương mại và đầu tư. Đó là những gì chúng tôi kỳ vọng ở quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. RCEP cần phải toàn diện, như cái tên của nó gợi ra, và những nguyên tắc mà nó tuyên bố. Nó phải có sự cân bằng giữa thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Sáu,
Sự kết nối là thiết yếu. Nó không chỉ thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng. Nó thống nhất một khu vực. Ấn Độ đã ở ngã tư đường trong nhiều thế kỷ. Chúng tôi hiểu lợi ích của sự kết nối. Có nhiều sáng kiến kết nối trong khu vực. Để những sáng kiến này thành công, chúng ta không chỉ cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta còn phải xây những cây cầu của sự tin cậy. Và để có được điều đó, những sáng kiến này phải dựa trên sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự tham vấn, quản trị tốt, minh bạch, tính khả thi và bền vững. Chúng phải trao quyền cho các quốc gia, không phải là đặt họ dưới gánh nặng của những khoản nợ không thể trả. Chúng phải thúc đẩy thương mại, không phải làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược. Dựa trên những quy tắc này, chúng tôi sãn sàng làm việc với tất cả mọi người. Ấn Độ đang làm phần việc của mình, tự mình và trong quan hệ đối tác với các quốc gia khác như Nhật Bản - ở Nam Á và Đông Nam Á, ở Ấn Độ Dương, châu Phi, Tây Á và xa hơn. Và, chúng tôi là những cổ đông quan trọng trong Ngân hàng Phát triển mới và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.
Cuối cùng,
Tất cả những điều này là có thể, nếu chúng ta không quay trở lại thời đại của những kình địch, ganh đua giữa các cường quốc (great power rivalries), tôi đã nói điều này trước đây: Châu Á của sự ganh đua sẽ khiến tất cả chúng ta tụt lại phía sau. Châu Á của sự hợp tác sẽ định hình thế kỷ này. Vì vậy, mỗi quốc gia cần phải tự hỏi mình: Lựa chọn xây dựng một thế giới thống nhất hơn, hay là ép buộc những chia rẽ mới? Đó là trách nhiệm của cả những cường quốc hiện tồn và những cường quốc đang trỗi dậy. Sự cạnh tranh là bình thường. Nhưng, cạnh tranh không được biến thành xung đột; sự khác biệt không được phép trở thành tranh chấp.
Kính thưa các quý vị khán giả thượng khách, việc duy trì quan hệ đối tác trên cơ sở những giá trị và lợi ích chung là bình thường. Ấn Độ cũng có nhiều đối tác trong khu vực và xa hơn.
Chúng tôi sẽ làm việc với họ, riêng lẻ hoặc trong các dạng thức ba quốc gia hoặc nhiều hơn, vì một khu vực ổn định và hòa bình. Nhưng, mối quan hệ hữu nghị của chúng tôi không phải là những liên minh kiềm chế (ngăn chặn). Chúng tôi lựa chọn phía của những nguyên tắc và giá trị, của hòa bình và tiến bộ, không phải phía của sự chia rẽ hay phía nào khác. Mối quan hệ của chúng tôi trên khắp thế giới sẽ khẳng định vị trí của chúng tôi.
Và, khi chúng ta có thể làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ có thể đối mặt với những thách thức thực sự của thời đại. Chúng ta sẽ có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúng ta sẽ có thể đảm bảo sự không phổ biến (vũ khí hạt nhân). Chúng ta sẽ có thể bảo vệ người dân của chúng ta trước các mối đe dọa khủng bố và an ninh mạng.
Để kết luận, hãy cho phép tôi nói lại điều này: Sự tham gia của Ấn Độ ở Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - từ bờ biển châu Phi đến bờ biển châu Mỹ - sẽ mang tính bao trùm. Chúng tôi là những người kế thừa triết lý Vedanta, tin vào tính hợp nhất thiết yếu của tất cả, và tôn vinh sự thống nhất trong đa dạng, एकम सत्यम, विप्राः बहुदावदंति – Chân lý chỉ có một, người có học nói về nó theo nhiều cách khác nhau. Đó là nền tảng của đặc tính văn minh của chúng tôi – của chủ nghĩa đa nguyên, cùng tồn tại, tính mở và đối thoại. Những lý tưởng về dân chủ xác định chúng tôi là một quốc gia đồng thời định hình cách chúng tôi gắn kết với thế giới.
Vì vậy, điều đó được diễn dịch thành năm chữ S trong tiếng Hindi: सम्मान (Tôn trọng - respect); सम्वाद (đối thoại - dialogue); सह्योग (hợp tác - cooperation), शांति (hòa bình - peace), và समृद्धि (thịnh vượng - prosperity). Thật dễ dàng để học những từ này! Vì vậy, chúng ta hãy gắn kết với thế giới trong hòa bình, tôn trọng, thông qua đối thoại và sự cam kết tuyệt đối với luật pháp quốc tế.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy một trật tự quốc tế dân chủ và dựa trên các quy tắc, trong đó tất cả các quốc gia, nhỏ và lớn, phát triển thịnh vượng như những quốc gia bình đẳng và có chủ quyền. Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia khác để giữ cho các vùng biển, không gian và đường hàng không được tự do và mở; các quốc gia của chúng ta được bảo vệ chống lại chủ nghĩa khủng bố; và không gian mạng của chúng ta không bị gián đoạn và xung đột. Chúng tôi sẽ giữ cho nền kinh tế của chúng tôi mở và sự gắn kết của chúng tôi minh bạch. Chúng tôi sẽ chia sẻ tài nguyên, thị trường và sự thịnh vượng với các bạn và các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm một tương lai bền vững cho hành tinh của chúng ta, thông qua Liên minh Năng lương mặt trời quốc tế mới (International Solar Alliance) cùng với Pháp và các đối tác khác.
Đây là cách chúng tôi mong muốn bản thân và các đối tác của chúng tôi tiến bước trong khu vực rộng lớn này và xa hơn. Trí tuệ cổ xưa của khu vực là di sản chung của chúng ta. Thông điệp của Đức Phật về hòa bình và lòng từ bi bác ái đã kết nối tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta đã đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại. Và, chúng ta đã trải qua sự tàn phá của chiến tranh và hi vọng của hòa bình. Chúng ta đã nhìn thấy giới hạn của quyền lực. Và, chúng ta đã nhìn thấy thành quả của sự hợp tác.
Thế giới này đang ở ngã tư đường. Có những cám dỗ của những bài học tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhưng, cũng có con đường của tuệ giác. Nó đưa chúng ta tới mục đích cao hơn: vượt lên trên tầm nhìn hẹp hòi về lợi ích và thừa nhận rằng mỗi chúng ta có thể phục vụ cho lợi ích của mình tốt hơn khi chúng ta làm việc cùng nhau như những đồng đẳng vì lợi ích lớn hơn của tất cả các quốc gia. Tôi ở đây để hối thúc tất cả đi theo con đường đó.
Trân trọng cảm ơn.
Cảm ơn rất nhiều.
Nguồn: http://viisas.vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/Pages/diem-nhan.aspx?ItemID=560
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024