Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phật tử đến thánh địa Phật giáo gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Phật tử đến thánh địa Phật giáo gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, vừa kết thúc buổi thuyết pháp kéo dài ba ngày tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, nơi được gọi là “thánh địa giác ngộ”. Buổi thuyết pháp thu hút hơn 100.000 người chủ yếu là người Tây Tạng từ khắp nơi trên thế giới. Sự hưởng ứng đông đảo này khiến ban tổ chức bất ngờ, bởi sự kiện diễn ra trùng với thời điểm truyền thông Ấn Độ đang đưa tin về làn sóng Covid mới đang càn quét tới đất nước này.

12:01 17-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Covid đã không còn trong tâm trí của những người hành hương và tín đồ đạo Phật, mặc dù nhiều người đeo khẩu trang theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Theo ước tính của cảnh sát Ấn Độ, khoảng 100.000 người đã tập trung tại một cánh đồng rộng lớn bên cạnh đền Mahabodhi linh thiêng, nơi có cây Bồ đề mà Đức Phật Gautama đã thành đạo.

Nhà văn và nhà hoạt động xã hội người Tây Tạng Tenzin Tsundue, người đã sống ở Dharamsala, quê hương của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong bốn thập kỷ qua, đã theo ngài đến Bồ Đề Đạo Tràng. Anh cho rằng nguyên nhân chính của việc nhiều người đến nghe giảng pháp là vì “Covid đã dập tắt nhiều ước nguyện của chúng sinh”, và đây là cơ hội để mọi người củng cố tinh thần và sự gắn kết gia đình.

Ông nói: "Không phải ai cũng có thể đến Dharmsala. Nhưng không gian này thu hút Phật tử vì họ không chỉ được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và còn nhận được sự ban phước của ngài, tại ngôi đền thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng. Xung quanh đây còn rất nhiều địa điểm hành hương".

"Hành hương giống như một nghi thức lễ hội đối với người Tây Tạng, và việc cả gia đình cùng đi hành hương trở thành một nét văn hóa trong cộng đồng người Tây Tạng. Ông giải thích rằng, người Tây Tạng từ Ấn Độ, Nepal và Bhutan, đã chọn Bồ Đề Đạo Tràng làm nơi gặp gỡ người thân đang sống ở những nơi xa như Seattle, Washington, Australia, hay Châu Âu. Họ đến đây dịp này do có sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ đi thăm chùa và đi hành hương, kết hợp gặp mặt cả đại gia đình."

Trước đại dịch Covid-19, khoảng nửa triệu người hành hương đã đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng để bày tỏ lòng tôn kính đối với cây bồ đề đã che chở cho Đức Phật đạt giác ngộ. Ngôi đền Mahabodhi đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2002, và đây là địa điểm hành hương linh thiêng nhất đối với những người theo đạo Phật từ khắp nơi trên thế giới, giống như Vatican của người theo Công giáo hay thánh địa Mecca của người theo Hồi giáo.

Xung quanh quần thể chùa Mahabodhi có nhiều ngôi chùa mô tả văn hóa và kiến trúc đa dạng của các quốc gia và cộng đồng Phật giáo, chẳng hạn như Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar, Bhutan, Mông Cổ, Trung Quốc, Tây Tạng, Nepal, Nhật Bản và Lào. Không có cộng đồng Phật giáo địa phương ở Bồ Đề Đạo Tràng do hầu hết dân số ở đây theo đạo Hindu và đạo Hồi. Các tu viện ở đây phụ thuộc vào những người hành hương đến từ nước ngoài để duy trì hoạt động.

Chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Bồ Đề Đạo Tràng mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết cho ngành du lịch hành hương nơi đây. Nangzey Dorjee, thư ký của Ủy ban Quản lý Chùa Bodhgaya cho biết, hầu hết các tu viện đã đóng cửa đối với du khách trong gần hai năm.

Chính quyền bang Bihar của Ấn Độ đã thành lập Ủy ban giúp đỡ các tu viện. Ông nói: "Nguồn thu nhập chính đối với các tu viện là tiền quyên góp từ các tín đồ. Ngoài khoản hỗ trợ của Ủy ban hiện nay, sẽ không còn có sự hỗ trợ tài chính nào khác từ phía chính phủ".

"Tất cả các ngôi đền hoạt động nhờ tiền cúng của các tín đồ. Người dân địa phương không có việc làm. Tất cả các ngôi đền nhỏ khác đều phụ thuộc vào ngôi đền chính này", ông Dorji nói thêm.

Tuy nhiều du khách hành hương đến đây nhưng không có nghĩa là các ngôi đền địa phương nhận được hầu hết các khoản quyên góp của họ. Ngoài ra còn có các dãy gian hàng công đức quyên góp cho các tu viện và các tổ chức Phật giáo Tây Tạng khác trên khắp Ấn Độ, Nepal, Bhutan, xếp dọc con đường đối diện với chùa Mahabodhi.

“Bất cứ khi nào có buổi cầu nguyện như thế này, việc quyên góp là điều tự nhiên bởi vì mọi người nghĩ rằng đây là một cách để đóng góp từ số tiền họ vất vả kiếm được, để đóng góp cho các tu viện nơi đang nuôi dưỡng các em nhỏ học Phật giáo. Vì vậy, mọi người luôn hào phóng quyên góp cho giáo dục Phật giáo và nuôi dưỡng các chú tiểu" ông Tsundue giải thích.

Du khách hào phóng quyên góp tại nhiều quầy hàng. Các tình nguyện viên phát hành hóa đơn biên nhận cho mỗi lần đóng góp. "Mọi gia đình sẽ đảm bảo rằng họ chia 1000, 10.000 hoặc 100.000 rupee thành những khoản tiền công đức để mang lại sự thay đổi nhỏ," Tsundue nói.

Do đó, các nhà buôn địa phương đã làm ăn phát đạt khi đổi các bó tiền lẻ 10, 20 hoặc 50 rupee cho những người sùng đạo để đổi lấy những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn. Điều này cho phép những người hành hương quyên góp những khoản tiền rất nhỏ lẻ.

Xung quanh các tu viện là một thị trấn du lịch hành hương điển hình với hàng trăm khách sạn, quán cà phê, đồ lưu niệm và các cửa hàng, rất nhiều người bán hàng rong và một số lượng lớn người ăn xin đến Bồ Đề Đạo Tràng để xin tiền từ tấm lòng từ bi của những hành hương.

Chủ cửa hàng lưu niệm Lolu nói: "trong thời kỳ đại dịch, cửa hàng của tôi đã đóng cửa và tôi thậm chí không có đủ tiền ăn", anh nói thêm "Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang lại nghiệp tốt cho tôi".

“Đạt Lai Lạt Ma đã đến đây thường xuyên trước Covid,” Dorje nói. “Ông ấy là một trong những nhân vật hiếm có và không chỉ đối với Phật giáo, ông ấy còn là một nhân vật của thế giới, ông ấy thật đặc biệt.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện 87 tuổi, đến sân bằng một chiếc xe golf và phải có hai nhà sư hỗ trợ mới có thể bước lên sân khấu và ngồi xuống. Tuy nhiên, tâm trí của ông vẫn tỉnh táo và minh mẫn. Ngài thuyết pháp hơn một giờ mỗi ngày mà không hề ngập ngừng hay nói lắp.

Sâu trong tâm trí của nhiều tín đồ Tây Tạng, họ mong nghe được những lời dạy của ngài và ở gần nhân cách lôi cuốn của ngài.

Phật giáo và văn hóa Tây Tạng ngày nay có sức hấp dẫn lớn và thực tế là có nhiều người không phải người Tây Tạng cũng tới đây, chẳng hạn như người phương Tây, người Việt Nam, người Thái Lan và nhiều người gốc Hoa từ Đông Nam Á. Giáo sư Geshe Ngawang Samten, phó hiệu trưởng Đại học Trung tâm Tây Tạng ở Sarnath, Ấn Độ, nói rằng, chính vì người Tây Tạng không có nhà riêng nên truyền thống Phật giáo của họ đã lan rộng khắp nơi.

Giáo sư Samten cũng chỉ ra phẩm chất đặc biệt trong những lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thu hút tín đồ toàn thế giới. "Ông ấy thu hút sự chú ý vì ông ấy rất lý trí; đầu óc ông ấy rất khoa học. Cách ông ấy giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cá nhân hoặc trong đời sống xã hội thông qua việc hiểu rõ tình hình, mang tới công cụ hoặc giải pháp để thay đổi từng người hoặc thay đổi cả hệ thống xã hội thông qua thay đổi trong hệ thống giáo dục."

"Mọi người ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma vì điều đó. Và Ngài không chỉ tuyên truyền và truyền bá Phật giáo”, Giáo sư Samten nhận xét.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục