Phía sau thành công của những người Mỹ gốc Ấn
Nhiều người Mỹ gốc Ấn Độ vẫn chưa hiểu hết bối cảnh dẫn đến những thành công của họ khi bước vào cuộc sống trên đất Mỹ, và những mối quan hệ giữa người Mỹ gốc Ấn Độ với những nhóm khác không phải người da trắng.
Năm 1978, chỉ vài năm sau khi rời Ấn Độ đến định cư ở Texas (Mỹ), cha mẹ tôi quyết định chuyển ra khỏi khu phố trung lưu của chúng tôi ở tây nam Houston. Ngôi nhà mới của chúng tôi, chỉ cách nhà cũ một vài dặm, có thiết kế riêng, hiện đại, trên một lô đất rộng một mẫu Anh ở khu “nhà giàu” Piney Point Village, dân số khu này là 3.419 người, một cộng đồng vương giả xứng với danh hiệu “thành phố giàu nhất ở Texas.” Chúng tôi có một hồ bơi và một ga ra đủ chỗ cho ba chiếc ô tô, nơi bố tôi, một bác sĩ chuyên khoa dị ứng học, đậu chiếc Cadillac màu bạc của ông, và mẹ tôi đậu chiếc Mercedes màu ngà của bà. Rõ ràng là chúng tôi đã an cư lạc nghiệp trên đất Mỹ rồi.
Giống như vô số những người nhập cư khác, cha mẹ tôi đến Mỹ vào năm 1969, với ít tiền mặt trong tay. Trong vòng một vài năm, người mẹ sùng đạo Hindu của tôi, mẹ mồ côi từ khi còn nhỏ, đã chuyển từ áo sari truyền thống của Ấn Độ sang váy ngắn tennis và đang thi đấu tại các câu lạc bộ sang trọng nhất của Houston. Cha tôi, người mãi tới năm 10 tuổi mới được mua đôi giàu đầu tiên, đang mua vé xem cả mùa tại dàn nhạc giao hưởng Houston Symphony, nơi ông vừa xem vừa ngủ gật trong mỗi buổi biểu diễn.
Thế giới của chúng tôi tràn ngập các bác sĩ và kỹ sư Ấn Độ. Chúng tôi không ngừng hỏi tại sao người Ấn Độ gia nhập xã hội Mỹ nhanh chóng như vậy. Chúng tôi chỉ đơn giản chấp nhận rằng, thành công của họ là sự kết hợp giữa sức hút của người nhập cư và các giá trị đúng đắn. Đó là, người Ấn Độ luôn hướng về gia đình, định hướng giáo dục tốt và định hướng công việc đúng.
Có một thuật ngữ chỉ vị trí của chúng tôi trong trật tự chủng tộc của đất nước này: thiểu số kiểu mẫu. Khái niệm này bắt nguồn từ một bài báo đăng năm 1966 trên Tạp chí New York Times của nhà xã hội học William Petersen, tập trung mô tả người Mỹ gốc Nhật; khái niệm này sau đó đã được mở rộng cho những người Mỹ gốc Á khác. Tất nhiên, khái niệm “thiểu số kiểu mẫu” đi kèm với nhóm đối lập, là nhóm “thiểu số có vấn đề”. Thuật ngữ này đã ra đời vào thời điểm bất ổn xã hội căng thẳng: bạo loạn chủng tộc trên khắp đất nước, vụ ám sát Martin Luther King Jr., sự xuất hiện của “chiến lược miền Nam” mang tính chủng tộc của cựu Tổng thống Richard Nixon. Nhiều người Mỹ đã đánh mất niềm tin vào khả năng có sự bình đẳng giữa các chủng tộc.
Ngày nay, thật dễ dàng nhận ra những hình mẫu của sự thành công của người Mỹ gốc Ấn: sự phổ biến khắp nơi của khuôn mẫu “Tiến sĩ Patel”; những đứa trẻ người Mỹ gốc Ấn, năm này qua năm khác, lên ngôi vô địch cuộc thi chính tả toàn quốc Scripps National Spelling Bee; một Phó Tổng thống mới đắc cử, bà Kamala Harris, có mẹ là người Ấn Độ; và đáng chú ý nhất là thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình gốc Ấn thuộc hàng cao nhất so với bất kỳ nhóm nào ở Mỹ. Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ do Donald Trump cử tới Liên Hợp Quốc, là người gốc Ấn Độ có cha mẹ di cư đến Mỹ vào cuối những năm 60, đã tóm tắt một quan điểm phổ biến: “Người gốc Ấn Độ chủ yếu thành công với cuộc sống Mỹ”.
Điều bị lãng quên là trước khi người Mỹ gốc Ấn trở thành thiểu số kiểu mẫu, chúng tôi bị coi là thiểu số có vấn đề. Một điều nữa cũng bị lãng quên là mức độ mà Mỹ đã tạo điều kiện cho phép một số nhóm không phải người da trắng được phát triển mạnh.
Đây là một thực tế mà bản thân những người Mỹ gốc Ấn thường tỏ ra mù quáng. Họ sống thoải mái trong các thị trấn đại học, các trung tâm công nghệ và các vùng ngoại ô do người da trắng chiếm ưu thế. Do đó, người Mỹ gốc Ấn không thấy họ có điểm chung gì với những người Mỹ không phải là người da trắng. Như thể cuộc sống trong lớp vỏ bảo vệ là hiển nhiên, và như thể người gốc Ấn không có lợi ích chung với các nhóm nhập cư khác.
Vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, sau khi Đạo luật Loại trừ ngăn chặn hầu hết người nhập cư từ Trung Quốc, các nhà tuyển dụng Bắc Mỹ cần lao động đã chuyển sang thuê người gốc Ấn Độ, và những người từ các quốc gia khác. Nhà nghiên cứu Erika Lee ghi nhận trong cuốn sách cô xuất bản năm 2015, Quá trình hình thành nhóm người Mỹ gốc châu Á (The Making of Asian America), tờ rơi phủ khắp vùng nông thôn Punjabi hứa hẹn “cơ hội làm giàu” - điển hình là mức lương 2 đô la Mỹ một ngày cho một lao động nam giới khỏe mạnh. Khi lượng của họ tăng lên, những người nhập cư Ấn Độ, chủ yếu làm công việc nông trại hoặc thợ rừng, bắt đầu nhận ra họ đang làm “những công việc ít người muốn làm nhất trong tất cả các chủng tộc đến Mỹ”. Những người theo chủ nghĩa xem xét các yếu tố bẩm sinh bắt đầu lên tiếng cảnh báo về một “sự nổi dậy của những ông quấn khăn trên đầu” (ý nói người Ấn Độ). Những người nhập cư Ấn Độ chủ yếu là đàn ông. Theo luật cấm sống quá gian khổ, họ bị cấm mang theo vợ con. Vì luật này, đàn ông Ấn Độ phải sống không hôn nhân với vợ là người gốc Tây Ban Nha hoặc gốc Phi.
Năm 1920, một tòa án ở Oregon đã cấp quyền công dân cho một người đàn ông tên là Bhagat Singh Thind, là một người nhập cư gốc Ấn Độ từng phục vụ trong Quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một giám định viên việc nhập quốc tịch đã phản đối, và vấn đề được chuyển đến Tòa án Tối cao Mỹ. Trích dẫn luật nhập tịch và di cư thời đó, năm 1923, tòa đã ra phán quyết rằng Thind không phải là người da trắng và từ chối quyền nhập tịch của anh ta. Vào năm 1924, Mỹ đã thông qua Đạo luật Johnson-Reed hà khắc, đạo luật cuối cùng trong hàng loạt đạo luật nghiêm cấm người nhập cư từ các nước châu Á.
Năm 1915, Vaishno Das Bagai, con trai của một chủ đất giàu có ở Peshawar, Ấn Độ đã đến Đảo Angel, thuộc Vịnh San Francisco, Mỹ cùng với vợ, ba con trai và một lượng vàng trị giá 25.000 đô la Mỹ. Ông được nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1921. Nhưng ông bị thu hồi quyền công dân vào năm 1923, dẫn đến việc thanh lý tài sản, bao gồm cả cửa hàng mà ông sở hữu. Năm 1928, ông đã tự sát trong tuyệt vọng. “Tôi đến Mỹ với suy nghĩ chín chắn, với mơ ước và hy vọng biến mảnh đất này thành quê hương của mình”, ông viết trong bức thư tuyệt mệnh, bức thư được đăng trên tờ San Francisco Examiner. “Giờ đây tôi còn gì?”
Thái độ bắt đầu thay đổi trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ đã bắt đầu xóa bỏ một cách có chọn lọc các luật loại trừ người nhập cư, với ý định xây dựng mối quan hệ đồng minh thời chiến với các nước châu Á, và chống lại những nỗ lực tuyên truyền của phát xít Đức và Nhật Bản phê phán lịch sử chủng tộc nghiệt ngã của Mỹ. Quyền nhập tịch được mở rộng cho người nhập cư Trung Quốc vào năm 1943 và cho người nhập cư từ Ấn Độ và Philippines vào năm 1946. Người Mỹ gốc Nhật Bản tất nhiên là một ngoại lệ, lòng trung thành của họ bị nghi ngờ, họ bị vây bắt trong chiến tranh và bị giam giữ trong các trại tạm giam.
Bản chất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á ở Mỹ luôn khác với bản chất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ da đen, vốn đã tồn tại lâu đời từ trước khi nước Mỹ xuất hiện. Tính theo con số tuyệt đối, châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương có dân số ít ỏi, chỉ bằng khoảng 1 phần 50 dân số da đen sống tại Mỹ trong năm 1940. Người Mỹ gốc Phi còn phải đấu tranh trong nhiều thập kỷ nữa để chấm dứt luật phân biệt chủng tộc, và đảm bảo quyền bỏ phiếu, ngay cả khi cánh cửa đó đã mở rộng cho người châu Á.
Khi hết quốc gia này đến quốc gia khác đánh đổ ách thuộc địa, Philippines năm 1946, Ấn Độ và Pakistan năm 1947, Indonesia năm 1949, Mỹ ở vị trí mong manh khi cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng mà không bị mang tiếng là đế quốc. Trong cuốn sách Quyền dân sự thời Chiến tranh Lạnh: Chủng tộc và Hình ảnh của Nền dân chủ Mỹ (Cold War Civil Rights: Race and the Image of American Democracy) xuất bản năm 2011, nhà sử học pháp lý Mary Dudziak đã định hình vấn đề một cách rõ ràng như sau:
Làm thế nào nền dân chủ Mỹ có thể trở thành ngọn hải đăng trong Chiến tranh Lạnh, và là hình mẫu cho những dân tộc đấu tranh chống lại sự áp bức, nếu chính nước Mỹ thực hiện sự phân biệt đối xử tàn bạo đối với các nhóm thiểu số trong nội bộ nước mình?
Sự nghiệp của Dalip Singh Saund đã bắt đầu được gây dựng trong bối cảnh này. Saund, một đảng viên Dân chủ từ bang California, là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Năm 1956, ông suýt đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa, Jacqueline Cochran Odlum, một phi công tiên phong và là người phụ nữ đầu tiên phá vỡ những rào cản vô hình. Bà cảm thấy khó tin rằng, mình đã thua “một người theo đạo Hindu” và không bao giờ tranh cử nữa. Saund trên thực tế là người theo đạo Sikh. Ông đến Mỹ vào năm 1920, trong giai đoạn đỉnh cao của phong trào chống người châu Á. Ông nhận bằng tiến sĩ toán học, nhưng đã trở thành một nông dân thành công (và một thẩm phán vì hòa bình). Ban đầu, ông vẫn đội chiếc khăn xếp truyền thống của người theo đạo Silk, nhưng sau đó ông không đội nữa. Những hình ảnh chúng ta có về ông ấy trong những năm sau này là một người đàn ông bảnh bao trong bộ vest tối màu. Trong một bức ảnh, ông nở một nụ cười ngang hàng khi chào Thượng nghị sĩ John F. Kennedy. Ông ấy đại diện cho một kiểu người Mỹ giữa thế kỷ mới.
Cuộc bầu cử của Saund là một thỏa thuận đủ lớn, đến mức đã có cả một đoàn phóng viên truyền hình CBS làm phim về ông trong ngày đầu tiên ông nắm quyền. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã cử Saund đi công du quốc tế tới Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines. Saund cho biết ông muốn “thể hiện mình là một ví dụ sống động về nền dân chủ Mỹ trong thực tế.”
Năm 1959, Saund tham gia một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình WCKT, bang Miami. Người dẫn chương trình đã giới thiệu ông một cách đầy ấn tượng: “có lẽ đây là nhân vật khó quên nhất mà tôi từng gặp. Là con trai của người cha, người mẹ Ấn Độ xa xôi, những người không biết đọc và không biết viết, Thẩm phán Saund hiện đang giữ vị trí cao, làm việc nghiêm túc trong Quốc hội Mỹ.” Người phỏng vấn dường như đang nói: “Hãy xem bạn đã đi được bao xa. Hãy xem chúng tôi đã đưa bạn đi bao xa”. Nhưng Saund còn làm được nhiều hơn thế.
Năm 1965, Quốc hội Mỹ đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với luật nhập cư để mang lại nhiều công bằng hơn, dưới những áp lực trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh từ hàng chục quốc gia mới độc lập ở châu Á và châu Phi. Mỹ đã loại bỏ công thức trước đây vốn đã rất ủng hộ những người nhập cư từ Tây Âu. Luật mới cũng ưu tiên cho việc đoàn tụ gia đình và những người có tay nghề, và những người nhập cư châu Á cuối cùng đã tận dụng cả hai lợi thế này của họ. Khi luật được thông qua, không ai đoán trước được nó sẽ thay đổi nhân khẩu học của nước Mỹ một cách triệt để như thế nào.
Cha mẹ tôi cũng không lường trước được sự thay đổi trong cuộc sống và vận may của chính họ khi họ đến đất nước này. Họ đã chạy trốn khỏi một nền kinh tế chậm chạp, ì ạch, một nền kinh tế bị những người hoài nghi phương Tây chế nhạo. Quyết định của cha tôi khi chuyển đến Mỹ cùng mẹ tôi ngay lập tức là một hành động cần thiết về kinh tế và là một dấu hiệu cho thấy tham vọng mãnh liệt của ông. Hình ảnh cha mẹ và những đứa em khóc nức nở tiễn ông ra sân bay vẫn còn trong tâm trí ông cho đến ngày nay. “Cả nhà khóc như đi đưa tang”, ông nhớ lại trong cuốn hồi ký tự xuất bản Mẹ gọi tôi là Unni: Câu chuyện của một bác sĩ nhập cư (My Mother Called Me Unni: A Doctor’s Tale of Migration).
Theo nhà sử học Vijay Prashad, cảnh này đã diễn ra trong hàng nghìn gia đình, từ năm 1966 đến năm 1977, đã có 20.000 nhà khoa học, 40.000 kỹ sư và 25.000 bác sĩ từ Ấn Độ nhập cư đến Mỹ. Đa số nói tiếng Anh và đến từ các cộng đồng thuộc tầng lớp thượng lưu (như cha mẹ tôi). Thành phần cộng đồng hải ngoại chỉ đại diện cho một phần nhỏ của Ấn Độ: những người có vốn xã hội và phương tiện trí tuệ để thành công ở nơi xa quê hương, và những người có đủ nguồn lực để gây dựng một cuộc sống mới từ con số không.
Kết quả là họ hình thành một nhóm người thiên về khoa học kỹ thuật trong xã hội, nhưng họ không biết nguyên do sâu xa của việc hình thành cộng đồng này. Những người nhập cư từ Ấn Độ, có bằng cấp cao, đến Mỹ sau đỉnh cao của phong trào dân quyền, họ được hưởng lợi từ một cuộc đấu tranh mà họ chưa tham gia hoặc thậm chí không chứng kiến. Họ không chỉ đến các thành phố mà còn đến các vùng ngoại ô, và nói rộng ra là họ được chấp nhận dễ dàng hơn các nhóm khác không phải người da trắng.
Tôi không nhớ đã nghe đến cái tên Dalip Singh Saund cho đến khi tôi ngoài 30 tuổi, ngay sau khi tôi rời Houston. Tôi cũng chưa nghe nói về Vaishno Das Bagai hay Bhagat Singh Thind. Những cái tên này đã vắng bóng trong thời thơ ấu của tôi. Cứ như thể toàn bộ lịch sử trước khi gia đình tôi đến, những phần lộn xộn, đã bị cắt bỏ. Năm 1965, khi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch được sửa đổi, là Năm số 0 của chúng tôi.
Cha mẹ tôi đến đất nước này vào những ngày cuối năm 1969. Họ định cư lần đầu ở Washington, D.C., sau đó chuyển đến Connecticut, và cuối cùng an cư ở Texas. Trong một tin nhắn gần đây với hai chị gái của tôi, chúng tôi nhớ lại sự phấn khích khi chuyển đến ngôi nhà ở Piney Point, cây cối xanh tươi, sự thanh bình. “Nhưng tôi không cảm nhận được điều đó vào thời điểm đó vì tôi đang bận những việc khác” Kala viết. Tuy nhiên, trong tiềm thức, chúng tôi đã hiểu các quy tắc mới. Chúng tôi bắt đầu vòi vĩnh quần áo hàng hiệu, hiệu Izod và Polo, điều mà mẹ tôi nói với chúng tôi, nhiều năm sau đó, rằng bà rất hối hận vì đã mua sắm cho chúng tôi.
Trong hồi ký của mình, cha tôi kể lại, ông coi đó là sự thay đổi của mẹ tôi và sự khó xử của bà.
Mẹ tôi là một trẻ mồ côi, lớn lên trong một ngôi làng ở bang Kerala yên bình, chỉ có một con phố, một con sông lớn và ba ngôi đền nằm rải rác khắp các cụm nhà thờ của tổ tiên, mẹ Devi của tôi đã cố gắng hết sức để theo được lối sống Mỹ hóa. Bỏ những chiếc sare yêu thích, bà đã cố gắng mặc váy dạ hội, áo khoác lông chồn và bốt da. Từ kiểu tóc tết dài, được nuôi dưỡng chăm chút với những vòng hoa nhài được tết gọn gàng, bà đã học cách búi tóc lên cao hoặc theo ý thích của các nhà tạo mẫu tóc.
Tôi gọi cho mẹ và hỏi mẹ rằng, mẹ đã cảm thấy gì về cách mẹ điều chỉnh lối sống hồi đó. “Đó là tất cả những điều bố con tưởng tượng ra thôi, con biết đấy. Mẹ đã phải sống như những người xung quanh. Để có hòa bình. Và mẹ nghĩ đây là những việc mẹ phải làm”. Khi còn nhỏ, chúng tôi từng tự hào về mẹ, một ngôi sao quần vợt, một người phụ nữ tự học đạp xe ở độ tuổi 30. Tôi đã không biết mẹ căng thẳng ra sao, vì những đứa con, vì chồng, vì thế giới bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi, khi mẹ cố gắng đưa bản thân và gia đình hòa nhập vào cộng đồng mới.
Theo cách này hay cách khác, chị em chúng tôi và tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời. Chúng tôi đã đi du lịch nước ngoài, đến Paris, Lucerne, Venice và Tokyo, những chuyến thăm thường xuyên để gặp lại người thân của chúng tôi ở Ấn Độ. Ngay cả khi là một thanh niên da nâu, tôi vẫn cảm thấy yên tâm. Cha mẹ tôi không bao giờ phải “nói chuyện riêng” với chúng tôi như trong những gia đình người da đen. Đồng thời, tôi biết rõ hơn là không nên phơi bày cuộc sống gia đình mình, ngay cả những thứ đơn giản như đồ ăn trong tủ lạnh, cho người ngoài hay người da trắng phán xét. Tôi nhận ra rằng, vài người da trắng nghĩ rằng, chúng tôi sẽ xuống địa ngục, thức ăn của chúng tôi bốc mùi, rằng phong tục của chúng tôi thật quái đản.
Gần đây, tôi đã tra cứu dữ liệu điều tra dân số hiện tại của vùng Piney Point: Thành phố này có 85% là người da trắng và 12% là người châu Á. Tuy nhiên, dân số da đen đứng ở mức 0,6%, hầu như không tồn tại người da đen ở đây từ nhiều thập kỷ. Nhà sử học Uzma Quraishi, người đã nghiên cứu mô hình cư trú của những người nhập cư gốc Ấn Độ và Pakistan thuộc tầng lớp trung lưu ở khu vực Houston trong những năm 1970 và 80, nhận thấy rằng, mô hình di chuyển của người gốc Ấn Độ gần như giống hệt với những cư dân da trắng rời khỏi khu vực đô thị trung tâm để chuyển tới sống ở các khu dân cư ngoại ô giàu có hơn, bề ngoài là để con cái của họ có thể theo học “trường tốt”, nhưng cũng là để tạo khoảng cách với người da đen. Bà Quraishi gọi quá trình này là “những chuyến bay nâu”. Những người trong chúng ta có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của chúng ta từ thuở nhỏ rằng, “chia để trị” là công cụ đắc lực nhất của chính quyền cai trị thuộc địa. Là người nhập cư, liệu chúng ta có đồng lõa với chiến lược tương tự không?
Trong trận đại dịch từ mùa xuân năm 2020, cha mẹ tôi bị mắc kẹt ở Kerala và ngơ ngác nhìn về nước Mỹ đang dường như bùng nổ, không chỉ vì bệnh tật và kinh tế. Cảnh sát giết người Mỹ da đen không vũ trang đã gây ra sự phẫn nộ và phản đối của cả quốc gia; một phản ứng dữ dội dẫn đầu bởi những người phản đối người da trắng có vũ trang đã nhanh chóng nổ ra. Tôi đã liên lạc với cha mẹ qua email và WhatsApp. Trong một lần liên lạc, tôi hỏi bố điều gì đã thúc đẩy bố và mẹ chuyển đến Piney Point, vào những năm 1970. Bố trả lời: “Có lẽ đó là giấc mơ Mỹ”.
Điều đó “có lẽ” phản ánh sự thật rằng, nhiều năm đã trôi qua và ký ức chỉ là sương mù. Nhưng tôi nghĩ nó còn phản ánh một điều khác: câu chuyện về nước Mỹ gần như không rõ ràng và theo trình tự thời gian tuyến tính trong tâm trí của cha tôi, như những gì nó đã xuất hiện khi cha đến nước Mỹ, vài tháng sau Mỹ đưa người lên mặt trăng. Giấc mơ Mỹ đối với người Mỹ không giống với giấc mơ Mỹ của người mới nhập cư vào Mỹ.
Năm 2017, chỉ vài tuần sau nhiệm kỳ tổng thống của Trump, Srinivas Kuchibhotla, một kỹ sư gốc Ấn Độ, đã bị giết tại một quán bar ở ngoại ô thành phố Kansas. Kẻ giết người đã hét lên: “Cút khỏi đất nước của tôi”. Không lâu sau, tôi nhận được email trong một chuỗi các thư điện tử giữa bố tôi và một vài người bạn tốt của ông, hay còn gọi thân mật là “các bác, các chú của tôi”, tất cả là các bác sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ, đã nghỉ hưu, khoảng 80 tuổi. Họ hiểu rằng vị trí của người Mỹ gốc Ấn Độ về nhiều mặt là một đặc ân, và các mối đe dọa như trên là rất hiếm. Nhưng họ đã lo lắng. Một người viết: “Nếu chúng ta làm ầm lên, những kẻ phân biệt chủng tộc này sẽ bị đánh thức, những người có thể chưa bao giờ nghe nói về người theo đạo Hindu và phong tục của đạo Hindu cũng sẽ có ác cảm”. Một người viết: “Đơn thương độc mã chống lại bọn chúng thì chúng ta bé lại bằng con kiến”. Điều duy nhất cần làm, theo chú ấy nói, là nằm im. Bất chấp tất cả những thành công của họ và gần 50 năm sống ở Mỹ, các bác các chú vẫn phản ứng như thể tính cách Mỹ của họ vẫn còn ít và có điều kiện.
Giống như hầu hết những người bạn cùng trang lứa nhập cư gốc Ấn Độ của họ, các bác các chú đến từ các cộng đồng gặp nhiều thuận lợi và may mắn trong lịch sử. Điều này đã giúp họ có vị thế nổi bật từ hệ thống học thuật khắt khe của Ấn Độ, cho phép họ vươn xa khắp các lục địa và phát triển mạnh mẽ về mặt chuyên môn, đồng thời cho phép họ tự cô lập mình trong những khu dân cư tốt nhất và trắng nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, nó không giúp họ chuẩn bị cho một cuộc chiến - hoặc để nhận ra rằng, họ không ở trong cuộc chiến một mình.
Tác giả: Arun Venugopal (Báo The Atlantic)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2021/01/the-making-of-a-model-minority/617258/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục