Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phụ nữ lớn tuổi: Lực lượng lao động tiềm ẩn và không phụ thuộc

Phụ nữ lớn tuổi: Lực lượng lao động tiềm ẩn và không phụ thuộc

Mặc dù bị coi là người phụ thuộc, phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người trong các hộ gia đình có thu nhập thấp, vẫn đóng góp đáng kể thông qua nhiều công việc không được trả lương và được trả lương nhưng không được công nhận.

07:33 09-03-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại bất cứ thời điểm nào, chúng ta cũng thấy rất ít phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo. Các thương hiệu mỹ phẩm vẫn kêu gọi bình đẳng cho lao động nữ nhưng luôn bóc lột lao động nữ, và lấy mica (một thành phần thiết yếu trong hầu hết các sản phẩm làm đẹp) từ các mỏ bất hợp pháp ở Jharkhand, nơi phụ nữ và trẻ nhỏ phải làm việc cực nhọc với điều kiện bấp bênh với mức lương thấp. Mối quan tâm giả tạo của họ đối với phụ nữ chỉ giới hạn ở nhóm phụ nữ có đủ khả năng mua các sản phẩm làm đẹp đắt tiền. Không cần phải nói, phiên bản nữ quyền giả tạo này không quan tâm đến sự áp bức mang tính cơ cấu đối với những phụ nữ lớn tuổi, nghèo ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, những người không đủ khả năng mua các sản phẩm làm đẹp đắt tiền. Đáng buồn thay, diễn ngôn toàn cầu về bình đẳng giới cũng đã bỏ qua mối quan tâm của phụ nữ lớn tuổi. Phần lớn sự chú ý đều hướng tới việc giáo dục các bé gái và ưu tiên dinh dưỡng cũng như chăm sóc sức khỏe cho các bé gái vị thành niên và phụ nữ mang thai trong khi mối quan tâm của phụ nữ lớn tuổi hiếm khi được thảo luận trong các cuộc tranh luận về chính sách. Bình đẳng giới sẽ chỉ trở thành hiện thực khi phụ nữ ở mọi lứa tuổi được trao quyền và có thể sống một cuộc sống có phẩm giá.

Bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, tập trung sự chú ý vào những phụ nữ lớn tuổi, những người, như nhà xã hội học người Anh Diane Elson đã nói, bị thiệt thòi cả về tuổi tác và giới tính. Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là từ các hộ gia đình nghèo, thường được coi là vấn đề đối với gia đình và nhà nước vì họ bị coi là người phụ thuộc có nhu cầu cần được người khác chăm sóc. Tuy nhiên, phụ nữ lớn tuổi trên toàn cầu có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và nền kinh tế thông qua công việc được trả lương và không được trả lương mà không có bất kỳ sự công nhận hay hỗ trợ nào. Ở hầu hết các nước đang phát triển, phụ nữ lớn tuổi làm nhiều công việc như chăm sóc cháu, trồng lương thực, làm việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp, lấy nước, v.v. và thậm chí kiếm tiền từ các công việc phi chính thức và sản xuất nhỏ để nuôi sống bản thân và gia đình. Đôi khi, bản thân họ đang phải chiến đấu với tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và khuyết tật.

Một báo cáo gần đây của tổ chức Tuổi già Thế giới (Age International) gọi phụ nữ lớn tuổi là “lực lượng lao động ẩn”. Trung bình, phụ nữ lớn tuổi phải làm 4,3 giờ công việc nội trợ thiết yếu và công việc chăm sóc không được trả lương. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ tham gia lực lượng lao động, các bà đang đảm nhận trách nhiệm chăm sóc con cái nhiều hơn. Ở nhiều hộ gia đình nghèo, thu nhập nhỏ mà phụ nữ lớn tuổi kiếm được thông qua công việc trong khu vực phi chính thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho gia đình. Phụ nữ lớn tuổi cũng đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển. Với ngày càng nhiều thanh niên và phụ nữ di cư từ làng mạc đến các thành phố lớn, phụ nữ lớn tuổi phải làm nhiều công việc đồng áng hơn. Theo báo cáo của Age International, trước đại dịch COVID-19, cứ 7 phụ nữ trên 65 tuổi thì có 1 người làm công việc được trả lương ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi ở các nước có thu nhập cao chỉ có 1 trong 10 phụ nữ trên 65 tuổi làm công việc được trả lương. Con số này đặc biệt cao ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi cứ 5 phụ nữ trên 65 tuổi thì có 2 người làm công việc được trả lương.

Đóng góp quan trọng mà phụ nữ lớn tuổi thực hiện thông qua công việc chăm sóc không được trả lương và công việc được trả lương trong khu vực phi chính thức hoàn toàn bị các nhà hoạch định chính sách bỏ qua vì số liệu thống kê của chính phủ không được thiết kế để nắm bắt những đóng góp kinh tế của họ. Các chính phủ hiếm khi nhận ra tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả lương do phụ nữ thực hiện. Hơn nữa, dân số trong độ tuổi lao động thường được xác định là từ 15 đến 60 tuổi. Kết quả là, hầu hết các báo cáo và khảo sát của chính phủ cũng dẫn đến việc đánh giá thấp khu vực phi chính thức, nơi phần lớn phụ nữ lớn tuổi làm việc.

Các cuộc thảo luận công khai ở Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lợi tức nhân khẩu học vì đất nước này có dân số trẻ rất lớn. Tuy nhiên, đất nước này cũng có dân số người cao tuổi lớn và ngày càng tăng, nhưng người cao tuổi lại nhận được ít sự quan tâm về mặt chính sách và xã hội hơn. Giả định rằng phụ nữ lớn tuổi sẽ được gia đình và các thành viên cộng đồng chăm sóc có thể không còn đúng nữa khi mối quan hệ gia đình và cộng đồng truyền thống đang bị thay đổi bởi sự phức tạp của thế giới hiện đại. Bước đầu tiên hướng tới việc đảm bảo phẩm giá và hạnh phúc cho phụ nữ trong giai đoạn sau của cuộc đời họ là thay đổi tư duy. Thứ nhất, phụ nữ lớn tuổi cần được coi là thành viên đóng góp của xã hội hơn là người phụ thuộc. Thứ hai, mặc dù công việc chăm sóc không lương, đặc biệt là chăm sóc cháu, là công việc đáng làm đối với hầu hết phụ nữ lớn tuổi nhưng sự đóng góp kinh tế của họ cần phải được ghi nhận. Thứ ba, phải tính toán tầm quan trọng về mặt kinh tế của công việc được trả lương của phụ nữ lớn tuổi.

Cần phải thực hiện những thay đổi cần thiết về định nghĩa về dân số trong độ tuổi lao động để có được ước tính tốt hơn về giá trị công việc được trả lương mà phụ nữ lớn tuổi làm. Hơn nữa, mặc dù sự độc lập về kinh tế thường có lợi cho phụ nữ lớn tuổi nhưng cũng rõ ràng rằng phần lớn công việc mà phụ nữ lớn tuổi làm không phải là công việc tử tế và thường chỉ vì bất đắc dĩ phải làm. Vì vậy, điều quan trọng là phải bảo vệ phụ nữ lớn tuổi khỏi bị bóc lột tại nơi làm việc. Cuối cùng, chính phủ phải cải thiện chất lượng dịch vụ người cao tuổi và đưa ra các quy định tốt hơn về an sinh xã hội và sức khỏe cho phụ nữ lớn tuổi.

Tác giả: Malancha Chakrabarty, Phó Giám đốc (Phụ trách nghiên cứu) tại tổ chức Quan sát Ấn Độ (ORF) 

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/old-women-the-hidden-workforce-and-not-at-all-dependent

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục