Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan điểm của châu Á về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hóa”: Hàm ý đối với trật tự khu vực

Quan điểm của châu Á về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hóa”: Hàm ý đối với trật tự khu vực

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa lý rộng lớn bao gồm Ấn Độ Dương, phía tây và trung tâm Thái Bình Dương, trong đó có nhiều vùng biển ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

01:57 04-04-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thuật ngữ này chỉ bắt đầu xuất hiện trong từ điển địa chính trị vào cuối những năm 2010. Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ này vào năm 2007 và coi đây nơi hợp lưu của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Việc sử dụng chính thức cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” lần đầu tiên xuất hiện trong Sách trắng Quốc phòng năm 2013 của Úc. Từ đó, Mỹ, Ấn Độ, EU và ASEAN đều đã công bố tầm nhìn và chiến lược của họ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều gì đã thúc đẩy sự xuất hiện của siêu khu vực rộng lớn này trong diễn ngôn địa chính trị?

Từ bản đồ trong tư tưởng, Viễn Đông và Châu Á-Thái Bình Dương

Các khu vực trên thế giới là các cấu trúc xã hội phục vụ các chương trình nghị sự chính trị. Về cơ bản, chúng là những bản đồ trong tư tưởng xoay quanh quyền lực, định hình bản sắc, thiết lập chương trình nghị sự và cảm giác thân thuộc trong không gian chung. Bản sắc khu vực tạo thành cơ sở để một quốc gia nhìn nhận chính mình so với các quốc gia khác. Một hệ quả hợp lý của bản chất năng động của các chương trình nghị sự chính trị là các cấu trúc khu vực cũng năng động và có thể phản ánh trạng thái nhất định của quan hệ quốc tế.

Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đương đại là một hiện tượng tương đối mới. Trước đây, thuật ngữ “Viễn Đông” được sử dụng rộng rãi. Thuật ngữ này hầu như không còn được sử dụng phổ biến, do những hàm ý nhất định của nó với chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa ngoại lai văn hóa. Thuật ngữ này ban đầu cũng được sử dụng bởi Đế quốc Nhật Bản, nhưng sau đó Nhật Bản đã chọn thuật ngữ “Đông Á” trong nỗ lực tạo ra một trật tự khu vực dưới hình thức Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.

Đến cuối thế kỷ 20, Châu Á-Thái Bình Dương nổi lên như một cấu trúc khu vực mới với đại dương lớn nhất thế giới - Thái Bình Dương - ở trung tâm. Những gì trước đây được coi là rào cản địa lý được nhìn qua lăng kính kết nối, nơi các tuyến đường vận chuyển hàng trên biển và đường hàng không đưa các nền kinh tế mới nổi của châu Á đến gần hơn với các thị trường phát triển của Mỹ. Điều này xảy ra trong bối cảnh thế giới đơn cực, ở đó Mỹ nổi lên từ Chiến tranh Lạnh với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới. Chính trong khuôn khổ đơn cực này, Mỹ đã có thể đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho trật tự khu vực thông qua các trung tâm và một loạt các mối quan hệ an ninh song phương giữa Mỹ và các đối tác ở châu Á.

Các thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự khu vực. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có lẽ là nơi gói gọn tốt nhất ý tưởng về cấu trúc Châu Á-Thái Bình Dương. Được thành lập vào năm 1989, APEC thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế Vành đai Thái Bình Dương. Mặc dù chương trình làm việc của APEC chủ yếu mang bản chất kinh tế, thể chế này vẫn có ý nghĩa ngoại giao. Nó thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thành viên và có tác dụng chuẩn mực đối với sự ổn định và hội nhập khu vực. Do đó, APEC rất quan trọng. Một báo cáo năm 1993 của Ngân hàng Thế giới có tiêu đề Phép màu của Đông Á đã đưa ra ý tưởng Bốn con hổ Châu Á, đề cập đến tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao của Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Rõ ràng, câu chuyện về châu Á-Thái Bình Dương là về sự thịnh vượng và hội nhập kinh tế, cũng như sự lạc quan để phát triển các mối quan hệ chính trị thân thiện. Chẳng hạn, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) báo hiệu cho thế giới thấy xu hướng thịnh vượng đi lên và sự chấp nhận chung đối với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” do Mỹ dẫn đầu.

Nói tóm lại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đề cao sự kết nối ngày càng tăng trong thương mại giữa các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương nhờ thu hẹp khoảng cách địa lý do toàn cầu hóa và thay đổi địa chính trị. Các thể chế đa phương như APEC và ASEAN là những đặc điểm chính trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương, góp phần tạo nên những câu chuyện về sự thịnh vượng và hợp tác thân thiện.

Tới khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Sự xuất hiện của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong địa chính trị trùng hợp với những thách thức đặt ra cho Châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) năm 1997 là rào cản đầu tiên đối với tầm nhìn về sự thịnh vượng và phát triển. Sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ lãnh đạo đã bỏ rơi nhiều quốc gia châu Á không chịu cải cách nội bộ, tạo ra sự thất vọng đối với trật tự khu vực. Do đó, một bản sắc Đông Á đã xuất hiện, và như học giả Alice Ba lập luận, chủ nghĩa khu vực Đông Á hậu khủng hoảng tài chính châu Á không bao gồm Mỹ, hoặc ít nhất là tìm cách để Mỹ đóng vai trò tối thiểu. Ngược lại, Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính châu Á tương đối bình yên và nâng cao uy tín trong khu vực. Việc từ chối phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đóng góp cứu trợ các nước láng giềng đang gặp khó khăn đã được các bên liên quan trong khu vực đón nhận nồng nhiệt. Để củng cố nhận thức này, Ngân hàng Thế giới đã xuất bản báo cáo trong cùng năm 1997 nói rằng “sự tăng trưởng liên tục ở Trung Quốc là một nguồn ổn định quan trọng cho khu vực và cho thế giới.”

Khủng hoảng tài chính châu Á là thách thức lớn đầu tiên đối với châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vai trò trung tâm của Mỹ trong đó. Những diễn biến khác trên thế giới như vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 và vũng lầy sau đó ở Trung Đông càng ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh (nhưng khi đó chưa quyết đoán) muốn đóng một vai trò lớn hơn trong việc xây dựng trật tự khu vực. Sự tham gia của Trung Quốc vào các thể chế đa phương khu vực tăng lên. Ví dụ, thỏa thuận ASEAN+3 (APT) thể hiện sức nặng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn cả là thỏa thuận này không có Mỹ tham gia. Chính trong bối cảnh này – sự vỡ mộng với trật tự bá quyền và AFC – đã tạo tiền đề cho việc xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nổi lên vào những năm 2010.

Yếu tố Ấn Độ trong khu vực

Quá trình “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hóa” ở châu Á được thể hiện theo hai cách – thứ nhất, đó là sự công nhận rằng Ấn Độ có thể không còn bị loại khỏi hệ thống chiến lược châu Á; thứ hai, sự xuất hiện của những tầm nhìn trái ngược nhau về xây dựng trật tự khu vực. Yếu tố Ấn Độ là yếu tố trực quan nhất, đại diện cho “Ấn Độ” trong “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhưng ý nghĩa của nó có hai mặt – một Ấn Độ chủ động hơn, cũng như sự hợp nhất của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành một hệ thống chiến lược.

Ấn Độ là một cường quốc đang lên, ngoài việc phát triển nội tại, Ấn Độ còn có văn hóa chính sách đối ngoại chủ động. Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ, kế thừa của Chính sách Hướng Đông, là một nỗ lực của New Delhi nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế và chiến lược sâu rộng với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ví dụ, quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Nhật Bản chứng kiến cả hai quốc gia tham gia các cuộc tập trận hải quân thường xuyên, trao đổi chính trị và tiếp xúc quân sự. Theo đó, học giả Dhruva Jaishankar nhận định rằng “Tokyo đã trở thành một đối tác không thể thiếu trong cấu trúc an ninh của khu vực theo tính toán của New Delhi”.

Hơn nữa, Ấn Độ cũng mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh với các quốc gia ở Biển Đông như Việt Nam, đồng thời thể hiện thiện chí chung trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN. Cùng với đó, Ấn Độ đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông khi hải quân nước này tiến hành các cuộc tập trận song phương với nhiều quốc gia thành viên ASEAN, báo hiệu cho thế giới thấy lợi ích của nước này trong khu vực. Hàm ý của điều này là sự tham gia của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một phần được thúc đẩy bởi những lo ngại của nước này về vị thế mới hình thành của Trung Quốc.

Với tình trạng hiện tại của quan hệ Mỹ-Trung, có vẻ hợp lý khi Mỹ hoan nghênh việc đưa Ấn Độ vào để kiềm chế Trung Quốc, thể hiện trong các thỏa thuận như Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD). Tuy nhiên, học giả Rory Medcalf bác bỏ tuyên bố ngăn chặn và loại trừ. Thay vì loại trừ Trung Quốc, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thừa nhận rằng Trung Quốc, giống như Ấn Độ, sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực và thay vào đó hợp pháp hóa các vai trò an ninh của họ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc bao gồm cả Ấn Độ sẽ làm giảm ảnh hưởng và sức nặng tương đối của Trung Quốc trong khu vực.

Thật vậy, việc đưa Ấn Độ vào không đồng nghĩa với việc mở rộng của Mỹ. Thứ nhất, Ấn Độ nằm ngoài cấu trúc liên minh của Mỹ và truyền thống không liên kết của nước này có nghĩa là Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia và tránh chọn phe trong khu vực. Trên thực tế, Giáo sư Rajesh Rajagopalan lập luận rằng Ấn Độ theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cân bằng, vốn là một nỗ lực tổng hợp nhằm cân bằng và trấn an Bắc Kinh. Thay vì nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua lăng kính kiềm chế Trung Quốc, bài phát biểu của ông Modi tại Đối thoại Shangri-La 2018 tuyên bố rằng Ấn Độ không muốn coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là hướng chống lại bất kỳ ai, và không nên là không gian cho sự thống trị bằng cách ganh đua quyền lực.

Chính sách Hành động hướng Đông chủ động của Ấn Độ cũng phản ánh sự hợp lưu của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thương mại toàn cầu đi qua eo biển Malacca cũng đi qua Ấn Độ Dương rộng lớn. Từ quan điểm của Trung Quốc và Nhật Bản, sự phụ thuộc quá lớn của họ vào các tuyến đường trên biển (SLOC) để nhập khẩu năng lượng có nghĩa là an ninh kinh tế của họ cũng dựa vào Ấn Độ Dương, bên cạnh khả năng tiếp cận thương mại và hải quân. Mối quan tâm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương được thể hiện qua chiến lược Chuỗi ngọc trai (Cờ vây), một thuật ngữ chưa bao giờ được sử dụng trong từ vựng chính thức của Trung Quốc, nhưng lại được tin tưởng rộng rãi trong giới Mỹ và Ấn Độ. Việc mở rộng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN) có nghĩa là sự hiện diện của lực lượng này ở Ấn Độ Dương sẽ tiếp tục trở nên thường xuyên hơn, bao gồm các nhiệm vụ chống cướp biển ở Vịnh Aden và các chuyến thăm cảng tới các nước xung quanh. Gần đây hơn, Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng để mua lại các cơ sở cảng ở các quốc gia xung quanh Ấn Độ, như Cảng Gwadar của Pakistan và Cảng Hambantota của Sri Lanka là những ví dụ nổi tiếng và gây nhiều ý kiến trái chiều.

Rõ ràng, nơi hợp lưu của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là kết quả của một Ấn Độ đang phát triển và ngày càng chủ động, nhưng cũng là kết quả của việc Trung Quốc hướng về phía tây tới Ấn Độ Dương. Theo nghĩa đó, như học giả Priya Chacko lập luận, Trung Quốc và Ấn Độ là những động lực quan trọng nhất của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên. Khu vực này cũng nêu bật mối quan hệ kinh tế-an ninh, khi các tuyến thương mại hàng hải trở nên liên kết với an ninh năng lượng và tiếp cận hải quân.

Thế giới quan FOIP và BRI

Quá trình “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hóa” của châu Á được thể hiện qua sự xuất hiện của các tầm nhìn trái ngược nhau về xây dựng trật tự khu vực. Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tạo cơ sở cho sự liên quan liên tục của Mỹ trong trật tự khu vực. Chiến tranh Lạnh và thời điểm đơn cực củng cố cấu trúc an ninh châu Á vẫn tồn tại cho đến ngày nay, tuy nhiên, những thách thức nổi lên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có nghĩa là Mỹ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để hợp pháp hóa lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều đó diễn ra trong khái niệm chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP), đây là một chiến lược bắt nguồn từ khái niệm FOIP năm 2016 của Nhật Bản. Về cốt lõi, FOIP là một chiến lược định hướng hiện trạng nhằm thúc đẩy pháp quyền, thịnh vượng kinh tế, kết nối trên các tuyến đường biển, hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, nhiều chủ thể trong khu vực đã công bố cách giải thích của riêng họ về FOIP với những điểm đặc trưng tưởng chừng nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng cho thấy những cách hiểu khác nhau về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ví dụ, chiến lược FOIP của Nhật Bản chú trọng nhiều hơn vào khả năng kết nối dưới hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, chẳng hạn như các hành lang kinh tế sẽ kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua Đông Nam Á lục địa. FOIP của Nhật Bản cũng chú ý đáng kể đến tiềm năng tăng trưởng của Đông Phi, một lần nữa thông qua hỗ trợ xây dựng quốc gia và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư và phát triển cũng có ý nghĩa chiến lược, vì Trung Quốc đầu tư vào các khu vực tương tự để tạo ảnh hưởng địa chính trị.

Ngược lại, FOIP của Mỹ chú trọng nhiều hơn vào các liên minh và đối tác an ninh của Mỹ, với trọng lượng chiến lược lớn hơn dành cho các đồng minh truyền thống như Nhật Bản và Australia, cũng như thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ và ASEAN. Hơn nữa, báo cáo năm 2022 của Mỹ chỉ trích rõ ràng hành vi cưỡng ép của Trung Quốc và cáo buộc nước này có tham vọng bá quyền. Medcalf lập luận rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tạo tiền đề cho một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc tranh cãi về tầm nhìn đối với việc xây dựng trật tự khu vực, điều này thể hiện rõ khi xem xét tầm nhìn của Trung Quốc được thể hiện trong chiến lược Vành đai và Con đường (BRI).

Trung Quốc đã kiềm chế không sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vì họ tin rằng đây là một mưu đồ của Mỹ nhằm giới hạn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra ấn tượng rằng Trung Quốc không có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng nó vẫn tồn tại. BRI là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phiên bản của Trung Quốc. Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, được ghi trong hiến pháp của Trung Quốc, đã trở thành trung tâm của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Mặc dù có bản chất kinh tế, nhưng dự án này có ý nghĩa địa chính trị. Giáo sư Li Mingjiang cho rằng BRI sẽ thay đổi chính sách an ninh của Trung Quốc để bảo vệ các khoản đầu tư ra nước ngoài. Trong khi học giả Wei Ling, theo cách tiếp cận quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa kiến tạo hơn, lập luận rằng BRI sẽ thúc đẩy các chuẩn mực và giá trị của Trung Quốc theo cách không can thiệp. Điều này cho thấy BRI là một phương tiện để Trung Quốc thể hiện sức mạnh, cả về vật chất và nguyên tắc hành xử.

Hơn nữa, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã xuất hiện từ Quần đảo Solomon đến Pakistan, điều này cho thấy rõ ràng phạm vi địa lý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc. Trên thực tế, các học giả đã chỉ ra rằng BRI chỉ là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đặc sắc Trung Quốc”. Kinh tế và an ninh đan xen ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi có những tác động ngoại giao và quy phạm đáng kể. Với bản chất toàn diện của nó, BRI có thể được gọi chính xác hơn là một tầm nhìn cho việc xây dựng trật tự khu vực. Cùng với FOIP, các trật tự khu vực này vượt ra ngoài an ninh truyền thống và hướng tới sự thịnh vượng và các giá trị của tiến bộ xã hội. Cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong những tầm nhìn này, nó liên kết số phận của hai đại dương và cung cấp khuôn khổ để các quốc gia hiểu được mối liên hệ kinh tế-an ninh-ngoại giao.

Tóm tắt

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như chúng ta biết ngày nay thừa hưởng nhiều thuộc tính từ Châu Á-Thái Bình Dương trước đó. Tuy nhiên, vẫn có một thực tế là khu vực này là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế và hợp tác, với các yếu tố chiến lược lớn hơn. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất và quan trọng nhất giữa hai khái niệm về cấu trúc khu vực là cấu trúc ra đời sau (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) bao gồm Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã thể hiện sự sẵn sàng và năng lực tham gia vào khu vực, cả về kinh tế và chiến lược, cả song phương và đa phương. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ Ấn Độ nhìn về phía Đông, mà cả Trung Quốc cũng nhìn về phía Tây, khi nước này nhận ra rằng số phận và vận may của mình vượt ra ngoài eo biển Malacca và phải tiến vào Ấn Độ Dương. Kết quả là xuất hiện các tầm nhìn về trật tự khu vực như FOIP và BRI để hiểu được siêu khu vực này.

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục