Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Ấn – Mỹ: 1947 – 2023

Quan hệ Ấn – Mỹ: 1947 – 2023

Kể từ khi Ấn Độ giành độc lập, mối quan hệ Ấn Mỹ đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, từ chỗ ngờ vực và xa lánh thời Chiến tranh Lạnh đối với chương trình hạt nhân của Ấn Độ cho đến khi hai nước khôi phục quan hệ hợp tác kể từ sau khi Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế và Mỹ chấm dứt mọi lệnh trừng phạt trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Và kể từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, mối quan hệ song phương Ấn – Mỹ càng trở nên nồng ấm theo sau những thay đổi to lớn về mặt địa chính trị kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ xin giới thiệu một số sự kiện trọng đại trong quan hệ Ấn Mỹ giai đoạn 1947 – 2023.

09:00 18-06-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngày 15 tháng 8 năm 1947: Ấn Độ tuyên bố độc lập

Anh tuyên bố chấm dứt chế độ thuộc địa đối với tiểu lục địa Ấn Độ, và thông qua Đạo luật Ấn Độ Độc lập. Đạo luật này đã phân chia lãnh thổ tiểu lục địa này thành: Pakistan với đa số theo đạo Hồi và Ấn Độ thế tục, có dân số theo đạo Hindu chiếm đa số.

Ngày 13 tháng 10 năm 1949: Thủ tướng J. Nehru thăm Mỹ

Thủ tướng Pandit Jawaharlal Nehru đã gặp tổng thống  Harry S. Truman trong chuyến công du đến Mỹ kéo dài nhiều tuần. Chuyến đi diễn ra trước khi Ấn Độ chính thức tuyên bố trung lập trong Chiến tranh Lạnh, trong đó nước này sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong phong trào Không liên kết. Điều này đặt nền mong cho quan hệ Mỹ-Ấn trong suốt Chiến tranh Lạnh, đồng thời cũng tạo ra những hạn chế trong mối quan hệ, cũng như tạo cơ hội cho tình hữu nghị giữa Delhi và Moscow.

Ngày 9 tháng 12 năm 1959: Tổng thống Mỹ Eisenhower đến thăm Ấn Độ

Tổng thống Dwight Eisenhower là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Eisenhower gặp Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, cũng như phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ.

Ngày 1 tháng 1 năm 1978: Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm Ấn Độ

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm chính thức Ấn Độ trong chuyến đi kéo dài ba ngày, trong đó ông đã gặp Tổng thống Ấn Độ Neelam Sanjiva Reddy và Thủ tướng Morarji Desai, cũng như phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Desai đáp lại bằng chuyến thăm chính thức sáu ngày tới Washington vào tháng Sáu cùng năm.

Ngày 28 tháng 7 năm 1982: Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi hàn gắn quan hệ trong chuyến thăm đến Mỹ

Thủ tướng Indira Gandhi đã gặp Tổng thống Ronald Reagan trong chuyến thăm cấp nhà nước nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Bà Gandhi nêu bật những khác biệt giữa hai nước trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, nhưng bày tỏ cả hai nên “tìm một điểm chung, dù nhỏ đến đâu.” Các nhà lãnh đạo cuối cùng đã đồng ý tăng cường hợp tác và giải quyết tranh chấp về năng lượng hạt nhân, bốn năm sau khi Mỹ chặn các chuyến vận chuyển nhiên liệu uranium có độ giàu thấp cần thiết cho nhà máy điện Tarapur của Ấn Độ. Hai năm sau, Phó Tổng thống George H.W. Bush dẫn đầu phái đoàn đến thăm New Delhi.

Ngày 20 tháng 3 năm 2000: Chuyến đi của của Tổng thống Bill Clinton báo hiệu mối quan hệ Mỹ - Ấn đang ấm lên

Tổng thống Bill Clinton thực hiện chuyến công du đầu tiên của một  tổng thống Mỹ tới Ấn Độ kể từ năm 1978. Chuyến thăm này đã chấm dứt sự xa lánh trong mối quan hệ song phương gây ra bởi các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ sau năm 1998, mặc dù chính quyền Clinton đã thúc ép chính phủ Ấn Độ ký Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện. Khi nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu cất cánh, chuyến thăm này cho thấy định vị khu vực của Mỹ đã dần dịch chuyển quỹ đạo ra khỏi mối quan hệ đồng minh Chiến tranh Lạnh với Pakistan.

Ngày 22 tháng 9 năm 2001: Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Ấn Độ

Chính quyền của Tổng thống George W. Bush dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt còn lại của Mỹ đã áp đặt lên Ấn Độ sau vụ thử hạt nhân năm 1998 của nước này. Hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được nới lỏng trong vòng vài tháng sau khi áp đặt, và Quốc hội đã ủy quyền cho Tổng thống dỡ bỏ tất cả các hạn chế còn lại vào năm 1999.

Ngày 15 tháng 3 năm 2005: Bắt đầu Đối thoại An ninh Năng lượng Ấn - Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đến thăm New Delhi, và mở ra cuộc đối thoại về an ninh năng lượng. Chuyến thăm nhấn mạnh sự gia tăng trong quan hệ bất chấp những căng thẳng về khả năng hợp tác năng lượng của Ấn Độ với Iran và việc Mỹ bán máy bay chiến đấu cho Pakistan.

Ngày 28 tháng 6 năm 2005: Mỹ và Ấn Độ ký kết Khuôn khổ hợp tác quốc phòng mới

Hoa Kỳ và Ấn Độ ký Khuôn khổ mới cho Quan hệ Quốc phòng song phương, trong đó đặt ra các ưu tiên cho hợp tác quốc phòng về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa và chống khủng bố.

Ngày 1 tháng 3 năm 2006: Tổng thống Mỹ J. Bush thăm Ấn Độ

Tổng thống Bush chính thức thăm Ấn Độ. Chuyến thăm này đã chứng kiến hai nước hoàn tất khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân dân sự và tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế. Thỏa thuận hạt nhân, hoàn thành vào tháng 7 năm 2007, khiến Ấn Độ trở thành quốc gia duy nhất ngoài Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân có năng lực hạt nhân và được phép tham gia thương mại hạt nhân.

Ngày 24 tháng 11 năm 2009: Thủ tướng Manmohan Singh bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Bất chấp tầm quan trọng mang tính biểu tượng nhưng chuyến đi không mang lại bất kỳ bước đột phá đáng kể nào trong mối quan hệ song phương.

Ngày 1 tháng 6 năm 2010: Mỹ-  Ấn tổ chức Đối thoại chiến lược đầu tiên

Mỹ và Ấn Độ chính thức tổ chức Đối thoại Chiến lược song phương đầu tiên. Một phái đoàn lớn gồm các quan chức cấp cao của Ấn Độ đến thăm thủ đô Washington, DC và Ngoại trưởng Clinton ca ngợi Ấn Độ là “đối tác không thể thiếu”. Tổng thống Obama nói mối quan hệ này “sẽ là mối quan hệ đối tác có tính quyết định trong thế kỷ 21.”

Ngày 27 Tháng 9 năm 2013: Thủ tướng Manmohan Singh có chuyến thăm cuối cùng tới Washington

Ông Manmohan Singh đến thăm Washington trong chuyến thăm Mỹ cuối cùng của ông với tư cách là thủ tướng Ấn Độ. Chuyến đi tập trung vào các vấn đề an ninh, thương mại, cải cách nhập cư và thỏa thuận hạt nhân dân sự, đánh dấu cuộc gặp thứ ba giữa Singh và Obama trong vòng 4 năm.

Ngày 26 Tháng 9 năm 2014: Thủ tướng Modi thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Mỹ

Ông Modi thực hiện chuyến thăm đầu tiên trên cương vị thủ tướng tới Mỹ, nhằm thu hút đầu tư và củng cố quan hệ đối tác chiến lược song phương. Tại Washington, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã đạt được thỏa thuận về một biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Xuất nhập khẩu và một cơ quan năng lượng của Ấn Độ, cung cấp tới 1 tỷ USD để giúp Ấn Độ phát triển các giải pháp thay thế năng lượng carbon thấp và hỗ trợ xuất khẩu năng lượng tái tạo của Mỹ sang Ấn Độ.

Ngày 24 Tháng 1 năm 2015: Chuyến thăm Ấn Độ lần thứ hai của ông Obama nhằm nâng cao quan hệ song phương

Tổng thống Obama có chuyến thăm thứ hai tới Ấn Độ với tư cách là nguyên thủ quốc gia để dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Tổng thống Obama nói rằng, "Mỹ có thể là đối tác tốt nhất của Ấn Độ." Hai ông Obama và Modi đã công bố bước đột phá về các vấn đề liên quan đến hạt nhân có thể giúp thực hiện thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn. Sáu tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar, ký các văn bản để gia hạn Thỏa thuận Khung Quốc phòng song phương kéo dài 10 năm.

Ngày 26 Tháng 6 năm 2017: Cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông Trump và Modi

Tổng thống Donald J. Trump chào đón Thủ tướng Modi tại Nhà Trắng trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên. Mặc dù Trump đã đưa ra những bất đồng gay gắt với Ấn Độ về thương mại, biến đổi khí hậu và thị thực H-1B, nhưng những vấn đề này được gạt sang một bên trong hội nghị thượng đỉnh và tuyên bố chung của họ nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng, hợp tác trong các nỗ lực chống khủng bố và thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Ngày 24 Tháng 2 năm 2020: Tổng thống D. Trump có chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ

Với sự hiện diện của hơn một trăm nghìn người ở Ahmedabad, Tổng thống Trump ca ngợi mối quan hệ Mỹ-Ấn và sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi. Hai nhà lãnh đạo công bố kế hoạch hợp tác về chống ma túy và sức khỏe tâm thần. Ấn Độ đồng ý mua 3 tỷ USD thiết bị quân sự của Mỹ và công ty dầu khí ExxonMobil công bố một thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước.

Ngày 24 tháng 9 năm 2021: Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden 

Tổng thống Joe Biden đã tiếp đón Thủ tướng Modi tại Nhà Trắng cùng với các thủ tướng Australia và Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Quad. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý điều phối các mục tiêu chiến lược của họ, bao gồm cả việc quyên góp hơn một tỷ liều vắc xin COVID-19 trên toàn cầu và hình thành một mạng lưới vận chuyển carbon thấp.

 

Nguồn:

CIS

Cùng chuyên mục