Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

NEW DELHI: Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Việt Nam là chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

05:57 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dipanjan Roy Chaudhury

Đây là thông điệp của cuộc hội thảo quốc tế: “Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong tình hình địa chính trị đang thay đổi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương” - được tổ chức vào ngày 9 tháng 1 năm 2018. “Mặc dù tình hình toàn cầu và khu vực phức tạp và khó lường, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một xu thế chung, nhưng, có thể nói rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa đang đưa các quốc gia đặc biệt là các nước lớn, và khu vực bao gồm cả Ấn Độ Dương, gần gũi nhau hơn về mặt kinh tế và an ninh”, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành, đã phát biểu như vậy trong Lễ Khai mạc Hội thảo.

Theo Đại sứ, Ấn Độ đóng vai trò dẫn đầu trong khu vực Ấn Độ Dương, còn Việt Nam giữ một vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương. Hai nước đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức giống nhau. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, cả hai đều nằm trong các khu vực đang phát triển mạnh mẽ và cần tận dụng cơ hội này bằng cách tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để phát triển nhanh hơn và bền vững.

Phát biểu ý kiến quan trọng tại hội thảo, nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia và hiện là Giám đốc tổ chức tư vấn hàng đầu, Arvind Gupta, nói: “Tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra những gợn sóng trong khu vực. Trong tình hình đó, tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ ở Việt Nam, và ngược lại, là điều bắt buộc. Hai bên có thể tiến tới sản xuất quốc phòng chung, mở rộng hợp tác an ninh và không gian”.

Ông Nalin Surie, nhà ngoại giao cấp cao, kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA), trong bài phát biểu đã cho biết: “Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm đang có được quốc tế công nhận rộng rãi hơn, sự công nhận còn được tăng lên nhanh chóng trong khu vực kể từ khi nó xuất hiện. Khái niệm này được chia sẻ bởi các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và hiện đang được thảo luận công khai trong khuôn khổ ASEAN và ở Trung Quốc. Khi chúng tôi ở Hà Nội, các diễn giả rất quan tâm đến Ấn Độ Dương, ví dụ, làm thế nào để thúc đẩy và thể chế hóa, ai sẽ là người chủ chốt và những yếu tố then chốt. Theo quan điểm của Ấn Độ, những điều này đã được nêu ra một cách chi tiết trong bài diễn văn gửi Quốc hội Hoa Kỳ của Thủ tướng Modi vào tháng 6 năm 2016. Khái niệm SAGAR cũng áp dụng cho cả Ấn Độ - Thái Bình Dương cho đến Ấn Độ”.

Ông Surie nhớ lại: "Chúng tôi cũng nghe một thông điệp khác trong cuộc thảo luận tại Hà Nội rằng, sự suy giảm tương đối của Mỹ trong khu vực (nếu thật sự là như vậy) có một loạt các ý nghĩa kể từ khi Hoa Kỳ bị thách thức, đặc biệt ở Đông Nam Á và Đông Á. Và phía Nga cũng đang cố gắng giành lại lãnh thổ bị mất. Một thông điệp rõ ràng là, với những thay đổi sâu rộng đang diễn ra ở Đông Nam Á và Đông Á và quyết định của Trung Quốc cạnh tranh với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và trong bối cảnh Chính sách Hướng Đông/ Hành động Phía Đông, Ấn Độ nên hành động hiệu quả và tăng cường vị thế của mình trong khu vực và mối quan hệ đa chiều với Việt Nam, và tôi tin rằng, điều này sẽ xảy ra”.

Ông Surie nhấn mạnh: “Việt Nam là đối tác cốt lõi của Ấn Độ trong khối ASEAN và là đối tác quan trọng trong Chính sách Đông Nam Á của Chính phủ Trung Quốc. Quan hệ lịch sử và sự ủng hộ lâu dài của Ấn Độ đối với Việt Nam trong quá trình đấu tranh vì sự thống nhất và độc lập là điều không có gì ngạc nhiên. Hai nước chúng ta là những đối tác chiến lược và phát triển cùng những liên kết đa phương. Với những thay đổi địa - chính trị và địa - kinh tế sâu rộng đang diễn ra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, chúng tôi cũng tin rằng, hai nước chúng ta cần tăng cường hợp tác không chỉ ở ASEAN mà còn phải mở rộng ra khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương… Ấn Độ và Việt Nam cùng chia sẻ các quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này hiện nay rất quan trọng bởi sự chia sẻ này sẽ mở ra sự thấu hiểu của hai nước về các quan điểm và lợi ích đôi bên trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Ông Srikanth Kondapalli, một chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng: “Là một quốc gia có di sản lịch sử lâu đời đứng bên ngoài ảnh hưởng, cùng chia sẻ những quan điểm chung trong Chiến tranh Lạnh và sau đó, là quan điểm cùng hợp tác, và là một nước điều phối viên trong việc giải quyết các vấn đề ASEAN, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Ấn Độ. Vị thế địa - chính trị của Việt Nam có liên quan đến gần 1/2 thương mại của Ấn Độ, điều này đòi hỏi khía cạnh chiến lược chủ yếu trong lĩnh vực hàng hải / hải quân. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã xây dựng bản đồ đường đi vững chắc cho mối quan hệ song phương với Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong khuôn khổ “đối tác chiến lược toàn diện” năm 2017. Kế hoạch 2017-2020 đang được thực hiện”.

Giáo sư Baladas Ghoshal, chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, cũng đã có bài thuyết trình trong hội thảo, ông nói: “Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam cần được giải quyết từ hai góc độ - một là song phương và hai là khu vực hay đa phương – và cả hai góc độ này đều có mối quan hệ với nhau. Ở cấp độ song phương, mối quan hệ giữa hai nước xoay quanh các quan hệ chính trị và chiến lược. Những quan hệ chính trị và chiến lược hiện đã tiến triển đáng kể, mặc dù vẫn có khả năng mở rộng hơn nữa mối quan hệ đó. Nhưng liên hệ kinh tế giữa hai nước vẫn còn rất yếu với con số ít ỏi 6 tỷ USD. So với thương mại Việt Nam – Trung Quốc, ước đạt gần 80 tỷ USD, thì đây thật sự là một con số rất khiêm tốn. Để tạo lực đẩy thực sự cho mối quan hệ song phương cần tăng cường các tương tác kinh tế và kết nối giữa hai nước”.

Giáo sư Ghoshal nhận định: “Thông qua việc tấn công bằng cơ sở hạ tầng và kết nối của mình, Trung Quốc đã mang lại một sự thay đổi lớn trong thực tế khu vực bằng cách làm cho hầu hết các nước trong khu vực bị mắc kẹt về kinh tế và do đó phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là về khía cạnh khu vực và đa phương của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, còn quan hệ song phương là một phương tiện để hình thành một trật tự khu vực an toàn, ổn định và có lợi cho việc theo đuổi các mục tiêu phát triển nhằm xoá đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ấn Độ đã thực hiện Chính sách Hành động Phía Đông thông qua quan hệ song phương với các quốc gia trong khu vực và Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất, bên cạnh Indonesia, Singapore và Myanmar. Ở cấp độ khu vực, nó hoạt động thông qua Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á (EAS). ASEAN là một tổ chức đã trở nên không hiệu quả vì sự phân chia sâu sắc trong nội bộ tổ chức về vấn đề Biển Đông. EAS cũng đã chứng tỏ là không có hiệu quả trong việc tạo ra một kiến ​​trúc cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Giáo sư Ghoshal đề nghị: “Sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN gần đây nhất và cuộc họp của bốn nước (Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản) đã tạo ra sự quan tâm mới tới việc thiết lập QUAD (bộ tứ). Bất kỳ sự hình thành nào mà Hoa Kỳ tham gia sẽ tự động mang lại những phản đối tiêu cực từ phía Trung Quốc. Để tạo một vai trò bản địa để bảo vệ và cân bằng Trung Quốc, nên có một QUAD châu Á bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản. Tất cả bốn quốc gia này đều có vấn đề với Trung Quốc bởi các tuyên bố về lãnh thổ. Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia là những nền kinh tế đang phát triển nhanh và có thể đồng bộ hóa nền kinh tế của mình với thương mại, đầu tư và sản xuất. Nhật Bản có thể củng cố sức mạnh kinh tế để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối. Bốn nước cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược khi có một cấu trúc chính trị và kinh tế rõ ràng và không một quốc gia nào có thể chi phối thống trị trong đó. Do không có sự nhất trí về một kiến ​​trúc duy nhất có thể đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực, nên sẽ có nhiều sự sắp đặt nhằm hình thành một trật tự khu vực. QUAD Châu Á là một trong những mô hình có thể bổ sung các cách sắp đặt khác. QUAD châu Á có lợi thế khác bởi cả bốn nước đều có những liên kết văn hoá và văn minh chung, có thể tạo ra một sự thay thế khác với tầm nhìn của Trung Quốc về khu vực. Chính sách Hành động Phía Đông của Chính phủ Ấn Độ sẽ được tăng cường thêm những khía cạnh này, Ấn Độ và Việt Nam phải phấn đấu để có một sự sắp xếp như vậy”.

Bà Lê Thị Hằng Nga (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), người cũng đã phát biểu tại hội thảo, lưu ý: “Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và cũng là một đối tác quan trọng trong các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và đa phương. Việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước, được thành lập năm 2007, và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, là một minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng mà hai nước dành cho mối quan hệ này. Việt Nam và Ấn Độ đã cố gắng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, an ninh quốc phòng, thương mại, năng lượng, khoa học - công nghệ, xây dựng năng lực, kết nối, y tế, giáo dục, văn hoá, du lịch, trao đổi nhân dân, và hợp tác ở các diễn đàn quốc tế và khu vực”.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: //economictimes.indiatimes.com/articleshow/62454195.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst

Nguồn:

Cùng chuyên mục