Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Pháp và Ấn Độ - Đối tác kiểu mẫu của thế kỷ XXI?

Quan hệ Pháp và Ấn Độ - Đối tác kiểu mẫu của thế kỷ XXI?

Theo bình luận của tạp chí La Tribune (Pháp), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 9-11/3/2018 với mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

05:34 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tranh thủ cơ hội từ việc Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), ông Macron đã cố gắng thúc đẩy để Pháp thay thế Anh trở thành đầu cầu cho Ấn Độ bước vào lục địa châu Âu. Ông tuyên bố trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo India Today rằng: “Đối tác lịch sử và truyền thống của các bạn từ trước đến nay là Anh, và tôi muốn bây giờ Pháp sẽ trở thành đối tác mới, đối tác kiểu mẫu của thế kỷ XXI".

Qua chuyến thăm Ấn Độ lần này, ông Macron đã mở ra một “kỷ nguyên mới” trong mối quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước được hình thành từ cách đây 20 năm. Chuyến thăm này được đánh dấu bởi sự nhất trí tăng cường các mối quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng, chống khủng bố và chống biến đổi khí hậu. 

Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Macron nhấn mạnh: “Mục đích của chuyến đi là làm sao để Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược thứ nhất của chúng ta tại khu vực và tôi mong muốn nước Pháp có thể trở thành đối tác chiến lược thứ nhất của Ấn Độ tại châu Âu”. Hiện Anh đang giữ vị trí này và Pháp chỉ nằm ở vị trí 20 trong số các nhà cung cấp cho Ấn Độ.

Chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Pháp kéo dài 4 ngày và được tháp tùng bởi 5 bộ trưởng, nhiều nghị sĩ và một phái đoàn doanh nghiệp đông đảo, từ lãnh đạo các tập đoàn lớn cho tới doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các công ty khởi nghiệp, điều này cho thấy sự quan tâm của Pháp tới nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang tăng trưởng ổn định và năng động này.

Theo đánh giá từ phía Paris, thị trường Ấn Độ lớn nhưng vẫn rất “hạn chế” đối với doanh nghiệp Pháp. Trao đổi thương mại giữa hai nước tương đối cân bằng nhưng vẫn còn thấp và chủ yếu dành riêng cho thị trường hàng không. 

Kim ngạch thương mại hai chiều, dù đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, nhưng cũng mới chỉ đạt 10 tỷ euro (12,3 tỷ USD). Tính đến nay, Ấn Độ chỉ là nước nhập khẩu xếp thứ 18 và xuất khẩu thứ 20 của Pháp. 

Do đó, ông Macron đã nỗ lực quảng bá chất lượng của hàng hóa Pháp, từ năng lượng, quốc phòng cho đến môi trường và kêu gọi ủng hộ tự do hóa thương mại, chỉ vài tuần sau khi Ấn Độ quyết định tăng thuế nhập khẩu, trong đó có cả các mặt hàng ô tô và pin năng lượng mặt trời.

Hai tháng sau chuyến công du Trung Quốc của ông Macron, Paris và New Delhi đã công khai thể hiện mong muốn xích lại gần nhau. Jean-Joseph Boillot, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu triển vọng quốc tế (CPII), nhận định: “Mỗi khi thăm Bắc Kinh, người Trung Quốc thường nhìn chúng ta (Pháp) từ trên cao. Nước Pháp dần dần nhận thức mình chỉ còn là một cường quốc trung bình đứng trước gã khổng lồ, và Pháp đang cố gắng tìm cách liên minh với các cường quốc trung bình khác, như Ấn Độ”.

Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi nói: “Chúng tôi (hai bên) đã nhất trí sẽ phát triển mạnh hơn nhiều các mối quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực bao gồm môi trường, an ninh, hải quân, tự do hàng hải và tự do hàng không. Chúng tôi (Ấn Độ) coi Pháp là một trong những đồng minh tin cậy nhất”.

Tại New Delhi, từ Bắc Kinh không bao giờ được công khai nêu ra, nhưng những lời nói ám chỉ “nguy cơ bá chủ thế giới” đối với cả Ấn Độ và Pháp, hai nước cùng chia sẻ “các giá trị chung” và “tự do và dân chủ”, được đề cập đến ở mọi nơi. Việc hai nước ký một thỏa thuận cho phép tàu chiến Ấn Độ tiếp cận các căn cứ quân sự của Pháp tại Ấn Độ Dương, như ở Reunion, Djibouti hay Abou Dhabi, đã có tác dụng làm cho nước này "dễ thở" hơn.

Pháp đã bán cho Ấn Độ 36 máy bay chiến đấu Rafale hiện đại theo hình thức hợp tác chế tạo và 6 tàu ngầm Scorpene. Nhân chuyến thăm của ông Macron, Ấn Độ ký hàng loạt hợp đồng với tập đoàn hàng không Safran trị giá 12 tỷ euro, cung cấp động cơ cho công ty vận tải dân sự SpiceJet. Nhiều hợp đồng khác trị giá hàng tỷ euro trong các lĩnh vực vận tải và năng lượng Mặt trời cũng được ký kết.

Cả Pháp lẫn Ấn Độ đều đặc biệt coi trọng mối quan hệ đối tác song phương trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Hai nhà lãnh đạo đã đồng chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất của “Liên minh Mặt trời (năng lượng) quốc tế” được tổ chức tại Ấn Độ vào ngày 11/3. 

Liên minh này ra đời trong khuôn khổ các sáng kiến được đưa ra bên lề Hội nghị quốc tế thường niên về chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại Paris hồi tháng 12/2015. Theo chuyên gia Jean-Luc Racine, nguyên giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp, “Pháp và Ấn Độ thể hiện quyết tâm rất cao về dự án này: nó có tầm quan trọng lớn về mặt chính trị đối với cả Tổng thống Pháp và Thủ tướng Ấn Độ, cho phép họ thể hiện với tư cách là lãnh đạo của chính sách môi trường quốc tế mới, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris” về chống biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, các doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng hợp tác trao đổi, kinh doanh với số vốn lên tới 13 tỷ euro (tương đương 16 tỷ USD) trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Macron.

Liên quan đến vấn đề tự do thương mại, ông Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi (Pháp và Ấn Độ) cùng chia sẻ mong muốn tránh bất kỳ cuộc chiến thương mại nào, bảo vệ sự cân bằng, lợi ích của chúng ta trên trường quốc tế và trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời tránh mọi leo thang căng thẳng có thể làm tổn hại tới nền kinh tế của chúng ta”./.

Nguồn: TTXVN

Nguồn:

Cùng chuyên mục