Quan hệ Úc - Ấn Độ: Sự hội tụ chiến lược ở Ấn Độ Dương và Biển Đông
New Delhi phải từ bỏ chính sách "không liên kết chiến lược" ảo tưởng và phản ứng tích cực trước ý tưởng thiết lập "tứ giác Mỹ- Nhật- Ấn- Úc"- tạo điều kiện để hải quân của 4 nước này có thể theo đuổi một chiến lược hải quân liên kết nhằm duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Quan hệ chiến lược Ấn Độ - Úc được thể hiện qua chuyến thăm New Delhi mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews. Chuyến thăm, diễn ra từ ngày 1-3/9/2015 vừa qua, mang ý nghĩa quan trọng về những hội tụ chiến lược giữa Canberra và New Delhi đối với an ninh ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, thắt chặt thêm những nội hàm chiến lược của Hiệp định khung về Hợp tác an ninh mà hai nước đạt được hồi tháng 11/2014 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Bộ trưởng Kevin Andrews đánh giá Ấn Độ là một siêu cường dân chủ đang nổi lên ở châu Á nên việc thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Úc với Ấn Độ là hợp lý. Bên cạnh đó, phạm vi hợp tác giữa hai nước về các vấn đề toàn cầu là rất lớn bởi Ấn Độ là đối tác chiến lược của Úc. Đổi lại, Úc thừa nhận vai trò quan trọng của Ấn Độ trong duy trì an ninh, ổn định, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương và ổn định của một trật tự toàn cầu dựa trên các nguyên tắc. Bình luận về cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar, ông Kevin Andrew nói: "Cuộc đối thoại đã tạo cơ hội cho hai bên đề ra khuynh hướng hợp tác quốc phòng theo tinh thần của Hiệp định khung".
Khuynh hướng hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Úc trước hết được thể hiện qua cuộc tập trận hải quân chung mang mật danh "AUSINDEX" diễn ra vào cuối tháng 9 này. Canberra cũng sẽ mời lực lượng không quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận mang tên "PITCH BLACK" diễn ra tại Úc. Ngoài ra, hai bên có khả năng tiến hành các cuộc tập trận lục quân chung, đồng thời tăng cường trao đổi giữa các cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng. Mặt khác, Ấn Độ và Úc có khả năng liên kết và khai thác hoạt động chung của các loại máy bay vận tải và máy bay giám sát hàng hải có nguồn gốc từ Mỹ như C-17, C-130 và P-8.
Điều quan trọng hơn, Úc đã quyết định phối hợp với Ấn Độ trong chia sẻ thông tin và các chiến lược chống nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Canberra và New Delhi đều đánh giá tầm quan trọng về vị trí địa chính trị đặc biệt của nhau trong bối cảnh các nguy cơ hàng hải đang đe dọa an ninh tại Ấn Độ Dương và đồng nhất quan điểm về duy trì ổn định tại khu vực này. Những hội tụ về an ninh hàng hải Úc - Ấn Độ cũng được mở rộng tới an ninh và ổn định tại Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Kevin Andrew khẳng định, Úc không coi Trung Quốc như một mối đe dọa đối với an ninh của Canberra, song ngầm chỉ trích lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và an ninh hàng hải nói chung khi khẳng định rằng: "Chúng tôi (Úc) tin rằng, cách thức tốt nhất để duy trì sự toàn vẹn của hệ thống thương mại toàn cầu là cần phải tôn trọng một hệ thống dựa trên các luật quốc tế. Do đó, chúng tôi đã nói công khai và riêng tư với Trung quốc về điều này".
Trong khi khẳng định lập trường mạnh mẽ của Úc về chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ trưởng Kevin Andrew nói: "Úc cực lực phản đổi hành động hăm dọa, gây hấn và ép buộc để đòi chủ quyền của bất cứ nước nào hoặc sử dụng hành động quân sự để thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về khả năng quân sự hóa tại biển Đông".
Ngoài cuộc hội đàm với người đồng cấp Manohar Parrikar, Bộ trưởng Kevin Andrew đã có các cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi, Ngoại trưởng Sushma Swaraj, Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval và thăm trụ sở Bộ chỉ huy Hải quân miền Tây Ấn Độ ở Thành phố Mumbai, thể hiện sự đánh giá cao của Canberra đối với tầm quan trọng hàng hải của Ấn Độ.
Quan hệ đối tác chiến lược Úc - Ấn Độ là một mối quan hệ quan trọng. Thực tế cho thấy rất hiếm có quan chức cấp cao nào nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ và "nói thẳng" về chính sách "bên miệng hố chiến tranh" trên biển của Trung Quốc như ông Kevin Andrew. Nếu mong muốn giữ Ấn Độ Dương thì New Delhi phải từ bỏ chính sách "không liên kết chiến lược" ảo tưởng và phản ứng tích cực trước ý tưởng thiết lập "tứ giác Mỹ- Nhật- Ấn- Úc" - tạo điều kiện để hải quân của 4 nước này có thể theo đuổi một chiến lược hải quân liên kết nhằm duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương.
(Eurasia Review; nghiencuubiendong.net)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục