Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt - Ấn trên tầm cao mới

Quan hệ Việt - Ấn trên tầm cao mới

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời, có những mối liên hệ chặt chẽ trên nhiều phương diện, từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo… Trải qua những thăng trầm và biến thiên trong lịch sử hai dân tộc, những mối liên hệ mật thiết ấy vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay và là nền tảng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa đất nước Ấn Độ mới và Việt Nam mới.

05:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt - Ấn trên tầm cao mới

Vũ Quang Diệm*

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời, có những mối liên hệ chặt chẽ trên nhiều phương diện, từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo… Trải qua những thăng trầm và biến thiên trong lịch sử hai dân tộc, những mối liên hệ mật thiết ấy vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay và là nền tảng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa đất nước Ấn Độ mới và Việt Nam mới.

Việt Nam và Ấn Độ có sự tương đồng tự nhiên về lịch sử. Nếu như nền văn minh Ấn Độ khởi phát từ hai con sông lớn của tiểu lục địa là sông Ấn và sông Hằng, thì văn minh Đại Việt cũng bắt nguồn từ hai con sông lớn trên bán đảo Đông Dương là sông Hồng và sông Mekong. Những dòng chảy này chính là cội nguồn của nền văn minh lúa nước phát triển và thăng hoa rực rỡ trên cả hai xứ sở, tạo nên hai nền văn hóa đậm đà bản sắc như chúng ta biết đến ngày nay. Từ hàng ngàn năm trước, những mối bang giao đầu tiên giữa hai nước đã xuất hiện thông qua quan hệ buôn bán, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa hai dân tộc. Nền văn hoá Ấn Độ đã để lại nhiều dấu tích trên lãnh thổ Việt Nam, mà di sản lớn nhất, sâu sắc nhất chính là ảnh hưởng từ đạo Phật. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân hai nước chúng ta có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hoá và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ”.     

Một điểm tương đồng đáng kể nữa là Việt Nam và Ấn Độ đều là những quốc gia đầu tiên trong phong trào giải phóng dân tộc phá tan ách thực dân và giành được độc lập (Việt Nam năm 1945 và Ấn Độ năm 1947). Nếu như cuộc Cách mạng Tháng Tám của dân tộc Việt Nam được sự lãnh đạo tài tình của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh thì cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ cũng được sự dẫn dắt kiệt xuất của lãnh tụ vĩ đại Mahatma Gandhi. Sau khi giành được độc lập, các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức giữa hai nước dần được tạo dựng. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954, ngay sau khi hoà bình lập lại tại miền Bắc Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955 và Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ năm 1958. Ngày 7 tháng 1 năm 1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ, mở ra thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ các mối quan hệ nhiều mặt giữa hai bên.

Không chỉ là những quốc gia có quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng với nhau, Việt Nam và Ấn Độ còn là hai người bạn thuỷ chung, hai người anh em chung lý tưởng giải phóng dân tộc, độc lập, hoà bình và phát triển. Tình cảm của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam vô cùng sâu sắc, nồng hậu và trước sau như một. Tất cả các tầng lớp nhân dân, tất cả các đảng phái mặc dù có chính kiến khác nhau, thậm chí đối lập, công kích nhau, nhưng tình cảm với Việt Nam là một. Sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây cũng như công cuộc phát triển đất nước của nhân dân ta hôm nay rất to lớn, hào hiệp. Riêng khẩu hiệu "Mera Nam, Tera Nam, Việt Nam, Việt Nam” (tên anh, tên tôi đều là Việt Nam) lôi cuốn hàng triệu người Ấn Độ xuống đường biểu tình ủng hộ nhân dân ta trước đây cũng đủ nói lên tình cảm đặc biệt của nhân dân Ấn Độ dành cho nhân dân Việt Nam. Mối tình hữu nghị, thủy chung gắn bó nhân dân hai nước đã được thử thách qua nhiều năm tháng, là tài sản vô giá, chúng ta hết sức trân trọng, giữ gìn qua các thế hệ ngày nay và mai sau.

 Trân trọng gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống quý báu đó cũng như tình đoàn kết, hữu nghị anh em giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng vững chắc và dày công vun đắp, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước đã và đang cố gắng không ngừng đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển toàn diện trên tầm cao mới, trở thành nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở hai nước, cũng như đối với hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển và hội nhập ở khu vực. Hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác, đưa quan hệ hai nước không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2003 đã mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước thông qua việc ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI”; Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007 với việc ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, đặc biệt Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, vì sự phát triển bền vững của hai bên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh của châu Á và thế giới; và chuyến thăm Nhà nước tháng 10 năm 2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn sự hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại. Những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trên cơ sở những trụ cột then chốt là chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên đã tăng cường trao đổi nhiều đoàn cấp cao mà gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam ngay sau khi cuộc bầu cử Hạ viện Ấn độ kết thúc của Tổng thống Ấn độ Pranab Mukherjee từ 14-17/9/2014 và chuyến thăm Ấn độ từ ngày 27-28/10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài ra, quan hệ giữa Đảng ta với các đảng của Ấn độ, nhất là Đảng Quốc Đại, Đảng BJP (hiện đang cầm quyền) và các Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Mác-xít (CPM) tiếp tục được củng cố, tăng cường. Hoạt động Quốc hội và ngoại giao nhân dân giữa hai nước cũng được đẩy mạnh và không ngừng phát triển.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò và vị thế quốc tế của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những năm qua, Việt Nam và Ấn Độ thường xuyên phối hợp với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề khu vực và cả thế giới cùng quan tâm. Ấn Độ đã tìm thấy ở Việt Nam một đối tác ủng hộ chân thành chính sách “Hướng Đông” (Look East Policy, nay được nâng lên thành Act East Policy) và mong muốn của Ấn Độ tham gia đầy đủ vào các diễn đàn hợp tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Là thành viên tích cực của ASEAN, đặc biệt là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN và khuôn khổ hợp tác phát triển khu vực Mekong - Sông Hằng. Việt Nam cũng chia sẻ và ủng hộ những nỗ lực của Ấn Độ nhằm cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, xây dựng khu vực Nam Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua cũng được thúc đẩy mạnh mẽ và có bước đột phá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2008 đạt gần 2,5 tỷ USD, sớm hai năm so với mục tiêu đề ra. Năm 2009, mặc dù hai nước đều gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tổng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 2,055 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt khoảng 420 triệu USD và nhập khẩu đạt 1.635 triệu USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã giảm đáng kể thâm hụt thương mại với Ấn Độ từ giá trị xuất khẩu chỉ bằng 1/8 nhập khẩu năm 2007 tăng lên 1/4 năm 2009. Năm 2010, thương mại hai chiều đạt 3,4 tỉ USD, năm 2014 tăng hơn gấp đôi đạt 8 tỉ USD và đang phấn đấu đạt 10 tỉ USD năm 2015 và 15 tỉ USD vào năm 2020. Về đầu tư, hiện Ấn Độ có 68 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá hơn 1 tỉ USD trên các lĩnh vực như khai thác dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất các sản xuất hóa học, nông nghiệp, đường, công nghệ thông tin và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Về phần mình, Việt nam có 3 dự án đầu tư tại Ấn độ với giá trị khoảng 23,6 triệu USD. Các doanh nghiệp Ấn Độ, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn có chiều hướng ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam và đang nghiên cứu một số dự án quy mô lớn. Cùng với quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, quan hệ, trao đổi và hợp tác  trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ ngày càng được đẩy mạnh, mở rộng. Hợp tác du lịch được khai thông với việc hai nước  đã mở đường bay thẳng tháng 11/2014.

Tuy nhiên, sự hợp tác kinh tế, thương mại cũng như khoa học, công nghệ và giáo dục, vì một số lý do chủ quan và khách quan của cả hai bên, vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị rất tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn cũng như tiềm năng và thế mạnh của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai nước; mức nhập siêu của Việt Nam vẫn còn cao; xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 nước ASEAN sang Ấn Độ. Sự có mặt của các nhà đầu tư Ấn Độ ở Việt Nam trong các lĩnh vực mà họ có nhiều ưu thế như điện, máy nông nghiệp, sản xuất phần mềm chưa nhiều. Hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch giữa hai nước vẫn còn hạn chế…

Không chỉ chia sẻ những tương đồng lớn về lịch sử, hiện nay Việt Nam và Ấn Độ cũng đang chia sẻ những tương đồng lớn trên con đường phát triển. Cả hai đều có những lợi thế nhất định về địa chính trị, địa kinh tế, tiềm năng và nguồn lực, có nhu cầu cải cách, hội nhập và phát triển to lớn. Đặc biệt, hai nước đang nỗ lực tiến lên trong bối cảnh cán cân ảnh hưởng đang chuyển dịch về Châu Á - Thái Bình Dương, vai trò của các nền kinh tế mới nổi lên cao, và tăng cường hợp tác khu vực là xu thế chủ đạo. Có thể nói, đây là thời điểm hết sức thuận lợi để quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực có bước chuyển biến lớn về chất. Đặc biệt, việc Ấn Độ công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam và ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN - Ấn Độ vừa qua là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương cũng như giữa ASEAN và Ấn Độ. Thách thức đặt ra là hai nước cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng những cơ hội này và biến tiềm năng của quan hệ song phương thành hiện thực. Sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ lên tầm cao mới không chỉ đóng góp to lớn cho lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn góp phần quan trọng vào hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Ấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục