Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ còn rất nhiều dư địa phát triển trong những năm tới
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam không chỉ củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, mà còn góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối ngoại giao toàn diện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đóng góp đảm bảo môi trường hòa bình ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Đó là nội dung Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải – người đứng thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Năm mới 2022.
Phóng viên (PV): Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ gắn bó từ lâu đời và ngày càng phát triển tốt đẹp, hiệu quả, với sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ (7/1/1972 – 7/1/2022). Vậy ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua?
Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trước hết và trên hết là một mối quan hệ truyền thống và đặc biệt vì nó được phát triển trên nền tảng hơn 2.000 năm giao thương và việc truyền bá Đạo Phật vào Việt Nam. Hai nước có có truyền thống ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở gắn kết, gần gũi về giá trị văn hóa, văn minh giữa hai dân tộc.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Khuôn khổ này phản ánh sự hội tụ lợi ích chiến lược và sự mở rộng về khuôn khổ hợp tác. Hai bên thường xuyên có các cuộc gặp, trao đổi, tiếp xúc cấp cao để xây dựng các khuôn khổ, định hướng hợp tác. Hợp tác quốc phòng - an ninh đã và đang là một trụ cột quan trọng. Kim ngạch thương mại trong 20 năm qua đã tăng từ 200 triệu USD/năm lên mức 13 tỷ USD, hơn 60 lần. Hợp tác khoa học - kỹ thuật là một điểm rất mới và đã có nhiều bước phát triển quan trọng. Giao lưu nhân dân có những bước phát triển mạnh trên nền tảng mối quan hệ lâu đời và các điểm tương đồng văn hóa, nhất là Phật giáo.
Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược không ngừng được củng cố. Hai nước phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để thúc đẩy và đảm bảo luật pháp và các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng.
PV: Vào trung tuần tháng 12/2021, nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, thưa ông?
Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải: Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu diễn ra trong năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chính phủ mới. Điều đó cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng Ấn Độ và mối quan hệ với Ấn Độ. Chuyến thăm thể hiện sự tiếp nối truyền thống trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước và bề dày quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nehru và các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hạn chế các hoạt động đối ngoại trực tiếp giữa các quốc gia suốt hai năm qua, chuyến thăm sẽ tạo một cú huých đặc biệt cho quan hệ trên toàn diện các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng - an ninh tới kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân, nhất là trước thềm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, hoạt động này cũng sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước.
Với ý nghĩa đó, chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam có cả ý nghĩa thực chất và biểu tưởng, khẳng định cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với hợp tác Việt Nam - Ấn Độ. Chuyến thăm không chỉ củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mà còn góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối ngoại giao toàn diện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đóng góp đảm bảo môi trường hòa bình ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiếp tục đối mặt với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải: Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ còn rất nhiều dư địa phát triển và sẽ tiếp tục được củng cố, mở rộng trong những năm tới. Tháng 12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narenda Modi đã ký kết Tuyên bố về Tầm nhìn chung cho Hoà bình, Thịnh vượng và Người dân, trong đó đặt ra các định hướng và mục tiêu cần đạt được trong từng lĩnh vực. Đây sẽ là nền tảng để hợp tác hai nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam vô cùng to lớn. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang được tái cơ cấu, hai nước đang trở thành các trung tâm sản xuất mới của khu vực. Theo đó, thương mại sẽ tiếp tục gia tăng và khả năng cao sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2022. Chúng tôi cũng đang kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, dệt may và dược phẩm. Tới thời điểm này, có khoảng 16 nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm, muốn đầu tư vào Việt Nam. Đây là những ngành kinh tế quan trọng cho đất nước. Ấn Độ cũng đang có nhiều chính sách mới kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng tôi cũng hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ, vì đây là một thị trường rất lớn và nhiều triển vọng.
Những tương tác, trao đổi trong thời gian đại dịch mở ra nhiều triển vọng, cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ và thương mại - đầu tư trong lĩnh vực y tế, dược phẩm – nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, vắc-xin. Ấn Độ là nhà thuốc của thế giới, không chỉ có quy mô sản xuất lớn mà khả năng nghiên cứu, phát triển các chế phẩm sinh học mới. Do đó, hợp tác với các đối tác Ấn Độ có thể giúp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm thuốc, vắc xin với giá thành thấp. Nhiều doanh nghiệp lớn Ấn Độ và Việt Nam đã bắt đầu các cuộc trao đổi tìm kiếm khả năng, phương thức hợp tác dược phẩm. Hai bên cần nắm bắt tốt các cơ hội đang mở ra này.
PV: Như đã nói ở trên, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. Vậy theo ông, trong thời gian tới, hai nước cần làm gì trong thời gian tới để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất hơn?
Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải: Để quan hệ đi vào chiều sâu và thực chất hơn, cả hai bên cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, thúc đẩy tư duy mới về đối ngoại. Các cơ quan bộ ngành Việt Nam cần nhận thức rõ ràng Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy với vai trò ngày càng quan trọng ở địa bàn rộng lớn trải rộng từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Giới tinh hoa Ấn Độ cũng cần chú ý nhiều hơn đến các hoạt động thực chất, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong khuôn khổ chính sách Hành động hướng Đông.
Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ lợi ích duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cơ sở luật pháp quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, hai nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn trên các diễn đàn đa phương, sát cánh để cùng bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh nhiều điểm nóng trên thế giới trở nên căng thẳng, hai bên cần tăng cường trao đổi, nỗ lực cùng đấu tranh để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đặc biệt trong không gian biển.
Về chính trị - chiến lược, Việt Nam và Ấn Độ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong đó có quan hệ kênh Đảng, quan hệ nhà nước và giao lưu nhân dân. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn ở tất cả các cấp và các chương trình hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương. Về lâu dài, cần chú ý đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của hàng lang Đông – Tây, tạo ra sự kết nối hạ tàng chiến lược. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được nền tảng của sự đan xen về lợi ích địa chiến lược giữa hai nước, hai dân tộc.
Đồng thời, Việt Nam và Ấn Độ cần tận dụng mọi nguồn lực và tăng cường hợp tác để cùng nhau phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh nhưng đầu tư giữa hai nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, đã và đang xuất hiện các rào cản mới với thương mại. Theo đó, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường và hợp tác để định hình các chuỗi cung ứng mới. Trong bối cảnh dịch bệnh, khá nhiều tranh chấp thương mại nảy sinh, cần được xử lý, giải quyết thỏa đáng.
Không kém phần quan trọng, hai nước cần tạo điều kiện để hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách, thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ. Khoa học, công nghệ là lĩnh vực trọng yếu để tạo ra giá trị bền vững. Theo đó, hai nước cần thiết lập những dự án hợp tác thực chất trên các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ y sinh, năng lượng sạch… Chỉ có sự tự chủ về khoa học và công nghệ mới tạo ra được nền kinh tế tự chủ và bền vững. Ấn Độ là nước chủ trì hai sáng kiến quốc tế quan trọng, Liên minh năng lượng mặt trời (ISA) và Liên minh Hạ tầng bền vững chống thiên tai (CDRI) được nhiều nước ủng hộ. Đây là các cơ chế mới mà Việt Nam có thể cân nhắc tham gia vì lợi ích chiến lược trong lĩnh vực phát triển bền vững.
PV: Ông có thể chia sẻ một số hoạt động nổi bật mà Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức giúp bà con cộng đồng người Việt tại Ấn Độ đón một cái Tết đầm ấm và ý nghĩa?
Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải: Tết nguyên đán là một phong tục, tập quán đẹp, thiêng liêng của người Việt trong nước cũng như trên khắp thế giới. Theo thông lệ, năm nào Đại sứ quán Việt Nam cũng tổ chức Tết Cộng đồng để bà con người Việt Nam xa quê được đón một cái Tết và năm mới quây quần, đầm ấm theo đúng truyền thống người Việt. Do đại dịch COVID-19 hơn hai năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa bà con cộng đồng người Việt về Việt Nam nên số bà con ở lại là không nhiều.
Rất tiếc năm nay, do làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Ấn Độ bùng phát ngay trước Tết với gần 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Đại sứ quán không thể tổ chức đón chào năm mới trước Tết. Đại sứ quán sẽ cân nhắc tổ chức Tết Cộng đồng với hình thức phù hợp khi tình hình có chuyển biến tích cực, vừa bảo đảm cho các bà con còn đang ở lại Ấn Độ cảm nhận được không khí ngày xuân, được hưởng hương vị Tết và tình cảm người Việt, nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe, đời sống của cộng đồng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tham tán Công sứ Đỗ Thanh Hải!
Khánh Lan (Thực hiện)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục