Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác sức mạnh mềm (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác sức mạnh mềm (Phần 1)

05:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS Rajaram Panda*

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam không phải mới hình thành gần đây; hai quốc gia có quá khứ lịch sử kéo dài nhiều thiên niên kỷ, và tầm quan trọng của nó chưa bao giờ mất đi trong tiến trình phát triển của thời kỳ hiện đại.

Với quá khứ lịch sử phong phú, Ấn Độ và Việt Nam giờ đây đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa thông qua một loạt sáng kiến, chẳng hạn như các chương trình trao đổi dành cho các nghệ sĩ, học giả, nhà báo, nông dân và các thành viên Quốc hội. 

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam không phải mới hình thành gần đây; hai quốc gia có quá khứ lịch sử kéo dài nhiều thiên niên kỷ, và tầm quan trọng của nó chưa bao giờ mất đi trong tiến trình phát triển của thời kỳ hiện đại. Câu chuyện hiện tại về mối quan hệ song phương này - mà trong đó các khía cạnh kinh tế và an ninh là chủ đạo và đã trở nên có tầm quan trọng lớn hơn do những thay đổi về địa chính trị ở châu Á - được bổ trợ một cách thích hợp bởi quá khứ lịch sử thân thiện. Thành tố sức mạnh mềm này cũng quan trọng, và việc cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều tham gia tăng cường sự hợp tác này là điều thích hợp. 

Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (CIS) thuộc Học viện chính trị Hồ Chí Minh, Hà Nội, đã đi đầu trong việc tạo ra một nhận thức mới về giá trị của sức mạnh mềm. Với tầm nhìn như vậy, một êkíp của CIS đã tới thăm Ấn Độ vào tháng 8/2017 để trao đổi với các học giả thuộc các tổ chức tư vấn lớn. Để thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu, một hội nghị khoa học quốc tế đã được CIS tổ chức vào cuối tháng 12/2017 tại Hà Nội, nơi các học giả của cả 2 nước sẽ đi sâu tranh luận về việc làm thế nào để có thể tăng cường hơn nữa các lợi ích của công cụ ngoại giao quan trọng này. 

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm 

Tầm quan trọng của sức mạnh mềm là gì? Dù vai trò của sức mạnh mềm đã và đang duy trì được tính thích đáng trong quá khứ cũng như ở hiện tại, chính Joseph Nye là người đã đưa ra lời giải thích mang tính lý luận cho khía cạnh quan trọng này. Theo ông, sức mạnh mềm đề cập đến khả năng của một quốc gia có được những kết quả mà nước này mong muốn, nhưng không thông qua sự đe dọa hay những phần thưởng, mà thông qua sức hấp dẫn của nước này, đặc biệt là sức hấp dẫn của nền văn hóa, các giá trị chính trị và các chính sách của nước đó. Khái niệm này là nền tảng của triết lý trong câu châm ngôn của chiến lược gia cổ đại người Trung Quốc Tôn Tử: "Tốt nhất là thắng mà không cần đánh". 

Quan điểm thay thế 

Có thể có nhiều cách diễn giải về sức mạnh mềm và ý nghĩa của nó có thể khác nhau trong bối cảnh và tình hình mà ở đó nó được sử dụng và giải thích. Cách giải thích của châu Âu không nhất thiết phải giống như trong bối cảnh của châu Á, tuy vậy, đường nét khái quát về định nghĩa của sức mạnh mềm vẫn không thay đổi. Kazuo Ogoura, nhà ngoại giao Nhật Bản, cựu Chủ tịch Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, đã đưa ra một cách giải thích của châu Á về sức mạnh mềm. Ông lưu ý tới sự nhầm lẫn về khái niệm sức mạnh mềm và cảm thấy nó phần nào bị bóp méo, bị sử dụng sai, và trong các trường hợp cực đoan là bị lạm dụng. Theo ông, sức mạnh mềm làm giảm các phí tổn, hay điều mà lý thuyết hệ thống gọi là các phí tổn giao dịch, của việc đạt được các mục tiêu chính sách và, do đó, không chỉ liên quan đến việc thúc đẩy các ngành công nghiệp có "nội dung mềm". Theo ông, vì sức mạnh mềm có vẻ hấp dẫn, nên người ta có xu hướng gọi bất kỳ điều gì "hấp dẫn" là sức mạnh mềm. Tuy nhiên, Ogoura cho rằng, sức hấp dẫn đó làm giàu cho cuộc sống, nhưng chỉ riêng sức hấp dẫn thôi thì không phải là sức mạnh mềm. Do đó, vấn đề này được lập luận như sau: Sức hấp dẫn có thể là một nguồn tạo ra sức mạnh mềm, nhưng việc liệu nó có thể trở thành sức mạnh mềm hay không phụ thuộc vào bản thân mục tiêu chính sách và các phương thức được sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Do vậy, đây có thể là một vấn đề phức tạp. 

Lập luận trên có thể được giải thích thêm trong bối cảnh của Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) chẳng hạn. Thuật ngữ "SDF" ngay lập tức gợi lên cảm giác rằng, nó hoàn toàn liên quan đến sức mạnh cứng. Nhưng tùy thuộc vào cách thức và lý do tại sao SDF được huy động, và trong bối cảnh nào, mà các lực lượng này cũng có thể là nguồn sức mạnh mềm. Một ví dụ khác có thể là các chuyến thăm của các chính trị gia Nhật Bản, trong đó có các cựu thủ tướng, tới đền Yasukuni, ngôi đền vinh danh những người Nhật Bản đã chết trong chiến tranh (trong đó có một số người bị kết án là tội phạm chiến tranh hạng A sau Chiến tranh Thế giới thứ hai), vốn bị chỉ trích cả bên trong lẫn bên ngoài Nhật Bản (Trung Quốc và Hàn Quốc). Nhưng đối với những người theo quan điểm bảo thủ, đền Yasukuni là sức mạnh mềm. Tuy nhiên, công luận đa số có thể thay đổi để tán thành với một quan điểm như vậy, đặc biệt là sau khi có những thay đổi về địa chính trị ở khu vực lân cận của Nhật Bản, chẳng hạn như các mối đe dọa từ Triều Tiên và sự quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề lãnh thổ. Nếu một sự thay đổi như vậy diễn ra, đền Yasukuni, thậm chí, có thể không còn là một nguồn sức mạnh mềm nữa. Do vậy, việc giải thích sức mạnh mềm là gì và có thể định nghĩa sức mạnh mềm như thế nào phụ thuộc vào bối cảnh và tình hình mà ở đó nó được sử dụng. Định nghĩa của Nye về sức mạnh mềm, vốn chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của Mỹ, có thể không được thừa nhận một cách phổ quát. 

Sự thật hiển nhiên là khó có thể đo lường và đánh giá được hiệu quả của sức mạnh mềm. Tuy nhiên, dù khó có thể định lượng sức mạnh mềm, nhưng khái niệm của nó có tầm quan trọng chính bởi các động lực của nền chính trị quốc tế được nêu rõ trong phương diện sức mạnh. Nhưng một lời giải thích như vậy có nhiều vấn đề hơn so với giả định. (Xem tiếp phần 2)


* Tác giả là Chủ tịch Giáo sư liên kết của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) tại Khoa Kinh tế và Doanh nghiệp, Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của ICCR hay Chính phủ Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Pioneer.

Nguồn: Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6884-quan-he-viet-nam-an-do-hop-tac-suc-manh-mem

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục