Sự cố tràn dầu ở California cho thấy những bất cập trong chính sách
Vào tháng 10 năm 2021, một vụ tràn dầu lớn từ một đường ống dẫn dưới nước ở bờ biển phía nam California, Mỹ đã tàn phá trên diện rộng các vùng đất ngập nước, gây ô nhiễm cho các bãi biển và giết chết nhiều động vật hoang dã.
Ngay cả khi các hành động xử lý đang được tiến hành, nhà chức trách đã điều tra về nguyên nhân xảy ra sự cố. Vào thời điểm giữa tháng 10/2021, ước tính có khoảng 126.000 gallon dầu đã bị tràn.
Dầu tràn là chất cực độc đối với sinh vật biển và động vật hoang dã ven biển. Việc làm sạch hoàn toàn lượng dầu tràn là điều vô cùng khó khăn. Bất chấp nhiều nỗ lực làm sạch, dầu vẫn còn động lại và tác động lâu dài đến hệ sinh thái ven biển, ảnh hưởng đến vi khuẩn nhỏ bé, san hô biển sâu, và động vật chân đốt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc làm sạch dầu cho các loài chim và động vật là một công việc rủi ro, và việc làm sạch dầu trên biển thường có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Thời điểm của vụ tràn dầu làm cho tác hại của nó tồi tệ hơn do nó diễn ra trong thời điểm chim đang di cư theo mùa, có nghĩa là nhiều loài chim dừng lại nghỉ chân và kiếm ăn tại các bãi biển và vùng đầm lầy, và khó có thể tìm đủ thức ăn. Các bãi biển và vùng đất ngập nước rải rác trong khu vực là nơi hỗ trợ một số loài đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm cả loài nhạn tuyết và loài nhạn biển nhỏ nhất California. Các dự án khoan dầu ngoài khơi, dù có sự cố tràn dầu hay không cũng được coi là mang lại nguy cơ rủi ro cao cho cư dân sống trong phạm vi bán kính nửa dặm tính từ giếng dầu hoặc khí đang hoạt động. Một số rủi ro sức khỏe, như chuyển dạ sinh non đến các vấn đề về phổi, có thể bắt nguồn từ ô nhiễm liên quan đến khai thác dầu khí.
Đã xảy ra nhiều đợt tràn dầu tại vùng biển California trong vài năm qua. Vụ tràn dầu lớn nhất là ở Santa Barbara năm 1969, đã khởi động phong trào bảo vệ môi trường. Vụ tràn gần nhất là năm 2015 ở Santa Barbara, tràn 123.000 gallon dầu từ một đường ống ngầm trên đất liền dẫn ra đại dương. Vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của Mỹ là ở Vịnh Mexico năm 2010, gây thiệt hại 56 tỷ USD cho BP.
Giồng như các vụ tràn dầu trước đây, mỗi vụ tràn lớn đều dẫn đến những lời kêu gọi cấm khai thác dầu ngoài khơi và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi. California có một số mục tiêu khí hậu đầy tham vọng nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2045. Tuy nhiên, bang này vẫn là nơi cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn thứ bảy ở Mỹ.
Vụ tràn dầu là cảnh báo nhãn tiền cho cư dân ở những khu vực giàu có về mặt sinh thái, văn hóa và nhiều giá trị kinh tế nhất trên thế giới, nhưng môi trường pháp lý hầu như không thay đổi. Ngay cả khi các quy tắc mới, các cuộc thanh tra và kiểm tra an toàn được thực hiện mạnh mẽ, theo thời gian những quy định này vẫn suy yếu đi. Vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 dẫn đến việc ra đời các luật và quy định mới để đối phó với các vụ tràn tàu chở dầu trong tương lai. Nhưng nó không bao gồm những điều khoản về việc khoan dầu ngoài khơi, hoặc đường ống dẫn dưới nước, hoặc một số hình thức tràn dầu khác.
Vì sao chính sách bất cập? Câu trả lời cho câu hỏi này là tình trạng thiếu hụt năng lượng mà thế giới đang trải qua. Bất chấp nhiều cuộc thảo luận về năng lượng sạch và lượng phát thải ròng, con người phụ thuộc vào năng lượng rẻ. Nền kinh tế công nghiệp dầu khí trị giá 87 nghìn tỷ USD và bất kỳ sự chuyển đổi nhanh hơn nào sang năng lượng tái tạo sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho các nền kinh tế mà còn cả an ninh lương thực, và an ninh trong những lĩnh vực khác. Sau cùng, chính nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra sức mạnh cho cuộc cách mạng công nghiệp, kéo hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và định hình thế giới hiện đại.
Nhưng những lợi thế đi kèm với nhược điểm tàn khốc. Dầu tràn chỉ là một trong những hậu quả của việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tất cả mọi người đều có thể thấy những tác động của biến đổi khí hậu như hỏa hoạn, bão, lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán. Tám tỷ người sử dụng nhiều năng lượng hơn bao giờ hết, cần phải có công nghệ và chính sách mạnh mẽ để chuyển dịch theo hướng mới.
Trong khi công nghệ ngày càng phát triển và hướng tới việc tìm ra các giải pháp khả thi, thì cơ hội mang lại sự thay đổi chính sách vẫn còn hạn hẹp. Điều này trở nên đặc biệt khó khăn khi phải tái tạo một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD nằm ở trung tâm của nền kinh tế và cuộc sống của con người. Các quyết định chính trị rất khó vì thường tập trung vào các chính sách có thể nhìn thấy sự thay đổi ngay lập tức. Một chính sách khí hậu bền vững đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan - các chính trị gia cánh tả và cánh hữu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhóm gây áp lực và người dân. Những nhóm này có quan điểm khác nhau, thiếu sự đồng thuận, phân cực rõ ràng và có lợi ích cạnh tranh - tất cả đều là rào cản cho việc tìm ra và thực hiện hành động khí hậu ngay lập tức.
Tác giả: Tiến sĩ Shreya Upadhyay, Trợ lý Giáo sư tại Christ (tương đương Đại học), Bangalore và Phó Giám đốc Danh dự Viện Kalinga Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: http://www.kiips.in/research/what-does-the-california-spill-tell-us-about-policy-paralysis/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục